× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu

NGƯỜI ÐẸP VÀ Ả NỮ TỲ XÁCH ÐÈN LỒNG

 (Phần 2)

Sáng sớm hôm sau, Ðại Thông dậy thực sớm và thấy lòng thênh thênh thản thản như là nở hoa. Ðã lâu lắm, chàng chưa thấy vui như thế.

Suốt một ngày, chàng quét dọn nhà cửa và xếp đặt những đồ vật ở trong nhà cho có vẻ thật ưa nhìn. Chàng đặt cái này, chàng xếp cái nọ đến hàng trăm bận mà vẫn như không bằng lòng. Ðến chiều, chàng tấm rửa thật cẩn thận và chải đầu, xức tóc cho thật láng mướt; đoạn  chàng đi ra mắc lấy một cái áo lộng lẫy nhất bận vào cái áo mà từ khi vợ mất đến nay chàng chưa bao giờ nghĩ lấy đem ra mặc. Rồi chàng ra tựa gốc cây thùy dương đợi người nữ lang tuyệt sắc mà sự tình cờ đã cho chàng gặp gỡ đêm qua.

Giải Ngân Hà in rõ trên nền trong xanh như một dải dây lưng dát bạc. Phong cảnh hữu tình trong cái lặng lẽ dịu dàng của đêm khuya. Những tiếng vọng của hội hè đưa lại tưng bừng, rộn rịp: tiếng cười, tiếng nói, tiếng não bạt, tiếng thanh la, tiếng chuông, tiếng sáo hòa với tiếng đàn "sa-mi-sen” não nuột...

Ở dưới mái nhà, trong một góc tường kia – như báo một điềm bí mật, như báo một tai nạn vậy - một con nhện lớn đương giăng tơ chăm chỉ bỗng sa xuống ở trước đèn ba dây.

Ngay lúc ấy, người láng giềng của Ðại Thông là Kim Tứ ở trong nhà đi ra. Thấy Ðại Thông tiên sinh! Hôm nay, tiên sinh ăn bận đỏm đang lắm, chắc tiên sinh xem hội cho tiêu sầu thì phải. Tôi hoan nghênh ý kiến tiên sinh lắm lắm.

Kim tứ là một ông thầy tiền định lừng danh. Ông đoán vận hạn, xem tướng bói giỏi nhất vùng này và có thể xem tay, lấy số, đoán vận mạng cát hung như thần.

Ông mình hạc, xương mai và râu ria đã bạc trắng cả ra rồi, nhưng cặp mắt vẫn tinh anh và quắc thước. Một nụ cười luôn luôn nở trên môi, làm cho hai gò má hơi nhăn một chút.

Kim Tứ chăm chú nhìn người bạn láng giềng. Ðại Thông nói:

-        Xin kính chào Kim tiên sinh! Kẻ hậu sinh này, hôm nay, không đi xem hội. Kẻ hậu sinh này, hôm nay, có một người đàn bà đến thăm. Thế cũng là hội chứ gì?

-        Kỳ thú! Kỳ thú! Tiên sinh nghĩ chí lý. Phải, ta phải đổi cuộc đời đi, chứ cứ sầu bi, than khóc mãi thì cái buồn khổ nó cứ ám ảnh hoài, chẳng làm được vì gì, tiên sinh ạ. Nói thực với tiên sinh, tôi rất lo sợ cho tiên sinh. Có một hôm, tôi xem tướng cho tiên sinh, thấy tiên sinh gặp một cái tai nạn đấy. Phải coi chừng một chút, nhưng rồi cũng qua được.

Nói đoạn, Kim Tứ vuốt râu, thi lễ rồi đi xem hội, trong khi Ðại Thông cứ đứng ở gốc cây thùy dương để trông chờ người đẹp.

Trên đường, thiên hạ kéo nhau đi tấp nập: từng đoàn trai thanh gái lịch xách đèn đi và cười nói huyên thiên.

Mãi tận khuya, mới vắng người. Cảnh thôn dã lại chìm vào trong bóng tối lặng lờ, dầy đặc. Chỉ còn có cái cửa sổ chiếu một thứ ánh sáng vàng vọt xuống bóng tối của đêm khuya.

