× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Luật Đạo

Quan Hôn Tang Lễ


Hôn

 

Hôn nhơn

Trai lớn lên cưới vợ, gái lớn lên lấy chồng là lẽ đương nhiên. Việc hôn nhơn là việc tối trọng trong đời người. Tìm đâu có hạnh phúc? Hạnh phúc ở trong việc hôn nhơn. Thật vậy, không có gì vui thích cho bằng trong gia đình được vợ chồng hòa thuận, đầm ấm, thành thật yêu đương nồng hậu. Vợ biết tùy theo ý muốn của chồng, chồng biết thương vợ, không làm phật ý vợ, ăn ở với nhau lâu ngày, càng sâu ngãi biển, càng dài tình sông.

Cha mẹ dựng vợ gã chồng cho con, không ngoài ý muốn đem hạnh phúc cho con. Cha mẹ nào có con cũng mong ước: "Gái thì đẹp phận mây xanh, bền duyên tơ tóc; trai thì nên nghĩa đá vàng, keo sơn gắn chặt".

Việc kết nghĩa Sui Gia, kén dâu kén rễ phải thận trọng, lọc lừa cho kỹ, nhớ câu: "Rau nào sâu nấy". Dâu thì nên chọn con nhà có đức hạnh, nhân từ, không có tiếng tăm gì đồn đãi; rễ thì kiếm con nhà gia giáo, siêng năng cần mẫn việc làm.

Tuy nói cha mẹ kén dâu, kén rễ nhưng phải có sự ưng thuận của con. Cha mẹ nên nghĩ việc hôn nhơn của con là cả cuộc đời của chúng, để cho con có quyền lựa chọn bạn trăm năm, không nên ép uổng trong việc cưới gã, sau rồi phải ân hận.

 

Hôn lễ

Theo xưa, có sáu (6) lễ phân ra như vầy:

  1. Lễ Nạp Thái: Là lễ cha mẹ đi coi dâu và dắt con đi coi vợ.
  2. Lễ Vấn Danh: Là lễ hỏi cho biết tên họ, và tuổi tác cô gái coi có trùng tên cha mẹ, ông bà bên chồng chăng?
  3. Lễ Nạp Kiết: Là lễ trình bày tuổi tác và vận mạng tốt, được tương sanh.
  4. Lễ Nạp Trưng: Là lễ đem hàng lụa, tiền bạc, phẩm vật đến nhà gái để làm tang chứng, sự hứa hôn chắc chắn. Theo ta là Lễ Hỏi, hay là Lễ Sính.
  5. Lễ Thỉnh Kỳ: Là lễ nói ngày làm Lễ Cưới cho đàng gái hay.
  6. Lễ Thân Nghinh: Tức là Lễ Cưới.

Đó là tục lệ của người Tàu, người mình không mấy ai làm theo.

Hôn lễ theo người Việt Nam, hiện giờ còn giữ hai lễ là: Lễ Hỏi và Lễ Cưới mà thôi.

 

Đồng tánh bất hôn

Theo lễ đời nhà Châu, người cùng một họ không được kết làm vợ chồng. Người Việt Nam xưa nay cũng tùng theo lễ ấy. Đó là nói về bà con.

Chí như cùng một họ, mà không bà con, thì việc hôn nhơn đồng tánh không có tổn hại nhơn luân.

 

Trưởng Tộc

Sui trai hay sui gái, bên nào cũng chọn một người trong thân tộc trọng tuổi, còn đủ vợ chồng làm người Trưởng Tộc. Có Trưởng Tộc nam phái tức có Trưởng Tộc nữ phái. Như trong thân tộc không có người, chọn người ngoài cũng được, nhưng phải có đủ điều kiện là trọng tuổi, vợ chồng còn đủ, người có tư cách.

Trưởng Tộc cũng như là người hướng dẫn, hay là Trưởng Phái đoàn của mỗi bên trong Lễ Hỏi, Lễ Cưới. Giữa hai Họ, có điều chi chưa thỏa thuận, thì nhờ Trưởng Tộc hai bên giải quyết.

 

Trình Bát Nhựt

Tám (8) ngày trước Lễ Cưới, theo công lệ, đàng gái phải biên tên họ hai đàng sui gia chàng rễ và nàng dâu trình cho nhà chức trách địa phương, gọi là trình bát nhựt. Nhà chức trách dán Bố cáo tại trụ sở. Sự trình khai như vậy để đề phòng có ai ngăn cản gì không, và chứng tỏ cuộc Hôn Lễ là chánh thức hợp lệ.

