Vẫn biết rằng hàng năm trên dương trần hiện thế đều có những dịp lễ xá
tội vong
nhân, những lễ lạc cầu siêu cho trăm họ, những lễ vật bố thí ủi an cho
các oan
hồn bạc mệnh, nhưng nào phải oan hồn nào cũng nhận được ân siêu thoát
nếu phước
báu biệt nghiệp tích tụ chưa đủ chưa đầy. Chúng sẽ trở thành những hồn
ma trôi
sông lạc chợ, sẽ trở thành loại cô hồn các đảng phân tán đó đây, oan hồn
nào nếu
có nhân có đức thì an nhiên tu tịnh để mong được tái sinh. Nếu phước báu
không
dày, có khi biến thành ma vương quỷ dữ, tản mạn quấy phá kinh động trăm
họ ngàn
nơi mà rõ rệt nhất là ngày đêm đeo đuổi theo chính những người mẹ, người
cha đã
nhẫn tâm tiêu diệt đi cơ hội để cho chúng được nhận lấy kiếp người.
Những oan
hồn này chẳng khác chi những đứa trẻ sơ sinh, cũng lớn dần theo năm
tháng, cũng
phát triển hoàn bị hệ thống tư tưởng vô minh. Có khác chăng là chúng
không bao
giờ có được cơ hội hiện tiền để tham dự vào thế giới hữu hình của triệu
triệu
con người trên dương trần tại thế. Tội nghiệp chúng lắm thay!
Triệu Phong nhờ phước đức ông bà cha mẹ, lại được ăn học và dạy dỗ đạo
lý nên
người cho nên chàng hiểu được điều này rất rõ rệt. Chàng tự biết, cho
dẫu chỉ vì
vô tình, chàng cũng đã gây nên bao nhiêu là chướng nghiệp oan trái, đã
gián tiếp
tiêu diệt bao nhiêu là mầm sống mang chính máu thịt của chàng. Cho đến
hôm nay
khi hiểu ra thì mọi điều đã dĩ lỡ. Chàng chỉ còn biết ăn năn và đón đợi
những
tai ương nghiệp báo rồi đây sẽ tuần tự che phủ xuống đời chàng.,
*****
Biến cố 30/4/1975 làm cho đất nước Việt Nam rơi vào cơn tao loạn kinh
hoàng. Cả
một cơ đồ dân quân sụp đổ. Người người tán loạn vượt chết đổ ra biển tìm
tàu
lánh nạn lưu vong. Bom nổ đạn bay bốn phương tám hướng khiến người chết,
nhà cửa
tan hoang. Con người chết vì bom đạn cũng lắm mà tàn sát lẫn nhau để vơ
vét của
cải ra đi cũng nhiều. Trung Tá Võ Bị Nguyễn Quang Triều là một trong
những nạn
nhân vắn số. Ông bị trúng đạn tử thương trong lúc trở lại phi trường Tân
Sơn
Nhất để trở sang Hoa Kỳ trong những ngày đầu vừa ban hành lệnh di tản.
Vào lúc đó, các cơ cấu truyền tin của quân đội còn đang hoạt động bình
thường
trước khi bị phá hủy, cho nên chẳng bao lâu sau, Bạch Tuyết Hoa nhận tin
tử nạn
của chồng do Bộ Tư Lệnh quân sự hỗn hợp Việt Mỹ ở Hoa Kỳ thông báo và
phân ưu
trong lúc nàng vẫn an nhiên qua lại tình tự với Triệu Phong chẳng chút
buồn
phiền lo lắng. Trái lại, cái chết của chồng mặc nhiên trở thành một dịp
may ngàn
năm một thuở để cho Triệu Phong với nàng công khai chắp nối bên nhau.
Từ đó, hai người hợp thức hóa biến thành vợ chồng, sống một đời an nhàn
sung túc
nhờ vào số tiền ủy lạo quân nhân tử tuất của chính phủ Mỹ dành cho. Phần
Triệu
Phong, sau khi QLVN tan hàng, chàng được Hoa Kỳ chuyển sang phục vụ
trong ngành
hoa tiêu hàng hải với mức lương khá lớn hàng năm. Họ sống bên nhau tưởng
đâu sẽ
hạnh phúc êm đềm cho đến ngày răng long tóc bạc. Nào ngờ, bắt đầu từ đó
là những
tai nạn hạn họa liên tu bất tận mà họ phải thay phiên gánh chịu đều đều
mà không
thể nào hiểu được vì sao.
