Khi ấy đức Thế tôn phổ cáo đại hội, gồm có vô lượng bồ tát, nhân loại và chư thiên, rằng các người nên biết, trong vô số đại kiếp, Như lai siêng tu khổ hạnh, mới được cái Pháp cực sâu -- cái Pháp làm nhân tố chính yếu cho tuệ giác bồ đề, và nay đã đem nói cho các người. Các người ai có chí dũng mãnh mà cung kính giữ gìn Pháp ấy? Như lai nhập niết bàn rồi, đối với Pháp ấy ai là người có khả năng quảng bá lưu thông, làm cho tồn tại lâu dài trên thế giới này?
Trong đại hội, bấy giờ, có sáu mươi câu chi bồ tát và sáu mươi câu chi chư thiên, khác miệng cùng tiếng mà tác bạch như vầy, bạch đức Thế tôn, chúng con ai cũng hân hoan, thích thú, không tiếc tính mạng để kính giữ cái Pháp cực sâu -- cái Pháp làm nhân tố chính yếu của tuệ giác bồ đề, mà đức Thế tôn tu hành khổ hạnh trong vô số đại kiếp mới đạt được. Sau khi đức Thế tôn nhập niết bàn, đối với Pháp ấy, chúng con sẽ quảng bá lưu thông, làm cho tồn tại lâu dài trên thế giới này. Các vị đại bồ tát tức thì đối trước đức Thế tôn nói những lời chỉnh cú sau đây.
(1) Thế tôn nói chân thật, trú ở pháp chân thật: chính sự chân thật ấy hộ trì cho kinh này. (2) Đại bi làm áo giáp, đại từ làm đất đứng: do từ bi lực ấy hộ trì cho kinh này. (3) Viên mãn phước tư lương, thì sinh trí tư lương; chính sự viên mãn ấy hộ trì cho kinh này. (4) Chiến thắng các loại ma, hủy diệt các tà thuyết, loại trừ các ác kiến, hộ trì cho kinh này. (5) Thiên vương và Đế thích, Phạn vương và tám bộ, chư thiên thiện thần ấy hộ trì cho kinh này. (6) Trên đất và trong không, ở lâu những chỗ này, kính tuân lời Phật dạy hộ trì cho kinh này.
(7) Thích ứng bốn phạn trú, trang hoàng bốn thánh đế, chiến thắng bốn loại ma, hộ trì cho kinh này. (8) Hư không thành chất ngại, chất ngại thành hư không, nhưng Pháp mà Phật giữ thì không thể khuynh đảo.
Bốn vị Thiên vương nghe đức Thế tôn hỏi sự hộ trì Pháp, thì ai cũng tùy hỷ, hộ trì Pháp ấy, và cùng lúc cùng tiếng mà nói chỉnh cú.
(9) Đối với kinh pháp này, chúng con và quyến thuộc đều nhất tâm hộ trì cho lưu thông rộng rãi. (9) Có ai trì kinh này, tạo bồ đề chính nhân, chúng con từ mọi phía hộ vệ và phụng sự.
Đế thích chắp tay cung kính mà nói chỉnh cú.
(10) Thế tôn chứng Pháp này, rồi muốn báo ơn đức nên tuyên thuyết kinh này lợi ích cho bồ tát. (11) Con đối với Thế tôn thường nghĩ sự báo ơn, nên hộ vệ kinh này cùng những người thọ trì.
Đỗ sử đa thiên tử chắp tay cung kính mà nói chỉnh cú.
(12) Thế tôn thuyết kinh này, nếu ai thọ trì được thì ở ngôi tuệ giác mà sinh Đỗ sử đa. (13) Thế tôn, con hân hoan bỏ lạc thú chư thiên mà ở trong Thiệm bộ tuyên dương kinh vua này.
Phạn vương chủ thế giới Sách ha chắp tay cung kính mà nói chỉnh cú.
(14) Các định có vô lượng, các thiền, các giải thoát, toàn xuất từ kinh này, nên kinh này phải nói. (15) Ngay chỗ nói kinh này, con bỏ vui của con, để được nghe kinh này, thường hộ vệ chỗ ấy.
Con trai của Ma vương tên là Thương chủ, chắp tay cung kính mà nói chỉnh cú.
(16) Những ai trì kinh này, bản kinh thuận chánh hạnh, thì không tùy ma hành, và diệt trừ ma nghiệp. (17) Nên đối với kinh này chúng con cũng hộ vệ; chúng con đại tinh tiến tùy chỗ mà quảng bá.
Ma vương chắp tay cung kính mà nói chỉnh cú.
(18) Những ai trì kinh này, đàn áp các phiền não, thì những người như vậy con giữ cho yên vui. (19) Những ai giảng kinh này thì ma không được dịp; do uy thần Thế tôn con sẽ hộ vệ họ.
Diệu cát tường thiên tử cũng đối trước đức Thế tôn mà nói chỉnh cú.
(20) Tuệ giác của Thế tôn được nói trong kinh này, nên ai trì kinh này là hiến cúng Thế tôn. (21) Con sẽ trì kinh này giảng nói cho chư thiên, ai cung kính lắng nghe thì khuyên đến bồ đề.
Di lạc từ tôn chắp tay cung kính mà nói chỉnh cú.
(22) Những ai đứng vững vàng nơi bản thể bồ đề, thì vì họ con làm người bạn không cần mời; cho đến bỏ tính mạng mà hộ trì kinh vua. (23) Con nghe Pháp này rồi trở về Đỗ sử đa, do Thế tôn da trì mà nói cho nhân thiên.
Đại ca diếp ba thượng thủ chắp tay cung kính mà nói chỉnh cú.
(24) Đức Thế tôn đã nói rằng con ít trí tuệ, nên con tùy sức mình mà hộ trì kinh này. (25) Ai trì được kinh này thì con sẽ thu nhận, trao cho từ vô ngại cùng với biện vô ngại (108) , và con thường tùy hỷ tán dương rằng lành thay.
Trưởng lão A nan đà chắp tay hướng về đức Thế tôn mà nói chỉnh cú.
(26) Đích thân từ Thế tôn con nghe vô số kinh, nhưng chưa từng được nghe kinh vua của các kinh. (27) Con nghe được kinh này là thân nghe trước Ngài, ai ưa thích tuệ giác con quảng bá cho họ.
Bấy giờ đức Thế tôn thấy chư vị bồ tát, chư thiên và nhân loại, cùng cả đại hội, ai cũng phát tâm quảng bá hộ vệ kinh vua này, khuyến tiến bồ tát và quảng lợi chúng sinh, nên đức Thế tôn tán dương rằng lành thay, đối với kinh vua này các người chân thành quảng bá được như vậy, đến nỗi sau khi Như lai niết bàn cũng nguyện không để kinh vua này mất đi. Việc làm này chính là nhân tố chính yếu của vô thượng bồ đề, và công đức đạt được thì nói mấy kiếp cũng không cùng tận. Bốn bộ đệ tử của Như lai, và những thiện nam hay thiện nữ khác, biết hiến cúng, tôn kính, sao chép, lưu hành và giải thích đối với kinh vua này, thì công đức đạt được cũng là như vậy. Do vậy, đại hội các người hãy siêng năng thực thi sự khuyến khích của Như lai.
Bấy giờ cả đại hội nghe đức Thế tôn huấn dụ, thì ai cũng đại hoan hỷ, tín thọ phụng hành. Hết
Sao y nguyên văn từ tuvienquangduc.com.au
Xem dưới dạng văn bản thuần túy
|