Mới nghe qua tên am, tôi đã tưởng họ nói đùa. Nhưng không, người kể cho
tôi nghe nói với một giọng nghiêm chỉnh lắm.
Cái am ấy nhỏ, được xây bằng chất vôi, nằm trên bờ sông Bồ thuộc về làng
Thanh Trúc. Trong am chỉ đặt một bát lư hương và cặp đòn con bằng gỗ
tiện. Trước cửa am có che một bức sáo xanh kẻ chữ thọ màu hồng. Cách
am năm bước có cái mồ đắp lên khá cao. Ngôi mả của người cu-ly xe.
Chuyện về cái am này ở hai vùng Thanh Lương và Hương Cần ai cũng biết.
Hễ có dịp đi qua vùng này ghé vào quán gần bên am thì quý vị sẽ nghe bà
quán kể lại. Bà quán kể riết rồi thành có duyên và có nhiều đoạn bà ta
nói như đọc thuộc lòng.
Từ ga Văn Xá đến bến đò làng Thanh đi khoảng trên hai cây số. Bên kia
sông là huyện Quảng Ðiền. Bến đò ấy nằm vào một chỗ hoang vắng vì bên
cạnh con sông là cái cồn mồ. Ở đó qua huyện Quảng Ðiền gần hơn là quay
trở về làng Thanh. Dẫn khách đến ga là nhờ con đường chạy dài trong
thôn xóm, qua vài cái cầu ngắn xây bằng gạch và ba bốn khoảng phơi mình
giữa đồng cỏ cháy. Con đường ấy được nhiều người đi nhất.
Bến Ga Xe Lửa Văn Xá làm lễ lạc khai mạc xong thì sau đó hai tuần một
người mù đem chiếc xe tay đến đón khách. Ðó là một cái xe kéo trong
thật là thê thảm với hai chiếc bánh xe độn bằng rơm và trần xe bị rách
thủng nhiều chỗ.
Khổ hơn nữa là người kéo xe đã mù lại già, đầu tóc bạc phơ, người hơi
gầy và trán hói. Ông ta biết được đường xá nhờ đứa cháu nội lên mười
chạy dìu theo phía trước. Cứ ngày bốn buổi hai ông cháu lên ga Văn Xá
đón khách về huyện Quảng Ðiền. Ðời tuy vất vả nhưng có kẻ thương tình
đi xe ông kéo nên cũng đủ sống qua ngày. Lệ thường cứ mỗi chuyến xe
được năm xu. Hai ông cháu ngày nào cũng kiếm được một vài hào đủ tiêu
dùng và cơm cháo.
Từ ngày có xe lửa, dân mấy vùng quê, ai cũng thèm đi. Họ đi chỉ để mua
vui mà thôi. Vì họ thấy chiếc xe sắt này kỳ lạ mà lại chạy nhanh nữa
nên họ thích lắm. Họ thích nhất là đứng trên tàu gọi tên mấy người quen
đang đi trên đường cái quan. Nhiều khi họ mua vé từ sân ga này đến sân
ga kia rồi từ sân ga kia trở về sân ga làng. Thời đó họ còn chưa biết
đến sự tiện lợi của sự đi xe. Họ chỉ biết cái thú lên xe lửa để ngắm
cảnh và nhìn người qua lại. Nhờ vậy mà ga Văn Xá ngày nào cũng tấp nập
người ra kẻ vào. Và hai ông cháu người kéo xe kiếm được miếng ăn rất
dễ. Người đi xe lửa khi ra khỏi ga họ muốn lên xe kéo ngay. Họ đã quen
với sự nhanh chóng vì đi bộ đối với họ lúc đó là một chuyện phiền phức.
Nhưng được một người kéo xe mạnh khỏe thì nói làm gì, đằng này bước
chân lên xe người già mù, thì người khổ chưa hẳn là người kéo mà thật ra
là người được ngồi. Huống chi đây lại phải chịu cái tội trông một đứa
trẻ chạy không kịp thở, ngã tới vờn lui, theo bước chân của một ông già
yếu đuối. Nên nhiều người thương hại không muốn đi xe ông kéo.