*****
Một năm sau Triệu Phong và Bạch Tuyết Hoa sanh được một bé trai bụ bẫm
kháu
khỉnh vô cùng. Thằng bé hay ăn chóng lớn, nhưng chỉ khổ tội thường bị
kinh động
thức giấc và khóc thét trong những đêm khuya, cặp mắt trợn trắng hoảng
hốt,
chừng như nó vô cùng kinh sợ một cái gì trong cơn say ngủ. Mấy lúc ban
đầu,
Triệu Phong và Tuyết Hoa cho rằng trẻ con thường hay khóc đêm vì những
nguyên
nhân dễ hiểu bình thường. Hai vợ chồng không quản ngại thời giờ hoặc
tiền bạc,
sẵn sàng đưa đứa con trai yêu quí đến chữa trị tại những phòng mạch nhi
đồng của
các danh y để tìm ra con bệnh. Nhưng không có vị bác sĩ nào khám phá ra
được một
nguyên nhân đặc biệt, ngoài những lời dặn dò săn sóc như thông lệ dành
cho các
trẻ em còn ở tuổi lên ba.
Khoảng sáu tháng sau, vào một buổi trưa giữa thanh thiên bạch nhật thì
đứa trẻ
đột ngột chết khi Tuyết Hoa vừa tắm xong cho con, nàng đặt nó nằm ở trên
giường
nệm êm ấm. Qua khung cửa kiếng, nàng thoáng thấy dáng người phụ nữ đưa
thư, định
tâm sẽ ôm thùng quà không lớn lắm ra để nhờ người đưa thư cho nàng biết
giá cước
phí phải trả để gởi về cho gia đình bên quê nhà. Chuyện trò cùng người
phát thư
chưa đầy 10 phút, lúc trở vào nhà, Tuyết Hoa vào phòng riêng của thằng
nhỏ thăm
chừng con thì thằng bé đã hết thở, trong khi thân nhiệt vẫn còn. Nàng
thất kinh
hồn vía, bốc điện thoại kêu gọi tứ tung, từ Triệu Phong đến nhà thờ Hội
Thánh
Tin Lành, sở cảnh sát, sở cứu hỏa và ngay cả cho vị bác sĩ riêng của con
mình.
Xác thằng nhỏ được được đưa đi khám nghiệm để tìm ra nguyên cớ qua đời.
Sau tất
cả mọi thủ tục giảo nghiệm hiện đại nhất, các chuyên viên liên hệ chỉ có
thể ghi
trong tờ giấy khai tử mấy hàng chữ : "Chết vì nghẽn mạch máu não”.
Chôn táng tươm tất cho đứa con trai xong thì Bạch Tuyết Hoa và Hoàng
Triệu Phong
ngơ ngẩn giống như hai kẻ mất hồn. Đêm ngày biếng ăn mất ngủ, ủ rũ buồn
phiền
khiến việc làm hàng ngày trong sở không được hoàn hảo như trước, đến nỗi
ban
giám đốc phải ban hành lệnh khai trừ sau nhiều lần nhắc nhở, cảnh cáo.
Mất sở làm hai vợ chồng cũng chẳng buồn quan tâm. Để thay đổi không khí
sống, họ
tổ chức những chuyến đi chơi xa trên chiếc xe Van rất đầy đủ tiện nghi.
Họ
thường lái xe rong ruổi đường xa. Có lúc lái suốt trong đêm hoang vắng,
tìm đến
những nơi danh lam thắng cảnh, ngừng xe lại ngủ qua đêm hoặc để tận
hưởng thú
tiêu dao mây nước nên thơ hữu tình.
Rất nhiều lần Triệu Phong lặng lẽ lái xe ban đêm, trong lúc Bạch Tuyết
Hoa rũ
đầu ngồi ngủ gà ngủ gật ở ghế bên, cả hai cùng nghe rất rõ có nhiều
tiếng trẻ
con léo nhéo nô đùa trong lòng xe trống vắng phía sau. Hai vợ chồng vội
bật đèn
trong xe, ngoái đầu nhìn lại thì những hàng ghế phía sau thốt nhiên hoàn
toàn im
vắng, tiếng trẻ nít nô đùa thoắt nhiên mất hẳn. Họ ngỡ rằng cả hai, có
lẽ vì quá
thương nhớ đứa con đã chết nên có ảo giác như vậy mà thôi. Nhưng khi tắt
đèn
trong xe, tiếp tục lái đi thì lại nghe như có cả đám trẻ con đứa khóc
đứa cười
réo lên cực kỳ inh ỏi.
