阿 毘 達 磨 俱 舍
AbhidharmakośabhāṢayām
Nguyên tác: Thế Thân
Hán dịch: Huyền Trang
PHẨM II : PHÂN BIỆT CĂN 3.
Như vậy đã nói xong về hành tướng của đắc và phi đắc; tiếp đến, đồng phần là gì ?
3. Đồng phần (sabhāgata).
Văn Tụng.
Hán:
同 分 有 情 等[1]
Việt dịch:
Đồng phần[2] là thể loại đồng đẳng[3] trong hữu tình[4] /86a/
Luận giải thích:
i.Hữu bộ.
a.Lược thích:
Đồng phần: Thật sự có một pháp riêng biệt[5] gọi là đồng phần; đó là thể loại đồng đẳng vận hành trong các loài hữu tình[6].
b. Dị danh:
Bổn luận[7] nói, đó là chúng đồng phần[8](nikāyasabhāga)[9].
c.Biệt thích:
ci.Hữu tình đồng phần (sattva-sabhāgatā):
Pháp nầy lại có hai: một, không sai biệt; hai, có sai biệt. Không sai biệt[10]: đó là thể loại (hữu tình) đồng đẳng trong tất cả các loài hữu tình mà mỗi mỗi hữu tình đều có giống nhau. Có sai biệt[11]: đó là thể loại đồng đẳng riêng biệt của từng loại (nhóm) hữu tình trong ba cõi, chín địa, năm đường, bốn loại sanh, của cận sự nam, cận sự nữ, bí sô, hữu học, vô học, v.v.. mà ( mỗi một hữu tình) trong mỗi loại đều có như nhau.
cii.Pháp đồng phần (dharma-sabhāgatā):
Lại có pháp đồng phần; đó là tuỳ thuộc vào uẩn, xứ, giới[12].
d.Chứng thật hữu thể.
(Hữu bộ) Nếu thật sự không có một pháp không có tướng sai biệt gọi là đồng phần ấy[13](thì) các loài hữu tình (trong ba cõi, chín địa,...) với những chuyển biến khác nhau, lẽ ra không thể có sự tri nhận[14] và tên gọi[15] giống nhau nơi mỗi một hữu tình. Cũng như vậy, với uẩn, xứ v.v..., có sự tri nhận và tên gọi giống nhau, theo lý mà biết.
e.Đắc và xả:
Vả lại, khi sanh, khi chết, hữu tình đồng phần có không xả, có không đắc; nên lập bốn câu (để hiểu rõ hơn) :
1.Câu thứ nhất: chết ở cõi nầy lại sanh về cõi nầy (không xả không đắc).
2.Câu thứ hai: khi vào địa vị chánh tánh ly sanh, xả dị sanh đồng phần, đắc thánh giả đồng phần (có xả có đắc).
3.Câu thứ ba: chết ở cõi nầy sanh đến các cõi khác (cũng xả cũng đắc).
4.Câu thứ tư: đó là trừ các hành tướng như trước (vừa mới nêu).
ii. Vấn đáp xác định.
a.Năm vấn nạn của Kinh bộ:
ai.Vô dị sanh tánh nạn.
Hỏi: Nếu thật sự có một pháp riêng biệt gọi là dị sanh đồng phần, cần gì lại lập nên dị sanh tánh; cũng giống như ngoài nhơn đồng phần, không có một nhơn tánh vậy[16]?
aii. Phi kiến vô dụng nạn.
Lại nữa, đồng phần chẳng được thấy bằng hiện lượng của thế gian, vì nó chẳng phải là sắc; cũng chẳng phải là đối tượng liễu tri của giác huệ, vì không có công năng tác dụng nào; cho nên người thế gian tuy không hiểu (thể của) hữu tình đồng phần, nhưng ở nơi hữu tình vẫn thấy có cái không sai biệt, do đó dù có thể cũng chẳng có công dụng (vyāpāra) gì[17].
a.iii. Phi tình đồng phần nạn.
Lại nữa, vì lý do gì lại không chấp nhận có vô tình đồng phần; các loại lúa mạch, lúa mì, đậu, vàng, thiết, xoài (am la), sa kê (bán na bà), v.v... cũng có các tự loại tương tợ[18] ?
a.iv. Biệt hữu đồng phần nạn.
