× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Lời thuyết đạo

Bí Pháp - các bài giảng Đạo


Lẽ Hằng Sống Trong Cõi Đọa

Qua nhắc lại trong kỳ trước đã nói với mấy em về một phần đầu của cảnh thăng trong chơn thần một người bạn đạo vừa đoạt pháp đặng trong kiếp sanh của mình.

Bí pháp mà Ngài đã áp dụng là quên mình vì sanh chúng làm phận sự đem lý Đạo cao siêu vào con đường Thiêng Liêng Hằng Sống, đem ánh sáng đó đặt để vào trong tâm não của con cái Đức Chí Tôn. Người đã gieo được nhân lành thì buổi chết gặt hái được kết quả lành là Thăng.

Bây giờ Qua nói về cảnh đọa đã có thăng thì phải có đoạ, có sáng thì có tối, có sống thì có chết, lẽ sống ấy là hai mặt âm dương trong sự vận hành của Trời Đất. Phần nầy kinh điển giáo điều của các tôn giáo diễn giải dưới nhiều hình thức khác nhau nhiều lắm, ở đây Qua cũng không cần phải nhắc lại, mấy em chỉ cần tìm tòi trong các kho tàng kinh điển của tất cả các tôn giáo đều có những yếu lý giải thích rõ ràng Qua chỉ nói về chỗ tại sao phải đọa và đọa như thế nào?

Khi chơn thần một con người thoát xác thì nó có khả năng nhớ lại tất cả những gì nó đã làm khi còn ở trong thân xác hữu hoại kia. Ngươn pháp Đức Chí Tôn tạo lập ra càn khôn vũ-trụ tạo ra vạn vật tạo ra con người nầy, Ngài buôïc nó phải nhớ lại, nhớ lại dưới hình thức gọi là ký ức cho hiện ra trong chơn thần những hình ảnh của nó đã thi thố trong một kiếp sanh, giống như một cuồn phim chiếu bóng quay trở lại cả cuộc đời mình chính nó là người xem mà người xem ấy không phải là một khách bàng quang không có dính líu gì với những hoạt cảnh diễn ra trong phim. Không phải như vậy. Ký ức của chơn thần khi hiện ra những hình ảnh thì nó còn hiện luôn cả âm thanh, luôn cả những cảm xúc nữa.

Lấy một ví dụ như thế này, nếu trong kiếp sanh của chúng ta có một lần nào đó cầm con dao đâm chết một người, chúng ta đã phạm tội giết người. Dầu cái giết ấy có lý do gì gì đi chăng nữa, sau khi thoát xác chơn thần của chúng ta sẽ phải sống lại một khoảng thời gian mà trong đó hình ảnh cầm con dao đâm chết một con người sẽ diễn lại trước mắt và mình nhớ lại hình ảnh đó rõ ràng lắm, nó lặp đi lặp lại nhiều lần và dù cho chúng ta muốn quên đi để được yên ổn trong tâm hồn mình lúc đó cũng không thể quên đặng. Khi mà chúng ta cầm dao giết một con người thì kẻ bị giết đó đau đớn lắm, sự đau khổ của họ đến tột đỉnh, chúng ta thử tưởng tượng mình làm đứt tay chảy máu một vết thương nhỏ thôi trên thân người của mình mà còn đau đớn biết chừng nào, thì bây giờ đây họ phải chịu chết không toàn thây dưới cái lưỡi dao sát nhân của chúng ta. Sự đau đớn đó khi hình ảnh chơn thần mình ghi lại trong ký ức nó ghi luôn cả cảm xúc đó thành thử trong cõi hư linh kia con đường đọa của các đẳng chơn hồn khi hồi tưởng lại xét mình sống với những hành vi tạo ác của mình thì bao nhiêu đau đớn của những kẻ hứng chịu cái ác của mình giờ đây nó gắn liền lại với chơn thần của mình. Sự đau đớn của kẻ bị mình giết đó giờ đây trở thành sự đau đớn của chính mình , mình sống trong sự đau đớn đó mà không có cách gì thoát ra được.