Ðại Thông không ngừng mắt nhìn con đường mà nữ lang sẽ đến với chàng. Chàng thắc mắc và nóng ruột. Ðột nhiên không nghe thấy một tiếng guốc hay một tiếng hài đi trên mặt đất, Ðại Thông thấy hiện ở giữa khoảng thinh không một cái đèn lồng đỏ vẽ toàn hoa mẫu đơn. Rồi một tiếng người rung động nhỏ nhẹ ở bên tay chàng: "Xin kính chào tiên sinh!”

Dụi mắt, chàng nhìn thấy hai người thiếu nữ tiến lại phía chàng: người nữ tì cầm cái đèn lồng mắc vào một ngọn cây tre và, sau lưng, thì là nữ lang, vẫn kiều diễm như đêm qua, mà ăn mặc vẫn lộng lẫy như đêm qua vậy.

Thoạt tiên, Ðại Thông cũng hơi lấy làm ngạc nhiên sao nàng không chọn một màu áo gì lạ để mặc vào ngày hội, nhưng sau vì sung sướng quá, thành cũng không nghĩ đến điều đó nữa. Chàng mời nàng vào trong nhà và pha trà mời uống, trong khi ả nữ tì vẫn không nói một câu, xin phép chủ đi ra tỉnh. Những ngọn nến cháy rực rỡ, gió lây động những ngọn lửa chập chờn. Bánh trái, hoa quả xếp đầy những cái đĩa lớn đặt trong những cái khay sơn đỏ.

Sau khi đã rủ bức châu liêm xuống rồi, chàng và nàng ngồi cạnh nhau ở trên chiếu và nàng kể đời nàng cho chàng nghe:

-        Em vốn sinh đẻ ở Na La, tên em là Giáng Tuyết. Thân phụ em vốn là nhà kinh doanh giàu có, nên chung quanh vùng em ở có nhiều đứa tiểu nhân nó thù hằn. Một hôm, một bọn người cáo xưng thân phụ em giết người nên thầy em bị hình ngục và đã bỏ mình một cách khổ não ở trong chốn sầu thành đó.

Em và thân mẫu em cực nhục quá không dám ở Na La nữa, đành phải dắt nhau về ở đây, từ mùa Xuân. Mẹ em và em có ý định chọn nơi này vì ở đây vắng vẻ, mẹ em chắc chắn có thể sống một cuộc đời kín đáo, không bận rộn mà cũng chẳng phiền ai hết.

Ðến ở đây được ít lâu thì em gặp anh đi với vợ vào đền Mỹ Ðế. Anh bậnh một cái áo như cái áo hôm nay, anh trông dễ thương quá và vợ anh thì đẹp và tỏ vẻ vô cùng sung sướng. Chẳng dám giấu gì anh, em đã có lú ghen cái hạnh phúc của vợ anh...

Giáng Tuyết nói thế xong, nhìn chàng một cách thơ ngây. Chàng nói:

-        Em bảo gì? Ðẹp như em , sao lại phải nói đến một câu như vậy?

Bằng lòng lắm, nàng cười:

-        Em xin anh. Anh đừng nên nói những điều anh không nghĩ.

Ðẹp một cách mê li, quyến rũ, Giáng Tuyết ngồi ở một chỗ tờ mờ tối sáng, cách xa hẳn ánh đèn mà hình như nàng có vẻ sợ sệt, có vẻ muốn xa lánh vậy.

Cũng như đêm hôm qua, vài sợi tóc sòa xuống trán nàng. Ðầu nàng hơi nghiêng về một bên; nàng vó vẻ lanh lẹn và tinh nghịch, nhưng đuôi mắt của nàng êm dịu và chăm chú nhìn chàng trẻ tuổi, như nói hết cả những điều mà nàng muốn giấu kín trong tim óc.

Nàng nói:

-        Em đến thăm anh hôm nay, thực cũng vất vã, gian truân quá.

Chàng hỏi tại sao.

-        Em xin anh, em van anh. Em khổ tâm quá lắm rồi, anh đừng hỏi làm gì nữa cho em thêm đau đớn.

