× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Luật Đạo

Pháp Chánh Truyền


IV. QUYỀN HÀNH CHÁNH PHỐI SƯ

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: "Phối Sư mỗi phái là 12 người, cộng là ba mươi sáu, trong ba mươi sáu vị ấy, có ba vị Chánh".

CHÚ GIẢI: Ba vị Chánh Phối Sư, phải lựa cho đủ ba phái là: Thái, Thượng, Ngọc. Ba vị ấy chẳng phải làm đầu cho ba mươi ba vị Phối Sư kia mà thôi, mà lại là người thay quyền cho Đầu Sư mà hành sự, y như quyền Đầu Sư vậy.

Ấy là người thay mặt cho cả Hội Thánh Cửu Trùng Đài và cả nhơn sanh.

Người nắm trọn quyền hành sự nơi tay, chỉ tùng lệnh Đầu Sư phán dạy thế nào, thì phải tuân theo thế ấy; chẳng đặng cải mạng lịnh tự mình chế biến; nhứt nhứt đợi lịnh Đầu Sư, song Đầu Sư cũng không đặng phép giành quyền hành sự của ba vị ấy. Hễ Đầu Sư, lấn quyền hành sự mà không do nơi Chánh Phối Sư thì là quá quyền mình, ắt phải phạm Pháp Chánh Truyền ...hay(1).

Đây xin nhắc lại khi Đức CHÍ TÔN ban lịnh lập Tân Luật, vì cớ nào Đức Giáo Tông lại giao cho Chánh Phối Sư xem xét chỉnh  đốn trước khi dâng lên cho Ngài, kế Chưởng Pháp kiểm dượt rồi mới đệ lên cho Hiệp Thiên Đài phê chuẩn, sau rốt Hộ Pháp phải đem luật ấy xuống Cửu Trùng Đài đọc mà ban hành.

Lại nữa buổi ba vị Chánh Phối Sư dâng luật Hộ Pháp và Thượng Phẩm phò loan cho Đức Giáo Tông giáng sửa (13 tháng chạp năm Bính Dần).  Ngài có truyền dạy ba vị Đầu Sư và Chưởng Pháp phải ngự trên ngai; đoạn đòi ba vị Chánh Phối Sư vào hành lễ, rồi kêu Chánh  Phối Sư Thượng Tương Thanh mà dạy rằng: "Hiền Hữu coi Lão hành sự đây mà bắt chước". Ngài lại dạy ba vị Chánh Phối Sư mỗi người phải dâng luật thế nào cho đủ sáu bàn tay nâng luật ấy, chẳng nên cho hở, đặng dâng lại cho Đầu Sư; Đầu Sư cũng phải cho đủ sáu tay mà dâng lên cho Chưởng Pháp, rồi Chưởng Pháp cũng phải đủ sáu tay mà dâng lên cho Ngài. Khi ấy Ngài dạy phải đi ngay lên Đại Điện đưa qua khỏi đầu Hộ Pháp và Thượng Phẩm. Ngài hạ Ngọc Cơ xuống dưới, đặng đi ngay qua cho khỏi Ngài nữa. Hay...(1).

Chưởng Pháp tiếp luật rồi, lại đưa ngay qua khỏi đầu Khương Thái Công và Thánh Chúa Jésus nữa. Sau Hộ Pháp có để lời than cùng Thầy về điều ấy, thì Thầy cười mà phán dạy rằng: "Mắc Tiên vị của Thái Bạch còn ở dưới Thích Ca, Khổng Tử và Lão Tử bằng chẳng vậy thì bộ luật cũng đi ngang qua đầu các Đấng ấy nữa, vì nó là Thiên Điều đó con". (2)

