× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Luật Đạo

Pháp Chánh Truyền


HIỆP THIÊN ĐÀI

Trước khi Thầy lập Pháp Chánh Truyền Hiệp Thiên Đài, Thầy kêu "Cả chư Môn Đệ khá tuân mạng" thì Thầy đã chỉ rõ rằng: Thầy lập Hiệp Thiên Đài rất trọng hệ là dường nào. Sự trọng hệ ấy là chi? Sau đây nên giải rõ:

Cơ Tạo Hóa chỉ có hai bí mật tối trọng, một là quan sát sự hữu hình, hai là xét đoán sự vô vi; quan sát sự hữu hình thì dễ, mà xét đoán sự vô vi vẫn rất khó; hữu hình với vô vi chỉ phân nhau với màn bí mật, từ thuở tạo Thiên lập Địa, dầu cho bậc Trí Thức Nhơn Sanh đặng tấn hóa lên tới bậc Đại giác đi nữa, cũng chưa hề có phương thế hé trọn vẹn màn bí mật ấy, mà dòm qua phía vô vi cho đặng, nhưng nhơn sanh đã có sẵn nơi tay một cái chìa khóa, là xem cơ tương đắc của hữu hình và vô vi trong sự sanh họat của vạn vật. Vô vi và hữu hình phải hiệp làm một, mới thuận theo cơ tạo. Trời Đất có Âm Dương, vạn vật có thể phách, nhơn loại có xác hồn. Sự sống của vạn loại trong Càn Khôn Thế Giái chỉ nhờ có vật chất (La matière) và tinh thần (L'essence) tương hiệp mới thành hình, cả vật chất hồn, thảo mộc hồn, thú cầm hồn, Nhơn hồn, Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn, Phật hồn, Thiên hồn đều khác đẳng cấp nhau, nên hình thể cũng biến sanh ra khác. Vật chất không giống thảo mộc, thảo mộc không giống thú cầm, thú cầm không giống người, người không giống Thần, Thần không giống Thánh, Thánh không giống Tiên, Tiên không giống Phật, Phật không giống Trời. Nói tóm một lời, hình thể tâm thần đều khác hẳn.

Vật chất (La matière) phải tùng lịnh tinh thần (L'essence) mà lập thành hình tượng. Cái cớ hiển nhiên là hình thể của nhơn loại cũng phải tùng tinh thần mà biệt phân đẳng cấp. Kẻ hung bạo thì hình dung cổ quái, còn người lương thiện thì tướng hảo quang minh; nhờ đó mà cổ nhơn xem tướng đoán tánh người.

Xác phải phù hạp với hồn, cũng như vật chất phải phù hạp với tinh thần, vật chất vốn hữu hình, mà tinh thần lại vô vi, vô vi cùng hữu hình phải tương đắc, thấy hữu hình đoán vô vi, biết vô vi mới định quyết hữu hình.

Ấy vậy Cửu Trùng Đài là xác, Hiệp Thiên Đài là hồn. Đã nói rằng Cửu Trùng Đài là Đời, tức nhiên là xác của Đạo, còn Hiệp Thiên Đài là Đạo, tức nhiên là chơn thần của Đạo, vậy thì xác thịt có định hạn lệ đẳng cấp, chớ chơn thần chẳng hề định hạn lệ đẳng cấp đặng. Nhiều Đấng Thiêng Liêng cao mà lại tái thế muốn ra hèn hạ, còn cũng có nhiều Đấng Thiêng Liêng thấp mà lại nhờ một phen đắc Đạo lập vị cao trọng tột phẩm, vậy thì Thiêng Liêng không có giới hạn tức là Đạo không có giới hạn. Ấy là cơ bí mật của Đạo vậy.

Chư Hiền Hữu cùng như chư Hiền Muội sẽ thấy rằng: Thầy không quyết định trách nhậm của mỗi người Chức Sắc Hiệp Thiên Đài, bởi cớ mà gây nên lắm điều trắc trở trong phẩm trật của cả Thiên Phong. Nghĩa là: Để tự nhiên cho cả Chức Sắc Hiệp Thiên Đài lập vị mình, thế nào cho xứng đáng cùng phẩm định.