Họ là những người không dễ dàng tin tưởng vào những chuyện hoang đường
giả tưởng
hồn ma bóng quế, nhưng quá nhiều lần cả hai đích thân nghe rõ tiếng ồn
ào léo
nhéo của trẻ con trong chính chiếc xe của mình, Triệu Phong và Bạch
Tuyết Hoa
cũng có phần ái ngại mà chẳng biết phải làm sao.
Có một lần họ lái xe về vùng nắng ấm Cali là nơi bây giờ đã có rất đông
người
Việt Nam tỵ nạn đưa nhau về đây sinh sống. Thực phẩm Á đông, chợ búa,
nhà hàng,
nhà thờ, đình chùa mọc lên như nấm gần giống như khi còn ở quê nhà,
khiến cho cả
hai người như vừa tìm lại được những gì lâu nay họ đã bị mất. May thay,
cũng tại
vùng đất này, hai người gặp lại khá nhiều bạn bè xưa cũ. Những bạn hữu
thân
thiết của hai người từng khuyên họ:
- Ông bà sinh sống ở tiểu bang đó vừa lạnh quanh năm vừa buồn muôn thuở,
sao
không dọn hẳn về đây chung sống hoặc làm ăn với chúng tôi để chờ đợi
ngày về lại
quê hương.
Được lời như cởi tấm lòng. Hai vợ chồng tính toán thật nhanh chóng rồi
trở lại
tiểu bang cũ xa xôi, thu góp tiền tài, bán hết nhà cửa xe pháo, gom được
một số
vốn khá lớn trở lại Cali, mua một căn nhà nằm kề cận với phố Bolsa. Bạch
Tuyết
Hoa mở ngay một cửa tiệm kim hoàn, buôn may bán đắt, còn Triệu Phong
chung góp
với một người bạn thân mở ra cơ sở thiết kế hệ thống điện toán cá nhân
cung cấp
cho đủ loại khách hàng Mỹ, Tàu, Ta, Mễ...
Đời sống vật chất của Bạch Tuyết Hoa và Triệu Phong phát đạt như lúa
trúng mùa.
Công việc làm ăn buôn bán của họ thật hưng thịnh và chắc chắn nếu không
có một
biến cố thương tâm khác xảy đến với Bạch Tuyết Hoa. Số là có nhóm người
đến điều
đình với Tuyết Hoa. Họ muốn dùng cửa tiệm kim hoàn của nàng làm địa điểm
giao
thương để chuyển và nhận thường xuyên một số kim hoàn từ Hồng Kông đem
đến để
rồi một nhóm người khác đã được nhận diện kỹ càng đến trách nhiệm mang
đi. Bạch
Tuyết Hoa, ngoài việc mua bán vàng bạc hột xoàn bình thường, hàng tháng
nàng còn
có thêm nguồn lợi nhuận không nhỏ do dịch vụ này đem tới. Càng lúc, họ
càng giàu
đến độ, cả khu thương mại Bolsa ai ai cũng đều biết tiếng tăm vị nể.
Nhưng họ
chẳng để ý đến một điều có danh thì có họa...
Đùng một cái, báo chí đồng loạt loan tin bà chủ tiệm kim hoàn Đại Phát
Bạch
Tuyết Hoa bị cướp tại nhà riêng và bị giết chết một cách vô cùng thương
tâm sau
khi bọn cướp có võ trang thay phiên nhau hành hạ thân xác của bà. Cảnh
sát đang
cố gắng truy lùng các tay tội phạm.
Trong khi đó, Bạch Tuyết Hoa còn có đứa con gái riêng với người chồng cũ
là ông
Nguyễn Quang Triều tên Christian Nguyễn nay đã lớn đang học nội trú
ngành nghiên
cứu không gian sắp ra trường, nhận được hung tin của mẹ, cấp tốc bay qua
Cali.