Nói đoạn, nàng đắm mình vào trong một cơn mơ mộng não nùng miệng lẩm bẩm những lời nghe không rõ, in như một đứa trẻ ngây thơ tập nói và lấy hai bàn tay trắng như ngà ra vò nát cái áo nhẹ nhàng như mây khói.

Hôm nay, Ðại Thông uống nhiều rượu "sa-kê” hơn ngày thường nên hơi nóng bốc lên mặt bừng bừng và quả tim chàng đập mạnh. Chàng chống tay vào cằm, chăm chú nhìn Giáng Tuyết có đôi bàn tay đẹp lúc ấy bắt đầu run lẩy bẩy. Nàng ngước mắt nhìn chàng và cười, trong khi chàng ngồi lại gần nàng mà khẽ nói rất dịu dàng.

-        Em ơi, anh yêu em ngay từ buổi gặp gỡ đêm qua, ở bên ngôi miễu cỗ. Chiều nay, anh trông đợi em không biết ngần nào và anh có cảm giác rằng nếu em lỗi hẹn thì... thì... Nhưng mà thôi, em đã đến với anh rồi, còn nói đến chuyện ấy làm gì nữa? Anh chắc rằng trời đã run rủi cho anh được gặp em, hoặc chính Ngọc Hân Nương đã xui khiến ra như thế để gây lấy một mối hạnh phúc cho anh vậy. Áng chừng Ngọc Hân thấy anh thương tiếc nàng quá nên đã muốn đem em đến để thay nàng... Nếu anh quả thực không có ý tưởng đó trong đầu thì anh không thể không bao giờ lại tiếp một người đàn bà lạ ở trong căn nhà này. Anh xin lỗi vì đã không thể thu xếp để tiếp em thực chu đáo, nhưng anh xin nói để em biết anh còn quý em hơn là anh đã quý Ngọc Hân Nương nhiều lắm. Này, em xem trái tim anh đập vì em...

Ðại Thông cúi xuống và hôn vào cái cổ ngà ngọc của Giáng Tuyết cái cổ lạnh như băng giá.

Giáng Tuyết thở nhè nhẹ và ôm lấy chàng.

Ðêm lúc ấy đã khuya. Xa, chỉ còn tiếng ễnh ương và tiếng dế kêu sầu ở xa trong những cánh đồng tối đen, vắng ngắt. Những tiếng vang dội của đám hội từ phương tây đưa lại nhỏ dần, nhỏ dần. Thỉnh thoảng lắm, người mới lại nghe thấy tiếng đàn sa-mi-sen não ruột như tiếng khóc.

Giờ này, chẳng hiểu sao con nữ tì còn ở ngoài tỉnh chưa về?

Cửa phòng khách mở rộng. Ở buồng bên, hé lộ một bức màn riềm đỏ như chờ đợi, như sẵn sàng chờ đợi... Những cái gối xếp rắn chắc cũng bọc lụa màu: đó là những kỹ niệm cuối cùng của Ngọc Hân để lại. Ngọn nến để trên án thư sắp tắc, reo sè sè trong đêm khuya. Ðại Thông ôm chặt lấy nữ lang kiều diễm. Nến tắt hẳn. Ở ngoài kia, cái đèn lồng mẫu đơn mà con nữ tì để lại chiếu vào căn buồng một thứ ánh sáng đỏ tờ mờ...

Sáng hôm sau, Ðại Thông không ra nghĩa địa thăm vợ nữa và từ đó trở đi, cứ mỗi buổi chiều, vào khoảng giờ Tuất, giờ Hợi thì Giáng Tuyết lại đến với chàng, bí mật và kỳ dị, theo sau lúc nào cũng có con hầu quái lạ trông giống hệt một con "đúm” bằng mụn vải và không bao giờ rời bỏ cái đèn lồng mẫu đơn.

Ðại Thông bắt đầu sống một cuộc đời kỳ lạ, suốt ngày chỉ ngủ, ngủ những giấc ngủ nặng nề có toàn những ác mộng đến thăm. Chàng yếu sút trông thấy. Ông già bên hàng xóm, Kim Tứ, nhận thấy điều này, hết sức để ý đến Ðại Thông và một buổi trưa mùa thu nọ, đập cửa nhà Ðại Thông mà gọi Ðại Thông thức giấc.