Lại nữa, các đồng phần sai biệt chuyển biến khác nhau, làm sao ở trong đó vốn không có (chung) đồng phần mà lại khởi lên giác huệ, danh ngôn không khác nhau ư[19] ?
a.v.Ưng đồng Thắng luận[20] nạn.
Lại nữa, nếu như vậy tức trở thành xiển dương kiến chấp của Thắng luận;Tông phái kia cho rằng có tổng đồng cú nghĩa (Sāmānya-padārtha)[21] (tức là), ở trong tất cả các pháp, có cùng chung ngôn ngữ, cùng chung giác huệ (tổng đồng ngôn trí) do đó phát sanh tổng đồng cú nghĩa; Tông kia lại cho rằng, có đồng dị cú nghĩa[22]; tức ở trong phẩm loại khác nhau, có ngôn ngữ, có giác huệ giống nhau (đồng ngôn trí); cũng có ngôn ngữ, giác huệ không giống nhau (dị ngôn trí), do đó phát sinh đồng dị cú nghĩa.
b.Tỳ Bà Sa Sư nói rằng, quan điểm của Thắng Luận cùng với nghĩa loại của Hữu bộ không giống nhau; vì (Thắng Luận) nói một vật chuyển biến trong nhiều vật[23]. Lại nữa, dù đối với Thắng Luận hoặc xiển dương hoặc không xiển dương, song đồng phần nầy nhất định là pháp có thật, vì khế kinh nói như vậy; như Thế tôn nói, nếu trở lại đây, ắt có nhơn đồng phần ... cho đến nói rộng ra[24].
c.(Kinh bộ)Tuy Kinh có nói như vậy nhưng không nói rằng thật sự có một pháp gọi là đồng phần.
d.(Tỳ bà sa)Nếu vậy, đồng phần được(Kinh bộ) nói là thế nào ?
e.(Kinh bộ)Tức khi các hành sinh khởi với những phẩm loại (tương tự) như vậy, ở trong đó, giả lập nhơn đồng phần, v.v... ; cũng giống như các đồng phần của lúa, lúa mì, đậu, v.v...(là giả, chẳng phải thật).
f.(Tỳ bà sa) Đây chẳng phải là cách nói hợp lý (thiện thuyết), trái ngược với tông phái của tôi[25].
Như vậy, nói xong về đồng phần. Tiếp đến,
3.Vô Tưởng:
Văn Tụng .
Hán :
無 想 無 想 中
心 心 所 法 滅
異 熟 居 廣 果
Việt dịch :
Vô tưởng trong vô tưởng
Pháp khiến tâm tâm sở đều mất
Dị thục ở Quảng quả /86bcd/.
Luận giải thích :
i. Minh thể.
Vô tưởng[26] trong vô tưởng[27], pháp khiến tâm tâm sở đều mất: nếu sanh vào cõi trời vô tưởng hữu tình, có một pháp có khả năng khiến tâm và tâm sở biến mất gọi là vô tưởng; đó là pháp có thật, nó hay ngăn chận các pháp tâm tâm sở trong vị lai khiến tạm thời không khởi lên, giống như đập ngăn nước sông ngòi[28].
ii.Nhị môn phân biệt.
iia.Dị thục tính.
Dị thục: pháp nầy hoàn toàn là quả dị thục.
Dị thục của pháp nào ?
Của Vô tưởng định[29].
iib.Xứ sở.
iibi.Sở cư xứ.
Vô tưởng hữu tình ở tại chỗ nào ?
Ở Quảng quả: nghĩa là trong Quảng quả thiên, có chỗ cao tốt nhất, giống như ở Trung gian tịnh lự, gọi là Vô tưởng thiên[30].
Ở Vô tưởng thiên, chúng sanh luôn luôn vô tưởng hay cũng có lúc là hữu tưởng ?
Ở sanh tử vị, phần nhiều hữu tưởng; nhưng nói vô tưởng nghĩa là, các hữu tình ở cõi kia, trong khoảng thời gian trung gian (từ khi sanh đến khi chết) rất lâu dài, tưởng không khởi lên[31]. Như Khế kinh nói, các hữu tình ở cõi kia do tưởng khởi lên nên từ cõi đó chết đi, song, các hữu tình kia như ngủ lâu nay bỗng tỉnh thức, trở lại khởi tưởng.
iibii.Thối sanh xứ.