Cửu Trùng Đài là Đời, mà Hiệp Thiên Đài là Đạo, cho nên buộc Đời phải nương Đạo mà lập ra thiệt tướng, mới mong độ rỗi nhơn sanh chuyển cơ tạo hóa.

Cái hệ trọng là nếu không có Hiệp Thiên Đài thì không có Đạo, Trời Đất qua chớ Đạo không qua, nhơn loại tuyệt chớ Hiệp Thiên Đài không tuyệt. (Hay lắm)

Hiệp Thiên Đài là tay vén màn bí mật cho sự hữu hình và sự vô vi hiệp làm một, tức là tay làm cho Đạo với Đời tương đắc vậy. Vì cớ ấy mà Thầy giáng cơ buộc cả chư Môn Đệ Thầy, chẳng khi nào đặng phép trái mạng lịnh của Thầy.

Dưới đây Thầy đã nói rõ:

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Hiệp Thiên Đài là nơi Thầy ngự, cầm quyền Thiêng Liêng mối Đạo, hễ Đạo còn thì Hiệp Thiên Đài vẫn còn.

CHÚ GIẢI: Thầy là Chúa cả Càn Khôn Thế Giái, tức là Chúa tể sự vô vi, nghĩa là chủ quyền của Đạo, mà hễ chủ quyền của Đạo, ngự nơi nào thì là Đạo ở nơi ấy.

Thầy đã nói Hiệp Thiên Đài là nơi Thầy ngự, ấy là nơi Thầy cầm quyền Thiêng Liêng mối Đạo, vậy Đạo còn thì Tòa ngự của Thầy là Hiệp Thiên Đài vẫn còn, hễ nói Đạo chẳng hề khi nào bị diệt, vì Đạo diệt thì là tận thế, vậy thì Đạo chưa tuyệt, ắt Hiệp Thiên Đài cũng không tuyệt. (Hay lắm)

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Thầy đã nói Ngũ Chi Đại Đạo bị qui phàm là vì khi trước Thầy giao Chánh Giáo cho tay phàm, càng ngày càng xa Chánh Giáo, mà lập ra Phàm Giáo, nên Thầy nhứt định đến chính mình Thầy, đặng dạy dỗ các con mà thôi; chớ không chịu giao Chánh Giáo cho tay phàm nữa.

CHÚ GIẢI: Câu nầy Thầy đã nói rõ nghĩa, duy Thầy chỉ than rằng: Khi trước Thầy lỡ giao Chánh Giáo cho tay phàm, hễ càng lâu chừng nào thì Thánh Đức lại càng hao mòn mà phàm tâm lại tái phục, nhơn loại sửa cải Chánh Giáo, cho vừa theo thế lực của nhơn tình mà lần lần làm cho Thánh Giáo phải trở nên Phàm Giáo. (Hay)

Nay Thầy nhứt định đến chính mình Thầy đặng dạy dỗ nhơn sanh mà thôi, chớ không chịu giao nền Chánh Giáo của Thầy cho tay phàm nữa.

Thảng như có kẻ hỏi: Như đã nói vậy, sao Thầy lại giao Thánh Giáo cho phàm là Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài, là ý nghĩa gì? Trong bài diễn văn của Hộ Pháp đọc tại Tòa Thánh ngày 14 tháng hai năm Mậu Thìn, có giải rõ rằng: Thầy đến qui các lương sanh của Thầy đã sai đến trước lại làm một đặng lập Hội Thánh mà làm hình thể của Thầy, hầu tránh khỏi hạ trần trong lúc Tam Kỳ Phổ Độ nầy. (Hay) Hội Thánh ấy, có hai phần tại thế: Phần hữu hình là Cửu Trùng Đài, tức là Đời nghĩa là xác; một phần bán hữu hình là Hiệp Thiên Đài nghĩa là: Nửa Đời nửa Đạo, ấy là chơn thần; còn phần vô vi là Bát Quái Đài tức là hồn, ấy là Đạo.

