× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Lời thuyết đạo

Bí Pháp - các bài giảng Đạo


Lẽ Hằng Sống Trong Thế Giới Vật Chất

Hôm nay Qua giảng về lẽ Hằng Sống trong thế giới vật chất.

Tất cả mấy em đều biết rằng thân thể của chúng ta đây là một khối tế bào cấu kết lại với nhau, mỗi tế bào là một đơn vị sống nhỏ cũng có hình thể riêng của nó cũng có những quy luật vận hành sự sống ở bên trong, cũng có tánh linh ngự trị nơi đó.

Người xưa nhìn thân thể con người một cách tổng quát và cho rằng nó gồm có bốn yếu tố để tạo thành gọi là tứ đại giả hiệp. Khối vật chất thể đặc gọi là đất, khối vật chất thể lỏng như là máu huyết, nước tiểu, mồ hôi gọi là nước. Vật chất ở thể khí tức là hơi thở của mình gọi là gió. Vật chất ở dạng năng lượng là thân nhiệt của mình gọi là lửa. Bốn yếu tố này cấu kết lại với nhau làm thành thân xác và sự sống của con người. Gọi là giả bởi vì nó không tồn tại vĩnh viễn. Thân thể của cha mẹ, ông bà mới thấy đó rồi mất đó, thân thể người con lớn lên mươi năm rồi cũng chết, tất cả đều biến dịch với thời gian. Bên trong các yếu tố gọi một cách tổng quát là đất, nước, gió, lửa còn có nhiều thành phần nhỏ hơn chẳng hạn như là ở trong máu còn có hạt máu đỏ, máu trắng chớ không phải đơn thuần là nước. Nhưng mà nhìn một cách tổng quát khối vật chất ở thể lỏng gọi là yếu tố nước trong thân của con người, gọi là đại giả hiệp bởi vì bốn yếu tố này nhìn một cách tổng quát chứ không nhìn chi tiết hiệp lại với nhau và không bền vững với thời gian nhưng trong khối tứ đại giả hiệp đó còn có một cái sống chơn thật đó là lẽ sống của tâm linh. Cái sống linh này mới bền vững, tồn tại mãi mãi gọi là Hằng Sống mà Qua đã để thời giờ phân tích đến chỗ nhớ nhiệm mầu trong chơn thần của con người trong mấy kỳ giảng trước.

Sở dĩ Qua phải nhắc lại như vậy là để mấy em thấy trong cấu tạo của con người đây sự sống của nó cũng có hai phần:

- Một chơn.
- Một giả.