Từ cõi trời Quảng quả, sau khi chết (tức sau khi khởi tưởng), tất sanh cõi Dục, chẳng phải là chỗ nào khác do vì công phu tu tập thiền định lúc trước đến nay, định lực đã hết; và ở cõi Dục, không có khả năng tu tập lại được. Giống như, mũi tên bắn ra giữa hư không, khi lực hết, tất rơi xuống[32]. Các hữu tình sanh về Quảng quả thiên tất phải có Dục giới thuận hậu thọ nghiệp. Cũng giống như sanh về Bắc cu lô châu, nhất định phải có sanh thiên thuận hậu thọ nghiệp[33].
Đã nói xong về Vô tưởng quả.
4. Hai định.
Hai định là gì ?
Đó là định vô tưởng và định diệt tận.
i.Định vô tưởng.
Hành tướng của định vô tưởng là thế nào ?
Văn Tụng.
Hán :
如 是 無 想 定 後 靜 慮 求 脫
善 唯 順 受 生 非 聖 得 一 世
Việt dịch :
Như vậy, định vô tưởng Hậu tịnh lự, cầu thoát,
Thiện, chỉ thuận sanh thọ; Chẳng phải thánh, đắc một đời /87/
Luận giải thích :
ia. Minh thể.
Như vậy, định vô tưởng: Như trước đã nói, có một pháp có khả năng khiến tâm, tâm sở không khởi, gọi là vô tưởng (quả). Cũng như vậy, lại có một pháp khác có khả năng khiến tâm, tâm sở không khởi, gọi là định vô tưởng[34].
ib. Thích danh.
Vô tưởng ấy là định nên gọi là định vô tưởng (y chủ thích); hoặc định là vô tưởng nên gọi là định vô tưởng (trì nghiệp thích).
Như vậy: chữ “như vậy” nhằm hiển bày cho thấy định nầy có khả năng khiến cho tâm tâm sở không khởi lên được, cũng giống với vô tưởng (quả) vậy[35].
ic. Y địa.
.Hậu tịnh lự: định này ở cõi nào? Ở hậu tịnh lự tức là đệ tứ tịnh lự (tứ thiền), chẳng phải chỗ nào khác[36].
id.Tác ý.
Cầu thoát: tu tập định vô tưởng với mục đích gì ? Tìm cầu giải thoát.Có Ngoại đạo cho rằng vô tưởng là chơn giải thoát; vì muốn cầu chứng được quả đó nên họ đã tu tập pháp định vô tưởng[37].
ie.Nhiếp thuộc tánh nào.
Thiện,
Ở trước nói vô tưởng là dị thục cho nên nhiếp thuộc tánh vô ký; đó là điều hiển nhiên. Nay, định vô tưởng hoàn toàn là thiện; vì là thiện nên chiêu cảm ngũ uẩn dị thục ở cõi trời vô tưởng hữu tình[38].
if.Chiêu quả.
Đã là thiện tánh, thuận với thọ nào ?
Chỉ thuận với sanh thọ; không thuận với hiện thọ, hậu thọ và bất định thọ[39]. Như khi khởi lên định nầy, sau đó tuy thối thất, theo truyền thuyết, hiện thân ắt có khả năng sanh khởi trở lại, sẽ sanh vào cõi trời vô tưởng hữu tình, do có được định nầy nên không thể nhập vào chánh tánh ly sanh[40].
ig.Người tu.
Chẳng phải thánh,: Lại nữa, cho rằng định nầy chỉ có hàng dị sanh chứng đắc, chẳng phải là các bậc thánh; bởi lẽ, các bậc thánh đối với định vô tưởng, như nhìn thấy hầm sâu, không ưa nhập vào vậy. Chỉ (những người) cho rằng vô tưởng là chơn giải thoát mới khởi lên tưởng xuất ly, tu tập định nầy. Tất cả các bậc thánh không cho (vô tưởng) hữu lậu là chơn giải thoát và là chơn xuất ly[41], cho nên đối với định nầy không tu tập.
ih. Thành tựu.
Như các bậc thánh khi tu tập chứng được định thứ tư, có giống như định nầy, cũng chứng được định vô tưởng quá khứ và vị lai chăng[42]?