Bộ Tân Luật để trước Tiên vị của Đức Giáo Tông một ngày một đêm, cho Ngài xét đoán; bữa sau Ngài giáng cơ than rằng: "Thiên Điều mầu nhiệm của Đạo còn thiếu sót lắm". Ngài cười rồi tiếp rằng: Những điều ấy chư Hiền Hữu biết đâu mà lập cho đặng... Hại thay! Nếu chẳng có cơ mầu nhiệm bí mật ấy, thì chẳng thành luật; nếu chẳng thành luật, thế nào thành Đạo. Ngài cười rồi tiếp: Lão tâu cùng Đại Từ Đại Bi xin thêm vào luật những điều bí mật yếu trọng. Ấy vậy chư Hiền Hữu cũng phải cầu khẩn với Lão, nội hạ tuần tháng nầy thì khởi nguyện, dặn các Thánh Thất; các Đạo Hữu phải để lòng thành khẩn; hiệp sức làm một với Lão, mà nài xin Thánh Luật, nghe à: (Cười...). Hễ Đạo trọng thì tức nhiên chư Hiền Hữu trọng, vậy thì chư Hiền Hữu biết mình trọng mà lo sửa vẹn người Đời... Từ đây, Lão hằng giữ gìn cho chư Hiền Hữu hơn nữa; nếu thảng Lão ép lòng cầm quyền thưởng phạt phân minh, là cố ý muốn giá trị chư Hiền Hữu thêm cao trọng nữa, vậy Lão xin đừng để dạ phiền hà, nghe!

Ngài liền kêu hai vị Chưởng Pháp lên lấy bộ Luật xuống, đặng dâng qua cho Hiệp Thiên Đài, lại dạy Hộ Pháp và Thượng Phẩm xuống Cửu Trùng Đài đứng nơi vị mình. Hộ Pháp thì bắt ấn Hộ Pháp trấn trên bộ Luật, còn Thượng Phẩm thì cầm Long Tu Phiến che trên ấn ấy, rồi dạy hai vị Chưởng Pháp như vầy: "Ta kỳ cho một tháng phải nạp Luật".

Hai vị Chưởng Pháp lãnh kiểm dượt luật trong một tháng đem nạp hồi cho Lý Giáo Tông; rồi Ngài mới cậy hai vị Đầu Sư thay mặt cho Ngài, đệ lên Hiệp Thiên Đài dâng cho Hộ Pháp cầu Thầy giáng xuống sửa lại. Nhờ Ngài và Hội Thánh cầu khẩn, Thầy đã giáng bút truyền các bí pháp ấy cho Hộ Pháp (3).

Coi theo đây thì thấy rõ: Đức Giáo Tông kêu Chánh Phối Sư Thượng Tương Thanh xem người hành sự mà bắt chước, thì đủ chỉ rõ rằng: Ngài ban quyền hành sự trọn vẹn cho Chánh Phối Sư, lại buộc cả ba đều để sáu bàn tay vào cho đủ, tức là cả buộc cả ba hiệp một mới đặng. Đầu Sư cũng vậy mà Chưởng Pháp cũng vậy, phải hiệp một mới phù hạp câu Thánh Ngôn "Một thành ba, mà ba cũng như một" (4) .

Sao lại giao cho Chánh Phối Sư chỉnh đốn Tân Luật, ngày sau có phải giao cho Chánh Phối Sư như vậy nữa chăng?

Trên kia đã nói Chánh Phối Sư là người thay mặt cho cả nhơn sanh giữa Hội Thánh, ấy là người làm chủ nhơn sanh trong nền Đạo (5), hễ gọi là chủ nhơn sanh, ấy là nhơn sanh vậy.

Trong Bát Quái Đài kể từ Tiên vị đổ lên cho tới Thầy thì đã vào địa vị của các Đấng Trọn Lành "classe des Parfaits ou des Purs" (6), từ Thánh vị trở xuống nhơn vị thì vào hàng Thánh "classe des Épures" (6), từ thú cầm xuống vật chất thì hàng phàm tục "classe des Impurs" (6), ấy vậy trong Bát Quái Đài từ bực Thánh hồn thì còn phận sự điều đình Càn Khôn Thế Giái, giao thiệp cùng các chơn hồn, còn ở trong vòng vật chất, nâng đỡ, dạy dỗ cho phàm phẩm tấn hóa lên cho tới Thánh vị. Hễ vào đặng Thánh vị rồi thì tự nhiên mình biết lấy mình, dầu phải bị đọa trần đi nữa cũng còn giữ vẹn Thánh Đức mà tu hành đặng đạt đến địa vị trọn lành, lên địa vị trọn lành rồi thì mới đồng quyền cùng Tạo Hóa, từ bi, tự tại bất tiêu bất diệt.

