× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Thánh Ngôn

Thánh Ngôn Hiệp Tuyển - Quyển Nhì


Bài 66: Thánh-giáo của Nhàn-Âm Ðạo-Trưởng: Giải-thích hai câu "Lung kê hữu mễ than oa cận, Giả hạc vô lương thiên địa khoan.

12-4-1930 (17-3- Canh-Ngọ)

Nhàn-Âm Ðạo-Trưởng


Hỉ chư Ðạo-hữu.

Ðã lâu, Bần-Ðạo không được giáp mặt chư Ðạo-hữu, để luận một vài câu chuyện về đạo-đức. Hôm nay, Bần-Ðạo cũng để dạ khen một ít Hiền-hữu, đã để hết tâm chí trau-giồi thánh-chất, mà cũng buồn nhiều Ðạo-hữu còn chăm-nom bước thế hơn đường tu. Ðức Chí-Tôn đã lấy Từ-bi mà châm-chế, mong ngày Ðạo được hòa-bình. Vậy khá chung-trí hiệp tâm mà tái dìu mối Ðạo. Ấy là phương chuộc lỗi sửa mình mà trở về ngôi cũ đó. Phải khá lo xa.

H... Hiền-hữu lúc nầy chuyên về văn-chương quốc-âm nhiều lắm há?

Nhiều Ðạo-hữu khác đã từng được Thánh-Giáo và học-hỏi đã thông, vậy Bần-Ðạo xin giải giùm bài thi nôm nầy:

Ðường về chớ nệ bước non sông,
Lần đến tìm nơi cảnh bá tòng.
Bụng trống thảnh-thơi con hạc nội, (1)
Lúa đầy túng-thiếu phận gà lồng. (2)
Cô-phần ngảnh lại đà bao tuổi, (3)
Sô-diện xem qua khỏi mấy dòng. (4)
Một điểm quanh-co lên một nấc,
Lần-lừa ngày tháng ắt qua đông.


(Nhiều người giải 4 câu trên, qua đến điển-tích và cặp luận thì không ai hiểu hết, nên Ngài giải-nghĩa).

Giải:

(1, 2) Lý- Bạch viết:

Lung kê hữu mễ than oa cận,
Giả hạc vô lương thiên địa khoan.


Thích nôm: Gà-lồng có lúa đầy bụng hằng ngày, mà nồi nước sôi hằng cận bên, không biết phải bị giết ngày nào. Còn con hạc-nội, tuy bữa đói bữa no, nhưng Trời-Ðất rộng thinh, mặc tình cao bay xa liệng.

Tóm lại, thà cực mà được thong-thả, còn hơn sướng mà phải chịu nguy-hiểm. Có mối Ðạo dìu mình được tự-do thiêng-liêng, mà cái tự-do thiêng-liêng ấy, ta hãy làm con hạc-nội mới mong chiếm được.

(3) Cô phần là mả hoang.
(4) Sô diện là nhăn mặt.

Nghĩa giải riêng "Luận nhứt và luận nhì" chớ không phải chung-nghĩa.

Giải:

Ta nhìn mấy cái mồ hoang, mả lạnh, nếu tìm mà hỏi cho rõ tông-tích, thì toàn là những kẻ thiếu-niên nằm nơi đó, thế thì đời người như bọt nước, như mây bay; nếu chẳng lo tu cho sớm, chừng khuất bóng rồi, té ra mình chưa gặp Ðạo.

Ðức Thích-Ca nói:

Mạc đãi lão lai phương học Ðạo.
Cô phần tận thị thiếu niên nhơn.


Nghĩa là: Chớ có đợi lúc già mới học Ðạo, những mồ hoang ấy toàn là của kẻ còn trai-trẻ.

Chư Ðạo-hữu hiểu rõ chưa?

(4) Dòng đây là dòng nước, nước mà bị gió thổi, có con sông nào khỏi nhăn mặt, nước bị gió thổi như người bị cưởng-quyền, nếu chẳng thoát ra quyền ấy, thì chưa dễ chắc còn thân. Ðạo là phương dìu người khỏi quyền ấy mà thôi.

Cổ Nho có câu:

Thanh sơn nguyên bất lão, vị tuyết bạch đầu,
Lục thủy bổn vô sầu, nhơn phong sô diện!


Nghĩa là: Núi kia chẳng phải già, mà bị tuyết đóng nên bạc đầu. Nước kia chẳng phải sầu mà bị gió thổi nên nhăn mặt.

Phải tìm cao xa mà hiểu.

Còn hai câu chót ai cũng hiểu. Vậy chư Ðạo-hữu rán học đạo, nghe.

Thăng

Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 809