Nhưng lòng nhân ái càng ban truyền ra thì người mù kéo xe lại càng thêm
túng thiếu. Rồi sau này chỉ còn những người ốm hay già yếu, và thỉnh
thoảng vài người say rượu, mới bước lên xe ông. Có người thương hại nên
chỉ gởi vài bao hành lý để ông kéo rồi trả cho ông vài xu. Nhưng hạng
người này hiếm lắm, đợi năm sáu chuyến tàu mới gặp được một người.
Khi màn đêm buông xuống hai ông cháu thường về ngủ trong một cái mui
thuyền đặt bên cạnh bờ sông. Sáng sớm ba giờ đã phải dậy, vì phải đợi
khách bên huyện Quảng qua sông đi chuyến tàu bốn giờ. Tiền bạc thu được
đều do người cháu giữ, và ông cũng ít khi nào hỏi đến, trừ những lúc
ông muốn mua một vài cút rượu trắng hay khi nhớ đến những ngày giỗ của
gia hương. Ngoài ra, người cháu tuy trẻ tuổi nhưng rất khôn lanh, đã lo
liệu đủ điều từ miếng ăn đến cái mặc.
Mùa đông năm Ngọ lạnh và mưa luôn ngày luôn đêm. Con đường từ ga về bến
đò đã nhiều nơi bị hê hũng, và nhiều cái cống đất nhỏ bị nước cuốn trôi
đi. Hai ông cháu phải bỏ công sức ra làm lại, có thế xe mới đi qua
được. Con đường tuy là của chung nhưng chỉ riêng hai ông cháu để ý và
lo lắng hơn cả. Xe dạo ấy ế ẩm vô cùng, vã lại gặp cái xe trần thủng,
nước tát vào như giội, khách cũng tháy chán không buồn đi. Ðêm nào lên
ga đợi chuyến tàu suốt chín giờ, hai ông cháu cũng dẫn xe về không.
Chất chồng vào cái hại kể trên, chuyến đò làng Thanh không qua lại nữa,
vì hai làng Thanh Lương và Thanh Trúc đang kiện nhau để được độc quyền
về nghề chở khách. Dân quanh vùng phải đi ngược lên khá xa mới qua bến
đò làng Triệu. Phía ấy cũng cũng có đường đi lên ga nhưng hẹp lắm. Hai
ông cháu đành đưa người đi lại quanh vùng Thanh Trúc và chờ nhà nước xử
xong, để chở thêm khách bên huyện Quảng Ðiền.
Một đêm trung tuần tháng chạp, chuyến xe lửa chạy liên tục lại trễ mất
ba giờ. Lúc ấy vào giữa đêm, nghe tàu đến hai ông cháu đã mừng thầm
trong bụng. Một lát sau, con tàu đã bắt đầu sục sịch chạy, ông kéo xe
vẫn chưa nghe thấy có tiếng bước chân nào ra khỏi ga. Ông lên tiếng gọi
thằng cháu nhưng thằng bé đã lẫn đi ngã nào. Ông nghĩ rằng có lẽ nó
đang đứng đón khách ở bên trong sân ga nên định bụng chờ. Mấy phút sau
đứa bé trở về, ông già mù thấy hình như có một người bước lên xe. Ðứa
bé nói với một giọng run run:
- Ông ơi có người lên rồi đó. Chạy đi.
Thế rồi hai ông cháu dìu nhau chạy về phía sông Bồ qua những quãng đường
lầy lội và dưới dòng mưa đêm lạnh ngắt. Trong những cánh đồng ngập
nước, tiếng ễnh ương đua nhau kêu não nùng như một bản nhạc mùa đông,
nghe buồn thắm tới tận xương tủy. Hai ông cháu, dưới mấy cái mo cau và
tàu lá chuối kết lại thay áo mưa, cắm đầu chạy trên quãng đường ướt át.
