Nhẫn là kiên nhẫn, nhẫn nại, nghĩa là nhịn nhục, lặng lẽ. Cái điều đáng giận mà mình không giận đặng ép tam bành lục tặc của mình cho đặng bình tĩnh luôn luôn, không bao giờ để cho cái ma chướng ở ngoài nó làm cho dời đổi đặng cái thiêng liêng của mình. Thế tức là nhẫn. Nhẫn là một đức tính rất hay cho loài người. Người mà một đời thực hành được chữ nhẫn cho tròn tưởng cũng là rất khó vậy. Nhứt là về phương diện đạo đức, thì chữ nhẫn lại cần hơn hết.
Đức Khổng Tử có nói rằng: Tiểu bất nhẫn tắc loạn đại mưu. Nghĩa là điều nhỏ mà không nhẫn được thì cái mưu lớn ắt phải hư thiệt vậy. Ở đời ta thường thấy những việc nhỏ bằng cái tóc, vì không nhẫn được mà rồi xảy ra những việc sóng gió tài trời, nhiều khi gây nên cái họa giết mình cũng là vì lẽ đó.
Ông Quách-Tử-Nghi nhà Đường hồi còn nhỏ đang đi học, một hôm coi sách Phật thấy câu rằng : Hắc phong suy châu, phiêu nhập khổ hải. Nghĩa là luồng gió đen thổi chiếc thuyền trôi vào trong bể khổ. Ông không hiểu câu ấy ra sao bèn đến một vị hòa thượng cầu vấn.
Vị hòa thượng thấy hỏi vậy, thì dùng một cách thịnh nộ cùng Ông Tử-Nghi rằng: Mi còn con nít biết gì mà hỏi những câu đó.
Ông Tử-Nghi thấy hòa thượng trả lời bằng một cách rất khiếm nhã như vậy thì nổi giận hầm hầm tím mặt lại.
Lúc ấy vị hòa thượng bèn ung dung day lại cười mà cắt nghĩa cho ông Tử-Nghi biết rằng: cái sự thịnh nộ của công tử từ nảy đến giờ tức là luồng gió đen thổi chiếc thuyền trôi vào bể khổ đó.
Ông Tử-Nghi bây giờ mới tỉnh ngộ ra bèn chấp tay tạ ơn hòa thượng đã dùng cách gián tiếp mà chỉ giáo cho mình.
Ôi! ở đời nầy biết bao nhiêu luồng gió đen thổi luẩn quẫn ở chung quanh mình chúng ta. Nếu chúng ta không hết sức lấy tấm lòng kiên nhẫn mà chống chỏi thì cơ hồ cái thân chúng ta như một chiếc thuyền nhỏ kia sẽ có khi chìm đắm vào trong bể khổ mênh mông kia vậy.
Thầy Tử-Trương đi chơi xa, trước khi đi có đến từ biệt Đức Khổng-Tử và xin Ngài dạy cho một đức tốt để học trọn đời.
Đức Khổng Tử bèn dạy rằng: Hết thảy các đức tình người ta duy có chữ nhẫn là hơn cả.
Thầy Tử-Trương hỏi: tại sao phải nhẫn ?
Đức Khổng-Tử nói: làm vua mà nhẫn được thì nước không hại và mới nên việc lớn. Quan lại biết nhẫn phẩm vị mới cao thăng. Anh em biết nhẫn thì gia đình đặng phú quí. Vợ chồng biết nhẫn thì thân ái mới được trọn đời. Bầu bạn biết nhẫn thì danh nghĩa càng thêm cao. Tự mình biết nhẫn thì xa điều họa hoạn.
Thầy Tử-Trương lại hỏi: nếu không nhẫn thì ra sao ?
Đức Khổng-Tử nói: làm vua chẳng nhẫn thì mình phải mang họa, nhà nước phải tất nguy. Quan lại chẳng nhẫn thì tất bị tù tội. Anh em chẳng nhẫn thì tất phải chia lìa. Vợ chồng chẳng nhẫn thì tình nghĩa phải phai lạc. Bầu bạn chẳng nhẫn thì giao tình phải xa cách. Tự mình chẳng biết nhẫn thì họa hoạn theo liền.
Thầy Tử-Trương ngậm ngùi than rằng: phải lắm! phải lắm! khó thay! khó thay!!! Không biết nhẫn sao phải là người, chẳng phải người thì mới không biết nhẫn.
Đã chật giấy cạn lời, chúng ta há nở mơ mơ màng màng như đui, như điếc mà không tỉnh ngộ hay sao?
Chúng ta thử nghĩ lại coi: sau khi một trận giông tố, tất có ngã cây đỗ nhà, sau khi một chuyến ba đào tức có ghe chìm tàu đắm, nhiều khi qua những cơn thịnh nộ của ta rồi thường hay xãy ra nhiều điều thảm khốc âu sầu tai hại, đến khi biết ăn năn thì đã muộn quá rồi. Vậy mà ở đời, có nhiều người trải biết bao lần giông tố ba đào mà vẫn không kiên nhẫn được chút nào, thiệt là đáng buồn lắm vậy.
Ngày xưa ông Trương Công Nghệ chín đời đều ở với nhau một nhà, vợ chồng con cái có tới mấy trăm người mà trọn đời tuyệt nhiên không có điều xích mích, trong gia đình bao giờ cũng êm đềm vui vẽ như khí hòa mùa xuân.
Ngày kia vua nghe tin bèn giá ngự đến tại nhà ông hỏi rằng: Nhà Ngươi dùng cách gì mà trong nhà đặng vui vẽ thuận hòa đến thế?