Đã nói rằng: Thầy là Chúa tể của sự vô vi, ắt Bát Quái Đài thì Thầy là chủ, mà chủ Bát Quái Đài là chủ của hồn Đạo, hồn hiệp với xác bởi chơn thần, ấy vậy chơn thần là trung gian của hồn và xác; xác nhờ hồn mà nên, thì Cửu Trùng Đài cũng phải nhờ Hiệp Thiên Đài mới mong thành Đạo. (Hay)

Như có kẻ hỏi nữa: Thầy là Chí Tôn, huyền diệu vô biên, mà lại nói Thầy không giao Thánh Giáo cho tay phàm nữa, sao lại cũng còn phải nhờ Hiệp Thiên Đài, cũng là phàm vậy? Nếu không Hiệp Thiên Đài, thì Thầy không thể lập Đạo sao?

Ta lại nói: Thầy là chúa sự vô vi, nghĩa là chúa các việc vô hình, Thầy lại ban cho người đủ khôn ngoan trí thức Thiêng Liêng, đặng làm chúa của sự hữu hình, nghĩa là chúa cả của vạn vật, nếu muốn cho sự vô vi và sự hữu hình được tương đắc, thì cả hai ông chúa phải liên hiệp nhau mới đặng, người có sức sửa cơ Tạo Hóa, song Tạo Hóa cũng tùy người mà làm cho vạn loại trở nên tận thiên, tận mỹ.

Chịu dưới quyền Thiêng Liêng của Tạo Hóa, sanh sanh tử tử, luật lệ ấy vốn nơi Trời, số số căn căn Thiên Điều đã định; người chỉ đặng có một quyền tự lập, là mình làm chủ lấy mình, luân luân chuyển chuyển, giồi cho đẹp đẽ Thánh Đức căn sanh, đặng lên tột phẩm vị Thiêng Liêng mới nhập vào cửa vô vi đồng thể cùng Trời Đất. (Hay lắm, Lão khen đó)

Quyền tự chủ ấy, vẫn đã định trước làm cho cả nhơn sanh vui theo cơ Tấn Hóa, thì dầu cho Thầy cũng không cải qua đặng; vì hễ sửa cải thì là mất lẽ công bình Thiêng Liêng đã định, làm chinh nghiêng cơ thưởng phạt. Hễ có công thưởng tội trừng thì phải để rộng quyền cho người tự chủ.

Thiên cơ đã lập có Điạ Ngục với Thiên Đàng, ấy cảnh thăng cảnh đọa.

Địa Ngục dành để cho kẻ bạo tàn, Thiên Đàng cho người đạo đức, thì cân công bình Thiêng Liêng đã sẵn. Ấy vậy chẳng buộc ai vào Địa Ngục, mà cũng chẳng nâng đỡ ai đến Thiên Đàng. Đôi đường hiển hiện, tự quyền người lựa chọn, siêu đọa tại nơi mình, các Đấng Thiêng Liêng duy có thương mà chỉ dẫn.

Thầy đến, nếu dùng cả quyền Thiêng Liêng làm cho chúng sanh thấy đặng đủ đức tin, theo đường siêu mà bỏ nẻo đọa, thì cả nhơn loại ắt xu hướng vào đường đạo đức, thì là Thầy nâng đỡ các chơn hồn vào Thiên Đàng, không cho vào Địa Ngục, (Hay) thì sự công bình Thiêng Liêng bởi nơi nào bền vững. Thưởng phạt ra bất minh, ắt phải truất bỏ cơ luân hồi chuyển kiếp.

Thầy cùng các Đấng Thiêng Liêng không nhơn thân phàm ngữ, thế nào mà thông công cùng cả chúng sanh, lại còn cao khó vói, khuất không rờ, chỉ nhờ lương sanh giúp công gầy đạo đức. Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài là người giúp công cho Thầy và các Đấng Thiêng Liêng gầy Đạo.

Luân hồi chuyển kiếp là cơ mầu nhiệm để cho các chơn hồn đặng cứu chuộc và tấn hóa, nếu truất bỏ cơ mầu nhiệm ấy đi, thì Đạo nơi nào mà bền chặt?