Hôm nay Qua chỉ nhìn vào một yếu tố nước trong khối vật chất của thân mình đây thôi để tìm tòi lẽ Hằng Sống mà Đấng Chí Linh đã đặt để nơi con người của mình, lẽ Hằng Sống ấy tiếng nói dân gian gọi là Trời và trong đạo Cao Đài chúng ta gọi là Đức Chí Tôn hay Đấng Chí Linh, Đấng Tạo Hóa, Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế hay Đại Từ Phụ, Thầy, tất cả những tiếng đó tuy khác nhau và có nhiều như vậy nhưng tựu trung chỉ một thực thể duy nhất là sự sống đầu tiên trong vũ-trụ đã biến hình ra vạn loại và tồn tại mãi mãi cho đến ngày hôm nay mà con người của chúng ta đây là một phần tử trong cái sống ấy. Tất cả mấy em đều biết rằng nếu chúng ta lấy một giọt nước, nước mà mấy em uống hằng ngày đó thôi phân tán cho nó nhỏ ra, nhỏ đến cùng tột trí tưởng tượng của mấy em, mấy em sẽ gặp một đơn vị sống nhỏ của chất nước này gọi là phân tử nước. Với kiến thức khoa học ngày hôm nay thì mọi người đều biết điều ấy, rồi nếu mấy em chia phân tử nước này nhỏ ra hơn nữa thì nó sẽ bị biến thể đi không còn là nước nữa mà sẽ gặp những nguyên tử, một nguyên tử Oxy cấu kết với hai nguyên tử Hydro để tạo thành một phân tử nước. Tỷ lệ hóa hợp hai Hydro với một Oxy để tạo thành nước đó gọi là Pháp và đó là một quy luật trong sự sống của thiên nhiên mà con người đã khám phá ra được, nó có từ bao giờ thì không ai rõ nhưng mà nhờ tìm tòi những phát minh của khoa học mà con người đã khám phá ra được những quy luật đó. Không phải nhà bác học kia là tác giả của quy luật này, ông không đẻ ra quy luật đó mà ông chỉ khám phá ra đời sống trong thiên nhiên, nó đã có như vậy từ bao giờ cho đến bây giờ và nếu như chúng ta thay đổi hóa hợp đó thì không thể tạo ra nước. Như vậy lẽ Hằng Sống nằm trong yếu tố nước của vật chất này do một cái khôn ngoan đã định ra hình tướng của vật chất phải theo nguyên tắc ấy. Sự sáng suốt khôn ngoan tự có trong thiên nhiên biết định ra cái Pháp này thì người ta gọi đó là Phật. Còn tỉ lệ hai Hydro cộng với một Oxy để thành nước gọi là Pháp rồi khi tác hợp với nhau giọt nước được thành hình, nghĩa là phân tử nước thành hình tạo ra khối vật chất nước trong càn khôn vũ-trụ tạo thành cái sự sống của vạn linh cái đó gọi là Tăng.

Ba ngôi Phật, Pháp, Tăng vẫn có trong sự sống của thế giới vật chất.

Bí pháp mà Đức Chí Tôn đặt để trong cửa Đạo này buộc mấy em mỗi khi cầu nguyện lễ bái phải có mật niệm: Nam Mô Phật, Nam Mô Pháp, Nam Mô Tăng.

Điều ấy có nghĩa là gì và nó có tác dụng gì đối với đời sống tâm linh của mấy em?

Tiếng Nam Mô có nghĩa là chắp tay cúi đầu kỉnh lễ nghĩa là một hình thức tỏ thái độ tôn kính và phục tùng tuân theo. Thái độ của một con người biết Đạo hiểu lẽ sống huyền vi của Tạo Hóa. Lẽ Hằng Sống của cái linh trong vạn vật là phải biết tôn kính sự sống trong thiên nhiên này hiện ra dưới hình thể ba ngôi Phật, Pháp, Tăng mà Qua vừa mới giải nghĩa đó.

Vậy nói một cách khác hơn thì nghĩa lý của nó như vầy:

Chí Tôn là Phật.
Phật Mẫu là Pháp.
Càn Khôn thế giới là Tăng.

Thái độ của con người là phải biết kính trọng sự sống ấy bởi vì con người từ chỗ nguồn gốc của sự sống này mà ra. Con người và cả thảy vạn linh phải tùng Pháp mà sinh tồn, biến đổi hay là hủy diệt cũng như giọt nước kia phải tùng theo quy luật hai Hydro kết hợp với một Oxy thì mới tồn tại thể chất nước của nó được, nếu làm khác hơn là hủy diệt. Cổ nhân ta có câu : " thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giảvong."

Có nghĩa là mình biết tuân theo những quy luật sống trong thiên nhiên thì tồn tại bằng như chúng ta đi nghịch lại thì sẽ bị diệt vong. Phá tỉ lệ hai một này thì chúng ta sẽ không có nước.

Tùng Pháp là như vậy nghĩa là trước thiên nhiên chúng ta phải tuân theoThánh ý của Đức Chí Tôn là cái linh trong tạo vật bảo tồn sự sống, tuân theo những quy luật thì sẽ được tồn tại bằng như làm nghịch lại thì đương nhiên tác dụng của nó là hủy diệt sự sống.