Ông Trương Công Nghệ bèn viết một chữ NHẪN thiệt lớn vào tấm giấy mà dâng lên cho Vua.
Vua xem rồi lấy làm kính phục liền ban cho ông một trái lê.
Vua cho Ông một trái lê thử coi ông xử sự ra sao.
Ông liền sai cắt trái lê bỏ vào trong một cái thùng lớn, đổ nước nấu sôi rồi kêu hết thảy người ở nhà đến trước mặt mà cho uống, mổi người một muỗng để gọi là chung hưởng ơn Vua
Ôi! ÔI! Tấm lòng nhẫn nãi của ông đáng quí biết chừng nào! đến nổi nhà ông nuôi trăm con chó, bửa cơm ăn nếu thiếu một con thì hết thảy cả bầy đều không ăn mà đợi. Ấy sự nhẫn nại của ông kịp đến súc vật cũng nhẫn được như thế. Đời nay những kẻ không biết nhẫn mà nghe đến chuyện ông thì há chẳng hỗ mình lắm sao.
Tuy nhiên ta cũng cần phải phân biệt sự nhẫn nại với sự nhát gan nhu nhược, thấy việc thì sợ chỉ chăm chăm vào cúi ra lòn, họ đè xuống đất đen cũng cam chịu; như vậy là nhục chớ chẳng phải là nhẫn.
Những người đó chỉ là nhục cho tôn giáo, đạo đức mà thôi.
Song cũng có khi kẻ bất đạo kia dùng cách vô lễ bạo hành đối đãi với ta khiến cho kẻ bàng quang phải tức giận mà ta cũng nhẫn nại được chẳng phải là có sợ gì đâu, chẳng qua là ta không chấp chi những kẻ vô đạo. Thà rằng, ta nhịn họ đi thì cái lổi họ “từ khắc chiêu chương” mà đức tin ta lại càng tăng quang lên vậy.
Ngày xưa, có hai anh em người kia là bậc sang giàu, tánh tình trung hậu lại hay phước làm doan. Vì vậy mà trong làng có một tên tàn bạo kia sanh lòng ghen ghét, thường thường tới nhà hai anh em mà kiếm điều gây lộn. Song anh em người kia chỉ lấy một chữ nhẫn mà đối đãi, tên tàn bạo lại càng tức thêm.
Một hôm nó đến tận nhà la chưởi um sùm, trước còn đứng ngoài ngõ, sau vô tận trong nhà mà chưởi bới thậm tệ. Anh em người kia vẫn cứ điềm nhiên như không nghe chi hết và lại chẳng tỏ ra hờn giận chút nào. Đứa bất nhân vẫn chưa phỉ tình bèn đến phun nước miếng vào mặt người em, người em vẫn cứ ngồi im không dám cục cựa mà cũng không chạy, chỉ sẽ lấy tay vuốt mặt mà thôi.
Người anh thấy vậy bèn dạy nhỏ em rằng: em cứ việc tự nhiên để cho người ta phun hễ ráo miệng thì thôi, tỷ như đống lửa đốt giữa trời cháy hết rồi tự nhiên phải tắt. Nếu bây giờ em lau đi đang cơn người ta thịnh nộ thì người ta sẽ đánh em đau thêm nữa sao em dại vậy?
Từ đó người em đành chịu ngồi im để mặc cho tên kia tha hồ phun nhổ không dám giở tay lau mặt nữa. Sau khi tên kia phun hết nước miếng khô miệng rồi nghĩ lại biết ăn năn tự hối liền quì lại và xin tha tội. Song anh em người kia chẳng những không thán oán gì mà lại chào hỏi một cách ôn hòa hơn nữa.
Ấy cổ nhân còn nhẫn nại đến thế, huống chi chúng ta ngày nay là người nhiệt tâm đạo đức thì há lại không nên lấy tích nầy làm một gương sáng hay sao?
Sách có câu rằng: Bách nhẫn đường trung hữu thái hòa. Nghĩa là nếu hằng ngày trăm điều nhẫn được cả thì trong nhà được hòa thuận vô cùng.
Ôi! ở vào cái thời đại tranh đua nầy, thực hành được chữ nhẫn tưởng không phải là dễ nhưng cũng chẳng phải là không thể được, miễn là có tâm thì dầu khó đến đâu cũng đặng. Hễ ta nhẫn được thì chẳng những thâm tâm đặng khoái lạc thảnh thơi mà muôn việc đều đặng thuận hòa êm thấm hoàn toàn cả. Ông Hàn-Tín trong lúc phong trần chịu lòn trôn nơi giữa chợ, ai cũng bảo là nhát gan, nào hay anh hùng ẩn nhẫn mà sau nầy lãnh ấn Tề Vương.
Ông Ngũ Viên đang cơn hoạn nạn cũng đành thổi tiêu ăn xin, chúng khinh khi là hèn mạt, nào ai hay “chí sĩ tu tàng” mà phút bổng quyền cao Ngô Tướng.
Ôi! quí hóa thay chữ nhẫn, vinh diệu thay chữ nhẫn, ta há chẳng nên trọn đời mình học hay sao.
Nay chúng ta nhờ ơn Đức Chí Tôn hoằng khai đại đạo, buổi ban sơ khởi đầu nầy chẳng khỏi có nhiều điều trở ngại khó khăn. Vậy ta cần nên thực hành cái công phu từ nhẫn nại trước, rồi sau nầy ta sẽ cùng nhau dìu dắt lên nền Cao Đài Đạo Đức vậy .
Chữ nhẫn ví tợ thoi vàng, Ai mà nhẫn được, ấy vàng Trời cho.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
|