Mặt trời đã lặn dần về phía trời tây, Ðại Thông nằm nghỉ trong buồng kín. Nghe tiếng ông bạn già gọi, chàng giựt mình choàng dậy.

Mắt hãy còn nặng trĩu giấc ngủ dở dang, chàng bước qua mảnh vườn con, mở cửa và hai người ngồi cạnh nhau trò chuyện.

Giấu hết nỗi bâng khuân của mình, Kim Tứ thản nhiên nói:

-        Chào Ðại Thông tiên sinh, cả ngày tôi không thấy tiên sinh đâu. Ngài có đau yếu gì không?

-        Tôi hơi bị mệt và không hiểu ít lâu nay sao lười tệ.

Nhận thấy da mặt Ðại Thông vàng như nghệ và khí sắc kém hẳn đi, Kim Tứ nói tiếp:

-        Ðó là điều bất thường khi người ta đã trẻ lại có nhân tình. Nhưng tại sao tiên sinh lại có vẻ mệt mỏi khác thường và gầy róc đi như vậy?  Xin tha lỗ cho tôi đã đường đột nói đến chuyện riêng của tiên sinh, nhưng vì tôi mến phục tiên sinh nên phải chạy tới hỏi thăm và mong tiên sinh hãy bảo toàn quý thể.

Kim Tứ hút một hơi thuốc. Tin chắc rằng có điều gì bất thường xảy ra đây. Ðại Thông bèn nói:

-        Tôi gầy lắm thực ư? Tiên sinh làm cho tôi sợ hãi.

Vừa nói chàng vừa giơ bàn tay xanh mướt như bàn tay kẻ chết rồi, sờ lên má.

Kim Tứ bỗng hắng giọng, nói to:

-        Thật lạ! Tiên sinh để tôi bói thử một quẻ xem sao.

Nói đoạn, ông lấy ở túi áo ra những cái thể nhỏ bao giờ cũng mang theo trong mình, rồi ông cúi đầu xuống khấn, nhắm mắt lại, vứt bỏ thẻ xuống đất. Rồi ông mở mắt ra, ngả người xuống, chăm chú nhìn như để tìm cho ra bí mật, với một điệu bộ thất vọng, ông giơ tay lên rên rĩ:

-        Trời ơi, một tai nạn lớn. Tiên sinh sẽ chết trong vài ngày, hay cùng lắm là một tháng nữa thôi.

-        Ôi!

Ðại Thông vừa kêu được một tiếng thì mặt đã tái lại và gần như muốn xỉu.

Hai người bạn lặng yên không nói trong sự hãi hùng, nhưng chỉ trong khoảng khắc mà thôi.

Sau Kim Tứ nói trước:

-        Nếu tiên sinh có quý sinh mệnh của tiên sinh thì xin trả lời rất thành thực những câu hỏi của tôi. Tôi biết rằng cứ đêm đêm thì lại có một người lén đến tìm tiên sinh. Có lẽ đó là nhân tình của tiên sinh. Tiên sinh biết người đó đã bao nhiêu lâu nay rồi?

-        Trước ngày hội Quần Tinh ạ.

-        Có phải nàng đến với tiên sinh lần thứ nhất nhằm đứng hôm hội phải không. Tôi hãy còn nhớ nàng đến với tiên sinh đêm ấy với một chiếc đèn lồng?

-        Vâng, nàng đi với một ả nữ tỳ đem theo một chiếc đèn lồng ạ.

Ðông mắt Ðại Thông mơ màng như nhớ lại cuộc gặp gỡ ban đầu.

-        Tiên sinh gặp nàng ở đâu.

-        Gần đền Mỹ Ðế mà tôi đi lầm đường trở về lối hồ Bình Hoa.

-        Mỹ Ðế! Ðền Mỹ Ðế! Có phải đền ấy ở về một miền quê hẻo lánh, chung quanh không có nhà cửa gì phải không?

-        Thưa, đúng thế.

-        Còn nàng tên gì?

-        Tên là Giáng Tuyết.  Hình như tôi đã nói cả với tiên sinh rồi thì phải. Ðúng rồi. Nàng nói với tôi rằng nàng vốn là con nhà danh gia vọng tộc, nhưng mẹ nàng và nàng bắt buộc phải ở cách xa thành phố.