Nhưng không biết họa vô đơn chí ra sao, cô nhờ người bạn trai chở cô ra
phi
trường, chiếc xe chạy quá vội với tốc độ trên 75Ml/h, húc vào bờ cản
bằng xi
măng ngăn đôi xa lộ. Chiếc xe bị lật sấp nhiều vòng mang lại tử thương
cho người
con gái Christian Nguyễn không còn kịp mang tang mẹ, người bạn trai của
cô không
chết, chỉ bị gẫy một ống chân, xem như bị tàn tật suốt đời.
Triệu Phong hoàn tất tang lễ cho vợ vừa xong, lại cấp tốc bay sang tiểu
bang nọ
để lo chôn táng cho con gái riêng của nàng, vừa mệt mỏi rã rời vừa chán
nản cùng
tột. Khi trở lại Cali, theo lời chỉ dẫn của một vị cao tăng chủ trì tang
lễ, đem
di ảnh của vợ cùng với đứa con trai đã chết về chùa mong được ngày đêm
cầu siêu
hương khói. Chàng như không còn sinh thú nào để mà luyến lưu tha thiết.
Buồn
chán xâm lấn tận cùng hồn xác người đàn ông một thuở huy hoàng oanh
liệt.
Tiệm kim hoàn của Bạch Tuyết Hoa, vợ chàng được sang nhượng lại cho một
tài
phiệt người Đài Loan. Căn tiệm thiết kế điện tử của chàng chẳng bao lâu
bỗng
nhiên thưa thớt đơn đặt hàng. Có điều lạ là cửa tiệm do Triệu Phong là
người ra
vốn, chàng tham dự rất ít vào công việc điều hành. Việc quản trị kinh
doanh từ
bao lâu nay vẫn do người bạn partner của chàng trách nhiệm. Có nghĩa là,
dù
chàng có bị khủng hoảng về tâm linh, sao lãng phần nào trong công việc
giao
thương, thì vẫn còn có người partner (người hùng vốn) thường xuyên phụ
trách, cớ
sao thương vụ lại đi xuống một cách bất ngờ. Đến nỗi, người bạn của
Triệu Phong
không ngừng thốt lên lời than thở :
- Thật không thể hiểu được tại sao. Mọi việc đang tiến triển khả quan,
không
dưng sảy ra những việc cho thấy hết sức khác thường. Anh nói cho tôi
biết lý do
nào cùng một lúc các hóa đơn mình sắp sửa giao hàng thì lại nhận được
giấy từ
chối với những lý do thật là kỳ lạ...
Chỉ có trời mới biết được tại sao! Triệu Phong cứng họng trước những lời
thở
than của của người bạn partner.
Một vài khi Triệu Phong ghé chùa, nơi có để di ảnh vợ con, thắp cho họ
một nén
hương lòng tưởng niệm với những lời thì thầm thương nhớ thiết tha, chàng
chậm
rãi thả bước ra vườn sau ngoạn cảnh tĩnh lặng của chùa thì bất đồ sư ông
trụ trì
đi tới, người lên tiếng vồn vã hỏi han :
- Ông Phong hôm nay đến thắp nhang cho bà nhà và cháu?
- Dạ kính bạch sư ông!
Sư ông đon đả :
- Hôm nay ông Phong nếu không quá bận công việc thì ở lại đây trò chuyện
cùng
tôi dăm phút được không?
Chàng lễ phép chắp tay :
- Thưa Sư Ông được lắm ạ!
Vị chân tu với một kẻ phàm trần thong dong ngồi xuống cái bàn gỗ nhỏ
dưới tàn
cây xum xuê bóng bát, trước mặt là hai tách trà thơm nghi ngút khói, bên
cạnh là
bàn cờ tướng với những con cờ lăn lóc, xô lệch lung tung. Một lát, Sư
Ông chậm
rãi mở lời :
- Không biết tôi có nên nhắc cho ông Phong biết rõ một điều...
Triệu Phong ngước nhìn khuôn mặt nhân từ thanh thoát của vị cao tăng một
cách
tín cẩn cung kính, chàng đáp :
- Bạch Sư ông, xin ngài cứ tự nhiên dạy bảo, kẻ phàm này xin hết lòng
biết ơn.
Ngừng một lát Sư ông tiếp lời :
- Có phải lúc này công việc làm ăn của ông Phong bỗng kém phần hanh
thông phát
đạt?
- Bạch Sư Ông qủa có như vậy! Sao ngài biết quá rõ?