Các hàng phàm phu, cũng không thể chứng được[43].
Vì sao như vậy ?
đắc một đời: định vô tưởng dù đã từng tu tập nhưng do vì vô tâm, cần phải nỗ lực rất nhiều mới chứng được; cho nên, khi mới chứng được, chỉ chứng được một đời; đó là chứng được trong hiện tại. Giống như khi mới thọ đắc biệt giải thoát giới. Khi chứng được định nầy rồi, ở đệ nhị niệm, v.v... cho đến chưa xả, cũng đều trở thành quá khứ. Vì là vô tâm, vì không có vị lai tu[44].
ii.Định diệt tận.
Tiếp đến, định diệt tận có hành tướng thế nào ?
Văn Tụng.
Hán :
滅 盡 定 滅 然 為 靜 住 有 頂
善 二 受 不 定 聖 由 加 行 得
成 佛 得 非 前 三 十 四 念 故
Việt dịch :
Định diệt tận cũng vậy Vì yên, trú hữu đảnh
Thiện, hai thọ, bất định, Thánh, do da hạnh đắc /88/.
Thành Phật, đắc phi tiền Ba mươi bốn niệm vậy /89ab/
Luận giải thích :
iia. Minh thể.
.Định diệt tận cũng vậy: nghĩa là như định vô tưởng, định diệt tận cũng vậy.
Chữ “cũng vậy” nầy, là ví cho nghĩa nào?
Ví như định vô tưởng khiến tâm, tâm sở diệt mất. Như nói, lại có một pháp khác có khả năng khiến cho tâm, tâm sở mất đi, gọi là định vô tưởng. Cũng như vậy, lại có một pháp khác có khả năng khiến cho tâm, tâm sở mất đi, gọi là định diệt tận.
Như vậy hành tướng hai định nầy khác nhau thế nào[45]?
iib. Tác ý.
Vì yên,: Thứ nhất, định vô tưởng vì muốn cầu giải thoát nên trước hết phải tác tưởng xuất ly. Định diệt tận nầy vì muốn cầu an trú cho nên trước tiên là phải tác tưởng chỉ tức[46].
iic.Y địa.
trú hữu đảnh:Lại nữa, định vô tưởng vị trí ở tại hậu tịnh lự; định diệt tận nầy vị trí chỉ ở hữu đảnh tức là phi tưởng phi phi tưởng xứ[47].
iid.Tánh nhiếp.
Thiện,:định nầy giống với định trước là cùng tánh thiện, thiện đẳng khởi; chẳng phải là tánh nhiễm hoặc vô ký[48].
iie. Chiêu quả.
iiei .Thời gian.
hai thọ, bất định: định vô tưởng ở trước chỉ thuận sanh thọ; định diệt tận nầy thông thuận với cả sanh, hậu và bất định thọ hoặc toàn bất thọ nghĩa là ở hạ địa đạt được niết bàn[49]
iieii. Không gian.
Định nầy chiêu cảm bao nhiêu uẩn, ở địa nào ?
Chỉ chiêu cảm bốn uẩn dị thục ở hữu đảnh[50].
iif. Người tu.
Thánh,: Định vô tưởng chỉ có dị sanh chứng đắc. Định diệt tận nầy chỉ bậc thánh mới chứng đắc. Hàng dị sanh không thể khởi lên được, bởi vì sợ sự đoạn diệt; chỉ có đạo lực bậc thánh mới có thể khởi lên vì định nầy được nhập vào bằng thắng giải tưởng hiện pháp niết bàn[51].
iig. Thành tựu.
iigi. Mới tu.
do da hạnh đắc: định nầy cũng như định vô tưởng ở trước, chẳng phải do ly nhiễm chứng đắc. Do gì chứng đắc ? Do da hạnh chứng đắc; cần phải do da hạnh mới có thể chứng đắc.
Lại nữa, khi mới đắc, chỉ đắc hiện tại; không đắc được quá khứ và cũng không tu tập vị lai vì cần phải do tâm lực mới có thể tu tập và sang đệ nhị niệm cho đến chưa xả cũng đã thành quá khứ[52].
iigii. Thành phật.
Thành Phật đắc, phi tiền[53]; ba mươi bốn niệm tâm vậy :
Đức Thế tôn cũng do da hạnh chứng đắc (định diệt tận) ư ?