Nhơn loại có hóa nhân, quỉ nhân và nguyên nhân, ấy là có phân đẳng cấp, nếu Thầy dùng huyền diệu Thiêng Liêng mà làm cho nhơn loại cả thảy đều thấy đặng cơ mầu nhiệm của Đạo, đồng đặng đắc kiếp, thì phẩm vị Thiêng Liêng cũng không còn trật tự.

Trước đã nói Hiệp Thiên Đài là chơn thần, Cửu Trùng Đài là xác thịt, Bát Quái Đài là linh hồn. Hồn đặng tương hiệp cùng xác phải nhờ chơn thần, chơn thần lại là bán hữu hình, tiếp vô vi mà hiệp cùng hình thể, cũng như Đạo tiếp Thánh Đức của các Đấng Thiêng Liêng mà rưới chan cho nhơn loại. (Hay) Nhơn loại đặng liên hiệp cùng Trời thể nào, thì Cửu Trùng Đài phải liên hiệp cùng Bát Quái Đài thể ấy.

Bát Quái Đài là hồn của Đạo mà Thầy đã nắm chặt phần hồn thì xác phải nương theo hồn, mới mong giữ bền sanh hoạt, hồn Đạo Thầy đã nắm chặt rồi; thì Đạo chẳng hề khi nào còn chịu dưới tay phàm nữa (2) Ấy vậy Thầy nói không chịu giao Thánh Giáo cho tay phàm là tại vậy.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: "Lại nữa, Hiệp Thiên Đài là nơi của Giáo Tông đến thông công cùng Tam Thập Lục Thiên, Tam Thiên Thế Giái, Lục Thập Thất Địa Cầu, Thập Điện Diêm Cung mà cầu siêu cho cả Nhơn loại".

CHÚ GIẢI: Câu nầy, đã có giải rõ trong chú giải Pháp Chánh Truyền, Cửu Trùng Đài Nam Phái, nên không cần nói lại.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: "Thầy đã nói sở dụng Thiêng Liêng, Thầy cũng nên nói sở dụng phàm trần của nó nữa".

CHÚ GIẢI: Sở dụng Thiêng Liêng là Hiệp Thiên Đài, làm trung gian của Giáo Tông cùng chư Thần, Thánh, Tiên, Phật, nghĩa là: Trung gian của Cửu Trùng Đài và Bát Quái Đài; vì Cửu Trùng Đài cầm quyền độ rỗi, còn Bát Quái Đài cầm quyền siêu rỗi. (Hay) Cả chơn thần toàn trong thế giái đặng tương hiệp nhau chỉ phải nhờ nơi cửa Hiệp Thiên Đài, ấy là phần Thiêng Liêng; còn phần phàm trần thì cầm quyền luật lệ, cũng như Đạo có phép Thiên Điều, mà gìn giữ công bình Thiêng Liêng cơ tạo, chế sửa Ngươn Tranh Đấu ra Ngươn Bảo Tồn (3) làm cho nhơn loại đặng hòa bình, lánh xa cơ tự diệt. (Hay)

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: "Hiệp Thiên Đài dưới quyền Hộ Pháp Chưởng Quản, tả có Thượng Sanh, hữu có Thượng Phẩm, phần của Hộ Pháp Chưởng quản về Pháp".

CHÚ GIẢI: Vậy thì Hiệp Thiên Đài phải dưới quyền Hộ Pháp chưởng quản, cũng như Cửu Trùng Đài dưới quyền Giáo Tông và Bát quái Đài dưới quyền Đức Chí Tôn làm chủ.

Hộ Pháp là ai?

Huyền vi mầu nhiệm của Đạo có Thiên Điều, cơ bí mật của Đời có Luật Pháp, Hộ Pháp là người nắm cơ mầu nhiệm của Đạo, nắm Luật của Đời, xử đoán chư Chức Sắc Thiên Phong và cả Tín Đồ cùng là xin ban thưởng; công thưởng, tội trừng nơi thế nầy. Hễ có phàm trị mới khỏi Thiên trị; phải chiếu luật Đạo cho toàn cả Tín Đồ, khỏi bị Thiên Điều, giữ phẫm vị Thiêng Liêng mỗi Chức Sắc, ắt phải gìn giữ đạo đức của mỗi người. Người dùng hình phàm làm cho giảm tội Thiêng Liêng. (Hay) Nắm cơ mầu nhiệm công bình mà đưa các chơn hồn vào Bát Quái Đài, hiệp cùng chư Thần, Thánh, Tiên, Phật. Người nắm trọn cả luật Đạo và luật Đời đặng xử đoán, làm chủ phòng Xử Đoán.

