× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Lời thuyết đạo

Bí Pháp - các bài giảng Đạo


Chỗ Nhớ Nhiệm Mầu Của Con Người

Bài học vỡ lòng trong tuổi thơ ấu của mấy em về con người là thân thể người ta gồm có ba phần: đầu, mình và tay chân. Rồi khi lớn lên chút nữa mấy em học được thêm bên trong thân thể đó còn có những cơ quan như hệ tuần toàn, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, hệ bài tiết, hệ thần kinh..v..v.

Kế đó em học về trí khôn ngoan của con người học cách cư xử đối với những người xung quanh, phải biết yêu thương và kính trọng cha mẹ, ông bà tổ phụ của mình thương yêu kính trọng thầy cô giáo hay là xa hơn nữa cả những người sống chung trong một nước với mình gọi là đồng bào chủng tộc.

Trí khôn ấy làm cho mấy em có nhận thức ngày càng mở rộng dần đối với thế giới bên ngoài, rồi đến hôm nay em đi vào Đạo, học Đạo, học bí pháp nhiệm mầu của Đức Chí Tôn mấy em tự hỏi trí khôn của con người do đâu mà có?

Mấy em thử quan sát sự sống tự nhiên của một hài nhi vừa lọt lòng mẹ, không ai dạy cho nó nhưng khi đưa núm vú của bà mẹ vào trong miệng thì nó biết núc nuốt lấy những giọt sữa ấy để sống. Sự khôn ngoan đó chưa ai dạy mà tự nhiên nó có gọi là tánh linh của nó. Tánh linh ấy làm cho nó biết phản ứng với môi trường sống ở xung quanh, đau đớn nó biết khóc, đói lạnh nó biết khóc, vui nó biết cười, nó biết ngũ biết thức có chừng mực để giữ gìn sự sống của nó. Rồi khi lớn lên chút nữa nó biết đi đứng nói năng....

Bà mẹ dẫn nó tới trường lần đầu tiên trong cuộc đời của nó. Nó đi theo bước chân của bà mẹ dẫn dắt đi theo con đường nào để tới ngôi trường nó học thì trong chơn thần của nó ký ức ghi lại hình ảnh con đường phải đi từ đâu tới đâu, rẽ phải, rẽ trái như thế nào mới vào được trường học. Nó nhớ lại những hình ảnh ấy và hôm sau tự nó biết lặp lại những gì mà ký ức đã ghi nhận để đi đúng đường đến trường học. Tánh linh của nó khiến nó nhớ và lặp lại được lộ trình đã đi qua, đứa bé làm được những gì người ta đã dạy nó trong quá khứ cái đó gọi là ngoan. Sau khi học ở nhà trường một thời gian quen, đứa bé tò mò đi xa hơn xung quanh ngôi trường để coi có cái gì lạ mắt và nó khám phá ra được chỗ bán bánh kẹo gần đó, hằng ngày nó lui tới để mua thức ăn ấy. Tánh linh của đứa bé khiến nó lặp lại được những gì người ta đã dạy cho nó gọi là ngoan sáng tạo ra thêm nữa gọi là khôn. Sự hiểu biết của nó về quá khứ nối liền với hiện tại và tương lai tạo thành trí khôn ngoan. Trên dòng thời gian trí khôn ngoan ấy phát triển ngày càng rộng hơn, xa hơn, sâu vào trong thế giới khách quan và trong chơn thần của đứa bé có một chỗ nhớ rất mầu nhiệm, chỗ nhớ đó làm cho nó tiến bộ được...Và cả loài người cũng nhờ vào ký ức của chơn thần nên họ rất linh họat, nhạy bén, ghi nhận lại được những gì đã học hỏi trong quá khứ, lặp lại được và sáng tạo thêm khám phá thêm những điều mới mẽ cho sự sống. Trí khôn ấy do đâu mà có và khi thân xác nầy chết đi còn hay mất? Tại sao kẻ nói còn người nói mất? Đó là vấn đề Bí Pháp mà Qua sẽ giảng rõ cho mấy em hôm nay.

Khi nãy Qua đã nói vừa khi lọt lòng mẹ đứa hài nhi đã có tánh linh của nó, tánh linh ấy khiến cho nó biết bú giọt sữa đầu tiên để bảo tồn sự sống, tánh linh làm cho đứa trẻ khôn ngoan. Sự khôn ngoan ấy có được là do chỗ nhớ nhiệm mầu trong chơn thần của nó gọi là ký ức thiêng liêng.

Tánh linh ấy là gốc.
Trí khôn ngoan là ngọn.
Chỗ nhớ nhiệm mầu là cái Pháp là bí pháp của Đức Chí Tôn. Vậy do đâu mà có tánh linh nầy?