Sư Ông nở nhẹ nụ cười không trả lời câu hỏi của Triệu Phong, Sư Ông tiếp
:
- Từ nhiều năm nay ông Phong luôn luôn gặp phải nhiều rủi ro buồn phiền?
- Bạch Sư Ông, ngài đã nói rất đúng. Không biết có phải tại con...
Sư Ông nhè nhẹ khoác tay :
- Ông khoan nói ra điều gì, hãy để cho tôi hỏi trước. Ngừng một lát, Sư
Ông hỏi
:
- Cơ sở buôn bán của ông Phong nằm ở chỗ nào, có thể cho tôi biết được
không?
Triệu Phong không ngần ngại, lấy ra tấm danh thiếp có in rõ địa chỉ, số
điện
thoại của cơ sở thiết kế điện tử của chàng. Cầm lấy tấm card của Triệu
Phong, Sư
Ông thong thả đứng lên như có ý cáo từ :
- Ngày mai tôi sẽ nhờ người đưa đến thăm cửa tiệm của Ông Phong. Ông có
ngại về
chuyện đó không vậy?
Triệu Phong hoan hỉ nhận lời. Chàng thầm đoán Sư Ông đã muốn chấm dứt
câu
chuyện, vội vã cúi chào rồi lầm lũi bước về chỗ đậu xe.
Ngày hôm sau, Triệu Phong đón tiếp Sư Ông tại căn tiệm của chàng với tất
cả sự
thành tâm của một tín đồ khiêm nhượng bằng một bình trà thơm thật đậm do
chính
tay chàng pha sẵn và hai ba loại bánh ngọt để tiếp đãi sư ông. Nhưng khi
Sư Ông
tới, ông không hề đặt chân vào bên trong cửa tiệm, chỉ đứng quan sát ở
bên
ngoài, đôi mắt Sư Ông trở niên nghiêm trang khác lạ như đang chú mục vào
một vật
gì mà chàng không thể nào cảm được.
Nắng đã khá cao, bắt đầu tỏa ra hơi nóng của buổi trưa hè. Đứng im lặng
một hồi
với tia nhìn đảo quanh trong căn tiệm, Sư Ông quày gót ra xe, không quên
dặn lại
Triệu Phong :
- Lúc nào có thời gian rảnh rỗi, mời Ông Phong lại chùa cùng tôi trò
chuyện cho
vui. Nói xong Sư Ông lên xe ra về mặc cho Triệu Phong khẩn khoản mời ông
vào
tiệm uống chút trà ăn bánh ngọt.
Buổi chiều cùng ngày, không ngăn được sự tò mò về thái độ trầm mặc khó
hiểu của
vị cao tăng, chàng rất nóng lòng, không muốn trì hoãn, vội vã lái xe đến
chùa,
thắp cho vợ con mỗi người một nén nhang như thông lệ. Vừa quay gót trở
ra, chàng
thoáng thấy Sư Ông hiện ra giữa khung cửa chánh điện. Ông khoác tay chỉ
ra sau
chùa. Triệu Phong ngầm hiểu, chàng tiến đến cái bàn gỗ thô dưới gốc cây
xum xuê
hôm trước.
Chỉ ly nước trà lung linh khói, Sư Ông nói :
- Uống chút trà cho thơm miệng, Ông Phong!
Triệu Phong nhẹ nâng tách trà trong khi Sư Ông nói giọng nhỏ nhẹ :
- Ông còn nhiều phước báu lắm đó ông Phong ạ!
Triệu Phong rất bỡ ngỡ, chưa biết vị cao tăng nhân hậu này muốn đề cập
với chàng
về điều gì thì Sư Ông đã tiếp :
- Theo chỗ tôi cảm nhận, thời gian dài đã qua, ông liên tiếp tạo nên
những
nghiệp lực hết sức nặng nề mà ông không hề hay biết, có phải vậy không?
- Kính Bạch Sư Ông, quả nhiên con không hề hay biết bản thân con đã gây
ra những
lầm lỗi nào!
- Nặng nề lắm ông Phong ạ! Để tôi nói thử ông nghe vài điều. Nếu không
sai, tôi
sẽ nói tiếp. Nếu không đúng ông cứ bỏ qua cho, ông nhé!