-        Thật ư? Tiên sinh hãy nghe tôi kể chuyện nàng: Cha nàng là nhà nho. Nàng được nuôi dạy theo một nền giáo dục khuôn mẫu. Mẹ nàng rất nghiêm ngặt, không cho nàng ra ngoài, dù đi với một ả nữ tì. Vì thế nàng phải trốn đi ban đêm. Khi mẹ nàng ngủ, nàng trèo qua cửa sổ để đến với tôi. Ðó là điều nàng đã thuật với tôi trong những buổi gặp gỡ sau này.

-        Trời ơi, một người đẹp mà phải trèo qua cửa sổ! Tiên sinh mê nàng quá. Với tôi câu chuyện thật là quái dị; gặp gỡ một thiếu nữ ở gần một cái miễu hoang tàn, rồi thiếu nữ ấy đến nhà người yêu một cách dễ dãi ngay tối đầu! Tôi chẳng thấy dấu gì là dấu đôi bàn chân nhỏ víu ấy trèo qua cửa sổ. Thưa tiên sinh, những sự việc ấy quả bất thường. Phiền tiên sinh tả cho tôi biết mặt mũi nàng ra sao? Nàng ăn mặc thế nào?

-        Nàng đẹp một cách lạ thường, dù nét mặt có đượm một vẻ buồn triền miên. Nàng chỉ bận một thứ áo và không bao giờ thay đổi... Quả thật tiên sinh đã làm cho tôi phải suy nghĩ nhiều... Cho đến con nữ tỳ cũng đến vào một giờ nhất định, mang theo một cái đèn lồng cũng không thay đổi, mà đặc biệt là con nữ tỳ không hề mở miệng một câu. Tôi tưởng nó câm, tiên sinh ạ.

-        Câu chuyện mỗi lúc lại thêm lạ lùng.

Kim Tứ nghĩ đến sự bí mật ấy và tự hỏik hông biết hai thiếu nữ ấy là ai. Mà Ðại Thông thì không tin được nàng Giáng Tuyết - một nữ lang đẹp như tiên - lại có thể cầm được sinh mệnh của chàng trong tay.

-        Ðại Thông tiên sinh, bây giờ đã đến lúc ta phải quyết định rồi. Ta phải tìm cho biết gốc tích nữ lang ấy. Nếu không thì tính mệnh tiên sinh chẳng khác ngọn đèn trước gió. Vậy tiên sinh đã có ý kiến gì chưa?

Chàng thanh niên lắc đầu. Trán ông già nhăn lại vì suy nghĩ: 

-        Nhà tiên sinh chỉ cách nhà tôi có một bức tường thôi, phải không?

Chàng thanh niên gật đầu.

-        Như thế tôi sẽ quay về nhà đục một lỗ tường để có thể trông sang xem người con gái đáng sợ ấy ra sao. Tôi van tiên sinh hãy lánh xa ả ấy đi. Thôi, xin phép tiên sinh tôi về, vì đã muộn.

Nói đoạn, Kim Tứ nhặt những cái thẻ ở dưới đất, cầm điếu thuốc ra về.

Ngoài vười, mấy cụm hồng rung động dưới làn gió nhẹ. Ðại Thông đứng dậy bước nặng nề vào nhà trong.

Ngày hôm sau, vừa mới bình minh, Kim Tứ đã sang gõ cửa ông bạn hàng xóm. Trông thấy Ðại Thông, ông thốt lên một câu kinh ngạc:

-        Ô, hãy còn sống! Mở toang các cửa ra cho ánh sáng lùa vào.

Lần này, Ðại Thông tỉnh táo lắm.

-        Thế nào, ông có trông thấy nàng Giáng Tuyết của tôi không? Nàng là ai? Hôm qua nàng đưa cho tôi một nhành hoa lê. Ông trông đấy, nàng có thật và tôi có bị ám hại gì đâu! Không sợ!

Nói câu ấy xong, Ðại Thông cười có vẻ khoái trá và lấy tay trỏ nhành hoa lê để trên cái án thư bằng gụ đen bóng như mun.