Dưới quyền Hộ Pháp có bốn vị:

Tiếp Pháp
Khai Pháp
Hiến Pháp
Bảo Pháp

Bốn vị ấy đồng quyền cùng Hộ Pháp; khi đặng lịnh người sai đi hành chánh, song mỗi vị có mỗi phận sự riêng, quyền hành riêng là:

Tiếp Pháp là người tiếp luật lệ, đơn trạng kiện thưa, có quyền xét đoán, coi có nên phân định hay chăng; những điều nào không đáng thì chiếu theo Đạo Luật, hoặc bỏ qua, hoặc trả lại cho Cửu Trùng Đài còn như đáng việc phải phân định, thì phải dâng lên cho Khai Pháp định đoạt.

Khai Pháp khi tiếp đặng luật lệ, đơn trạng kiện thưa của Cửu Trùng Đài định xử hay là đã xử nơi Tiếp Pháp dâng lên, thì quan sát coi nên cho cả Chức Sắc Hiệp Thiên Đài biết cùng chăng, như đáng việc thì tức cấp nhứt diện tư tờ cho Cửu Trùng Đài xin đình đãi nội vụ lại bao lâu tùy ý, song chẳng đặng phép quá 15 ngày, nhứt diện trình cho Hộ Pháp hay, đặng Hộ Pháp mời nhóm Hiệp Thiên Đài, khi hội Hiệp Thiên Đài thì Khai Pháp phải khai rõ nội vụ ra cho Hiệp Thiên Đài quyết định, như quyết định phải sửa cải luật lệ hay là buộc án, thì Khai Pháp phải dâng lại cho Hiến Pháp.

Hiến Pháp khi tiếp đặng luật lệ đơn trạng, thì phải mở đường tra vấn cho minh lẽ nên hư, phải trái, đủ chứng cớ rõ ràng, rồi dâng lên cho Bảo Pháp cho đủ nội vụ, cấm Hiến Pháp không đặng thông đồng cùng Hiến Đạo và Hiến Thế. Ấy vậy kể từ việc chi đã giao vào tay Hiến Pháp rồi, thì đã ra bí mật, dầu cho Chức Sắc Hiệp Thiên Đài cũng không đặng biết tới nữa.

Bảo Pháp thì gìn giữ sự bí mật ấy cho kín nhiệm, làm tờ đoán xét và định án chiếu y luật Đạo rồi dâng lên cho Hộ Pháp đặng người phân xử.

Bảo Pháp là người Đầu Phòng Văn của Hộ Pháp.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: "Lo Bảo hộ luật Đời và luật Đạo, chẳng ai qua luật mà Hiệp Thiên Đài chẳng biết".

CHÚ GIẢI: Nói tóm lại, Hộ Pháp là người bảo hộ, luật Đời và luật Đạo, gìn giữ cho Đạo khỏi qui phàm, nâng đỡ cho đời vào Thánh vị, chẳng ai qua luật mà Hiệp Thiên Đài chẳng biết, dầu toàn Cửu Trùng Đài hay là Hiệp Thiên Đài sái luật thì Hộ Pháp phải phân xử cho phân minh, vì vậy mà Thầy buộc cả chi "Pháp" phải thề giữ dạ vô tư mà hành chánh.

Thượng Phẩm là ai?

Thượng Phẩm là người thay mặt cho Hộ Pháp, phải tùng lịnh Hộ Pháp mà hành chánh. Hễ bước chơn vào cửa Đạo, thì là có Thiên Phẩm, mà hễ có Thiên Phẩm rồi thì Thầy lại đem lên cho tới Thượng Phẩm mới trọn nghĩa Phổ Độ.

