× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Lời thuyết đạo

Diễn Văn và Thuyết Ðạo của Ðức Hộ-Pháp


21.-Giải nghĩa Thất Đầu Xà

Đề tài : Giải nghĩa Thất Đầu Xà, bảy nọc độc của rắn.

Hỷ, Nộ, Ai, Lạc, Ái, Ố, Dục ở trong châu thân của con người.

Phàm con người ở thế, từ ngôi thiên tử cho đến hàng thứ dân, ai cũng có đủ 7 cái tình ấy tất cả, nhưng do người biết độ lượng cho vừa theo bực trung thì mới khỏi hại đến châu thân và sự nghiệp.

 

1. Chữ Hỷ là mừng :

Con người khi gặp việc đáng vui mừng thì cũng phải trầm tỉnh như thường, chẳng nên mừng thái quá mà biến thành sự hại.

Ví dụ như ông Trình Giảo Kim, nghe tin dòng họ Tiết (Tiết Giao, Tiết Quì) phò Lý Đáng, đem binh về phục nghiệp Đường trào, trừ Võ Hậu, thì ông ta mừng quá độ, phát thinh đại tiếu, cười ngất cho đến tắt hơi. Ấy là mừng quá mà chết. Đời nay cũng có kẻ trúng số độc đắc mà chết.

 

2.  Chữ Nộ là giận :

Con người vì giận quá mà sanh hại đến gia đình, hoặc bị tội tù là khác, nên có câu : Nhứt nộ sầu tâm khởi, bát vạn chướng môn khai. Nghĩa là : Một phen giận nổi lên thì tám vạn nghiệp chướng sanh ra, có thể làm tiêu nhà hại mạng, đến khi biết sự chẳng lành, tỉnh lại ăn năn thì đã muộn lắm rồi, nghĩ thôi đáng tiếc.

Ví như ông Châu Công Cẩn lầm mưu Khổng Minh Gia Cát Lượng mà nộ khí xung thiên, đến nỗi thổ huyết lâm lụy mà chết. Ấy là một gương nêu cho đời nên lưu ý. Còn nhiều sự giận mà chịu khổ hình.

 

3.  Chữ Ai là buồn :

Ấy cũng là một điều hư hại đến thân thể và trí não tinh thần. Có nhiều người gặp việc sanh ly tử biệt hay là đấu lực tranh tài mà chẳng may thất bại thì cũng buồn thảm đến lụy thân.

Ví như Thạch Sùng đấu của nhà giàu mà thiếu mẻ kho, phải chịu thâu phục gia tài, rồi ông buồn rầu mà thất chí đến lụy thân. Ấy là sự buồn rầu mà đến hại lớn, đáng làm gương cho người sau, nếu khi gặp cảnh chẳng may thì phải có năng lực đạo đức tinh thần mạnh mẽ làm kế bảo tồn, tức là phương an ủi tâm hồn mát mẻ.

 

4.  Chữ Lạc là vui :

Sự vui vẻ hân hoan khoái chí, sự vui vẻ phải có chừng mực thì mới tránh khỏi các điều tai hại biến sanh. Có câu : Cực lạc sanh bi, hễ sự vui thích quá độ thì trở nên buồn thảm. Điều ấy vẫn hiển nhiên.

Ví như Trụ Vương Ân Thọ, đắm mê nàng Đắc Kỷ, vui say tửu sắc, đến nỗi mất nước tiêu nhà và hại mạng. Sự vui chơi của ông có lắm điều tàn ác, nào là chế bào lạc hại quan trung thần, nào là lập sái bồn, tửu trì nhục lâm sát hại cung nga thể nữ, vui cho đến mất cả cơ nghiệp vua Thành Thang, làm cho bá tánh điêu tàn, sanh linh đồ thán, làm cảm động lòng Trời. Ấy là sự vui chơi mà mắc tội Thiên đình.