Uống nhẹ một hớp trà, Sư Ông chậm rãi nói :
- Ngày hôm qua, tôi đã đến thăm cửa tiệm của ông Phong và đã hiểu ra
được phần
nào lý do thời gian gần đây ông mãi luôn gặp xui rủi.
Triệu Phong nôn nóng ngắt lời :
- Bạch Sư Ông, Sư Ông đã hiểu ra được điều gì?
- Chẳng những tôi hiểu được mà còn cảm được, còn "thấy” được cả chúng
nữa.
Nghe đến đây, Triệu Phong bắt đầu thấy gờn gợn từ các lỗ chân lông.
- Tôi thấy bên trong tiệm và chung quanh chỗ ông ngồi có một bầy con
nít. Thái
độ của chúng tỏ ra chúng rất thù ghét ông nhưng cũng thương ông ghê gớm
lắm,
không nỡ xa ông nửa bước. Ông có tin được lời tôi nói không vậy ông
Phong?
- Kính Bạch Sư Ông, con rất tin tưởng lời ngài. Nhưng có một điều con
chưa đủ
sức hiểu là tại sao lại có một lũ trẻ con vừa thương vừa thù ghét con
bên trong
cửa tiệm? Sao con không hề trông thấy chúng?
- Làm sao ông thấy chúng được vì chúng đâu phải là người. Xin nói ngay
cho ông
biết, chúng chỉ là những oan hồn uổng tử đã bị giết chết một cách tức
tưởi oan
khiên, chúng chính là những đứa con hoang thai của ông với những người
phụ nữ mà
ông từng chung chạ qua đường rồi những người đàn bà này, do một trở ngại
nào đó,
họ đã tự ý tìm cách phá thai, tức là họ đã nhẫn tâm giết chết đi chính
những đứa
con mang máu thịt của họ và của ông, cho nên chúng không có cơ hội chào
đời.
Điều tôi nói có đúng phần nào không vậy ông Phong?
Đầu óc Triệu Phong như được khơi dậy toàn bộ những gì đã qua với bao
nhiêu con
gái đàn bà trong thời dĩ vãng. Chưa lúc nào bằng lúc này, cõi lòng Triệu
Phong
như tiêu điều rũ liệt. Chàng cảm thấy thống khổ và hết sức ăn năn. Ngước
đôi mắt
u uẩn nhìn vị cao tăng như một sự van xin cứu giúp. Vị Sư già chậm rãi
nói tiếp,
giọng ông nhẹ nhàng thanh thoát như đang quyện trong lanø gió thoảng vi
vu :
- Nói rằng chúng chỉ ở trong cửa tiệm của ông thì không đúng hẳn mà
chúng thường
quấn quít bên ông ở bất cứ chỗ nào có ông hiện diện, chúng đều lũ lượt
kéo theo
ông sát nút, cả đêm lẫn ngày. Chẳng hạn như ngay trong lúc này, tại đây,
ông có
một chút xíu cảm giác nào là đang có nhiều con trẻ bu ở chung quanh ông
không
vậy?
Nghe Sư Ông nói, Triệu Phong nổi hẳn da gà. Buổi chiều nắng chưa tắt hẳn
nhưng
chàng đã cảm thấy rờn rợn ở châu thân. Chàng khe khẽ lắc đầu, trong khi
vị sư
già bình thản giảng tiếp :
- Lũ trẻ đó chính là những đứa con vô hình của ông. Ông hiểu rồi chứ?
Theo lề
luật tự nhiên, tuy không được làm người, nhưng chúng cũng vẫn có khả
năng khôn
lớn theo thời gian. Chúng cũng có những xúc cảm và nhu cầu vật chất y
hệt con
người biết yêu thương oán hận, biết đói lạnh khổ đau, biết ganh tị sân
si...Nghĩa là tâm trạng thường hằng của con người ra sao thì các oan hồn
uổng
tử, các cô hồn các đảng cũng diễn ra như vậy. Điều khốn khổ lớn nhất của
những
oan hồn này là không có con đường đi tới, cũng không có cơ hội được trở
về.
Ngừng lại trong giây lát, vị sư già nói tiếp :
- Nhưng ông Phong có hiểu rõ qui luật tái sinh nhân qủa này không đã!
