Mười bảy ngày trước Tết Nguyên Ðán năm 1950, một phái đoàn nghị sĩ Việt Nam ở Sài Gòn ra Bắc để cứu xét mấy vấn đề chính trị và kinh tế. Bây giờ tôi không nhớ rõ phái đoàn có bao nhiêu người, chỉ biết trong đó có bốn người mà tôi quen biết. Bốn người quen biết đó gồm một kỹ sư, hai chủ báo và một người trước đây làm việc cho một công ty bảo hiểm.
Vì đi dự mấy phiên họp đầu, tôi gặp bốn người bạn đó rủ đi ăn. Ðể đáp lễ, hôm phái đoàn sắp ra về, tôi mời họ đi hát Khâm Thiên. Cả bọn đều nhiều lần nói với tôi rằng ăn mãi cũng chán, muốn thưởng thức một cái gì rất lạ và rất Bắc Kỳ; mà nếu có vể thơ mộng nữa thì càng hay.
Tôi nghĩ không có gì hơn là mời họ đi nghe hát cô đầu. Tối hôm đó khi lên xe tôi thấy một người thứ năm. Một trong hai ông nhà báo giới thiệu:
- Ông bạn già đây không phải là nghị sĩ. Ông ấy là người Nhật giúp việc cho một tờ báo Nhật và được cửa sang Việt Nam cùng với phái đoàn Nhật để quan sát và gửi tin tức về cho tòa soạn.
- Hân hạnh. Cuộc tao phùng hôm nay chắc chắn sẽ nhờ đó mà vui vẻ đậm đà hơn.
Tôi cúi đầu chào ông nhà báo Nhật. Ông đưa cho tôi một tấm cạc đề tên ông: Foumiko Tayabashi.
Thưa ông, ông là quý khách. Tôi rất hân hạnh được mời ông đi thưởng thức một nghệ thuật có nhiều dân tộc tính của nước tôi.
Ông Foumiko Tayabashi là một người đã có tuổi, nhưng không khỏe mạnh như những người Nhật khác mà tôi thường gặp. Ông bao nhiêu tuổi? Tôi đoán có lẽ đến năm mươi, nhưng trông da mặt và cặp môi nhăn nhúm cùng với vẻ buồn rầu ở đuôi hai con mắt của ông có người cho ông khoảng sáu mươi hay sáu mươi mốt.
Khi trống và bàn đèn chiếu rượu dọn ra rồi, tôi hỏi thăm mới biết ông là ký giả kiêm văn sĩ. Trước khi Nhật, Ðức, Ý kết liên thành Trục đánh Ðồng minh, ông đã xuất bản hai quyển sách ngụ ngôn nói bóng nói gió nhiều đến cái nạn quân phiệt Nhật, một cuốn thơ và mấy cuốn tiểu thuyết xã hội nói về "số kiếp con người”.
Ông Tayabashi có ý mến tôi hết sức. Không hiểu ông mến tôi như thế là vì câu chuyện của tôi nói với ông hay chỉ là tại ông thấy tôi là bạn văn chương thanh khí đồng ý với ông rằng nền văn minh, văn hóa Ðông Phương chưa chắc đã dỡ như một số người ở các nước khác vẫn tưởng. Bây giờ ngồi thuật lại chi tiết câu chuyện, có lẽ không phải dễ... Tôi chỉ nhớ là khoảng mười một, mười hai giờ gì đó; chúng tôi gặp nhau không bao lâu mà đã trở thành đôi bạn tuy nhất kiến vi kiến nhưng thương yêu nhau thật tình y như thể đã quen biết nhau từ lâu lắm. Tôi nói:
- Trước đây, tôi có một lần đi qua Nhật ở một ngày. Quý quốc đẹp lắm, nhưng bây giờ, sau Thế Chiến Thứ Nhì, chắc chắn là thay đổi nhiều lắm. Qua những bài phóng sự đăng trên các báo ở Âu Mỹ mà tôi được đọc, con người ở quý quốc cũng có ít nhiều đổi thay, nhưng chẳng biết về phong tục thì có thay đổi gì không? Riêng ở nước chúng tôi đây, chiến tranh cũng làm đảo lộn hết cả trật tự từ ngày xưa để lại. Trái gái đĩ bợm nhiều hơn. Ðó là chuyện trong thời chiến...
Khoảng một giờ đêm thì ba người về. Còn lại một ông chủ báo ở lại trò chuyện với ông Tayabashi.
Ðêm đông ở Bắc buồn như một đám tang đi trong rừng. Chúng tôi nói hết với nhau về thảm cảnh chiến tranh và mỗi người có ít nhất vài ba chuyện để kể cho nhau nghe những oan khổ lưu ly do chiến tranh đã tạo ra cho xứ sở.
Ông bạn chủ báo của tôi đang nằm vội ngồi nhỏm dậy hỏi:
Tôi hỏi thật hai ông: những người gây ra chết chóc, những người tàn sát không gớm tay, có bị một đấng vô hình nào trừng phạt không?