Các chơn linh dầu nguyên nhân hay là hóa nhân đều nhờ Thượng Phẩm gìn giữ binh vực cho ngồi đặng an ổn địa vị mình, giúp đỡ cho đức hạnh trổi thêm cao cho khỏi phạm luật lệ; xem sóc ngôi thứ chẳng cho giành giựt lẫn nhau, ắt giữ cho Cửu Trùng Đài đặng hòa nhã êm đềm, khép cửa Thiên Môn, cấm đường không cho các chơn linh thối bước (hay). Phẩm trật nhờ người mà đặng thăng lên, hay là bị người mà phải hạ.

Người nắm luật Đạo nơi tay mà binh vực cả chư Chức Sắc Thiên Phong và các Tín Đồ, chẳng cho ai phạm luật, vừa lo cho người Đạo hạnh lên cho tột phẩm vị mình.

Thượng Phẩm là chủ phòng cải luật, làm Trạng Sư của Tín Đồ.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Thượng Phẩm thì quyền về Đạo, dưới quyền:

Tiếp Đạo
Khai Đạo
Hiến Đạo
Bảo Đạo

Lo về phần Tịnh Thất, mấy Thánh Thất đều xem sóc chư Môn Đệ Thầy, binh vực chẳng cho ai phạm luật đến khổ khắc cho đặng.

CHÚ GIẢI: Các Tịnh Thất đều về quyền của Thượng Phẩm cai quản. Cả Tín Đồ thì về phần người binh vực, chẳng cho ai phạm luật đến khổ khắc cho đặng, các Chức Sắc trấn nhậm mấy Thánh Thất phải do nơi quyền người thuyên bổ, liệu lượng tài sức mỗi người, mà chỉ định phận sự (công bình vậy).

Thượng  Phẩm là cây cờ của Đạo. Hễ Đạo nơi nào thì Thượng Phẩm nơi ấy.

Thượng Phẩm đối quyền với Chưởng Pháp bên Cửu Trùng Đài.

Hiệp Thiên Đài là luật lệ mà Thượng Phẩm lại là Chánh Trị, ấy vậy Thượng Phẩm là người của Cửu Trùng Đài nơi Hiệp Thiên Đài.

Bốn vị Thời Quân của chi Đạo, đồng quyền cùng Thượng Phẩm khi người ban quyền hành chánh, song mỗi vị có phận sự riêng, quyền hành riêng là:

Tiếp Đạo là người tiếp cáo trạng án tiết thì phải quan sát trước coi có oan khúc chi chăng, đáng ra binh vực thì phải dâng lại cho Khai Đạo.

Khai Đạo khi đặng tờ kêu nài cầu rỗi, thì liệu như đáng rỗi, phải nhứt diện tư tờ qua cho Tòa Tam Giáo Cửu Trùng Đài xin đình án bao lâu tùy ý, song chẳng đặng phép quá 15 ngày, nhứt diện dâng sớ cho Hộ Pháp cầu nhóm Đại Hội Hiệp Thiên Đại đặng định liệu, như phải đáng bào chữa thì Khai Đạo phân giải giữa hội cho ra lẽ oan ưng, Hiệp Thiên Đài cho lịnh thì mới dâng nội vụ lên cho Hiến Đạo.

Hiến Đạo khi đặng tờ chi của Khai Đạo dâng lên, tức cấp phải tìm biết căn nguyên cho rõ ràng, cấm không cho Hiến Đạo thông đồng cùng Hiến Pháp và Hiến Thế.

Sự chi đã vào tay Hiến Đạo rồi thì đã ra bí mật, dầu cho Chức Sắc Hiệp Thiên Đài cũng không đặng biết tới nữa.

Hiến Đạo phải dâng nội vụ lên cho Bảo Đạo.

Bảo Đạo phải gìn giữ bí mật ấy cho kín nhiệm, làm tờ lý đoán binh vực chiếu y luật Đạo rồi dâng lên cho Thượng Phẩm, đặng người lo phương bào chữa.

Bảo Đạo là người làm Đầu Phòng Văn của Thượng Phẩm.

Thượng Phẩm và tứ vị Thời Quân của chi Đạo, phải thề giữ dạ vô tư mà hành chánh.