Nói cho cùng thì cả thảy vạn vật đều có cái linh hoặc ít hoặc nhiều trong sự sống của nó chớ không phải chỉ riêng con người mới có. Các nhà khoa học đã tìm ra được những cái "gien" gọi là yếu tố di truyền ở trong tế bào của các loài động vật và thực vật. Họ giải thích rằng sở dĩ đứa bé sinh ra có được sự khôn ngoan là do nơi sự khôn ngoan của cha và mẹ nó di truyền lại cho nó qua yếu tố "gien" nầy, và như vậy chúng ta tự hỏi sự khôn ngoan của cha mẹ kia do đâu mà có hẳn nhiên phải do ông bà truyền lại, cái khôn của ông bà do tổ phụ truyền lại và cứ như thế chúng ta dùng trí khôn của mình suy nghĩ phăng lần về nguồn gốc xa xưa sẽ đi đến chỗ con người nguyên thủy. Con người nguyên thủy dầu hình dáng nó thế nào chuyện đó để qua một bên. Chúng ta tự hỏi con người bằng xương bằng thịt đầu tiên xuất hiện trên mặt đất này có tánh linh ấy không?

Phải có chứ! nếu không thì lấy gì mà di truyền lại cho đến ngày hôm nay trong mỗi con người của mấy em của Qua đây, tất cả chúng ta đều có sự khôn ngoan ấy.

Từ chỗ thắc mắc về nguồn gốc của con người nguyên thủy chúng ta đi lần đến nguồn gốc của vũ trụ, dầu cho con người nguyên thủy là một loài khỉ hay là một loài thú khác hay là hạt cát bụi đã tấn hóa thay hình đổi dạng và biến thành người của chúng ta hôm nay. Hình dáng đó thế nào đi chăng nữa bắt buộc trong hình thể ấy phải có cái linh sẵn thì mới di truyền được đến ngày hôm nay.Chúng ta lại hỏi tiếp vậy ai đã sinh ra cái linh ấy trong những hạt bụi đầu tiên tạo thành vũ trụ nầy, cái gì đã làm cho có sự linh hiển trong sự sống của vạn vật? Lý trí con người phải dừng lại ở chỗ này và đồng công nhận rằng tự nhiên trong sự sống có cái linh ấy. Chỗ tự nhiên mà có người Đạo giáo gọi là Trời còn các nhà khoa học kia gọi là vật. Đó chẳng qua là một trường tranh biện về từ ngữ do mình đặt ra để chỉ sự sống đầu tiên tự nhiên đã có như vậy, lý trí không thể tìm hơn được nữa. Cái linh ấy hiện ra trong sự sống của vạn vật nó không hiện ra ở chỗ Hư Vô và vì vậy người ta mới nói rằng vật chất sinh ra tinh thần. Điều ấy có đúng hay không?

Bây giờ bàn về yếu tố thời gian trong ý thức của con người, chúng ta tưởng tượng như vầy: lấy một sợi chỉ từ phía tay trái chúng ta kéo dài ra về phía tay phải, bắt đầu từ phía tay trái và tiếp diễn về phiá phải, ý niệm thời gian diễn ra như thế và ở trước mắt chúng ta lấy một ngón tay ấn vào một điểm, điểm đó làm cái mốc của thời gian. Điểm đó là khi vũ-trụ mới bắt đầu thành hình, phần thời gian tượng trưng bằng khúc chỉ ở bên tay trái là hư vô nghiã là không gian lúc ấy chưa có hình tướng, phần thời gian ở bên tay phải là sau khi vũ-trụ được tạo thành hình tướng gọi là hậu thiên. Như vậy Hư Vô là Tiên Thiên vũ-trụ đã thành hình gọi là Hậu Thiên. Trong sự sống của vạn vật đều có cái linh, cái linh đó tất cả mọi người đều cho rằng tự nhiên nó có như vậy. Vì vậy cho nên nếu tính về phương diện thời gian theo chiều dài của sợi chỉ thì cái linh kia đã có sẵn từ trong sự sống của hư vô. Có sẵn rồi, khi vũ trụ được thành hình chúng ta mới tìm thấy trong hình thể vạn vật có sẵn tánh linh. Nếu như trong hư vô kia không có cái linh thì vạn vật thành hình sẽ không có cái linh ấy. Chúng ta dùng phương diện duy lý tức là sự suy luận của trí óc con người để tìm hiểu về cái sống của Tạo Hóa đã định cho con người phải như thế đó. Như vậy thì chính sự sống trong hư vô kia là nguồn gốc đầu tiên của cái linh trong vạn loại chứ không phải hình thể của vạn loại đẻ ra cái linh ấy, đó là một điều nói ngược. Tính theo thứ tự thời gian thì cha mẹ sinh ra trước, có hình xác cha mẹ rồi, vật chất của thân xác cha mẹ này tác động mới tạo ra hình thể của đứa con. Với yếu tố thời gian cái gì sinh ra sau là con, nói rằng vật chất sản sinh ra tinh thần chẳng khác nào nói rằng người con đẻ ra cha mẹ của nó.