Theo Thế Luật Đạo, tám (8) ngày trước Lễ Sính, chủ hôn trai phải dán Bố cáo nơi Thánh Thất sở tại, cho trong Bổn Đạo hay, sau khỏi điều trắc trở.

 

Sau Lễ Cưới ba ngày

Lệ (3) ngày sau Lễ Cưới, cặp vợ chồng trở về bên nhà gái, tục gọi là Lễ Phản Bái.

 

Hành pháp Hôn Phối

Lễ Hôn Phối cử hành tại Đền Thánh hay Thánh Thất.

Tân Luật, Chương Thế Luật, Điều thứ sáu: "Việc Hôn là việc rất trọng đời người. Phải chọn Hôn trong người đồng Đạo, trừ ra khi nào người ngoại ưng thuận nhập môn thì mới được kết làm giai ngẫu".

 

Lễ Hỏi

Phẩm lễ trong Lễ Hỏi, cần nhứt giàu cũng như nghèo là: một (1) đôi bông tai, một (1) mâm trầu, hai (2) chai rượu, một (1) đôi đèn. Trà bánh là phụ thuộc. Đôi bông tai ví như cái Hoa con gái.

Đến ngày đã định, bên nhà trai sang qua nhà gái, có bà con thân thuộc và ông mai, nhà trai mang theo đủ phẩm vật nhà gái đòi hỏi.

Đến nhà gái, khi quan khách an tọa xong, đoạn ông mai hướng dẫn ông sui trai trình giữa hai Họ lễ Sính, đặt trước khai trầu rượu bên gái đã sắm sẵn. Lễ phẩm như: Bông tai, nữ trang, và tiền bạc cũng phải mở ra cho hai Họ trông thấy. Trình phái nam rồi, ông sui gái đem trình phái nữ. Bà sui gái nhận nữ trang đem cho con gái, rồi dắt con gái ra chào Họ bên chồng.

Sau phần kỉnh lễ Đức Chí Tôn và Hội Thánh, hoặc người tuổi tác, ông sui gái lên đèn cho chàng rễ làm lễ Từ Đường. Sau lễ Từ Đường, là chàng rễ ra mắt họ hàng bên gái.

Lễ bái: Ông bà, cha mẹ, ông mai, và thân tộc.

Lễ Hỏi đến đây chấm dứt.

 

Lễ Cưới

Nhà trai định ngày làm Lễ Cưới, nhờ ông mai báo tin cho nhà gái hay. Nhà gái bằng lòng ngày giờ đã định thì thôi, trái lại, nhà trai phải chọn ngày khác.

Khi hai đàng đã thỏa thuận ngày cưới, thì ông sui trai cùng ông mai qua nhà gái trình một hồng thiệp có biên đầy đủ chi tiết ngày giờ rước dâu và đưa dâu.

Ngày cưới, họ hàng bên trai qua nhà bên gái mang đủ lễ vật bên gái đòi hỏi (cũng như lúc Lễ Hỏi). Đàng trai trình Lễ Cưới theo thủ tục. Sau phần kỉnh lễ Đức Chí Tôn và Hội Thánh, chủ hôn nữ lo việc lên đèn, gọi con gái ra đứng cùng chàng rễ lập song, cùng nhau làm lễ Từ Đường, kế tiếp làm lễ ra mắt họ hàng (dùng trà).

Ông sui trai ra lễ rước dâu, và thỉnh họ đưa dâu cùng một lúc.

Đoàn rước dâu đi ngay đến Đền Thánh, hay là Thánh Thất, để làm lễ Hôn Phối, kế đến Điện Thờ Phật Mẫu cầu nguyện bái lễ, rồi trực chỉ về nhà.

Đến nhà bên trai, Bàn Tri Sự sở tại, sui gia cầu nguyện Đức Chí Tôn, rồi đến cặp Tân Hôn bái lễ Đức Chí Tôn, kỉnh lễ Hội Thánh, và chánh quyền. Kế tiếp, bên trai lên đèn làm lễ Từ Đường, kế đến làm lễ ông bà (còn sống), cha mẹ, ông mai nếu có và người thân tộc.

Đàng trai mở tiệc khoản đãi. Mãn tiệc, họ đàng gái ra Lễ Cáo Từ, ông bà sui trai và cặp Tân Hôn ra cửa đưa họ.

Lễ Cưới đã thành.



Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 1240 | Tác giả: Hội Thánh Giữ Bản Quyền