Không phải vậy.
Tại sao ?
Vì đắc (định diệt tận) khi thành Phật có nghĩa là đắc khi Phật Thế tôn khởi tận trí[54]; Phật không có một đức nào do da hạnh đắc. Khi tạm khởi lên dục lạc hiện tiền, tất cả viên đức đều tuỳ theo lạc mà khởi sinh. Các đức của Phật đều do ly nhiễm chứng đắc.
Đức Thế tôn chưa từng khởi định diệt tận, thế thì khi đắc tận trí, sao lại nói là đắc thành câu phần giải thoát được[55]?
Vì đối với định diệt tận, đức Phật khởi lên một cách tự tại như người đã khởi rồi do đó thành tựu câu giải thoát[56].
Dị thuyết.
Các Sư phương Tây[57] nói: bồ tát ở hữu học vị, trước hết khởi lên định nầy, sau đó chứng được bồ đề[58].
Tại sao trong đây lại không chấp nhận luận thuyết của các Sư Phương Tây[59] ?
(Luận Chủ) Nếu chấp nhận thuyết kia thì trùng hợp với Lý mục túc luận[60] của tôn giả Ô ba cúc đa[61]. Luận kia nói rằng, nên nói đức Như lai trước tiên khởi định diệt tận, sau mới sanh khởi tận trí (tức thành bồ đề).
Luận Sư Tỳ Bà Sa nói, chẳng phải trước tiên khởi lên định diệt tận, sau mới sanh khởi tận trí. Lý do vì sao ? Truyền thuyết (tức Bà sa) nói Bồ tát do ba mươi bốn niệm mà chứng đắc bồ đề. Trong hiện quán đế lý[62] có 16 niệm tâm[63]. Lìa hữu đảnh tham có có 18 niệm tâm; đó là đoạn trừ 9 phẩm phiền não ở hữu đảnh, khởi lên 9 vô gián đạo và 9 giải thoát đạo; như vậy là 18. Cọng trước 16 thành ra 34. Tất cả các vị bồ tát quyết định, trước hết ở vô sở hữu xứ, phải lìa tham mới nhập kiến đạo, không trở lại tu tập đoạn trừ phiền não hạ địa. Ở khoảng trung gian nầy, không thể cùng khởi lên bất đồng loại tâm[64]. Cho nên các bồ tát ở hữu học vị, không thể khởi định diệt tận.
Các Sư ngoại quốc (chỉ cho các Luận sư Ấn Độ ngoài Ca Thấp Di La) nói: Nếu trung gian khởi lên bất đồng loại tâm, điều nầy có lỗi gì ?
Nếu vậy, thì phạm lỗi vượt kỳ tâm (期心), nhưng bồ tát thì không vượt kỳ tâm.
(Ngoại quốc... ) Thật sự bồ tát không vượt kỳ tâm, nhưng vượt vô lậu thánh đạo.
Nếu vậy, kỳ tâm như thế nào mà nói là không vượt ?
Đó là, nếu ta chưa đoạn trừ vĩnh viễn các lậu thì không bao giờ rời khỏi chỗ (thiền định) nầy, quyết định không vượt kỳ tâm như vậy. Phải trong một lần toạ thiền, các việc đều xong xuôi.
Thuyết đầu hợp lý, phù hợp với tôn chỉ của tôi.
Tuy đã nói về những hành tướng đồng dị của hai định, nhưng ở trong đó, lại có đồng dị.
iii. Sở y thân.
Văn Tụng.
Hán :
二 定 依 欲 色 滅 定 初 人 中
Việt dịch :
Hai định ở Dục, Sắc Diệt định ban đầu ở nơi người /89cd/
Luận giải thích :
Hai định,: nói hai định đó là định vô tưởng và định diệt tận.
Ở Dục, Sắc: tức là hai định nầy đều nương vào hai cõi Dục và Sắc mà hiện khởi[65]. Nếu có người (tự bộ sư) không chấp nhận cũng nương vào cõi Vô sắc, khởi định vô tưởng là trái với văn nầy tức Phát trí, Bổn luận nói, hoặc hữu là hữu tình cõi Sắc; hữu tình nầy không đủ năm hành[66]; đó là các hữu tình hệ thuộc cõi sắc, hoặc sanh cõi trời hữu tưởng, trú bất đồng loại tâm, hoặc nhập định vô tưởng, hoặc sanh cõi trời vô tưởng đã nhập vô tưởng đó gọi là hữu tình cõi Sắc; hữu tình nầy không đủ năm hành[67]. Như vậy biết rằng hai định đều nương vào Dục Sắc mà hiện khởi; đó gọi là đồng tướng.
