× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Lời thuyết đạo

Bí Pháp - các bài giảng Đạo


Tầng Thánh Ý

Kỳ trước Qua đã đề cập đến tầng Thánh ý luôn luôn ngự trị bên trên tầng ý thức bình thường của con người và nó đóng vai trò một nguồn cảm hứng thiêng liêng trong những sinh hoạt về phần Đạo và phần Đời.

Hôm nay Qua chỉ giảng cho mấy em một phân nửa vấn đề của tầng Thánh ý nầy.

Mấy em biết rằng kho tàng kiến thức và sự khôn ngoan của nhân loại đã được bảo tồn bằng hai con đường hữu hình.

1/- Văn hóa giáo dục nơi đây văn tự đóng một vai trò rất hữu hiệu.

2/- Phong tục tập quán bất thành văn nhưng cũng truyền thụ đặng một cách hữu hiệu sự khôn ngoan từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Con đường văn hóa giáo dục vẫn có những chỗ sai lầm của nó. Phong tục tập quán gồm cả chánh tín lẫn mê tín nhưng theo thời gian con người tấn hóa, khôn ngoan, biết lừa lọc và đào thải những mặt xấu để chỉ còn lại tinh túy của khối tư tưởng nhân loại.

Ngoài hai con đường này còn con đường thứ ba vô hình đó là quyền năng tư tưởng của các bậc Thánh hiền đã đoạt pháp đặng và sau khi thóat xác thì tư tưởng của họ vẫn tồn tại trong không gian và luôn luôn tác động trên đời sống của con người theo hai chiều hướng tâm và vật.

Các tôn giáo đều có chỉ truyền cho tín đồ của mình những phương pháp để nâng cao tâm thức đến mức độ có thể sống được với tầng Thánh ý nầy. Các phương pháp ấy đều dựa trên nguyên lý là phải trở về với sự an tĩnh trong tâm hồn của mình. Tuy khác nhau về hình thức nhưng đời sống nội tâm của người tín đồ khi đạt đến đỉnh cao thánh thiện thì vẫn là một khối tư tưởng thuần nhất và nó rất đơn giản gồm những điểm chính sau đây.

Sự minh triết tức là sự sáng suốt, khôn ngoan, thánh thiện, lòng từ aí vô biên tức là sự thương yêu bao la đối với cả thảy chúng sanh. Đức Từ Bi vô lượng, hỉ xả, tha thứ cho những oan nghiệt đã buộc ràng tinh thần con người vào chỗ tối tăm. Sự công bình, chánh trực một mãi lông không sai sót để cho chơn thần của con người ý thức đặng, hiểu đặng. Tại sao có cảnh đau khổ trong đời sống của từng cá nhân và cộng đồng.

Qua không nói lại những phương pháp đó vì các tôn giáo đã giảng giải rất nhiều rồi mà Qua chỉ lưu ý mấy em về miền ảo giác tâm linh trong tinh thần của mình trước khi đạt đến cõi chơn thần hòa nhập thực sự được vào tầng Thánh ý này. Khi tinh thần của con người đạt đến tình trạng cảm ứng đặng với những dòng tư tưởng của tầng Thánh ý nầy thì mấy em phải thấy rằng cùng lúc đó những ảo tưởng và ảo giác của chính tinh thần mình thường hay xen lẫn vào trong nguồn cảm hứng thiêng liêng kia và đồng hóa nét phàm tục của bản thân mình với Thánh ý. Nó làm lệch lạc rất nhiều tư tưởng thanh cao của các chơn linh Thánh hiền đang bố hóa cho chúng ta một nguồn ân huệ thiêng liêng, bất luận ngày giờ nào cũng có. Sinh hoạt thiêng liêng này cũng giống như nguồn năng lượng của ánh sáng mặt trời tỏa ra trên mặt đất nuôi sống muôn loài vạn vật, giúp sinh sôi nảy nở dù cho các sinh vật ấy có biết hay là không biết.

Con người dù có phủ nhận vai trò tâm linh của các chơn linh đã đoạt pháp và hiện làm việc trong thế giới vô hình thì nguồn Thánh ý ấy vẫn tiếp tục ban rãi cho loài người.

Bây giờ Qua lấy một thí dụ.
Một nhà khoa học say sưa nghiên cứu tìm tòi những sáng tạo, phát minh ra máy móc chi đó để phục vụ cho đời sống con người. Khi Thần của ông vẽ ra một hình tư tưởng về một cái máy mà ông sắp tạo ra dĩ nhiên ông thấy nó hoàn chỉnh, hợp lý và chắc chắn sẽ có kết quả tốt, ông tiến hành làm cho nó trở thành hiện thực. Khi hình tư tưởng ấy biến ra thành cái máy hữu hình thực sự và đem vào ứng dụng có khi lại thất bại, không như sự tưởng tượng của ông về một kết quả tốt đẹp trong hình tư tưởng ban đầu. Miền ảo giác tâm linh của nhà khoa học đã xen vào sự minh triết trong thần của ông và làm ra một bóng tối khiến ông chế ra cái máy sử dụng không hữu hiệu vì chơn thần của ông chưa đủ sự minh triết để thấy được hết tất cả mọi chi tiết nhỏ trong cái máy ấy thành thử ra ông thất bại đó là sinh hoạt về phần đời.

Thí dụ thứ hai về phần Đạo.
Các tu sĩ trong những cố gắng để Thánh hóa tư tưởng của mình, không phải một sớm một chiều mà có thể loại bỏ được hết những nét phàm tục đã ăn sâu trong tâm hồn từ bấy lâu. Thành thử ra tánh kiêu căng, tự phụ, khoe khoang chẳng hạn hay xen lẫn vào trong những giây phút hứng khởi được tầng Thánh ý nầy bố hóa cho một nguồn năng lượng sống cao hơn trí tuệ của mình. Những nét phàm tục của tư tưởng cũ thường mạo nhận danh nghĩa của Thánh ý và lừa dối chính lý trí của mình và cuối cùng những sinh hoạt tu hành vẫn còn lẩn quẩn trong vòng trần tục cao cấp.

Hôm nay Qua giảng cho mấy em đề tài nầy là để nhắc nhở cho mấy em khi người tu đoạt pháp thành công dầu cho xác phàm nầy có chôn vùi dưới lòng đất thì quyền năng của tư tưởng trong chơn thần mình vẫn tiếp tục làm công việc thúc đẩy cơ tấn hóa của nhân loại và đó là một vai trò cao cả thiêng liêng. Con đường Thiêng Liêng Hằng Sống ấy vẫn mở ra trước mắt mấy em và đoạt thủ đặng hay không là do chính lòng thành khẩn và nghị lực của mình trong suốt kiếp sanh.

Trong cửa Đạo Cao Đài nầy vẫn có những bậc đã đạt đến chí Thánh dầu hình thức của đạo giáo có lúc thạnh lúc suy cũng như lịch sử của đời vẫn phải trãi qua những cơn khủng hoảng về kinh tế, tài chánh, chính trị cực kỳ nguy hiểm nhưng cũng nhờ tầng Thánh ý nầy ngự trị và chế giảm bớt những oan nghiệt, tội tình mà chung cuộc lại thì nhân loại vẫn một ngày một tiến bộ. Đời hay Đạo gì cũng vậy.

Qua cầu mong mấy em để trọn tấc lòng thành vì Đạo vì Đời thực hành cho được Thánh ý của Đức Chí Tôn đã truyền dạy từ thử đến giờ ./.

Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 619 | Tác giả: Nguyễn Long Thành