Ðức Phật lại bảo đồng tử Nguyệt Quang:
–Nếu Bồ tát ma ha tát đối với kinh điển Tam muội này, thọ trì, đọc tụng, giải thuyết cho người khác như lời dạy tu hành, được bốn công đức. Những gì là bốn?
1. Thành tựu đầy đủ phước đức.
2. Không bị oan gia làm hại.
3. Thành tựu vô biên trí huệ.
4. Thành tựu vô lượng biện tài.
Này Ðồng tử! Nếu có Bồ tát ma ha tát có thể đối với kinh điển của Tam muội này, thọ trì, đọc tụng, hộ niệm, tư duy, rộng nói cho người khác, sẽ đạt được bốn thứ công đức như vậy.
Bấy giờ đức Thế Tôn nói bài kệ:
Phước đức thành tựu hằng đầy đủ
Ở trong mọi lúc thường không đoạn
Nhờ thọ trì Tam muội như vậy,
Ðạt được cảnh giới các Như Lai
Công đức dũng kiện được gìn giữ
Ở trong mọi lúc thường thành tựu
Tu hành định thắng tịch như vậy
Ðạt được vô lượng thắng Bồ đề
Sẽ không có tất cả oán địch
Thường không bị oán địch làm hại
Trí huệ thành tựu được viên mãn
Ở trong mọi lúc thường không đoạn
Người ấy thành tựu trí vô lượng
Cũng lại đày đủ huệ vô biên
Vô lượng, vô biên thắng biện tài
Nhờ thọ trì thắng định như vậy.
Thành tựu đầy đủ phước đức tụ
Cũng thành hạnh Bồ tát thắng diệu
Không có tất cả các oán địch
Nhờ trí thắng định tịch diệt này
Trí huệ rộng lớn thật vô biên
Cũng thành vô biên thắng biện tài
Âm thanh mỹ diệu thật đáng ưa
Nhờ nói thắng định như thề đó
Ðược thiện hữu, bậc trí mến yêu,
Bảo: Hay tuyên thuyết về tự nghĩa
Mọi người đều biết là kho trí
Nhờ tuyên thuyết thắng định như vậy
Ðược lợi dưỡng lớn, y phục đẹp.
Cũng được món ăn rất thắng diệu
Nhan mạo đoan chánh thật khả ái
Nhờ trì tịch định như vậy đó
Thấy nhiều chư Phật bạn thế gian
Dùng vật tuyệt hảo cúng chư Phật
Không có tất cả các chướng nạn
Nhờ trì thắng định như vậy đó
Ở trước đức Phật mà tán thán
Tâm vui nói hằng trăm diệu kệ
Mà với trí huệ không hao tổn
Nhờ nói tịch định như vậy đó
Thế Tôn mười phương ngồi ở trước
Tướng tốt trang nghiêm thân khả ái
Trong sạch thanh tịnh như núi vàng
Nhờ tu thắng định như vậy đó
Trí họ chưa từng có tổn giảm.
Trí huệ đa văn cũng sung mãn
Thành tựu đại pháp tạng tối thắng
Nhờ nói tam muội như vậy đó
Trí huệ rộng lớn, không hạn lượng
Nhiều hằng trăm kiếp nói không hết
Nghe tịnh định sâu xa như vậy
Như lời Phật dạy mà an trụ
Không sanh tất cả các nạn xứ
Phật tử như vậy luôn làm vua
Trị nước như pháp, thường an ổn
Nhờ trì thắng định như vậy đó.
Vô lượng vô biên ức số kiếp
Mười phương nói ngài, công đức lợi.
Dù nói phần nhỏ cũng không hết
Giống như giọt nước trong biển cả
Bấy giờ đồng tử rất hân hoan
Liền từ tòa, sửa y, đứng dậy
Chắp mười ngón tay hướng đức Phật
Hết sức hoan hỷ tán thán rằng:
–Thế Tôn, Ðại hùng rất kỳ đặc
Vì thân với đời, làm ánh sáng
Bậc Ðại Mâu ni nói công đức
Hiển thị thắng lợi ích như vậy
Ðại Thánh Thế Hùng nói cho con.
Mong ngài xót thương cứu hộ con
Người nào có thể đời mạt thế
Lắng nghe Tu đa la như vậy?
Ca lăng, Tần già, tiếng diệu âm
Sấm sét sâu xa, tiếng hân lạc
Ðầy đủ vô lượng thắng trí huệ.
Ngài bảo đồng tử Nguyệt Quang rằng:
“Nay ngươi lắng nghe, ta sẽ nói
Hạnh vi diệu, tối thắng, vô thượng.
Nếu muốn thọ trì đối với pháp
Lắng nghe kinh Tam muội như vậy
Hết lòng cúng dường tất cả Phật
Dùng tâm thanh tịnh cầu trí phật
Lại nên tu tập tâm từ bi
Lắng nghe tu đa la như vậy
Thành tựu Ðầu đà lìa lỗi lầm
Tu hạnh tịch tịnh, rừng công đức.
