× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Giáo Lý

Ngũ Đức Lương Châm


KHIÊM

Khiêm tốn, khiêm nhượng, nghĩa là: thấp nhường nhỏ nhẹ.

Thánh nhơn bất tự mãn túc, như thánh nhơn còn chưa dám cho mình là đầy đủ, Nghiêu Thuấn kỳ do binh chư? Vua Nghiêu Vua Thuấn còn có chổ thiếu sót chăng? Ấy các bậc Thánh Hiền còn phải khiêm tốn đến như thế, cái đức tính khiêm tốn là cái đức tính rất hay cho người ta vậy. Người đời thường hay có tính tình kiêu ngạo tự đắc chẳng biết khiêm tốn là gì? Nhứt là hạng thượng lưu thời nay thì hay càng tự tôn tự đại, ngạo vật khinh nhơn, coi mình như Thần như Thánh, xưng bá xưng hùng, coi người bằng nửa con mắt, tuyệt nhiên không có một chút khiêm nhượng gì cả. Tự mình lấy làm nghinh ngang đắc chí, không biết bao nhiêu người đã châm trích, bình phẩm mà mình xí tiêu?

Cổ nhân có nói rằng: Khinh bạc chi thái thị, chi quân tử tắc tán ngô đức, thị chi tiểu nhân tắc sát ngô thân. Nghĩa là cái thói khinh bạc đối với người quân tử thì tổn đức tính của mình, mà đối với kẻ tiểu nhân thì hại thân mình. Người mà không có cái đức tính khiêm tốn thì cái hại ảnh hưởng lớn đến như thế. Chúng ta há nên coi thường sao!

Tuy nhiên người có đạo đức thì bao giờ cũng có sẵn một tấm lòng khiêm tốn kính nhường. Biết bổn phận không tranh giành kiêu hảnh cùng ai, ai hơn mình thua, ai cao mình thấp, ai tới mình lui, xử kỹ tiếp vật bao giờ cũng lấy một chữ khiêm làm chủ nghĩa, không hề xao lãng chút nào. Chẳng phải ta khiêm tốn tự giảm giá trị của ta đâu, cái đức khiêm tốn chính là cái đức cao thượng của ta đó, như trái khí cầu kia tuy mình bóp méo vào, nhưng rồi nó lại tự nhiên trở ra như cũ, chưa hề có hủng chút nào, hễ ta càng khiêm tốn bao nhiêu thì cái giá trị của ta lại càng tăng lên bấy nhiêu. Mà cái giá trị đó mới thiệt là chơn chánh đó vậy.

Ông Quí Trác mấy lần nhường ngôi cho nước Ngô, đời sau còn xưng còn xưng là thịnh đức. Ông Tiên Chủ ba lượt nhường vị Từ Châu đến nay còn để tiếng anh hùng. Vua Võ xuống xe lạy người nói phải. Vua Thang đi bộ rước bậc đại hiền. Ôi! đến bậc hào kiệt thánh hiền thượng cổ còn khiêm cung hạ sĩ, bao giờ cũng tự coi mình thiếu kém hơn người, phương chi chúng ta ngày nay.

Chúng ta ngày nay đã có đức tính gì hơn mà dám kiêu căng khinh bạc?

Ta thường thấy nhiều người tài cao trí lớn, thấy rộng nghe nhiều, đáng lẽ có thể làm nên người đạo đức hoàn toàn. Vậy mà vì tánh háo thắng kiêu căng, không có đức ôn nhu khiêm tốn, thành ra uổng phí cả đời người, đến đổi ai cũng đem lòng khinh bỉ, thật là đáng tiếc lắm vậy.

Nói tóm lại thì cái công dụng của chữ khiêm tốn đối với các phương diện ở đời đều cần phải thật hành cả. Trong gia đình có nhiều người biết khiêm tốn, thì gia đình sẽ trở nên hòa thuận, trong xã hội có nhiều bực khiêm tốn, thì xã hội được thái bình, đạo đức có khiêm tốn thì đạo đức được hoàn toàn. Tôn giáo có khiêm tốn thì tôn giáo mới được thịnh vượng. Chữ khiêm đối với các đức tính của loài người, thiệt không thể một giây phút nào xao lãng được. Và đời nầy là một đời đại đồng giao thiệp, nếu không có cái đức tính khiêm tốn, thì còn giao thiệp được với ai, còn mong gì đến phổ thông đạo đức nữa.

Từ khi nền Đại Đạo hoằng khai Đức Chí-Tôn rộng lòng Phổ Độ, cái quy củ nền Tôn Giáo chúng ta được như ngày nay thiệt không phải là không rộng lớn, cái công tu của chúng ta đối với nền đạo đức, thiệt không phải là chẳng tôn nghiêm. Song, xét cho kỷ thì phần nhiều chỉ ở hình thức bề ngoài, chớ đến tinh thần đức tính bề trong thì thiệt còn nhiều điều khiếm khuyết, mà nhất là thuộc về cái đức tính khiêm cung, thì lại càng không nở nói.

Có nhiều vị hình như đã vì sự tài lợi thế lực chớ chẳng phải có nhơn tâm về đạo đức. Ôi! đã một lòng hâm mộ đạo đức, thì tưởng chẳng còn màng gì đến cái danh giá hảo huyền, cái cao sang giả dối, miễn là mình thực hành đặng đạo đức cho hoàn toàn, thì mình chẳng cần gì khoe thị cùng ai, mà tự khắc cái cao sang danh giá thuộc về tinh thần sẽ từ trong cái đức khiêm tốn mà ra.

Ít lâu nay trong Đạo thường hay xảy ra điều lộn xộn, cơ hồ làm ngăn trở cho việc hành đạo của chúng ta có lẽ là vì ở nhiều chư vị Đạo Hữu không đủ cái đức tính khiêm tốn và cũng chưa được từng hưởng thụ công năng của chữ khiêm ấy.

Nay Tam Kỳ Đại Đạo đã đến kỳ Phổ Độ xiển minh, nếu ai được hữu tâm cầu đạo thì Đức Chí Tôn cũng sẳn lòng cho được hưởng thụ mà hối cải tội xưa. Đối với cái trình độ nhập môn cầu Đạo của chúng ta ngày nay, thì thiết tưởng trước hết cần phải tu tỉnh cái đức tính khiêm tốn làm đầu.

Bởi vậy cho nên Bần Đạo xin kỉnh bạch chữ KHIÊM vào một trong năm điều NGŨ ĐỨC LƯƠNG CHÂM, dám mong rằng chư Đạo Hữu hằng ngày gia tâm tu luyện thì sau này mới ngõ hầu nên người đạo đức hoàn toàn được.

Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 1177 | Tác giả: Đức Hộ Pháp