PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Giáo Sư có 72 người, mỗi phái là 24 người.
CHÚ GIẢI: Giáo Sư có 72 người, chia đều ra mỗi Phái là 24, không đặng phép tăng thêm hay là giảm bớt.
PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Giáo Sư là người dạy dỗ chư Môn Đệ trong đường Đạo và đường Đời.
CHÚ GIẢI: Đã biết rằng Giáo Sư thế quyền cho Đầu
Sư và Phối Sư mà cai quản các Thánh Thất nơi Châu Thành lớn mặc dầu,
nhưng Thầy định quyết cho người có quyền dạy dỗ mà thôi, song quyền hành
có rộng thêm đôi chút là dạy dỗ trọn cả đường Đạo và đường Đời. Nghĩ
cũng chẵng chi làm lạ, vì cả Chức Sắc Hội Thánh Cửu Trùng Đài của Thầy
lập, phải tùy theo tôn chỉ Đạo, nghĩa là xu hướng về phần giáo dục mà
thôi. Thầy đã xưng là Thầy đặng dạy dỗ, còn tên của Chức Sắc đủ chỉ rõ
ràng phận sự giáo hóa là chánh vai của mỗi người; như Giáo Hữu, Giáo Sư,
Phối Sư, Đầu Sư, Giáo Tông; xem rõ lại thì tên mỗi vị chẳng mất chữ
Giáo hay là chữ Sư. Cơ Đạo từ cổ chí kim vẫn vậy, lại hiệp lời nầy
"Thiên mạng chi vị tánh, xuất tánh chi vị Đạo, tu Đạo chi vị Giáo". Thầy
chỉ cậy Hội Thánh, Thầy đã đến lập, thay quyền cho Thầy mà dạy dỗ cả
con
cái của Thầy, nghĩa là chúng sanh đặng lành; ấy là phận sự cần nhứt của
Hội Thánh đó.
PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Buộc chúng nó lo lắng cho các con như anh ruột lo cho em.
CHÚ GIẢI: Thầy buộc Giáo Sư phải lo lắng cho các
Tín Đồ trong địa phận mình cai quản, như anh ruột lo cho em, nghĩa là
thân cận với các Tín Đồ như anh em một nhà, cần lo giúp đỡ, phải đoạt
tình thân thiết của mỗi người cho họ đủ yêu mến mà nương dựa nơi mình,
hầu lừa thế chia vui, sớt nhọc, tình ái liên lạc thế nào, phải cho ra
người anh ruột của các Tín Đồ, mới vừa lòng Thầy sở định. Hay(1) Những tiếng anh ruột lo cho em là đủ nghĩa.
PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Chúng nó cầm sổ bộ của cả Tín Đồ.
CHÚ GIẢI: Bộ sanh tử, bộ hôn phối, sổ nhập môn
hay là trục xuất của cả Tín Đồ, đều về phần Giáo Sư nắm giữ. Giáo Sư là
người thủ bộ Đời của Đạo, quyền hành đã nhứt định; chẳng Chức Sắc nào
đoạt đặng.
PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Chúng nó phải chăm nom về sự tang hôn của mỗi đứa.
CHÚ GIẢI: Hễ thủ bộ Đời, thì chăm nom về tang
hôn rất tiện. Quan, Hôn, Tang, Tế, là điều cần nhứt của kiếp sống người
đời, mà Thầy chỉ định giao cho Giáo Sư có sự tang hôn mà thôi; ấy vậy
Giáo Sư đặng trọn quyền sắp đặt sửa đương thế nào cho hai lẽ ấy đặng phù
hạp với tục lệ của nhơn sanh, tùy theo phong hóa của các sắc người,
song chẳng đặng làm cho thất thể Đạo, nghĩa là mỗi điều sửa cải phải do
nơi Hội Thánh phê chuẩn. Thầy đã nói: "Của mỗi đứa", tức nhiên mình cũng
phải hiểu của mỗi nước.
PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Như tại Châu Thành lớn thì mỗi đứa đặng quyền cai quản, cúng tế Thầy như Đầu Sư và Phối Sư.
CHÚ GIẢI: Đây Thầy đã nói tại Châu Thành lớn,
thì chúng sanh cũng nên hiểu là địa phận thuộc về dưới quyền trách nhậm
của Giáo Sư cai quản, người đặng quyền cúng tế Thầy như Đầu Sư và Phối
Sư, mà đặng quyền cúng tế Thầy như Đầu Sư và Phối Sư thì tức nhiên phải
tùng theo lễ phép của Đầu Sư và Phối Sư phán dạy. Ấy vậy lễ cúng tế
chẳng phải trọn quyền của người mà là của Hội Thánh sở định.
PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Chúng nó đặng dâng sớ kêu nài về sự luật lệ làm hại nhơn sanh hay là cầu xin chế giảm luật lệ ấy.
CHÚ GIẢI: Những Tân Luật hay là Cựu Luật mà đã rõ có hại cho nhơn sanh, thì Giáo Sư đặng phép kêu nài hay là cầu xin chế giảm.
PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Chúng nó phải thân cận với mỗi Môn Đệ, như anh em một nhà, cần lo giúp đỡ, nghe à!
CHÚ GIẢI: Đây là một câu Thầy lập lại nữa, quyết
định cho Giáo Sư phải thân cận với mỗi Môn Đệ của Thầy như anh em một
nhà, cần lo giúp đỡ, nên chi, Thầy mới gằn hai chữ "nghe à" xin hãy coi
đó mà để ý.
Giáo Sư đã là người thay quyền cho Đầu Sư và Phối Sư mà
cai quản Thánh Thất và cúng tế Thầy, ắt buộc phải tùng quyền Phối Sư,
chẳng đặng trái mạng lịnh người, trừ ra các quyền hành riêng Thầy đã
định, thì nhứt nhứt đều tùng trật tự, do lịnh Phối Sư không đặng phép tự
mình sửa cãi. Nếu sửa cãi là phạm trật tự, mà phạm trật tự, nghịch Pháp
Chánh Truyền ắt bị giải ra Tòa Tam Giáo.
(1) Ấy là lời khen của Đức Lý Giáo Tông.