Kim Tứ trông thấy mà ngạc nhiên vô cùng:

-        Tiên sinh ơi, hãy tỉnh ngộ lại và thử ngẫm mà xem. Tiên sinh há chẳng biết mùa thu thì làm gì có hoa lê, có chăng chỉ có hoa hoắc lê là cùng.

-        Quả thế, khi nàng Giáng Tuyết biếu tôi nhành hoa, nàng cũng đã nói rồi: Em đưa đến cho anh một đóa hoa buồn, em vẫn biết anh thích hoa đào đơn. Sau này, anh gặp gỡ một bạn tình vui tính và chắc rằng anh sẽ quên em ngay. Rồi nàng ngả đầu vào vai tôi mà khóc. Tôi an ủi nàng đừng có ngờ vực một điều nhỏ mọn, tôi yêu tất cả các thứ hoa mà bông hoa tôi yêu hơn cả thì là nàng vậy.

Nhưng có điều Ðại Thông không nói ra và không nghĩ đến là trong tháng này, chẳng vườn nào lại có hoa lê nở. Một nỗi lo sợ không tên xâm chiếm lòng chàng, hai tay chàng nắm chặt lấy ông thầy tiền định:

-        Vậy tiên sinh có thấy gì khác thường không? Tie6n sinh làm cho tôi sợ hãi quá...

-        Tôi phải nói để tiên sinh biết sự thật hãi hùng. Can đảm mà nghe mới được, vì tôi muốn cứu tiên sinh.

... Thiếu nữ đến với tiên sinh chết đã lâu lắm rồi. Tay tiên sinh sờ vào thây ma, môi tiên sinh hôn hít thây ma... Khi tôi trông thấy người yêu của tiên sinh đưa biếu nhành hoa lê, tôi đã định kêu lên. Nhưng trấn tĩnh được, tôi muốn tìm cho ra bí mật; với cái tinh thần của tôi, tôi có thể cho tiên sinh biết: nàng Giáng Tuyết chỉ là ma hiện ở dưới mả lên. Tiên sinh si tình thấy nàng đẹp đẽ uyển chuyển; tôi thì tôi thấy ghê sợ và kinh tởm?

Ðại Thông hoảng sợ, níu lấy áo ông bạn già lạy van xin cứu cho sinh mệnh, nếu còn kịp thời giờ.

Kim Tứ nói:

-        Ðêm nay, tôi không ngủ, mặc dầu suy nghĩ nhiều. Chắc chắn thế nào tôi cũng tìm ra bí mật ở ngoài đền Mỹ Ðế. Nhưng vì nghề nghiệp của tôi, các nhà sư sẽ tìm cách làm khó dễ. Tiên sinh làm ơn đi thay tôi. Ngay hôm nay, tiên sinh đến đó dò hỏ nhà sư trụ trì một cách khôn khéo để họ khỏi nghi ngờ gì mình. tôi chắc có một các bí mật gì ghê gớm ở trong ngôi đền ấy. Tiên sinh nên đi ngay, làm thế nào đến được trước khi mặt trời lặn. Tôi nóng lòng chờ tiên sinh quay về. Biết được tiên sinh thấy những gì ở đó, tôi sẽ tùy cơ cứu tiên sinh.

Ðại Thông có cái cảm tưởng như mình không còn sống nữa. Dù sao chàng cũng cố sức sửa soạn ra đi thật nhanh.

Một bụi rậm gai góc chắn ngang lối vào đền. Ðại Thông không dám vượt qua, đành phải gõ cửa.

Một nhà sư già lắm, gầy đét như con mắm, bận một cái áo xanh đã bạc mầu ló mình ra ngoài cửa sổ và hỏi:

-        Ông hỏi gì?

-        Bạch cụ, vụ tha lỗi cho câu hỏi tò mò, ở đền ta đây có bao nhiêu vị tăng ni?

Trông thấy bộ quần áo sang trọng của Ðại Thông, nhà sự dịu dàng nói:

-  Thưa ở đây chúng tôi chỉ có hai người thôi, tôi và một chú tiểu. Ngài trông đấy, ngôi đền điêu tàn lắm, khách thập phương không hề để chân đến lễ bái bao giờ.

-        Thế có nhiều người làm ma chay gì không? Ðại Thông hỏi.