Ngước đôi mắt mệt mỏi nhìn vị sư già, Triệu Phong khe khẽ lắc đầu. Sư
ông nhấp
chút nước trà như để thấm giọng, sư ông nói tiếp :
- Dễ hiểu thôi ông Phong ạ! Tôi tạm thí dụ như thế này để ông đỡ thắc
mắc. Âm
giới cũng không khác mấy với dương gian. Khi một ông tư lệnh chỉ định
một toán
quân đi làm nhiệm vụ thì ông ta đã biết những quân nhân này là ai, họ sẽ
đến nơi
nào, rồi bao lâu họ sẽ được gọi về. Một linh hồn bên âm giới khi đã đủ
phước báu
để được tái sinh đi đầu thai nhận lại kiếp người. Sổ nhà trời đã ghi như
vậy.
Nhưng khi vừa được thụ thai, thay vì sẽ được hạ sanh như bao nhiêu đứa
trẻ bình
thường khác, thai nhi này bị phá đi, bị hủy hoại. Như vậy số phận của
thai nhi
đó sẽ đi về đâu nếu không phải là những oan hồn uổng tử? Đi chưa được
đến nơi mà
trở về thì chưa có thiên lệnh, con đường đã bị bịt kín lối, chúng sẽ hóa
kiếp
thành cái gì nếu không phải là các âm hồn tức tưởi nhận chịu lấy số phần
oan
khuất. Cho đến khi hội đủ âm đức do sự hồi hướng của nghiệp lực thì sẽ
được hóa
kiếp tái sanh! Nhưng công đức hồi hướng từ đâu mà có, nếu không phải là
do chính
tâm tu tập cùng với phước báu qui tụ từ thập loại chúng sinh lẫn những
người có
trách nhiệm khai sinh ra nó, tức là các người làm mẹ làm cha, cho dù
thai nhi đã
bị hủy đi, đứa trẻ không được cất tiếng chào đời.
Nghe đến đây, Triệu Phong khiếp sợ rùng mình. Chàng có cảm tưởng như vị
sư già
đã soi rọi đúng chân tướng lâu nay vì đời sống tâm linh hời hợt, chàng
đã không
hề quan tâm nghĩ tới. Triệu Phong ngắt lời vị sư già :
- Cúi xin Sư ông ban cho con một lời chỉ dạy để cho con còn có cơ hội
sám hối ăn
năn.
Sư ông nhìn Triệu Phong bằng đôi mắt thương xót hiền từ, ông nói :
- Con người thì nhân vô thập toàn, mấy ai có được duyên cơ để mà giác
ngộ. Tội
lỗi thì đã xảy ra, dù kẻ lầm lỗi chẳng qua cũng chỉ vô tình. Điều quan
trọng là
ta phải thành khẩn ăn năn và không cố tình tái phạm.
- Dạ!
Vị sư già đặt bàn tay tâm từ lên vai Triệu Phong như muốn truyền sang
cho chàng
lòng
yêu thương cùng sức mạnh thần bí :
- Chuyện đã dĩ lỡ, ông cũng đừng qúa chán nản bi quan. Thượng đế bao
dung, Chúa
Phật lúc nào cũng có sẵn đường đi để cho đàn con dại quay gót trở về, từ
bỏ bến
mê tục lụy. Ông hãy thành tâm sám hối. Rồi mọi sự đen tối sẽ qua đi.
Triệu Phong khẩn khoản van xin :
- Kính Bạch sư Ông chỉ dạy thêm cho con phải thực hiện những gì để con
chuộc lại
những điều đã vô tình vấp phải.
Sư Ông rót thêm chút nước trà đã nguội vào cái chung trước mặt, nhấp một
ngụm
nhỏ rồi nở nụ cười rạng rỡ như trẻ thơ :
- Tôi đã nói với ông rằng ông còn có nhiều phước báu, ông có biết vậy
không?
Phước báu là những điều lành điều thiện mà tự bản chất, ông đã đem đến
cho mọi
người ở chung quanh. Nếu chẳng may ông là một người đầy lòng sát sanh ti
tiện,
tham lam ích kỷ, quên nghĩa trọng tài, tôi e ông khó mà tránh được những
hậu qủa
bi thương chắc chắn sẽ sảy ra cho chính bản thân ông do các oan hồn hài
nhi quay
về tác loạn chứ không phải chỉ ở nơi những người thân quyến thương yêu.
Im lặng một lúc, Triệu Phong hỏi vị sư già:
- Kính Bạch sư Ông! Con thật tâm ăn năn sám hối. Từ nay con sẽ dốc lòng
không
còn vi phạm.