Hỏi vậy hình phạt của Thiêng Liêng định cho chơn thần của một người phải chịu trong cảnh đọa kéo dài bao lâu thì không ai nói được. Cho đến khi nào mà chơn thần của chúng ta thức tỉnh biết tội lỗi của mình thì tự nhiên có được sự khôn ngoan sáng suốt để tự mình có ý thức là sẽ luân hồi chuyển kiếp trở lại để trả cái quả ấy, trả cho xứng đáng với những gì mình tạo khổ cho người và cho vạn vật. Mình sẽ trở lại mang lấy một xác phàm và sẽ sống một cuộc đời gánh chịu nhiều đau khổ, bất hạnh.

Lẽ công bằng của Tạo-Hóa là như thế đó.
Vì lẽ ấy mà Đức Chí Tôn khi lập Đạo Ngài buộc chúng ta phải cố gắng trai giới để tránh nghiệp sát sanh trong chơn thần của mình. Khốn nỗi trong sự sinh hoạt của thi hài nầy chúng ta phải ăn mới sống đặng, tức nhiên phải biết cướp mạng sống của các loài sinh vật khác để làm sự sống của mình, vòng lẩn quẩn luân hồi kia khó thoát ra cho khỏi đặng. Khi mình giết một con vật để lấy thịt ăn thì sự oán hận của nó đối với mình phải có chứ, sự đau đớn khi bị mình giết nó phải có chớ. Tất cả những hình ảnh ấy, hình ảnh, âm thanh, cảm giác, cái cảm giác đau đớn của con vật bị mình giết nó vẫn còn trong ký ức của chơn thần mình.

Mấy em nghe người ta nói rằng trong cõi giới vô hình mình xem lại quá khứ của cuộc đời mình như đi xem phim. Quả nhiên như vậy nhưng mà cái phim nầy nó ghi luôn cả cảm giác, lẫn âm thanh và nó truyền vào trong chơn thần của mình chứ không phải mình là người khách quan ở bên ngoài coi như là xem phim xi-nê tài tử họ đóng những cảnh giả trên phim trường. Coi rồi mình cười, không phải vậy mà mình trở thành là những diễn viên trong tấn tuồng đó, tấn tuồng một con heo khi mình đâm nó chết để lấy thịt ăn, nó giãy giụa, đau đớn bao nhiêu khi nó hiện ra mình có cảm giác y như con heo đó đang bị đau đớn vậy. Cái hình phạt trong cõi đọa nầy là lẽ Hằng Sống bởi vì ký ức ấy một năm sau ngày thoát xác nó cũng hiện ra y như vậy và một trăm năm nữa chơn thần mình nhớ lại nó cũng hiện ra y như vậy.

Sự sống đó không thay đổi chỉ khi nào chúng ta giác ngộ được chơn linh của chúng ta ngự trị nơi chơn thần hiểu được tội kiếp của mình giờ đây phải luân hồi để trả quả chừng đó tấn tuồng hành phạt kia mới chấm dứt và chúng ta trở lại mang một hình xác mới để chịu một kiếp người trong đó sẽ có nhiều bất hạnh để đền bù lại những sự đau khổ mà chúng ta đã nhìn thấy trong chơn thần của mình trong cõi Âm quang đó.

Qua nói thiệt với mấy em, giảng về cảnh thăng Qua thấy nó hân hoan mà giảng về cảnh đọa Qua thấy đau khổ lắm tinh thần của mình chỉ nghĩ tới đó cũng đã đau khổ rồi.

Qua cầu mong ở mấy em sau khi hiểu đặng lý sâu của Đạo với lẽ hằng sống mà cũng là lẽ công bằng của Đức Chí Tôn thì phải cố gắng thực hành đạo lý là làm điều thiện, điều lành làm suốt cả kiếp sanh của mình làm ở mức độ thật là cao diệu chớ không phải ở hình tướng thể pháp bên ngoài. Nó đòi hỏi mấy em phải sống với tâm linh chí Thánh thì đến ngày rời khỏi thân xác nầy mấy em mới nhập vào cõi Hằng Sống đặng.

Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 852 | Tác giả: Nguyễn Long Thành