An trụ trí thượng diệu đại thắng
Thính thọ kinh Tam muội như vậy
Các chúng sanh làm điều ác hạnh
Cùng với người hủy phá cấm giới.
Các bọn Tỳ kheo ác như vậy
Không thể nghe kinh Tam muội này
Dũng mãnh tu hành các phạm hạnh
Trong tâm không có các uế trược
Thường được chư Phật đều gia hộ
Kinh này sẽ trao tay người ấy
Nếu ai đối với Vô lượng Phật
Hầu hạ, cung kính tu cúng dường
Người ấy sẽ sanh đời mạt thế
Kinh này sẽ đến tay người đó
Nếu ai đối với đời quá khứ
Ở trong ngoại đạo, làm hạnh ác
Người ấy nghe Tu đa la này
Trong tâm không vui, sanh ganh ghét
Ở trong Phật pháp được xuất gia
Không vì Niết bàn cầu sinh sống
Vì tham, tật đố tự trói buộc
Nên mới bài báng kinh điển Phật
Tham đắm nhà người, sanh keo kiết
Nên bị Ma Ba tuần sai xử
Chuyên cầu lợi dưỡng phá cấm giới
Ở trong luật pháp ắt không tin
Bởi kiếp trước không trồng căn lành
Chưa được trí huệ sanh kiêu mạ
Nương vào ngã kiến, phàm phu ngu
Tâm cũng không tin đời mạt thế
Với thế gian này, trong thiền định,
Liền bảo đã được quả chứng tưởng
Cho mình La hán, nhận cúng dường
Họ sẽ chê thắng Bồ đề Phật
Tất cả những chỗ ở Diêm phù
Hủy báng tất cả Tháp miếu Phật.
Nếu ai hủy báng Bồ đề Phật
Mắc tội to lớn hơn người kia
Nếu ai sát hại A la hán
Tội ấy vô lượng vô biên số
Nếu ai hủy báng Tu đa la
Mắc phải tội báo hơn người kia
Ai hay với kinh sanh dõng mãnh
Ở thời mạt thế trong ác trược
Khi chánh giới, chánh pháp hủy hoại
Nói rõ Tu đa la như vậy
Ðồng tử buồn khóc rồi đứng dậy
Vòng tay, cúi đầu phát nguyện rằng:
Sáng nay con đối sư tử hống
Là bậc Tối Thăng, trước Pháp vương,
Sau khi đức Như Lai diệt độ
Ở thời ác thế, đời cuối cùng,
Vứt bỏ thân mạng không tiếc nuối
Hoằng dương Tu đa la như vậy
Hay nhẫn kẻ ngu, nói lời đạo
Hủy báng không thật, rất tổn nhục
Chửi mắng khinh khi và khủng bố
Dũng mãnh tinh tán mà nhẫn thọ
Trừ khử tất cả các nghiệp ác
Ở đời quá khứ đã tạo ra
Trong lòng không sanh sự sân hận
Chắc sẽ an trụ trong Phật pháp
Tay sắc vàng Diêm phù tịnh diệu
Xoa trên đảnh đồng tử Nguyệt Quang
Như Lai phát ra tiếng hòa nhã:
“Ðồng tử Nguyệt Quang, đại oai đức
Nay ta chánh thức gia hộ ngươi
Ở đời sau, lúc thời mạt thế
Không để ngươi bị các c hướng nạn
Mạng, nạn phạm hạnh, các chướng ngại
Lại vào lúc khác, một thời khởi
Tỳ kheo trì pháp tám trăm người
Tự nói: Ta ở thời mạt thế
Chắc được hộ trì kinh điển này”.
