× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Luật Đạo

Pháp Chánh Truyền


VII. QUYỀN HÀNH GIÁO HỮU

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Giáo Hữu là người để phổ thông chơn Đạo của Thầy.

CHÚ GIẢI: Muốn phổ thông chơn Đạo của Thầy, buộc Giáo Hữu phải học cho lảu thông chơn Đạo của Thầy. Ấy vậy, chức Giáo Hữu phải có khoa mục mới đặng. Cái phận sự phổ thông là một phận sự lớn lao quí trọng, nếu chẳng biết tôn chỉ của Đạo cho thông suốt, lại đem xuống truyền bá cho nhơn sanh những tư tưởng nghịch cùng chơn lý của Đạo, là hại Đạo. Huống chi Thầy đã nói Giáo Hữu là người thân cận của nhơn sanh hơn hết, nếu chẳng lựa chọn kẻ hạnh đức, tu tâm, có đủ tư cách mà bày gương Đạo cho rõ ràng, nhơn sanh chỉ để mắt vào đó mà khen, hay là chê Đạo, vì sự chơn thật, hay là giả dối, nhơn sanh chỉ coi đó mà quyết đoán. Trò phải như Thầy, mà Thầy thế nào Trò phải thế ấy, nhơn sanh xem Trò mà đoán Thầy. Cái thể thống của Đạo Thầy gọi là chơn thật thì phải hành Đạo thế nào cho ra chơn thật y như Thầy sở định. Bực trí thức, muốn quan sát một nền Đạo nào, thì chẳng cần biết hết Chức Sắc, chỉ lựa một phẩm vị yếu trọng hơn hết là bực hạ thừa, mà so sánh tư cách, hạnh đức, đặng quyết đoán tôn chỉ nội dung của Tôn Giáo ấy.

Giáo Hữu là một phẩm vị rất yếu trọng. Ấy vậy buộc Giáo Hữu phải thể Đạo cho xứng đáng Tôn chỉ cao thượng của Đạo. Muốn cho xứng đáng thì phải thông suốt cả các chơn lý Đạo.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Chúng nó đặng quyền xin chế giảm luật lệ.

CHÚ GIẢI: Giáo Hữu đặng quyền dưng sớ cho bề trên mà xin chế giảm luật lệ; biết đâu, ngày kia các vị ấy còn phải thuyên bổ đi phổ thông chơn Đạo Thầy trong một nước, hay là một dân tộc nào mà phong hóa không thể tùng theo Đạo luật đặng, nếu không chế giảm cho phù hạp thức lệ lễ nghi của sắc dân ấy, thì khó mà độ rỗi cho đặng. Thầy cho Giáo Hữu đặng quyền xin chế giảm luật lệ là vì vậy.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Ba ngàn Giáo Hữu chia ra đều, mỗi Phái là một ngàn, chẳng nên tăng thêm hay giảm bớt.

CHÚ GIẢI: Câu ấy đã nói rõ, chẳng cần phải giải, song buộc phải nói rằng: chức Giáo Hữu để cho cả các sắc dân toàn khắp địa cầu, chớ không phải dành để cho một nước Nam n ầy mà thôi, dầu cho ngôi Giáo Tông ngày sau, cũng có đủ các dân tộc khác cầm quyền chấp chánh. Hay(1).

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Chúng nó đặng phép hành lễ khi làm chủ các chùa nơi mấy tỉnh nhỏ.

CHÚ GIẢI: Hễ nói mấy tỉnh nhỏ đặng, thì cũng nói mấy xứ nhỏ, mấy nước nhỏ đặng, mà mấy tỉnh nhỏ, mấy xứ nhỏ, mấy nước nhỏ, thì phải tùng quyền mấy tỉnh lớn, mấy nước lớn, mấy xứ lớn; tức nhiên Giáo Hữu phải tùng quyền Giáo Sư. Khi làm chủ các Thánh Thất, thì Giáo Hữu đặng phép hành lễ y như thức lệ Giáo Sư sở định, không đặng phép sửa cải, nhứt nhứt phải đợi lịnh Giáo Sư, nếu nghịch mạng thì phạm Pháp Chánh Truyền.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Điều chi chúng nó xin, thì buộc Giáo Tông phải cần mẫn hơn hết.

CHÚ GIẢI: Đã nói Giáo Hữu là người thân mật với nhơn sanh hơn hết, mà kể từ phẩm Giáo Hữu đổ lên cho tới Giáo Tông thì xa lắm; ấy vậy, Giáo Hữu thì gần với nhơn sanh, còn Giáo Tông thì xa nhơn sanh, nếu Giáo Tông muốn gần với nhơn sanh thì phải cần mẫn giao thân cùng Giáo Hữu. Giáo Hữu là người biết nhơn sanh hơn hết, nếu Giáo Tông muốn biết nhơn sanh, thì phải nghe lời Giáo Hữu.

Thánh ý muốn cho Giáo Tông đặng gần nhơn sanh cũng như Giáo Hữu, cho nên dặn Giáo Tông phải để ý cần mẫn, xét nét mỗi điều của Giáo Hữu cầu xin hơn hết song mỗi điều chi Giáo Hữu cũng không đặng phép loạn đẳng cấp, nghĩa là phải nương theo các phẩm cấp trên mình mà dâng sớ.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Như điều chi mơ hồ, thì cũng nó là kẻ sai đi kiểm dượt.

CHÚ GIẢI: Chúng sanh là Thế, mà muốn cho biết Thế, thì phải thân cận chúng sanh, gần chúng sanh thì mới biết đặng sự hạnh phúc cùng là sự uất ức của chúng sanh.

Người gần gũi chúng sanh là Giáo Hữu: Thảng như có điều chi làm cho Đạo với Đời không tương đắc, sanh ra nghi hoặc, mơ hồ, thì không ai có thể quan sát và kiểm dượt dễ dàng hơn Giáo Hữu, nên Thầy mới giao trách nhậm riêng ấy cho, là vì vậy. Hay(1).

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Chúng nó phải tu hạnh đức, tư cách, cho lắm mới đặng, vì chúng nó là người thân cận với nhơn sanh hơn hết nghe à!

CHÚ GIẢI: Câu nầy trên kia đã giải rõ, đây chỉ nhắc câu quyết định "nghe à!" của Thầy đó mà thôi. Xin khá để ý.

(Ôi! cái trách nhậm lớn lao ấy, vân vân ...)

 


(1) Ấy là lời khen của Đức Lý Giáo Tông.



Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 681