Trong Hiệp Thiên Đài thì có Hộ Pháp thay quyền cho các Đấng Thiêng Liêng và Thầy mà gìn giữ công bình Tọa Hóa, bảo hộ nhơn loại và vạn vật lên cho tới địa vị tận thiện tận mỹ; người thì tận thiện, còn vật thì tận mỹ. Hay(1) Chẳng cần lấy sức mình mà lập, chỉ bảo hộ cho sự tấn hóa tự nhiên khỏi điều trở ngại, nếu nói có quyền bảo hộ thì phải có luật pháp, lấy luật pháp mà kềm chế nhơn sanh, cũng như các Đấng trọn lành lấy Thiên Điều mà sửa trị Càn Khôn Thế Giái.

Hộ Pháp là thể các Đấng Trọn Lành, Hay(1) người lại giao quyền cho Thượng Phẩm lập Đạo, đặng dìu dắt các chơn hồn lên tột phẩm vị của mình, tức là nâng đỡ binh vực cả Tín Đồ và Chức Sắc Thiên Phong ngồi an địa vị, cũng như chư Thần, Thánh điều đình Càn Khôn Thế Giái cho an  tịnh hòa bình mà giúp sức cho vạn loại sanh sanh hóa hóa. Thượng Phẩm tiếp các chơn hồn của Thượng Sanh giao vào cửa Đạo; Thượng Phẩm là người thể Đạo đối với hàng Thánh, ấy là người làm đầu các Thánh. Còn Thượng Sanh về thế độ, đem các chơn hồn vào cửa Đạo, dầu nguyên nhân hay là hóa nhân cũng vậy, phải nhờ người độ rỗi. Thượng Sanh đặng mạng lịnh chuyển thế, điều độ nhơn sanh ra khỏi trầm luân khổ hải, Hay(1) buộc Thượng Sanh phải gần kẻ vô đạo đặng an ủi dạy dỗ, mà kể từ hạng vô đạo trở xuống, cho tới vật chất thuộc về phàm, ấy vậy Thượng Sanh là thể Đời, người đứng đầu của phẩm phàm tục. Hay(1).

Trong Cửu Trùng Đài có Đầu Sư thì đối với phẩm Địa Tiên, Chưởng Pháp thì đối với phẩm Nhơn Tiên, Giáo Tông thì đối với phẩm Thiên Tiên: Tam Trấn Oai Nghiêm thay quyền Phật vị tại thế nầy. Ấy vậy, các Đấng ấy đối phẩm cùng các Đấng Trọn Lành của Bát Quái Đài. Giáo Tông giao quyền cho Đầu Sư, Đầu Sư lại phân quyền cho Chánh Phối Sư, Hay(1) lập Đạo đặng độ rỗi nhơn sanh; cũng như Hộ Pháp giao quyền cho Thượng Sanh và Thượng Phẩm; còn Chánh Phối Sư và Phối Sư đối phẩm Thiên Thánh, Giáo Sư đối phẩm Nhơn Thánh, Giáo Hữu đối phẩm Địa Thánh, Lễ Sanh đối phẩm Thiên Thần, Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự và Thông Sự đối phẩm Nhơn Thần, Chư Tín Đồ đối phẩm Địa Thần. Hay(1) Ấy vậy, các vị ấy đối phẩm vào hàng Thánh của Bát Quái Đài là cầm quyền lập Đạo.

Kẻ Ngoại Giáo, Tả Đạo Bàn Môn, người vô đạo, riêng nắm quyền hành thế tục, nghịch cùng chơn lý Chánh Truyền; mượn thế lực phàm tục mà diệt lành dưỡng dữ, mê hoặc nhơn sanh, lưu luyến trần thế; trên không biết Trời, dưới không kỉnh đất; lấy người làm lợi khí đặng vụ tất công danh, quyền quyền thế thế: chẳng kiêng nể luân hồi, ham vật chất hơn tinh thần, lấy vinh hoa của kiếp sanh làm sở nguyện, như thú vật, cây cỏ, sắt đá, chỉ biết sống mà không biết sống để làm gì, còn không hay, mà mất cũng không biết. Ấy là hạng phàm, gọi đời đó vậy, ( Hay... Áng văn tuyệt bút Lão khen đa) (1)

Thầy đã dạy nhơn sanh tự lập luật lấy mình, mà Chánh Phối  Sư đã hẳn là người thay mặt cho Nhơn Sanh, tức nhiên quyền hành lập luật là nơi tay Chánh Phối Sư đã đáng.