Bấy giờ nhiều ức Dạ xoa, Rồng
Tức thì từ tòa mà đứng dậy
Lại có hơn tám na do tha
Thưa thỉnh Thế Tôn lời như vầy:
–Chúng con ở chỗ Tỳ kheo này
Vừa nói từ tòa mà đứng dậy
Vào thời mạt thế đời ác độc
Con quyết ủng hộ Tỳ kheo ấy
Nên biết khi nói kinh như vầy
Bởi nhờ thần lực Phật gia hộ
Tất cả hằng hà sa số cõi
Vô lượng cõi Phật đều chấn động
Tùy chỗ chấn động các thế giới
Tùy chỗ ứng hóa thành nhiều Phật
Do Phật Thích Ca biến hóa ra
Diễn thuyết Tu đa la như vậy
Tất cả các cõi Phật sở hữu
Không thể nghĩ bàn, ức chúng sanh
Ðều được lắng nghe thắng pháp này
An trụ trí Như Lai chư Phật
Ở trong cõi Phật, thế giới này
Số có chín ức các thiên chúng
Tất cả đều phát tâm Bồ đề
Liền ở chỗ Phật rải diệu hoa
Có các Tỳ kheo, Tỳ kheo ni
Ưu ba bà tố, ưu bà di
Số đến bảy ức sáu ngàn vạn
Ðều được nghe Tu đa la này
Ðức Mâu Ni Vương thọ ký họ
Chắc chắn sẽ thấy Lưỡng Túc Tôn
Số lượng giống như hằng hà sa
Ðều được tu tập hạnh Bồ đề
Cúng dường cung kính các Phật ấy
Vì để cầu trí huệ Như Lai
Ðều hay ở chỗ chư Phật kia
Ðược nghe diệu kinh điển như vậy
Trải qua trong số tám ức kiếp
Ðều sẽ được thành bậc Như Lai
Bậc phước đức ấy trong một kiếp
Ðộ thoát chúng sanh khiến an lạc
Ở chỗ đức Như Lai Di Lặc
Ðặt bày vô thượng thắng cúng dường
Khéo giữ chơn diệu pháp Phật ấy
Ðều được vãng sanh nước An Lạc
Ðức Như Lai lìa cấu uế đó
Tên của Phật là : A Di Ðà
Với ngài, rộng bày thắng cúng dường
Ðề cầu vô thượng Bồ đề vậy.
Trải qua bảy mươi A tăng kỳ
Ðầy đủ trong số kiếp như vậy
Không rơi vào tất cả ác đạo
Ðược nghe Thắng kinh điển như vậy
Nghe xong, khóc lóc mà rơi lệ
Ta đã cúng dường với vị kia
Nay ta khuyên bảo tất cả ngươi
Những người hiện tại ở trước ta
Do đây nên được đạo Bồ đề
Vì vậy, phó chúc kinh điển này.
Cho nên, này đồng tử! Bồ tát ma ha tát nếu muốn cầu Tam muội, pháp bất tư nghì chư Phật đã nói cần phải biết một cách khéo léo, đối với pháp Phật bất tư nghì, cần phải thưa hỏi, cần phải thâm tín pháp Phật bất tư nghì, cần phải thiện xảo, cầu pháp Phật bất tư nghì. Nghe pháp Phật bất tư nghì: chớ ôm lòng sợ hãi, chớ tăng thêm sự sợ hãi, chớ luôn luôn sợ hãi.
Bấy giờ đồng tử Nguyệt Quang thưa đức Phật:
–Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ tát đối với pháp Phật bất tư nghì cần phải biết một cách khéo léo? Thế nào là đối với pháp Phật bất tư nghì cần phải cầu thỉnh, thưa hỏi? Thế nào là đối với pháp Phật bất tư nghì, phải thâm tín, thanh tịnh? Thế nào là nghe pháp Phật bất tư nghì không sanh sợ hãi, không mãi sợ hãi?
Bấy giờ có con của Càn thát bà tên là Ban Giá Thi Khí, cùng với năm trăm người con khác của Càn thát bà, đồng lúc đem âm nhạc, nhiều loại nhạc khí, đi theo sau đức Phật, muốn tấu lên cúng dường đức Phật.
Bấy giờ Ban Giá Thi Khí, nghĩ như vầy:
Như ta trước đây đối với Ðế thích Kiều Thi Ca và Tam Thập Tam Thiên đã bày biện cúng dường. Nay ta nên đem ca vịnh, âm nhạc cúng dường đức Như Lai, bậc Thiên Trung Thiên, ứng cúng, Chánh biến tri.
Khi ấy Ban Giá Thi Khí, con của Càn thát bà, cùng với năm trăm người con khác của Càn thát bà, đều đồng lúc đánh đàn lưu ly, tấu lên lời ca vi diệu.
Bấy giờ đức Thế tôn nghĩ như vầy:
Ta dùng thần lực du húy vô tác, khiến cho đồng tử Nguyệt Quang, đối với trong pháp Phật bất tư nghì, được trụ nhất tâm. Lại khiến cho con của Càn thát bà là Ban Giá Thi Khí... nhạc khí và âm thanh ca hát của họ, làm cho hiện ra sự thù diệu.
Khi ấy đức Phật dùng thần lực nên khiến cho năm trăm âm nhạc, khéo tương xứng hòa nhã, phát ra âm thanh vô dục, âm thanh thuận với pháp, âm thanh phù hợp với pháp. Ðó gọi là tương ưng với pháp Phật bất tư nghì.
Bài kệ nói rằng:
Trên một sợi lông hiện nhiều Phật
Con số giống như cát sông Hằng
Quốc độ cõi Phật cũng như vậy
Thể cõi Phật ấy: Không, Vô tướng
Trên đầu sợi lông, hiện năm đường
Ðó là: Ðịa ngục, các súc sanh
Với các ngạ quỷ và thiên nhân
Thảy đều mát mẻ, không bức não
Nơi lỗ lông kia hiện biển ao
Cùng các dòng sông và giếng suối.