-        Bây giờ thì không có nữa. Tuy vậy, cách đây không bao lâu cũng có một đám. Vâng, đúng hai tháng, đám ma một thiếu nữ. Tôi biết mẹ của nàng, còn nàng thì tôi chưa bao giờ gặp mặt.

-        Thế nàng không phải là người ở đây sao?

-        Mẹ nàng ở tận Nam Hải. Bần tăng nghe nói nàng là thiếu nữ chưa chồng, chẳng biết vì chuyện gì, một đêm ra một cây đa quéo thắt cổ trên cành tự vận.

Ðại Thông nghe mà muốn tắt thở, cổ họng chàng khô lại. Chàng lại hỏi:

-        Thế bạch cụ, cụ có nhớ tên thiếu nữ là gì không?

-        Hình như tên nàng là Giáng Tuyết.

-        Giáng Tuyết?

-        Vâng, thuộc về dòng họ Ngân Ðiền. Nếu ngài muốn biết rõ nữa, tôi sẽ chỉ để ngài biết quan tài nàng vì hãy còn để ở trong đền này. Mẹ nàng giao cho tôi coi cái quan tài ấy mà đã hai tháng trời nay rồi, họ hàng cũng không có ai đến nhận. Không được phép, tôi không dám chôn. Ngài sẽ thấy ngay trên quan tài có treo một cái đèn lồng rất đẹp.

Ðại Thông run lên như cái lá trước gió thu, hai hàm răng đánh vào nhau cầm cập. Chàng muốn té xỉu xuống ngay lúc đó. Tuy vậy, chàng cũng cố hỏi thêm một câu:

-        Bạch cụ, cụ có thấy sự gì thay đổi lạ lùng ở trong đền này không?

Vị sư già không hiểu ý nghĩa câu hỏi, mở to mắt tỏ vẻ ngạc nhiên và nghĩ có lẽ người này điên chăng, bèn trả lời một câu có vẻ đùa cợt:

-        Không, không, chẳng có gì cả. Tuy vậy tối nào tôi cũng bị mất một cây nến. Tôi chắc chú tiểu ăn cắp để bán lấy tiền mua bánh, nếu không phải là chú chuột tha đi.

Ðại Thông lạnh toát người, bỏ chạy, quên cả chào vị tăng già đứng sững ra đấy, vừa buồn cười mà lại vừa bâng khuâng không hiểu chuyện gì cả.

Câu chuyện của ông Foumiko Tayabashi kể cho chúng tôi nghe đến đây thì trời vừa hửng sáng.

Không thể nằm lâu hơn được, chúng tôi đành phải đứng dậy ra về. Riêng tôi thắc mắc không chịu được vì không biết câu chuyện đến đây đã hết chưa, mà tiếc một nỗi là ông Tayabashi lại không nói cho chúng tôi được biết.

Tôi định ngay tối hôm đó sẽ mời cả bọn đi hát nữa để hỏi ông Tayabashi câu chuyện hết chưa và nếu chưa hết thì rồi ra sao, nhưng chẳng may, đến buổi trưa hôm đó, phái đoàn nghị sĩ nhận được một bức điện kêu về gấp vì một biến cố chính trị mới xảy ra tại Sài Gòn.

Tàu bay cất cánh hồi ba giờ chiều. Tôi không kịp ra tiễn mấy ông bạn và do đó không biết gì hơn về chuyện "Cái Ðèn Lồng” của ông Foumiko Tayabashi, nhất là không biết sau này có ai đến nhận chôn thi hài Giáng Tuyết không?



1. Một Ðêm Ðông Ở Khâm Thiên

2. Người Ðẹp và Ả Nữ Tỳ Xách Ðèn Lồng

3. Người Ðẹp và Ả Nữ Tỳ Xách Ðèn Lồng (tt)

4. Ngọc Hân Giáng Tuyết và Ả Nữ Tỳ Xách Ðèn Lồng

5. Ngọc Hân Giáng Tuyết và Ả Nữ Tỳ Xách Ðèn Lồng(2)

6. Ngọc Hân Giáng Tuyết và Ả Nữ Tỳ Xách Ðèn Lồng(3)

7. Ngọc Hân Giáng Tuyết và Ả Nữ Tỳ Xách Ðèn Lồng(4)