Trái bom nguyên tử mà con người đã chế tạo ra được đó nó cũng tùng Pháp nhưng không tùng Phật. các nhà khoa học đã khám phá ra được quy luật của sự sống trong thế giới vật chất nhất là nguyên tử lực, tùng cái Pháp ấy chế ra trái bom để hủy diệt sự sống, con đường đó không phải là lẽ Hằng Sống nó là lẽ tự diệt và con đường mà chúng ta đang tìm tòi học hỏi bí pháp của Đức Chí Tôn trong thế giới vật chất đây là để tìm về lẽ Hằng Sống là cái linh của tạo vật.

Trong nghi lễ hữu hình mà Đức Chí Tôn đã dạy từ khi mới mở Đạo Cao Đài buộc mấy em phải mật niệm:

- Nam mô Phật.
- Nam mô Pháp.
- Nam mô Tăng.

Đó là mật niệm để nhắc nhở thường xuyên chơn thần của mấy em thái độ là phải phục tùng theo sự sống linh của tạo hóa nghĩa là con người phải biết tôn kính Thượng Đế và Thượng Đế ở đâu? Ở trong cái linh của vạn vật, nghĩa là con người phải biết tôn kính sự sống của vạn loại trên mặt địa cầu này mà cụ thể là nguyên tắc mà tiền nhân chúng ta đã nói : "Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân." (việc gì mình không muốn kẻ khác làm đối với mình thì mình đừng làm đối với người. ) Mình muốn sống thì đừng đem cái chết buộc người phải mang.

Qua vẫn biết rằng khối ác nghiệp mà con người đã tạo ra từ thử đã giục họ đi đến cảnh chiến trường náo nhiệt khó mong giải kiếp cho đặng. Đức Chí Tôn mở Đạo là để đem liều thuốc cứu tử huờn sanh cho loài người và buộc chúng ta mỗi ngày phải có mật niệm.

- Nam mô Phật.
- Nam mô Pháp.
- Nam mô Tăng.

Nghĩa là chúng ta phải biết tùng Pháp để bảo tồn cái sống của vạn linh mà sự sống của vạn linh gồm có cái linh pháp và hình tướng, bảo tồn sự sống là phải bảo tồn cả ba phương diện này.

Các triết gia khi tìm ra những lý thuyết để giải thích vũ-trụ và con người, người thì chú ý tới cái linh, người thì chú ý tới cái pháp, người thì chú ý đến hình thể. Lý thuyết chẳng đồng với nhau tạo ra nhiều sự va chạm trong dòng tư tưởng của nhân loại theo thời gian và dù cho họ có chối bỏ một hay là hai phương diện sống trong ba ngôi này thì vạn vật vẫn tồn tại trong cái linh, pháp và hình tướng.

Sự sống là máy Trời mà tạo hóa đã đặt ra như vậy từ thử đến giờ còn giải thích là chuyện của lý trí con người tìm hiểu, khả năng của lý trí có giới hạn còn máy Trời vi diệu bao la vô cùng tận. Lẽ Hằng Sống vẫn có đó nhưng cái hiểu của con người thì giới hạn.

Vì vậy Qua khuyên mấy em phải tìm tòi học hỏi luôn luôn. Muốn tùng Pháp để bảo tồn vạn linh phải hiểu Pháp như thế nào, phải có tinh thần cách vật trí tri đối với thế giới vật chất thấy cho đặng cái linh từ trong đất đá cỏ cây rồi tùng theo những luật sống vi diệu mà lý trí con người đã khám phá ra được và nương theo đó để sáng tạo biến cải môi trường để bảo tồn cái sống của vạn loại.

Đức Chí Tôn là chúa của sự thương yêu . Bí Pháp của Ngài là nằm ở chỗ thương yêu ấy

Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 579 | Tác giả: Nguyễn Long Thành