Vị sư già phá ra cười thành tiếng :
- Chưa đủ hẳn đâu ông ơi! Để chuộc lỗi, từ rày ông nên chú ý nhiều hơn
đến vấn
đề tu thân tích đức, kềm chế và từ bỏ mọi tham dục s6n si, lánh dữ làm
lành và
hãy ân cần bố thí cho thập loại chúng sinh. Còn nữa, ông hãy nhớ thực
hành thêm
những điều tôi sẽ căn dặn.
Triệu Phong nói như van xin :
- Kính xin sư ông dạy con phải thêm những gì?
- Dễ thôi ông ạ! Ngoài việc chuyên tâm ăn năn sám hối, ông cố nhớ lại đã
có bao
nhiêu lần ông là người gián tiếp góp phần vào những vụ phá thai. Bao
nhiêu lần
là bao nhiêu thai nhi đã bị hủy diệt sự sống, ông phải tìm cho chúng một
con
đường giải thoát, hòng giúp chúng siêu thăng tịnh độ để chúng khỏi mãi
mãi là
những oan vong không có đầu mối để trở về. Ông hiểu ý tôi rồi chứ?
Làm theo sự chỉ dạy của sư ông, Triệu Phong cố gắng ôn lại những đoạn
đời dĩ
vãng cùng những người đàn bà con gái dù có hay không có chút ân tình sâu
đậm, đã
hơn một lần cùng chàng vầy cuộc mây mưa, từ lúc lớn khôn cho đến bây
giờ. Con số
thật sự nhiều qúa, chàng không thể nào ghi nhớ trọn vẹn từng người, từng
ngày
từng tháng, đành âm thầm thực hiện những bài vị siêu nhiên, đặt cho mỗi
bài vị
một cái tên có mang họ của chàng rồi tập trung đem hết lên chùa, xin vị
sư già
tổ chức cho một buổi lễ, kêu gọi các sinh linh uổng tử từng là giọt máu
của
Triệu Phong về hết nơi đây để đêm ngày hưởng chút lộc vị hương nhang no
đầy ấm
áp đồng thời thường xuyên nghe lời kinh thuyết giảng để được hồi hướng
tâm linh
đợi đến ngày được siêu thăng siêu thoát, quên bỏ đi hết những oán hận
hiềm thù
quả báo với những người ruột thịt như Bạch Tuyết Hoa đã bị chúng trả thù
cho đến
khi phải chết khốn khổ đau thương, như Cô Christian Nguyễn, vốn là một
thân tộc
cùng mẹ khác cha, như đứa bé lên ba hoặc kỳ dư, cả với thập loại chúng
sinh vô
tội vô tình.
Thi hành xong các nghi thức tôn giáo, Triệu Phong quày quả trở về căn
nhà tiện
nghi thoắt nhiên biến thành hoang liêu hiu quạnh từ ngày Bạch Tuyết Hoa
bị thảm
sát thương tâm, dù trong tâm khảm của chàng, nỗi niềm ăn năn sám hối đã
giúp
chàng nghe như có nhiều phần thanh thản nhẹ nhàng.
Đột nhiên Triệu Phong nhận ra cuộc đời của chàng monh manh vô vị như một
cuốn
phim hiện thực quay nhanh không có chút gì được coi là miên viễn. Thực
thực hư
hư, còn đó mất đó chẳng chút lâu bền. Hạnh phúc hay khổ đau, cùng khổ
hay sang
giàu, thăng trầm hay vinh nhục cũng chỉ là những giả tạm trong lòng cuộc
đời.
Chàng khóa trái cánh cửa nhà, từng bước chân chậm chạp trở lại trong xe,
ngồi
tần ngần trước vòng tay lái, ngước mặt nhìn lên bầu trời từ lúc nào đã
ngập chìm
vào trong đêm đen đầy những vì sao lấp lánh. Triệu Phong thở một hơi
thật dài,
chiếc xe vụt biến vào lòng đêm.
Từ đó, không có ai gặp lại Triệu Phong. Nghe đâu người đàn ông đào hoa
thuở
trước đã dốc tâm về an thân qui ẩn thầm lặng tại một thị xã gần phía
chân núi,
rất ít khi tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Hay là anh ta cũng đã hóa ra
người
thiên cổ cũng chẳng có ai hay.