Trời thì tối đen như mực, nhưng may đứa cháu quen đường nên không bị lạc
và vấp ngã. Hai ông cháu đến bến đò làng Thanh vào khoảng một giờ
khuya. Gió ngoài sông thổi vào lạnh như cắt thịt. Ðứa cháu cầm tay
định dắt ông vào mui thuyền, nơi ngủ của hai ông cháu, thì dường như
nghi hoặc điều gì nên người mù kéo xe cất tiếng hỏi:
- Tiền xe mô đưa cho ông.
Ðây là câu hỏi bất ngờ, vì mấy lần trước có bao giờ ông hỏi đến tiền bạc
đâu, nếu có hỏi thì hỏi chỉ để biết bao nhiêu, chứ chưa lúc nào ông lấy
tiền giữ. Ðến lúc đó đứa cháu run lẩy bẩy, lúng túng, ngập ngừng rồi
bỗng ôm mặt khóc. Chỉ nghĩ thoáng qua người mù kéo xe đã hiểu ra lẽ
thật. Vì không có khách, vì muốn ông nó vui lòng nên thằng bé đã bê một
tảng đá nặng đặt lên nệm xe và dìu ông nó chạy.
Trí non nớt của nó có ngờ đâu mấy năm lao công khổ nhọc trong nghề, ông
nó đã phân biệt rất tinh tường người ngồi hay là vật nặng khác nhau
nhiều lắm. Nhưng ông nó vẫn chạy, vì mù quáng, vì đói rách nên lòng vẫn
hy vọng những chuyện không bao giờ có được. Và nếu biết được thì càng
thêm khổ. Thấy cháu khóc ông ta cũng nức nở khóc theo.
Rồi giữa đêm lạnh phần già yếu, phần buồn đau, phần đói rét, ông gục
xuống dần rồi lăn ra chết ngất. Ðứa bé sợ xanh mặt la hét lên nghe như
đứt ruột bầm gan nhưng sấm sét của trời mạnh hơn và tiếng của nó đành
chịu rã rời bay lạc giữa đêm mưa tầm tã.. Bên kia sông, huyện Quảng
Ðiền xa xôi quá, vài ngọn đèn dầu chập chờn trong xóm quê đen tối. Con
đò đã cắt đường qua lại từ lâu, không đem được lòng từ thiện của bến bên
kia qua bao trùm nỗi thảm thương của bờ nọ.
Sáng hôm sau đi chợ Thanh Lương, khách qua đường thấy trên bờ sông vắng,
một đứa trẻ đang ngồi khóc thảm thiết bên cạnh một người già nua đã
chết cứng đờ.
Dân quanh xóm thương tình, người ít kẻ nhiều góp lại mua một cái hòm mới
và chôn cất người kéo xe già tử tế...
Về sau cứ mỗi đêm, vào khoảng mười một giờ khuya , sau chuyến tàu đi ra
Bắc một giờ, những người ở quanh vùng đó đều thấy một cái bóng xe kéo
loang loáng chạy về phía làng Thanh Trúc. Những người làm giữa ruộng
lúc vào đêm trăng sáng, các em mục đồng và cả sư cụ chùa Linh Hải đều
thấy hình bóng một người kéo xe chạy lầm lũi trong màn đêm. Có một đêm
khuya mưa lạnh, sư ông ở làng Thanh Trúc còn nghe được cả tiếng xe kéo
và bước chân người chạy đều đều ở trước cổng đình làng nữa...
Mọi người quanh vùng bàn tán xôn xao về bóng ma kéo xe vào ban đêm.
Cùng lúc ấy, không biết có phải nhờ hồn thiêng của ông mù kéo xe phù hộ
mà làng Thanh Trúc được thắng kiện nên thuyền bè được đưa khách qua lại
như cũ. Cũng nhân dịp này dân làng liền quyên tiền xây một cái am để
tưởng nhớ và thờ cúng ông mù kéo xe. Và người ta đã gọi cái am này là
AM CU-LY XE.
Thanh Tịnh tamlinh.net
|