Tới đây mấy em đã rõ được chưa?
Yếu lý mầu nhiệm của chơn pháp Đức Chí Tôn nó nằm ở chỗ này còn những cái "gien" di truyền trong tế bào chẳng qua là cái Pháp để bảo tồn sự sống vạn linh một phương pháp mà Chí Tôn đã dùng để chuyển sự khôn ngoan từ thế hệ này sang thế hệ khác mà thôi.

Tới đây thì mấy em đã rõ nguồn gốc về sự khôn ngoan của con người từ ở chỗ hư vô mà có. Sự sống ở chỗ hư vô ấy kéo dài ra trên dòng thời gian và hiện ra trong hình thể vạn loại, cả thảy vạn loại đều có nó không mất nên gọi là Hằng Sống và Thiêng Liêng bởi vì nó bắt nguồn từ chỗ Hư Vô.

Bây giờ tới câu hỏi sự khôn ngoan của con người sau khi thân xác này chết đi còn hay mất?

Có hiểu được nguồn gốc của vũ-trụ mới hiểu được việc sanh tử của kiếp người. Khi nãy Qua đã nói rằng cái linh trong sự sống của vạn loại có từ hư vô và chỗ của nó hiện ra là hậu thiên. Hậu Thiên là nơi để cái linh của Tạo Hóa thể hiện ra cho con người ngó thấy được, vậy thì đập vỡ hình thể hậu thiên làm mất đi, mất cái chỗ để biểu hiện cái linh ấy, mất chỗ để biểu hiện chứ không phải mất cái gốc của nó, cái gốc của nó có đầy trong càn khôn vũ-trụ này có từ tiên thiên đến hậu thiên. Mất hình thể hậu thiên thì con người không nhận diện được cái linh ấy bằng con mắt phàm tục cho nên mới có kẻ nói rằng chết là hết.

Thực sự không phải vậy. Chết là hủy diệt cái hình thể vật chất này nhưng cái sống linh kia từ chỗ hư vô từ giai đoạn tiên thiên của nó chuyển sang và trải dài trên tất cả đời sống của mọi cơ cấu tổ chức hậu thiên trong vũ-trụ. Cái linh đó không mất bao giờ, cái lẽ Hằng Sống Thiêng Liêng là như thế đó. Tóm lại trong một kiếp sanh tử của con người sau khi thân xác này chết còn lại được cái gì?

Con đường Thiêng Liêng Hằng Sống đã mở ra trước mắt mấy em Qua đã giảng trong những lần trước cái sống của tánh linh vẫn còn nhưng nó chia ra làm hai đường:

1- Thăng.
2- Đọa.

Do quả kiếp hành tàng của chúng ta đã gây dựng nên trong khi còn mang xác phàm nầy, sở dĩ có người nói rằng sau khi chết là hết không có linh hồn, không có Thần Thánh không còn gì nữa hết. Bởi vì cái nhìn của họ lấy hình thể hậu thiên vật chất trong vũ-trụ nầy làm chuẩn, lấy chỗ hiện ra của tánh linh làm chuẩn thành ra mất chỗ hiện ra đó thì họ nói là hết. Còn cái nhìn của các nhà đạo giáo thì đi xa hơn thế nữa, ngược dòng thời gian đi về đến chỗ Tiên Thiên và dùng suy luận thấy rằng có một sự sống linh từ chỗ tiên thiên ấy kéo dài ra cho đến hậu thiên. Thành thử ra mất hình tướng hậu thiên không phải là mất cái linh của tiên thiên. Từ chỗ đó chúng ta suy ra thân thể con người đây khi hủy hoại thì tánh linh của họ đã có từ khi có con người đầu tiên đã có từ trong hư vô cho đến giờ này, hình xác kia mất đi chớ cái sống linh đó vẫn còn tồn tại mãi mãi. Mỗi con người là một đơn vị sống nhỏ, cái linh nhỏ trong tinh thần của họ khi nào có đủ điều kiện hòa nhập vào trong cái linh lớn của càn khôn vũ-trụ thì gọi là đoạt Đạo, giải thoát hay là trở về được cùng với Đức Chí Tôn.

Kỳ tới Qua sẽ giảng về Phật, Pháp, Tăng trong sự sống của thế giới vật chất.

Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 828 | Tác giả: Nguyễn Long Thành