Quyền hành chánh trị về phần Đầu Sư, mà quyền hành sự về Chánh Phối Sư, bằng chẳng vậy thì ngôi Giáo Tông, Đầu Sư cũng không kiêng nể; vì đã nhứt thống quyền chánh trị và luật lệ; lại nữa, Thầy đã định ngôi Giáo Tông thì Đầu Sư và Chưởng Pháp tranh cử đặng, nếu không giảm quyền Đầu Sư thì Chưởng Pháp mong chi đắc cử.

Chánh Phối Sư đã là người thay mặt cho nhơn sanh chỉ biết tuân lịnh mà thôi, chớ không phép cãi lịnh, có phép dâng luật lên cho Đầu Sư cầu xin chế giảm chớ không đặng phép lập luật. Như ngày sau, nếu Thầy ban quyền cho nhơn sanh lập luật lại nữa, thì người mới có quyền chỉnh đốn luật lệ như buổi nầy vậy. Vì vậy mà Thầy mới nói:

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: "Ba vị Chánh Phối Sư đặng phép thế quyền cho Đầu  Sư, song không đặng quyền cầu phá luật lệ".

CHÚ GIẢI: Hễ trái mạng lịnh Thiêng Liêng, sửa cãi luật lệ mà hành sự, hoặc thêm, hoặc bớt, thì là phạm phép Thiên Điều làm cho Thánh Giáo trở nên Phàm Giáo. Nhơn sanh là Phàm, Hội Thánh là Thánh, nếu không Hội Thánh phê chuẩn thì những điều chi sửa cãi bởi Chánh Phối Sư, nghĩa là nhơn sanh, đều là phàm cả, mà hễ phàm thì khó mong lập vị Thánh cho đặng. Hay(1) Bởi cớ ấy nên Thầy không cho Chánh Phối Sư lập luật; ấy cũng là cơ mầu nhiệm, diệt phàm của Đạo vậy. Hay(1).

 


(1)  Ấy là lời khen của Đức Lý Giáo Tông.

(2)  Cười... Cái giá trị của Tân Luật dường đó, mà cả Hội Thánh coi rẻ rúng chẳng kể, làm cho Lão phải từ ngôi Giáo Tông, đặng lấy Thiên Điều khảo tội. Ôi thôi! Biết bao kẻ bị đọa lạc vào Phong đô, vì đó.

(3)  Mừng thay cho nhơn loại chút ít rồi. Hội Thánh Chơn  Truyền Tân Pháp đã đạt đặng như phép "Giải Oan", phép "Khai Sanh Môn", Ban Kim Quan vân vân..., lại còn nhiều bí pháp nữa mà Hộ Pháp chưa có lịnh truyền và lại bị chúng sanh và Hội Thánh còn mờ hồ không nạp dụng. Ngày nay chẳng biết các Đấng Thiêng Liêng là chư Thần, Thánh, Tiên, Phật tại Bát Quái Đài đã thọ lịnh của Thầy mà hành Pháp vì thuộc về quyền hành của các Đấng ấy; ngày nay mới tính sao? Trong các bí pháp có cơ mầu nhiệm đắc Đạo, bây giờ các Đấng ấy có cho hay là không? Thảm!... (Cười), nếu Lão có phương chỉnh đốn nền Đạo lại thì đặng, bằng chẳng vậy, thì không có một người đắc Pháp, Cửu Trùng Đài cũng đã yểm quyền Bát Quái Đài mà chớ: Thật vậy đó chút!

(4)  Ấy là cơ vô vi Tinh Khí Thần hiệp nhứt, chư Hiền Hữu có biết à! Ngọc là Tinh, Thượng là Khí, Thái là Thần, nếu cả ba không hiệp thì chẳng hề thành Đạo đặng khá nhớ!

(5)  Đây cũng nên giải, vì cớ nào kể từ phẩm Chánh Phối Sư trở xuống, thuộc về thế, nghĩa là Đời và từ phẩm Đầu Sư đổ lên thuộc về Thánh, nghĩa là Đạo, bên Hiệp Thiên Đài cũng có Đời và Đạo, mà Bát Quái Đài cũng phải có vậy, mới nhằm cơ hiệp một Đời cùng Đạo. Tức là trong Đạo có Đời, mà trong Đời cũng có Đạo.

(6)  Đức Lý Giáo Tông khen hay.



Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 1169