Nói dị tướng: nghĩa là định vô tưởng đầu tiên có thể khởi lên ở nơi cả hai cõi Dục, Sắc[68].
Diệt định ban đầu ở loài người: định diệt tận, ban đầu chỉ khởi lên ở loài người. Định nầy, đầu tiên, ở nơi loài người tu tập khởi lên; tiếp đến, phải thối, mới sanh về cõi Sắc; dựa vào thân cõi sắc, lại tu tập khởi lên[69].
Định diệt tận nầy cũng có thối thất ư ?
Nên nói, cũng có. Bởi lẽ, nếu không như vậy tức trái với kinh Ô đà di[70], Kinh nói, Cụ thọ[71]! có các tỳ kheo, trước hết, ở trong chánh pháp[72], giới hạnh trang nghiêm[73], đầy đủ thiền định[74], đầy đủ trí tuệ[75], luôn luôn nhập, xuất định diệt thọ tưởng; đây là sự thật, nên biết như vậy. Những tỳ kheo đó trong hiện pháp[76]hoặc trong khi lâm chung, không thể tinh tấn tu tập để liễu giải quả vô học (mãn túc)[77]; khi thân bị hoại diệt, vượt qua cõi trời đoàn thực[78], thọ nhận lấy một thân ở cõi ý thành thiên. Khi sanh về cõi Ý thành thiên, lại thường xuất nhập định diệt thọ tưởng; cũng có việc như vậy, nên như thật mà biết. Ý thành thiên nầy, Phật nói là ở cõi Sắc, định diệt thọ tưởng chỉ ở tại Hữu đảnh; nếu như chứng được định nầy, quyết định không bị thối thất thì làm sao sanh về cõi Sắc?
Quan điểm của các bộ phái khác cho rằng, đệ tứ tịnh lự cũng có định diệt tận; theo đó, định diệt tận không bị thối thất.
Nghĩa nầy cũng thành tựu vậy.
(Hữu bộ) Đệ tứ tịnh lự có định diệt tận, nghĩa nầy không thể thành tựu.
Lý do vì sao ?
Do Khế kinh nói rằng, chín định theo thứ tự[79].
(Đại chúng bộ) Nếu chín định theo thứ tự là tất nhiên, làm sao có nghĩa thiền định vượt thứ tự ?
Thiền định theo thứ tự là nói cho hàng mới học, khi đã được tự tại rồi thì tuỳ theo ý muốn mà (siêu) nhập.
Sự khác nhau giữa hai định.
Như vậy, hai định có rất nhiều tính chất khác nhau; đó là :
Cõi khác nhau: đệ tứ tịnh lự và hữu đảnh.
Da hạnh khác nhau: đó là tác ý hoặc xuất ly hoặc chỉ tức.
Tương tục khác nhau: khởi lên ở dị sanh tương tục và ở thánh giả tương tục.
Dị thục khác nhau: vô tưởng dị thục quả và hữu đảnh dị thục quả.
Thuận thọ khác nhau: định thọ, bất định thọ; sanh thọ và hai thọ (hiện và hậu).
Sơ khởi khác nhau: tối sơ khởi hoặc ở hai cõi hoặc loài người.
Hai định đều lấy việc diệt trừ tâm, tâm sở làm tự tánh, vì duyên có gì chỉ nói vô tưởng và diệt thọ tưởng ?
Hai định, trong da hạnh, chỉ nhàm chán với pháp (thử, hữu tưởng) ngược lại với nó. Cũng giống như biết thọ, v.v... nhưng chỉ gọi là tha tâm trí[80].
Nay, trong hai định, tâm đã bị đoạn trừ trong một thời gian lâu, làm sao sau đó, có thể sanh khởi trở lại ?
Luận sư Bà sa cho rằng có tâm trước (tiền tâm) trong quá khứ làm đẳng vô gián duyên cho các tâm sau.(Trả lời thứ nhất)
Có các Luận Sư khác (Kinh Bộ ) nói, như sanh về cõi Vô sắc, sắc đã được đoạn trừ lâu ngày, như thế nào mà vào lúc sau, sắc lại sanh khởi được? Sắc kia sanh khởi là do tâm chứ chẳng phải do sắc; cũng như vậy, khi xuất định, tâm cũng thế do có căn thân chứ không phải do tâm khởi lên[81].(trả lời thứ hai).
Cho nên các vị Quỷ phạm sư các thời trước đều nói hai pháp nầy hỗ tương làm chủng tử. Hai pháp là gì ? đó là tâm và thân căn.
Tôn giả Thế Hữu[82] trong Vấn luận[83] nói, nếu cho rằng định diệt tận hoàn toàn không có tâm có thể phạm vào lỗi nầy (vô tâm sinh hữu tâm); tôi nói định diệt tận còn có tâm trong dạng vi tế(tế tâm) nên không có lỗi[84].
Tôn giả Diệu âm[85] nói, điều đó phi lý[86].
Lý do vì sao ?
Bởi lẽ, nếu trong định nầy còn có thức tức ba pháp hoà hợp, tất phải sanh xúc; do xúc làm duyên nên có thọ và tưởng. Như đức Thế tôn nói, ý và pháp làm duyên, sanh khởi ý thức; ba pháp hoà hiệp sanh xúc; đồng thời thọ, tưởng và tư cùng khởi lên. Thế thì, trong định nầy, các pháp thọ, tưởng, v.v.. cũng không bị diệt.
(Thế hữu) Nếu bảo như kinh nói, thọ (làm) duyên (sanh) ái; song, A la hán tuy có các thọ nhưng không sinh ái. Xúc cũng như vậy; chẳng phải tất cả các xúc đều là duyên của thọ, v.v...[87]
(Hữu bộ)Ví dụ nầy không thể được vì có sự khác nhau vậy. Trong Kinh phân biệt rằng, như các thọ sinh khởi do duyên với vô minh xúc là duyên sinh ái; không có chỗ nào nói chỉ có xúc sinh thọ; cho nên có sự khác nhau[88]. Do ý nghĩa nầy, các Luận sư Tỳ bà sa nói, trong định diệt tận, các tâm đều diệt.
(Thế hữu) Nếu hoàn toàn không có tâm, làm sao được gọi là định?
(Hữu bộ) Ở đây, khiến cho đại chủng bình đẳng trú nên gọi là định; hoặc do tâm lực bình đẳng cho đến định nầy nên gọi là định[89].
Như vậy, hai định nầy là thật có hay giả có ?
(Hữu Bộ) Nên nói, thật có. Bởi lẽ nó làm chướng ngại khiến các tâm (tâm sở) không sanh khởi được[90].
Có thuyết (Kinh Bộ) nói , chứng lý nầy không thuyết phục. Thật sự, do tâm trước định (tiền định tâm) làm chướng ngại nghĩa là tâm trước định cùng với các tâm còn lại khác sinh khởi trái ngược nhau; (tức là) do tâm (trước định) nầy khởi khiến cho các tâm khác tạm thời không chuyển khởi; tâm trước định nầy có khả năng dẫn phát thân sở y trái ngược với tâm, khiến nó tương tục vậy. Căn cứ vào bất chuyển vị, giả lập làm định, (là vô tâm,) không có thật thể riêng biệt[91]. Chính bất chuyển phần vị giả lập làm định nầy, trước khi nhập định, sau xuất định, cả hai giai đoạn đều không có thật, cho nên giả nói nó nhiếp thuộc hữu vi[92]. Hoặc chính thân sở y do định tâm dẫn dắt khiến khởi lên như vậy; giả lập làm định[93].
Nên biết, vô tưởng cũng lại như vậy; nghĩa là do tâm trước cùng với các tâm khác còn lại, trái ngược nhau mà khởi lên. Do tâm nầy khởi khiến các tâm khác tạm thời không chuyển khởi; ở nơi không chuyển vị đó giả lập vô tưởng. Các thuyết khác cũng như trước.
Thuyết nầy không hợp lý, trái với chủ trương của tôi (ngã tông).
Như vậy đã nói xong về hai định. (còn tiếp)
Việt dịch: Thích Phước Viên
Xem dưới dạng văn bản thuần túy
|