Thượng Sanh là ai?

Vật chất hữu sanh, thảo mộc hữu sanh, cầm thú hữu sanh, nhơn loại hữu sanh, tức là chúng sanh. Trong chúng sanh đã có nguyên sanh, hóa sanh và quỉ sanh (4).

Tỷ như nguyên nhân là khi Khai Thiên rồi, thì đã có chơn linh ấy, còn hóa nhân là chơn linh vật loại, đoạt đến phẩm vị nhơn loại, còn quỉ nhân là hai chơn linh kia xu hướng ác hành mà bị đọa đày vào quỉ vị.

Trong các kiếp hữu sanh, duy có phẩm người là cao hơn hết, nên gọi là Thượng Sanh.

Lập Tam Kỳ Phổ Độ này, Thầy đem các chơn linh dầu nguyên sanh, quỉ sanh hay là hóa sanh lên phẩm vị nhơn loại mới trọn câu phổ độ.

Chơn linh các nguyên nhân bị đọa trần, quỉ nhơn chuộc tội hay là hóa nhân thăng cấp đều nhờ Thượng Sanh độ rỗi (ấy là thế độ). Nên Thượng Sanh làm chủ của Thế Đạo, nắm luật thế nơi tay, mà dìu dắt cả chúng sanh vào cửa Đạo.

Ai làm cho ngăn cản bước đường tu của thế gian thì Thượng Sanh đặng quyền kiện cùng Tòa Thánh; Chư Chức Sắc phạm luật làm cho chúng sanh phải xa lánh Đạo, thì người có quyền xin trị tội tức thì.

Thượng Sanh làm chủ phòng Cáo Luật.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Thượng Sanh thì lo về phần Đời.

CHÚ GIẢI: Mỗi sự chi thuộc về đời thì về quyền của Thượng Sanh.

Dưới quyền của Thượng Sanh có bốn vị Thời Quân là:

Tiếp Thế
Khai Thế
Hiến Thế
Bảo Thế

Bốn vị Thời Quân chi Thế đặng cùng quyền cùng Thượng Sanh, khi người ban lịnh hành chánh; song mỗi vị có mỗi phận sự riêng, quyền hành riêng là:

Tiếp Thế khi đặng thế luật hay là trạng cáo chi của ngoại Đạo cùng là của Tín Đồ, mà kiện thưa trách cứ Chức Sắc Thiên Phong, bất câu phẩm vị nào, phải dâng lên cho Khai Thế.

Khai Thế khi tiếp đặng đơn trạng chi chi của Tiếp Thế dâng lên, thì phải kiếm hiểu các nguyên do coi có đáng buộc án cùng chăng, như đáng thì nhứt diện tư tờ qua Cửu Trùng Đài cho biết nội vụ, nhứt diện dâng sớ cho Hộ Pháp cầu người mời hội Hiệp Thiên Đài đặng định đoạt. Khi đặng lịnh của Hiệp Thiên Đài thì Khai Thế phải dâng nội vụ lên cho Hiến Thế.

Hiến Thế khi tiếp đặng nội vụ của Khai Thế dâng qua, thì tức cấp phải đi tra xét cho đủ chứng cớ rõ ràng rồi dâng lên cho Bảo Thế. Cấm nhặt không cho Hiến Thế thông đồng cùng Hiến Pháp và Hiến Đạo.

Mỗi việc chi hễ vào tay Hiến Thế rồi thì đã ra bí mật, dầu cho Chức Sắc Hiệp Thiên Đài cũng không biết tới nữa.

Bảo Thế phải giữ gìn sự bí mật ấy cho kín nhiệm rồi chiếu y theo Đạo Luật và Thế Luật mà làm tờ buộc án, kế dâng lên cho Thượng Sanh đặng người đến Tòa Tam Giáo Cửu Trùng Đài, Hiệp Thiên Đài hay là Bát Quái Đài mà buộc tội.

Bảo Thế là người Đầu Phòng Văn của Thượng Sanh.