Ông Tayabashi và tôi, trước câu hỏi đột ngột đó, lặng yên không đáp. Ông chủ báo nói tiếp:
- Phần tôi, mặc kệ ai chê là hư bại và chậm tiến, tôi lúc nào cũng tin có quả báo và hối hận. Ðây là một chuyện tôi cam đoan chính tôi nghe thấy và trông thấy: một viên trung úy người Thượng, nhảy dù trong trận đánh Thái Nguyên, có tiếng là đa sát và hãm hiếp đàn bà con gái xong thì giết chết nhưng đánh trận nào cũng thoát chết. Ðến trận cuối cùng, không hiểu vì hơi bom hay đạn bắn xuyên qua hàm lên óc nên ông ta bị mù hai con mắt. Ông ta được giải ngũ và đưa sang Phi Luật Tân để chữa bệnh. Nhưng chữa không khỏi. Ông ta điên điên khùng khùng... muốn chết không chết được... điên vì theo đúng lời ông ta thuật lại cho bạn hữu nghe khi tỉnh cơn điên rằng cứ mỗi đêm khuya ông thấy từ trong hai con mắt mù lòa của ông có những người bé tí nhảy ra, đi đi lại lại và bàn bạc với nhau những chuyện gì nghe không rõ sau đó rồi trèo lên mũi lên trán ông gõ chân theo nhịp và hát cho đến sáng lại chui vào hai lỗ mắt...
Nhưng thế là sự hối hận? Là ảo ảnh? Hay là ma quỷ hiện ra để chọc ghẹo ông?
..........
Mưa phùn mùa đông ở miền Bắc có cái đặc biệt là hình như biết bay và thấm qua tường và cửa sổ để làm ẩm ướt, giá lạnh cả những căn phòng đóng kín. Khêu to cái bấc lụi của ngọn đèn dầu lạc, chúng tôi thấy tê buốc đến chỗ sâu thẳm nhất của lòng. Ở trên trời khuya, gần sáng có tiếng sếu kêu buồn đứt ruột.
Ông Tayabashi nhìn tôi hỏi:
- Ý ông ra thế nào?
- Thú thật với ông, tôi theo Tây học từ thuở nhỏ, người ta dạy tôi không có ma không có quỷ, chết đi là hết, nhưng tôi không cho thế là đúng. Trái lại, những chuyện như chuyện ông bạn vừa kể đây, tôi tin rất có thể là thực, nhưng tại sao lại thế thì tôi không giải thích được vì tôi chưa học về thần linh học, ma quỷ học. Nhưng tôi không vì lẽ chưa học, chưa tìm tòi, chưa thí nghiệm mà đã khẳng định là không có ma, không có tiền kiếp, không có luân hồi, không có báo ân báo oán.
Ông Tayabashi hút điếu thuốc thứ ba xong, rồi nói:
- Tôi cũng như ông vậy. Tôi cho rằng ở đời không có cái gì "hết”, hóa rồi lại sinh, sinh rồi lại hóa. Người Tây không tin có luân hồi vì tại họ chưa học, chưa thấu, chưa hiểu. Mà họ không tin có ma có quỷ, không tin có quả báo, trừng phạt, không tin có tiền oan nghiệp chướng, không tin có âm phù dương trợ, đó là quyền của họ. Nhưng tôi không thể viện cớ nói họ không tin mà tôi vẫn nhắm mắt cúi đầu tin theo họ.
Các ông đã đọc truyện "Liêu Trai” nhiều rồi phải không? Tôi cũng đã đọc, không phải đọc bản dịch ra tiếng Nhật mà đọc nguyên văn chữ Hán.
Ðọc rồi, có nhiều người cho rằng "Liêu Trai” là chuyện bịa đặt tưởng tượng ra để răn đời. Ðó cũng lại là cái quyền của những người đọc sách. Nhưng riêng tôi thì tôi tin một cách thành thật là tác giả truyện "Liêu Trai” đã kể lại nhiều chuyện có thực vào thời đó.
Tại sao tôi lại tin như thế? Là vì chính tôi đã thấy ma, thấy trước Thế Chiến Thứ Hai, thấy sau khi nước tôi thua trận và chính vào thời kỳ đó những chuyện có thực mà có vẻ liêu trai đã diễn ra khá nhiều mà chính mắt tôi đã được chứng kiến.
Tôi rất tiếc không đem theo một cuốn tiểu thuyết mà tôi viết trước đây đã in thành sách và dịch ra tiếng Anh và tiếng Pháp, để biếu hai ông.
- Ông bạn viết gì trong đó?
- Tôi viết một truyện có thực, nhưng vốn biết rằng nếu truyện thực ấy mà nói là có thực thì nhiều người không tin nên tôi phải ghi là tiểu thuyết. Tiểu thuyết ấy có nhan đề "Cái Ðèn Lồng”. Nếu các ông không ngại mất ngủ, tôi xin thuật lại câu chuyện ấy để các ông nghe.
- Vậy thì còn gì hơn nữa. Những đêm như thế này, có muốn ngủ cũng không tài nào ngủ nổi. Ðược một nhà văn kiêm nhà báo danh tiếng như ông kể chuyện cho nghe, chúng tôi rất lấy làm hân hạnh.
Câu chuyện "Cái Ðèn Lồng” của
ông Foumiko Tayabashi như thế
này: