Triệu Nguyên là một thư sinh, tánh thích giang hồ.
Chàng thường ở tạm rày đây
mai đó, ít khi người ta thấy bóng chàng hơn một tháng nơi nào.
Nhờ tài đàn hát với chiếc đàn cầm mang theo mình, Triệu Nguyên luôn dư
dật để
sống một cuộc đời làm bạn với bút nghiên.
Một hôm, sau hai ngày rong ruổi theo đường độc lộ, Triệu Nguyên đặt chân
đến đất
Tây Hồ. Chàng dựng một chiếc lều cỏ bên khúc lộ xa làng gần nửa dặm để
tạm trú.
Từ đó, những buổi sớm, mấy cô gái bán bưng, hoặc mấy kẻ bộ hành, có việc
sang
ngang đấy, đều dừng lại đôi phút, ngơ ngẩn nhìn vào chiếc lều cỏ, nghe
giọng
ngâm thơ trong trẻo của chàng thư sinh.
Một buổi chiều kia, Triệu Nguyên bỗng nhiên nẩy hứng làm được một bài
thơ tuyệt
tác. Chàng lấy làm thích chí cất tiếng ngâm vang trong lều.
Ðang lúc ấy, chợt nghe ngoài cửa có tiếng động, chàng vội ngoảnh mặt
nhìn ra:
bên ngoài, theo kẹt, Nguyên thấy có một đôi mắt đẹp, núp sau cánh cửa
nhìn
chàng. Và khi biết đã bại lộ, kẻ có đôi mắt ấy thẹn thùng bước tháo ra
phía
ngoài.
Bị chạm vào tánh tò mò, Triệu Nguyên ném vội quyển vở, lật đật chạy ra
mở tung
cánh cửa để nhìn theo: chàng thấy một thiếu nữ mặt áo xanh, dáng người
tuyệt
đẹp, đang bước hối hả, và khuất sau lũy tre xanh ở một ngõ quẹo.
Sau lúc nhìn ngắm mê mẩn, Triệu Nguyên thẩn thờ bước vào lều. Tự đấy sớm
chiều
chàng cứ ngẩn ngơ nhìn ra đường để trông chờ và hy vọng được tái gặp
người đẹp,
không còn thiết gì thư cầm nữa.
Nhưng, bẵng đi như thế đến năm hôm, bóng người thiếu nữ áo xanh thoáng
qua trong
mộng, như không muốn trở lại với chàng nữa. Triệu Nguyên buồn rầu, mất
ăn mất
ngủ, chàng tính vài hôm nữa sẽ bỏ lều đi nơi khác.
Trong lúc đang tràn trề thất vọng, thì đột nhiên, người thiếu nữ áo xanh
lại
sang ngang đấy: mừng rỡ Nguyên vội vàng chạy đón, ngỏ lòng mình cho nàng
biết.
Chàng vẫn ngỡ sẽ bị nàng vì thẹn mà giả bộ cự tuyệt, hoặc phải qua nhiều
nỗi khó
khăn. Song trái lại, Nguyên vừa ngỏ đôi lời, nàng ấy liền thuận tình,
theo chàng
về lều.
Sáng hôm sau, qua một đêm âu yếm trong chăn gối với Nguyên, nàng liền về
nhà và
xế chiều lại đến.
Cứ thế mãi, có nhiều khi Nguyên hỏi đến tên họ nhà cửa của nàng. Nhưng,
mỗi lần
chàng dợm hỏi, thiếu nữ mặt lộ vẻ buồn và lảng sang chuyện khác. Riết
rồi chàng
cũng bỏ qua, độ chừng nàng là nàng hầu hoặc vợ lẽ của một viên quan già
về hưu,
vì chàng vẫn thấy nàng thường theo phía một biệt thự hướng Tây mà đến.
Có một đêm kia trời đổ xuống một trận mưa rất to, thiếu nữ gọi cửa vào
lều, áo
quần ướt lếch thếch. Triệu Nguyên lấy làm lạ vì thấy trái với mọi hôm,
đêm nay
nàng không mặc áo xanh nữa mà lại mặc một bộ đồ trắng. Chàng hỏi:
- Trời mưa em không lạnh sao mà vẫn đến?Nàng đáp rằng:
- Lạnh nhưng em vẫn đến để trọn lời hứa với chàng.
Triệu Nguyên lại cất tiếng hỏi:
- Nhưng sao em lại không mặc áo xanh, mà lại mặc áo trắng và sao vẻ mặt
em buồn
thế?
Nàng khóc sướt mước khẽ đáp:
- Chàng hỏi làm chi, đấy là chuyện riêng của em, không nên cho chàng
biết.
Triệu Nguyên tò mò gạn hỏi nàng.
Thiếu nữ lại càng khóc nhiều hơn nữa, như mưa như gió; và đúng khuya,
nàng liền
từ giã ra về.
Triệu Nguyên quá lạ lùng trước cử chỉ ấy, chàng để nàng đi một chốc,
liền giả bộ
khép cửa ngủ, rồi lẻn theo.