Thảy đều không bức hại lẫn nhau
Gọi là Phật pháp bất tư nghì
Trên một đầu lông hiện các núi
Chiết ca bà la và Tu di
Mục chân lân đà, Ðại mục chân
Ðó là Phật pháp bất tư nghì
Trên đầu sợi lông hiện địa ngục
Tiêu nhiệt, hàn băng, và phẩn niệu
Có các chúng sanh sống ở đó
Thọ lãnh vô lượng sự cực khổ
Trên đầu sợi lông hiện thiên cung
Cung đẹp rộng lớn sáu mươi dặm
Lông chứa chư Thiên rất khoái lạc
Trên đầu sợi lông, Phật xuất thế
Trong đó Phật pháp rất thạnh vượng
Người không trí huệ không thể thấy
Túc nghiệp như vậy, hành bất tịnh
Trên đầu lông, nghe Phật Niết bàn
Hoặc lại nghe rằng pháp diệt tận
Trên đầu sợi lông hoặc lại nghe
Nay Phật hiện tại đang thuyết pháp
Hoặc lại có người trên sợi lông
Bảo thọ mạng mình vô cùng tận
Hoặc lại trên lông, nghe mạng yểu
Sanh ra liền diệt, chẳng lâu dài
Hoặc lại nơi lông nói như vầy:
–Ta được thấy phật, nên cúng dường
Phật cũng không hiện, không cúng dường
Nghĩ tâm mình tưởng mà hoan hỷ
Giống như có người ở trong mộng
Ðam mê ngủ dục, hưởng khoái lạc
Thức rồi không thấy sự dục lạc
Chỉ vì trong mộng, dối thấy vậy
Cái thấy, cái nghe, nhớ nghĩ pháp
Giống như mộng tưởng, không chân thật
Nếu ai chứng được Tam muội này
Ðều hay biết rõ pháp như vậy
Ở trong thế gian hằng thọ lạc
Gọi yêu, không yêu, không tham trước
Thường hay ưa thích ở núi rừng
Như hằng thọ cái vui Sa môn
Nếu ai không có các thủ trước
Xa lìa tất cả các ngã sở
Du hành thế gian như tê giác
Như gió trên trời không chướng ngại
Tu tập nơi đạo, khởi thật trí
Tất cả các pháp không, Vô ngã
Nếu ai hay tu pháp như vậy
Người ấy biện tài vô cùng tận
Và lại mãi thọ sự khoái lạc
Trong lòng không đắm sự thế gian
Trong tâm giống như gió trên trời
Với yêu, không yêu, không đắm trước
Với người thân ái khó xa lìa
Vứt bỏ hai loại bạn như vậy
Chuyên cầu chánh pháp là người vui
Nếu ai lắng nghe, tham ái khởi
Người ấy sẽ khởi tâm sân hận
Ngu, si, hôn mạn bị trói buộc
Vì năng lực mạn nên khổ não
Nếu ai hay trụ nơi bình đẳng
Khéo hay khiêm hạ, không cao mạn
Yêu hay không yêu khéo giải thoát
Người ấy thường sống hạnh hân hoan
An trụ nơi giới, khéo thanh tịnh
Nhờ tâm vô cấu, thích thiền định
Hằng thường thích sống trong núi rừng
Người ấy mãi lìa các lưới nghi
Nếu ai nghi hoặc, có điên đảo
Ngu si mãi thích các dục lạc
Giống như chim Thứu tham thịt chết
Người ấy tự mình theo ma lực.
Khi nói kệ xong, đồng tử Nguyệt Quang ở trong Phật pháp thậm thâm bất tư nghì, được an trụ nhất tâm có thể diễn thuyết Tu đa la.
Bấy giờ Càn thát bà Ban Giá Thi Khí được nhẫn âm thanh tùy thuận, vô lượng, vô biên chúng sanh pháp tâm A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề, vô lượng chúng sanh đối với trong nhân thiên được an ổn, lợi ích.
Bấy giờ đức Phật bảo đồng tử Nguyệt Quang:
–Bồ tát ma ha tát đối với các pháp lợi, công đức thiện căn, cần phải khéo quyết định, không nên nhiều việc, cần lìa ác tri thức, cần nương vào thiện tri thức, cần phải hoan hỷ, cần phải cầu pháp, thường nhiếp nơi pháp, nên nói chánh pháp, cần phải khéo léo thưa hỏi Bồ tát, đối với chỗ của Bồ tát nên tưởng là thầy của mình, đối với pháp sư nên tôn trọng tưởng như thầy mình.
Này đồng tử! Nếu có Bồ tát có thể thọ trì và thực hành pháp này người ấy được đầy đủ biện tài bất tư nghì, được niềm tin, thâm nhập vào biển Phật pháp bất khả tư nghì, đối với người và trời, hay làm đèn sáng.
Bấy giờ đức Thế Tôn nói bài kệ:
Nhiều ức kiếp ở thời quá khứ
Không thể đo lường, bất tư nghì
Bấy giờ có Phật, Lưỡng Túc Tôn
Hiệu: Nhân Ðà La Phan Tràng Vương
Lúc đó Phật nói Tam muội này
Rằng không chúng sanh, không thọ mạng
Giống như bọt và điện chớp
Các pháp cũng như trăng dưới nước
Thọ mạng chúng sanh bất khả đắc
Mất ở cõi này, sanh cõi kia
Những nghiệp đã làm không hề mất
Nghiệp báo trắng, đen cũng không mất
Nhân quả ứng nhau, thắng pháp môn
Cảnh giới Phật vi tế khó thấy
Câu, nghĩa văn tự bất khả đắc
Diệu Bồ đề này Phật đã nói
Chưa nhóm tổng trì, Ðại trí huệ
Kinh ức na do tha từ định xuất
Vô số chư Phật đã hành đạo
Tam muội như vậy Phật nói ra
Khéo hay hoại diệt các bệnh hoạn
Tập công đức tài chúng Bồ tát
Tất cả chư Phật đều khen ngợi
Hằng ức chư Thiên đã cúng dường
Với các phàm phu nói lời thật
Thường lìa tất cả pháp ngoại đạo
Chư Phật ngợi khen thắng giới tài
Như điện trên không khó nắm bắt
Vô lượng ức chỗ Phật qua khứ
Bậc trí tu hành nơi giới, thí
Phải sớm xa lìa ác tri thức
Ðược của cha truyền thật vô thượng
Nếu có Tỳ kheo là pháp sư
Tu hành phạm hạnh, Huệ Nhật Tử
Nghe được pháp này mà tuỳ thuận
Phát tâm Bồ Ðề thật tối thượng
Ðức Phật Nhân Ðà La Phan Tràng
Bảo Tỳ kheo pháp sư kia rằng:
Tỳ kheo! Tỳ kheo! Khó thứ nhất
Ðối với Bồ Ðề phát tâm khó
Giữ giới giống như ngọc ma ni
Tập gần thiện hữu, thuận Bồ Ðề
Với ác tri thức, luôn xa lìa
Mau được quả Vô thượng Bồ Ðề
Xưa kia ở cõi Diêm Phù này
Hai trưởng giả tử không phóng dật
Ở trong Phật pháp mà xuất gia
Giống như tê giác sống núi rừng
Ðạt được Tứ thiền, có thần thông
Giỏi các kệ luận, không sợ hãi
Ðất và hư không, đều biết rõ
Ði trên hư không như chim bay
An trụ ở trong chốn Hàn lâm
Rừng hoa sầm uất, rất kỳ đặc
Tất cả chim lạ đều bay đến
Hai trưởng giả tử cùng nói chuyện
Bây giờ có vua đang đi săn
Nghe tiếng nói chuyện liền đi đến
Ðức vua cung kính lắng nghe pháp
Ðối với pháp sư thêm ái kính
Ðức vua cùng nhau đến thăm hỏi
Nói lời ấy rồi ngồi ở trước
Nhà vua có rất nhiều quyến thuộc
Ði theo nhà vua hơn sáu ức
Một trong hai vị là pháp sư
Thấy vua bảo rằng: Hãy lắng nghe!
“Chư Phật ra đời rất khó gặp
Cúi mong đại vương chớ phóng dật
Thọ mạng quá nhanh, chẳng dừng lâu
Như nước trên núi đổ xuống biển
Bị già bệnh chết làm bức bách
Không ai cứu được, như nghiệp mình
Cúi mong Ðại vương giữ chánh pháp
Kiến lập pháp chư Phật thập lực
Về sau mạt thế, đời ác trược
Cần phải trụ đó như bạn pháp
Như vậy vô lượng người thông tuệ
Vì lòng từ nên nói với Vua
Vua và sáu ức các quyến thuộc
Ðều phát tâm Vô thượng Bồ Ðề
Khi vua nghe Tịnh pháp cú này.
Lời nói hay, tịch diệt, điều hòa
Lòng lành vui sướng mà ái lạc
Ðầu mặt lễ kính rồi tạ từ
Khi ấy có Vô lượng Tỳ kheo
Vì lợi dưỡng nên vào cung vua
Vua biết bọn họ, hạnh không chánh
Với người có đức, không cung kính
Pháp đạo sư quá khứ khó diệt
Thời vị lai ác thế tăng trưởng
Con người đạo đức rất là ít
Có nhiều vô lượng kẻ phóng dật
Các Tỳ kheo cang cường, xan mạn
Vì cầu lợi dưỡng, đắm các kiến
Ở trong Phật pháp không hiểu chánh
Dùng các phỉ pháp nói cho vua
Cần phải giết chết pháp sư kia
Vì nói với vua pháp Không, Ðoạn
Khuyên vua và tôi tu “Không, Ðoạn”
Chắn chỉ cho vua chân Niết bàn
Ðối với nghiệp báo đều tán hoại
Kẻ nịnh nói về “Ấm: Không, Vô”
Nếu hay giết hại pháp sư ấy
Sẽ khiến đại pháp được lâu dài
Bấy giờ thường có Thần hộ vua
Thiện tri thức qúa khứ của vua
Luôn luôn giúp vua lìa các ác
Trời ấy nói vua lời như vầy:
Vua cẩn thận chớ khởi tâm ấy
Lời ác tri thức rất đáng sợ
Chớ đối với pháp sư thông tuệ
Nghe lời người ác mà giết hại!
Ðại vương há không nhớ lại chăng
Tỳ kheo giữa rừng đã nói rằng
Về sau mạt thế, thời ác trược
Vua nên an trụ bạn như pháp
Trời vì đức vua nói lời thật
Với các Phật pháp chớ xa lìa
Nhà vua lại có người em ác
Ở tại biên cương giữ cõi nước
Thì Tỳ kheo đó đến giáo hóa
Bảo giết pháp sư nói: Không, Ðoạn
Khuyến ta thuở xưa từng tu hành
Không muốn cho ta cầu Niết bàn
Ðại vương, anh ngài rất ngu, ác
Trong lòng không muốn để ngài sống
Có hai Tỳ kheo là ác sư
Dùng sức thần thông bay lên không
Vì ta biết được sẽ đến đây
Nay đã nói hết cho đai vương
Ngài nên giết ngay hai tà sư
Như vậy kịp thời, sau khỏi hối
Vương đệ tức thời liền cầm gậy
Theo lời người ác nên đến đó
Cùng với tất cả các quân chúng
Ði đến trong rừng chỗ Tỳ kheo
Ở rừng ấy có rồng, dạ xoa
Biết em của vua, ác tâm đến
Mưa cát, gạch, đá rất hãi hùng
Vua và binh chúng đều chết sạch.
Nay nên xem lời ác tri thức
Diệt sạch chúng đại vương như vậy.
Với chỗ pháp sư, khởi tâm sân
Trong sáu mươi đời đọa A tỳ
Khi ấy ác Tỳ kheo chấp trước
Khuyến hóa Sát lợi vương như vậy
Về sau suốt cả mười ức đời
Chịu vô lượng khổ ở địa ngục
Vị trời khuyên dẫn đức vua ấy
Và các người ủng hộ pháp sư
Thấy được hằng hà sa số Phật
Hầu Phật, cúng dường và tu hành
Quyến thuộc của vua ngót sáu ức
Ðều đi theo vua để nghe pháp
Và họ đã phát được đạo tâm
Thế giới khác nhau được thành Phật
Ðức Phật thọ mạng nhiều ức năm
Trí huệ vô đẳng, bất tư nghì
Chư vị đều tu Tam muội này
Nói xong, thảy đều bát Niết bàn
Ðược nghe trí thắng diệu như vậy
Hay nhóm, pháp công đức thi la
Dũng mãnh, tinh tấn, không phóng dật.
Thường xa tất cả ác tri thức.
Này đồng tử! Bồ tát ma ha tát phải không đắm trước thân, có thể vứt bỏ mạng sống. Vì sao? Này đồng tử! Nếu đắm trước thân thì tạo nghiệp bất thiện. Cho nên, Bồ tát phải biết sắc thân, và pháp thân. Vì sao vậy? Vì pháp thân của chư Phật, chẳng thuộc về sắc thân. Ðức Phật dùng pháp thân hiển hiện chẳng phải sắc thân.
Này đồng tử! Cho nên Bồ tát ma ha tát muốn thực hành hạnh của Phật, muốn cầu thân của Như Lai, muốn cầu trí của Như Lai, muốn biết thân của Như Lai, muốn biết trí của Như Lai, đối với kinh điển của Tam muội này, cần phải thọ trì, đọc tụng, rộng nói cho người khác, tu tập tương ưng.
Này đồng tử! Thân của Như Lai xuất sanh vô lượng phước đức. Ðức Như Lai chỉ nói một nghĩa, đó là các pháp từ Nhân sanh ra, là lìa các tướng, vì sâu xa vậy, pháp không hạn lượng, vì không ngằn mé vậy, pháp không có tướng, vì tánh thô tướng, pháp không có tướng, vì lìa các tướng, pháp không lay động, vì khéo an trụ, pháp không có hai, chỉ có một tướng, pháp không thể thấy, vì vượt qua cảnh giới của mắt, pháp không thể suy nghĩ vì vượt qua lĩnh vực của tâm, pháp không động chuyển, vì lìa hý luận, pháp không thể nói, vì vượt qua âm thanh, pháp không có chỗ ở, nên lìa nhà cửa, pháp không có hang, nhà, nên lìa âm thanh, pháp không có chỗ dựa, vì vượt qua các kiến, pháp không có các lậu, nên vượt qua các quả báo, vì tâm kiên cố, nên lìa các dục, vì tâm bất hoại, nên lìa các sân hận, nhờ chánh trí kiên cố, nên vượt qua các si mê. Vì có điều để nói, nên các pháp là không, vì không có sanh, đoạn các sự sanh, vì vô thường, chỉ có ngôn thuyết, vì thoát ly khỏi tiếng, nên tịch diệt nơi tiếng. Có âm thinh, vì tư tưởng vậy, đồng tư tưởng vì hòa hợp. Vì thế tục đệ nhất nghĩa đế, và sự mát mẻ nên lìa sự nóng bức, vì đệ nhất nghĩa đế, nên dùng lời như thật, vì không nhiệt não nhờ Niết bàn vậy, nhờ không thể phá hoại, nên không ai hơn được. Vì không thủ trước, nên diệt trừ nghĩa hý luận, vì không hý luận nên lìa phan duyên, vì không có ngằn mé, nên chỉ nói phước, vì không có vi trần nên nói vi tế, thứ lớp đại thần thông, do bổn nghiệp xuất sanh, được năng lực tự do tự tại, không phá hoại được, vì nó kiên thật, vì không có ngằn mé, nên gọi là vô tận, vì to lớn nói đại bi bổn nghiệp vậy. Ðó là thân của đức Như Lai.
Bấy giờ đức Thế Tôn nói bài kệ:
Nếu ai muốn thấy thế gian thân
Và biết thân Phật làm thế nào?
Với Tam muội này đã tu tập
Liền hay biết được thân Như Lai
Phật từ phước đức mà sanh ra
Thân ngài thanh tịnh rất sáng rạng
Tương ngài bình đẳng như hư không
Các thứ sai biệt, không thể được
Bồ đề chư Phật đã như vậy
Tướng trạng, diện mạo cũng như vậy
Tướng trạng, diện mạo không thể được
Thân tướng Như Lai cũng như thế
Tướng mạo Bồ đề cùng với thân,
Thế giới chư Phật cũng như vậy.
Các lực, các thiền, các giải thoát
Như vậy đều đồng chỉ một tướng
Thể tánh chư Phật, chánh như đây
Như Lai thế thân cũng như vậy.
Không ai có thể thấy được Phật
Mắt thịt làm sao thấy chánh giác?
Vô lượng số người nói như vậy
Ta từng được thấy các đức Phật
Thân tuyệt đẹp, sắc vàng tuyệt diệu
Ðều chiếu sáng tất cả thế gian
Ðược chư phật Như Lai gia bị
Nhờ sức ngài nên có thần thông
Liền có thể thấy được thân Phật
Các thứ tướng tốt tự trang nghiêm
Hay tùy hiện tướng cao và lớn
Thế gian không thể thấy tướng ngài
Nếu ai hay biết thân tướng ấy
Phật với thế gian không sai khác
Nếu ai hay biết thân lượng ngài
Gọi là tất cả các Như Lai.
Thân Phật không thân, không sai khác
Người và Tu la cũng như vậy
Tất cả các tâm đều không tịch
Thọ các quả báo tương cũng vậy
Tướng mạo danh sắc đã như vậy
Ðầy đủ thanh tịnh, có ánh sáng.
Không có ai hay biết
Tu định tịch tịnh này
Chỉ bậc Thân thế gian
ức kiếp tu khó nghĩ
Vô lượng pháp bạch tịnh
Từ Tam muội này có
Nhờ sức báo định này
Không ai thấy thân ta
Nếu có tâm như vậy
Danh sắc cũng như thế
Tâm hoại không giống nhau
Tướng danh sắc cũng vậy
Nếu dùng tướng thô lớn
Danh sắc tùy thuộc nó
Danh sắc hoặc thô, tế
Ðều do ức tưởng sanh
Nếu người tưởng vi tế
Danh sắc cũng như vậy
Danh sắc không đắm trước
Thân tâm được chiếu sáng
Ta nhớ đời qúa khứ
Bảy mươi A tăng kỳ
Ba loại ác tưởng này
Từ gốc chưa từng khởi
Nhờ dùng tâm vô lậu
ức kiếp bất tư nghì
Ðể lợi ích chúng sanh
Họ không thấy thân ta
Nếu ai dùng vật này
Tâm ý bị vất bỏ
Người này với vật kia
Kiền không cùng hòa hiệp
Tâm ta được giải thoát
Trong tất cả vật dụng
Hay biết được tánh mình
Nên khởi sanh trí huệ
Với ngàn ức cõi Phật
Trong đó ta hiện hóa
Vì chúng sanh thuyết pháp
Cho nên không thể thấy
Giống như nơi hư không
Thân ta không thể nói
Ðoạn con đường ngôn ngữ
Pháp thân rất hùng mãnh
Thân ấy từ pháp sanh
Chưa từng có sắc thân
Nói đó chính là Phật
Nếu nói về thân này
Nghe xong liền hoan hỷ
Các ma Ba tuần kia
Không thể làm gì được
Nghe pháp thâm diệu này
Mà không sanh hoảng sợ
Không vì sự sanh sống
Phỉ báng Bồ đề Phật
Ngàn ức Tu đa la
Trí như thật diễn thuyết
Vì chúng sanh chiếu sáng
Nơi nơi đều đến đích.