 

5.  Chữ Ái là thương yêu :

Có câu : Ái nhơn như ái kỷ, nghĩa là : thương hết mọi người như thương mình vậy, mới gọi là bác ái. Bác ái là rộng thương, mà thương vì công bình chánh trực, nhơn nghĩa, đạo đức tinh thần, thương nước thương dân, chớ không phải thương riêng vì cá nhân vật chất, hay bợ đỡ nịnh hót mà thương, hoặc thương vì ái tình tài sắc, trong sự thương giới hạn phân minh, mới tránh khỏi những điều tai hại.

Có tích xưa đời Tam Quốc, ông Đổng Trác và Lữ Phụng Tiên, đã có kết nghĩa minh linh dưỡng tử, mà vì ái tình với một gái Điêu Thuyền, đến đỗi cha con giết hại lẫn nhau. Ấy là do nơi dây tình ái mà điêu tàn chết thảm.

Còn nhiều người tài hay phá núi lấp sông, văn chương trí huệ, mà chẳng vì đạo đức, mảng lo sa mê sắc dục, thương yêu ái tình, mà phải hư thân hại thể.

 

6. Chữ Ố là ghét :

Người tu hành không nên chất chứa sự ghét trong tâm, vì sự ghét giận mà sanh ra thù nghịch lẫn nhau cho đến tàn hại nhau mà gây thành dây oan trái trả vay đời đời kiếp kiếp.

Nên Đức Chí Tôn có dạy rằng : Sự thương yêu là chìa khóa mở Tam thập lục Thiên đặng mà vào

Bạch Ngọc Kinh, còn sự ghét là phương tà mị, nó làm cho lòng người chia rẽ, mất dây đoàn thể, cốt nhục phân ly cũng do sự ghét.

Vấn đề chữ Ố, nó làm cho lòng người nhiều điều tai hại nói không cùng.

Tóm lại, chỉ nhớ một câu của Thầy dạy rằng : Từ đây các con chẳng đủ sức thương yêu nhau thì cũng chẳng đặng ghét nhau.

Sau lại có câu phương ngôn của Thầy rằng :

        Thương người khác thể thương thân,

             Ghét người khác thể vun phân cho người. 

 

7.  Chữ Dục là ham muốn :

Không nhàm, người có một trăm muốn, một ngàn muốn, muốn hoài không dư, nào là muốn nhà cao lầu rộng, áo đẹp vợ xinh, đồ ăn mỹ vị, muốn thế nào cho được giàu sang trên thiên hạ. Các điều muốn ấy là về sự ích kỷ. Nếu được một tấm lòng tham muốn về đạo đức nhơn nghĩa, ích nước lợi dân, ấy là sự muốn trở nên cao thượng.

Tóm tắt lại, sự dục vọng của con người rất bao la quảng đại, đến khi còn một hơi thở cuối cùng mà mọi điều tham muốn cũng chưa đầy đủ, nên có câu : Nhân tâm bất túc xà thôn tượng, thế sự đáo đầu đường bộ thiền. Nghĩa là : Lòng người chẳng đủ như rắn nuốt voi, việc đời cũng cùng tận chẳng khác châu chấu bắt ve. Cũng vì lòng tham muốn mà rốt cuộc mạnh yếu sang hèn tương tàn tương sát.

Kết luận :

Thất đầu xà là 7 cái đầu rắn độc, nó lẫn lộn trong  châu thân của con người, gọi là Thất tình. Cái độc của nó có thể hại người vô số, các bực lương y vô phương điều trị, chỉ có một phương là dùng đạo đức tinh thần mới có thể trừ được 7 cái nọc độc của nó mà thôi. Vậy ta nên cần tu để làm tiêu nọc độc của rắn, ấy là một bài thuốc quí giá đó.

(Khi Đức Hộ Pháp ngồi trên ngai Thất đầu xà, hai chơn đè lên hai chữ Nộ và Dục, hai tay đè lên hai chữ Ai và Ố, lưng dựa vào ba chữ Hỷ, Ái, Lạc.)  



Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 1798