Như sự tiên đoán của chàng, thiếu nữ đến một biệt thự, sau khi vào nàng
cài khóa
cửa ngoài lại cẩn thận. Triệu Nguyên không thể vào theo được đành trở
về.
Sáng hôm sau chàng hỏi mấy người quanh vùng, người ta cho chàng biết: đó
là biệt
thự của một ông quan già đã về hưu, nhưng bây giờ ông đã chết từ lâu, và
vì
không có con cháu nên cái biệt thự ấy phải bỏ hoang vắng lâu ngày. Giờ
đây nơi
biệt thự ấy rất nhiều yêu quái.
Triệu Nguyên đâm nghi ngờ; nhưng sau cùng chàng dằn lòng, quyết nội đêm
nay sẽ
lẻn theo thiếu nữ lần nữa, để vào cho được trong biệt thự hầu tìm tông
tích nàng.
Ðêm hôm ấy như thường lệ thiếu nữ lại đến. Nàng vẫn mặc bộ đồ toàn
trắng.
... Như đêm hôm trước, sau giờ âu yếm cùng Nguyên, khuya đêm ấy thiếu nữ
lại từ
giã chàng để ra về.
Triệu Nguyên lại lẻn theo nàng và chàng vào được trong biệt thự. Thiếu
nữ đi
trước thoắt cái đã lẩn đâu mất trong bóng tối. Chàng đành lầm lũi bước
liền theo
bực gạch, và đẩy khẻ cánh cửa bằng sắt tiến vào trong.
Trong đêm dầy, chàng thư sinh vẫn lặng lẽ thận trọng bước. Tiếng muỗi
kêu u u
dìm thêm vào cõi huyền bí của biệt thự. Bỗng, Nguyên nghe như có tiếng
ai thì
thầm nơi gian phòng trong. Chàng liền theo phía ấy lần vào, chắc rằng
chàng sẽ
gặp nàng áo xanh. Nhưng, có tiếng thét ghê rợn bên tai chàng, và hai cái
bóng
người tóm lấy cổ chàng quăng xuống một cái ao sâu hoắm...
Triệu Nguyên đang lúc hoang mang bỗng thấy như mình từ từ bốc lên cao,
cao mãi
đến trên mây. Chàng thấy quanh mình chàng, những thiếu nữ yêu kiều xúm
bên múa
hát và kìa... lạ chưa, có cả nàng áo xanh, người yêu của chàng. Triệu
Nguyên
mừng rỡ ôm chầm lấy nàng trong mưa lệ.
Ðang lúc ấy, mọi sự vật sụp cả xuống, chàng và thiếu nữ ngã xuống cõi
sâu.
Triệu Nguyên kêu lên một tiếng, tỉnh giấc. Bên mình chàng, thiếu nữ cũng
đã
tỉnh. Sau một cơn mơ, trên khóe mắt hai người còn đầy lệ.
Nguyên kinh hãi hỏi nàng:
- Em! Em là người hay là ma, hỡi em? Cho anh biết!...
Nàng đáp:
- Là người hay ma em cũng nào có hại anh mà anh phải sợ!
Và như sợ Triệu Nguyên sẽ kinh hãi vì nàng không phải là người, thiếu nữ
mới bắt
đầu kể đoạn lịch sử của nàng:
- Em là con của một lương gia, nhà ở Lâm An. Từ bé em có tánh thích văn
chương
thi phú, và được nổi tiếng là cao cờ khắp quận. Vì có chút nhan sắc, nên
đến năm
mười lăm tuổi, em phải bị tuyển vào làm tì thiếp trong dinh của một quan
già về
hưu, làm chức Bình Chương, tên Thu Thác.
Hằng ngày phải khép nép sống trong khuôn khổ của luật pháp, để làm những
cuộc
vui cho một kẻ đã già đầu bạc hơn cả tuổi cha mẹ, em lấy làm tủi nhục
cho cuộc
đời trong trắng của tuổi xuân. Và, đôi khi, vài hình ảnh của các bạn
thiếu nữ
thi vị bên ngoài, lọt vào mắt em, làm em luôn mơ tưởng, thèm khát một
mối tình
êm đẹp... Một cảnh tượng đôi mái đầu xanh âu yếm sống bên nhau dưới mái
chòi lá,
chia xẻ cho nhau những hương vị cay ngọt của cõi đời, luôn ám ảnh tâm
hồn em.
Một hôm, em được biết quan Bình Chương Thu Thác có nuôi trong dinh một
tên hầu
trà còn trẻ độ ba mươi tuổi. Hắn tên Triều Sinh. Thế là từ đấy chúng em
yêu nhau
thầm kín.
Sau những buổi hầu trà, đợi cho vắng mặt quan Bình Chương, chàng Triều
Sinh
thường đưa em vào khu vườn kín phía sau dinh để cùng nhau bày tỏ tâm sự.
Rồi một chiều kia, mối tình mặn nồng giữa chúng em bỗng lọt vào đôi mắt
đỏ ngầu
sắc máu vì ghen của lão quan già.