Thượng Sanh là cây cờ của thế, tức là Đời, ấy vậy đời nơi nào thì Thượng Sanh nơi đó. Người có quyền xem xét kẻ hành đạo coi Thánh Đức có đắc nhơn tâm cùng chăng, nhược bằng kẻ ấy thể Đạo không đủ tư cách, thì người có quyền dâng sớ cầu xin thuyên bổ.

Thượng Sanh đối quyền với Chưởng Pháp bên Cửu Trùng Đài.

Hiệp Thiên Đài là luật lệ, mà Thượng Sanh lại là Chánh Trị, ấy vậy là người của Cửu Trùng Đài nơi Hiệp Thiên Đài.

Thượng Sanh và tứ vị Thời Quân về chi Thế, cũng phải thề giữ dạ vô tư mà hành chánh.

Ngoài Pháp Chánh Truyền, dưới quyền Hộ Pháp thì còn Bảo Văn Pháp Quân (Arts Belles Littres) trước Thầy phong đỡ làm Tiếp Lễ Nhạc Quân nay đã vào chánh vị đặng chỉnh đốn lễ nhạc lại cho hoàn toàn, cho tới ngày thành Đạo. Bảo Sanh Quân (Assistance publique) Thầy đương phong đỡ làm Tiếp Y Quân đặng đợi tới ngày thành Đạo. Bảo Học Quân (Enseignement) và nhiều Chức Sắc khác nữa Thầy chưa lập.

Các vị ấy Hộ Pháp còn đương chờ đến.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: "Thầy khuyên các con lấy tánh vô tư mà hành đạo, Thầy cho các con biết trước rằng: Hễ trọng quyền thì ắt có trọng phạt".

CHÚ GIẢI: Vì lời khuyên của Thầy mà Đức Lý Giáo Tông xin buộc cả Chức Sắc Hiệp Thiên Đài phải Minh Thệ giữa Hội Thánh rằng: Lấy dạ vô tư mà hành Đạo, lại muốn tỏ ra rằng: Chức Sắc Hiệp Thiên Đài thật trọng quyền, Ngài mới ban dây sắc lịnh, buộc cả Tín Đồ và cả Chức Sắc Thiên Phong, hễ mỗi Chức Sắc Hiệp Thiên Đài mang dây sắc lịnh vào mình mà hành chánh nơi nào, thì phải tuân mạng, dầu lỗi quấy cũng phải chiều theo, chỉ để cho Hội Thánh có quyền định tội, lại buộc cả Chức Sắc nào đã thọ quyền của Hiệp Thiên Đài cũng phải minh thệ, y như vậy mới đặng hành chánh. (Bảo Văn Pháp Quân cũng phải vậy nữa nghe.) (5)

 


(1) Ấy là lời khen của Đức Lý Giáo Tông.

(2) Hay lắm, hay lắm.

(3) Nguơn Tạo Hóa, Nguơn Tấn Hóa và Nguơn Bảo Tồn, đã giải rõ trong bài chú thích Pháp Chánh truyền Cửu Trùng Đài Nam Phái.

Dưới Cửu Trùng Đài có Tòa Tam Giáo cũng như Bát Quái Đài có Tòa Tam Giáo Thiêng Liêng. Khi nào có Tòa Tam Giáo Cửu Trùng Đài xử đoán rồi mà người bị cáo còn uất ức hàm oan thì mới kêu nài đến Tòa Hiệp Thiên Đài, thảng như Tòa Hiệp Thiên Đài xử rồi mà người bị cáo còn uất ức nữa thì phải kêu nài lên Tòa Tam Giáo Thiêng Liêng là quyền của Bát Quái Đài chưởng quản. Dầu cho lập Tòa Tam Giáo dưới Cửu Trùng Đài hay là đệ lên cho Tòa Tam Giáo Thiêng Liêng là Bát Quái Đài, cũng đều phải do nơi Hộ Pháp.

(4) Nguyên sanh là gốc từ Khai Thiên đã có. Hóa sanh là Khai Thiên rồi mới biến hóa ra. Quỉ sanh là hai phẩm kia phạm Thiên Điều bị sa đọa.

(5) Ấy là lời của Đức Lý Giáo Tông dặn Bảo Văn Pháp Quân.



Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 2433