Có vẻ như cuối cùng con người cũng khám phá được bí ẩn lâu nay vốn bao trùm Stonehenge, nhờ vào nghiên cứu mới của giới khảo cổ Anh.
UNESCO đã mô tả Stonehenge là cấu trúc đá vòng tiền sử phức tạp nhất trên trái đất, trong khi các nhà khảo cổ học lâu nay vẫn tranh luận về tầm quan trọng của Stonehenge, từ công cụ thiên văn đến địa điểm tế thần người sống. Sau nhiều năm vắt óc tìm hiểu kiến trúc cổ đại bí ẩn ở miền tây nam nước Anh, các chuyên gia cuối cùng tìm được chứng cứ cho thấy đây có thể là mồ chôn những nhân vật tinh túy nhất của thời đồ đá. Phát hiện này có thể lật ngược giả thuyết lâu nay rằng Stonehenge - ở vùng đồng bằng Salisbury - được tạo ra để phục vụ cho mục đích quan sát thiên văn và lịch cổ.
Stonehenge luôn là biểu tượng bí ẩn của nước Anh - (Ảnh: wallsave.com)
Một đội ngũ chuyên gia do Giáo sư Mike Parker Pearson của Đại học Cao đẳng London dẫn đầu cho hay Stonehenge thực chất có nguồn gốc xa xưa hơn và chức năng hoàn toàn khác biệt so với cái mà người ta vẫn tưởng. “Phát hiện của chúng tôi đang viết lại lịch sử lâu đời của Stonehenge”, AFP dẫn lời Giáo sư Parker Pearson. Theo đó, nhiều thế kỷ trước khi khối sa thạch khổng lồ đầu tiên được kéo đến Stonehenge, tượng đài tiền sử nổi tiếng nhất thế giới có thể khởi đầu quá khứ oanh liệt bằng cách trở thành nơi an nghỉ cuối cùng của giới quý tộc cách đây hàng ngàn năm.
Lần đầu tiên, các chuyên gia đã tiến hành khai quật và nghiên cứu hơn 50.000 mẩu xương được hỏa táng thuộc về 63 cá nhân đã được chôn tại Stonehenge. Trưởng nhóm Parker Pearson, người đã làm việc tại nơi này và các khu di tích lân cận trong nhiều thập niên, nhận định rằng tập tục chôn người ở Stonehenge diễn ra nhiều năm trước khi nó được thành hình trong trạng thái hiện tại. Sau cả thập niên nghiên cứu, bao gồm khai quật, thí nghiệm và phân tích, các nhà khảo cổ học phát hiện Stonehenge nguyên thủy chính là nghĩa trang rộng lớn cho những gia đình quý tộc sinh sống cách đây khoảng 3.000 năm trước Công nguyên, tức sớm hơn Stonehenge thiên văn đến 500 năm.
Tổng cộng các chuyên gia phân tích được 63 bộ di hài của người thời đồ đá, mà nơi chôn cất được đánh dấu bằng những viên đá đồng sunfat. Stonehenge cũng được duy trì làm khu nghĩa trang hình cầu khổng lồ trong ít nhất 200 năm. Phân tích tiếp răng gia súc lấy từ 80.000 xương động vật khai quật cùng địa điểm cũng cho thấy, vào khoảng 2.500 năm trước Công nguyên, Stonehenge từng là nơi tổ chức các bữa tiệc cộng đồng một cách linh đình. Những bữa tiệc kiểu này có thể thu hút đến 1/10 dân số nước Anh, dấu hiệu chứng tỏ người cổ đại từ nhiều nơi đã đến Stonehenge cử hành lễ đánh dấu ngày đông chí và hạ chí, đồng thời để xây dựng tượng đài như ngày nay. “Stonehenge là biểu tượng kết nối người Anh cổ đại với nhau”, theo Giáo sư Parker Pearson.
Trong cuộc khảo cổ trước đó tại Durrington Walls, ông Parker Pearson cho rằng đây là dấu vết của một xưởng chế tạo công cụ cho những người xây dựng Stonhenge. Người xưa đã kéo và tạo hình hơn 2.000 tấn đá để tạo nên công trình vĩ đại lưu danh hậu thế. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng cho hay phát hiện mới đã hé lộ lý do tại sao người cổ đại lại ngưng sử dụng nơi này, bất chấp tầm quan trọng đặc biệt của nó. Việc đẩy lùi thời gian xuất hiện Stonehenge cho thấy nơi này được xây dựng trước khi người Beaker đổ bộ nước Anh cách đây 4.300 năm. Theo đó, người Beaker mang đến kim loại, bánh xe và một nền văn hóa ít tập trung vào chính trị, đánh dấu chấm hết cho khu tượng đài khổng lồ do người Anh cổ đại xây dựng nên.
Theo Thanh Niên
|