Ðêm hôm ấy, một đêm đầy mưa bão. Vừng trăng, nhờ mây tránh rọi trên cầu
Tây Hồ
một màu ghê rợn; lão Thu Thác gọi hẳn người tâm phúc trói chúng em lại
mang lên
cầu. Sau giờ điên cuồn sỉ vả, lão ta truyền cho người tâm phúc kết liễu
đời chúng
em và đạp chúng em xuống đáy hồ. Thế là từ đấy, mỗi đêm chúng em hiện
lên mặt hồ
ôm nhau than khóc...
Thời gian qua... Triều Sinh thấm thoát đến ngày phải đầu thai về dương
thế. Còn
em vì nợ duyên chưa dứt, nên hồn đành vất vưởng trên mặt hồ, theo những
chuỗi
ngày buồn thảm...
Nàng khóc ròng sau khi kể xong mẩu chuyện thương tâm.
Triệu Nguyên cảm động trước nỗi lòng của người yêu, chàng không còn sợ
hãi khi
biết nàng là ma nhưng vẫn có tính chất như người dương thế.
Chàng an ủi nàng và hỏi:
Thế hôm em mặc đồ trắng đến với anh vào giữa đêm mưa gió mà có vẻ mặt em
buồn
rầu, phải chăng vì em nhớ lại đêm đau đớn trên cầu Tây Hồ?
Nghe câu hỏi của Nguyên, nàng lại khóc thảm thiết và chỉ khẽ lắc đầu.
Triệu Nguyên năn nỉ:
- Anh có thể nào làm cho mất sự bi thảm của em không? Em hãy tỏ cho anh
được biết
với!
Và như đoán chừng được nguyên do nỗi buồn của nàng, Nguyên ôm nàng vào
lòng bảo:
- Thôi, từ đây em đừng trở về cái hồ của biệt thự Thu Thác nữa. Em hãy ở
chung cùng anh, chúng ta sẽ sống trong hạnh phúc!
Bắt đầu từ đó, trong lều cỏ, bóng Triệu Nguyên và nàng áo xanh sum họp
trọn ngày
bên nhau. Luôn luôn, khách đi ngang thường nghe ngoài giọng ngâm thơ của
gã thư
sinh thường ngày, lại có tiếng quay tơ của nàng áo xanh nghe kẽo cà kẽo
kẹt, làm
thành một âm thanh ấm áp vui vẻ...
Chiều hôm nay trời đổ cơn mưa. Từng lằn chớp vạch sáng những góc trời
đen kịt vì
mây phủ. Vài thân cây trước cửa lều của Nguyên bị sét đánh, gãy khúc ngã
chắn
ngang con lộ.
Nàng áo xanh lại buồn bã, mặt đầm đìa những nước mắt. Triệu Nguyên
thương hại
người yêu quá. Chàng ôm nàng vào lòng, vuốt vài sợi tóc lòa xòa trên
tráng nàng
gạn hỏi:
- Sao mấy hôm nay em cứ dàu dàu mãi thế?
Nàng khóc to và đáp:
Hôm nay em phải thú thật cùng anh, chẳng như những lần trước nữa...
Nhưng em sợ
anh buồn lắm anh à! ....... Anh! Trong chốc nữa đây, em sẽ từ giã anh để
đi đầu
thai nơi khác!
Nguyên ôm chặt nàng sợ hãi nói:
Không! Không em à, em hãy ở đây đừng đi đâu cả! Ðừng đi đâu nghe em!!!
Nàng đáp:
Không được, vì số âm cung đã định rồi, dẫu chàng có giữ em lại cũng vô
ích.
Trong bấy lâu em khóc, chỉ vì nghĩ đến phút phải xa chàng...!
Triệu Nguyên đau đớn nhìn nàng hỏi:
Trong bao lâu nữa em sẽ đi?
Nàng áo xanh thở dài đáp:
Giờ Tý, nhưng cũng sắp đến rồi!
Một tiếng sét nổ đánh ầm và tiếp theo một làn chớp lóe sáng trước cánh
cửa
trước.
Triệu Nguyên hốt hoảng nhìn ra, đến chừng nhìn lại nàng áo xanh đã tan
thành mây
khói từ lúc nào.
Nàng áo xanh đi mất. Thế rồi vài hôm sau, Triệu Nguyên cũng mất bóng.
Trên Tây
Hồ chừa lại chiếc lều cỏ bỏ hoang bên đường độc lộ...
Người biết mẩu chuyện trên đây ai ai cũng nghĩ rằng có thể chàng đã tìm
nơi chết
theo nàng thiếu nữ áo xanh, chớ có ai ngờ... Triệu Nguyên hiện đang sống
trong
một ngôi chùa. Chiều chiều chàng ngồi lần chuỗi hạt lắng nghe hồi chuông
thu
ngân dài trong gió để trút bản đàn lòng...
*Trích từ Tuyển Truyện Ma Việt Nam của nhà xuất bản Văn
Học.
|