Này đồng tử! Ðó là Như Lai, ứng Chánh biến tri. Nếu muốn biết tướng nghiệp sắc thân của Như Lai, hoàn toàn không thể biết được hoặc xanh, hoặc sắc xanh, hoặc in tuồng xanh, hoặc tướng mạo xanh. Hoặc vàng, hoặc sắc vàng, hoặc in tuồng vàng, hoặc tướng mạo vàng. Hoặc đỏ, hoặc sắc đỏ, hoặc in tuồng đỏ, hoặc tướng mạo đỏ. Hoặc trắng, hoặc sắc trắng, hoặc in tuồng trắng, hoặc tướng mạo trắng. Hoặc hồng tía, hoặc sắc hồng tía, hoặc in tuồng hồng tía, hoặc tướng mạo hồng tía. Hoặc pha lê, hoặc màu pha lê, hoặc in tuồng pha lê, hoặc tướng mạo pha lê. Hoặc lửa, hoặc sắc lửa, hoặc in tuồng lửa, hoặc tướng mạo lửa. Hoặc như điện chớp, hoặc sắc như điện chớp, hoặc in tuồng điện chớp, hoặc tướng mạo như điện chớp. Hoặc tươi sáng, hoặc sắc tươi sáng, hoặc in tuồng tươi sáng, hoặc tướng mạo tươi sáng. Hoặc Tỳ lưu ly, hoặc sắc Tỳ lưu ly, hoặc in tuồng Tỳ lưu ly, hoặc tướng mạo Tỳ lưu ly. Hoặc trời, hoặc sắc của trời, hoặc in tuồng trời, hoặc tướng mạo trời. Hoặc Phạm, hoặc sắc Phạm, hoặc in tuồng Phạm, hoặc tướng mạo Phạm.
Này đồng tử! Ðó là thân của Như Lai. Tất cả thân tướng của Như Lai, không thể lường được, vì không thể nghĩ bàn, cũng không thể nói được. Sắc thân đã thành tựu, chư thiên, người đời không thể suy lường được, là dài, ngắn, rộng hẹp, tất cả loại như vậy, không có hạn lượng, bằng nhau, bất khả tư nghì. Những loại như vậy, không thể đếm được.
Bấy giờ đức Thế Tôn nói bài tụng:
Trong tất cả thế giới
Tất cả các vi trần
Cùng với nguồn ao suối
Bao nhiêu nước biển cả
Ví có thầy toán giỏi
Không thể biết hết được
Cũng không biết số bụi
Cùng với số giọt nước
Ðức Như Lai Ðạo sư
Nói ví dụ ấy rồi
Số giọt nước vô hạn
Số bụi cũng như vậy
Ta xem các chúng sanh
Nhiều như số bụi ấy
Phát tâm và khởi tín
Trong một lúc đều biết
Nếu với tự thân ta
Hiển hiện sắc da ngoài
Các chúng sanh tín dục
Không ví dụ kết được
Hoặc tướng cùng với nghiệp
Sắc tượng ấy như vậy
Không ai biết được Phật
Tướng ta đứng như vậy
Phật xa lìa nơi tướng
Hiển thị nơi pháp thân
Thậm thâm, không hạn lượng
Là Phật, bất tư nghì
Chánh giác bất tư nghì
Thân Như Lai cũng thế
Pháp thân không nghĩ bàn
Ðể hiển lộ pháp thân
Nghiệp tâm không thể biết
Không thể nghĩ thân này
Cùng với thân tướng ấy
Ðều không thể suy lường
Pháp ấy vô hạn lượng
ức kiếp đã tu tập
Ðược thân khó nghĩ này
Phát ánh sáng lớn tịnh
Chúng sanh không thể lấy
nắm lấy không thể được
Cho nên thân Như Lai
Khó lường, không thể nghĩ
Với các pháp Vô lượng
Mà lấy nơi hạn lượng
Trong pháp vô phân biệt
Phật không có phân biệt
Với phân biệt hạn lượng
Nói về vô phân biệt
Tuy nghĩ vô phân biệt
Phật ấy không nghĩ bàn
Vô hạn như hư không
Không thể độ lượng được
Thân Phật cũng như vậy
Giống như Thái hư không
Nếu có các phật tử
Như thật biết thân ta
Thì sẽ được thành Phật
Bất tư nghì trên đời.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy
|