× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Giáo Lý

Ngũ Đức Lương Châm


HÒA

Hòa là thuận vui hòa, trong Kinh Lễ có nói rằng: Lễ dĩ hòa di quí. Nghĩa là Lễ nghi phải lấy chữ hòa làm quí, ý nói lễ nghi tuy phiền phức mặc lòng, song rút lại chỉ lấy chữ hòa làm gốc, vì ngoài mặt có hòa nhã thì trong tâm mới có thành kỉnh, có tâm thành thì lễ nghi mới có long trọng. Nếu như có lễ mà không hòa thì dầu lễ có to lớn đến đâu cũng là vô ích và Thánh, Thần cũng không hưởng chứng.

Thầy Mạnh-Tử có nói rằng: Thiên thời bất như địa lợi, địa lợi bất như nhơn hòa. Nghĩa là thời Trời không bằng lợi đất, lợi đất không bằng người hòa. Ý nói: Thiên dẫu thuận, địa lợi dầu phúc, song chỉ là trông cậy ở bề ngoài mà thôi, không thể lâu dài đặng, sự bền vững còn cần ở phải nhơn hòa. Nhơn có hòa thì mới có tình liên lạc, một dạ một lòng, đồng tâm đồng lực có được thực hành mới trường cửu được.

Nói cho đúng thì dầu mưa thuận gió hòa, cũng không tốt bằng lòng người, nếu lòng người mà đặng hòa thuận cùng nhau trong một đoàn thể, như con cuốn chiếu trăm chơn dẫu cường bạo nào, dùng cường lực mạnh mẽ cũng không áp chế đặng.

Nếu mỗi người đều mỗi dạ chia rẽ chẳng ai hòa thuận cùng nhau, anh em cùng nhau kích bác, nòi giống coi như khấu thù, nhơn tâm đã bất hòa thì đạo tâm còn đâu mà sanh ra đặng bảo tồn loài người. Mà đến đạo đức không có thì còn trông cậy nỗi gì? Thành cao hào sâu liệu đủ cậy chăng? Mưa hòa gió thuận liệu đủ nhờ chăng? Nói tóm lại một chữ Hòa có thể bền hơn thành sắt, mạnh hơn súng đồng, mà địa lợi, thiên thời cũng chẳng bằng vậy.

Đời Tam Quốc có Ông Lưu Tiên Chúa duy lấy hai chữ nhơn hòa mà thắng cả thiên thời, địa lợi làm cho Tào Tháo lắm trận kinh hồn, Tôn Quyền nhiều phen mất vía. Ôi! xem thế đủ biết một chữ Hòa mạnh mẽ là dường nào chăng?

Trong Kinh Thi có câu rằng: Âm dương hòa vũ trạch giáng. Phu phụ hòa gia đạo thành. Nghĩa là khí âm, khí dương có hòa thì mưa nhuần rưới khắp. Vợ chồng có hòa thì Đạo nhà mới nên.

Trong Kinh Thơ có câu rằng: Hiệp hòa vạn bang, nghĩa là phải hòa hiệp muôn nước.

Ấy đến Trời Đất âm dương cùng các bậc Thượng Cổ, Đế Vương còn phải lấy chữ Hòa làm gốc, mà còn truân chuyên đến thế, huống chi chúng ta ngày nay. Nói tóm lại, mọi việc ở đời phải lấy chữ hòa làm lương châm thực hiện. Thế giới có hòa thì mới đặng thái bình thịnh vượng. Quốc gia có hòa thì mới đặng tiến bộ văn minh. Thân tộc có hòa thì mới đặng sum vầy vui vẻ. Cha con có Hòa thì mới trọn điều từ hiếu. Anh em có hòa thì mới biết đạo thương yêu. Vợ chồng có hòa thì mới nên cửa nhà đồ sộ. Bậu bạn có hòa thì mới bền lòng tín nghĩa. Bậc Quan Trường có hòa thì mới biết sự vẽ vang. Người phú túc có hòa thì mới đặng phần sung sướng. Đạo đức có hòa thì mới đặng hoàn toàn. Tôn-giáo có hòa thì mới nên trường cửu.

Trên đây là nói phần công dụng kết quả của chữ hòa; còn về phần thực hành của chữ hòa thì ta cần phải nên hiểu biết hòa đây là hòa thuận, ăn ở một cách hòa thuận, công bằng. Đối với mình, đối với người, bao giờ cũng giữ thái độ thung dung hòa lạc, không có một chút gì tư tâm khi xữ kỷ, tiếp vật; bao giờ cũng sẳn tấm lòng lượng thứ bao dung. Người mà giữ trọn đặng chữ hòa thì trong tâm hồn sẽ đặng thơ thới thảnh thơi, mà tự nhiên chẳng còn chút cặn nhơ ô trược nữa. Tuy nhiên chữ hòa cũng có nhiều nghĩa ta chớ khá nên lầm.

Đức Khổng-Tử có nói rằng: Quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhơn đồng nhi bất hòa. Nghĩa là người quân tử hòa thuận mà không đồng đẳng, còn tiểu nhơn đồng đẳng mà không hòa thuận.

Chữ hòa với chữ đồng nghe thì tựa như giống nhau mà xét kỹ ra thì khác nhau xa thẳm. Hòa thì chỉ một mực công bằng hòa thuận nhau thôi, chớ không tư không đảng. Còn đồng thì đồng là đảng, nghĩa là tựu hội thành quần, thành đảng, có ý tư mà không công, chớ chẳng có giá trị gì. Đó là điều giả mạo của kẻ tiểu nhơn thường làm nếu ta không cẩn thận hoặc có khi lầm vậy.

Chúng ta ngày nay nhờ ơn Đức Chí Tôn hoằng khai Đại Đạo mà Phổ Độ cho chúng sanh thì chữ hòa lại cần hơn hết.

Vì sao? Vì muốn nên người đạo đức thì cần phải có một đức tánh cho hoàn toàn, mà chữ hòa là đầu phần đức tánh của ta vậy. Ta phải hiểu biết rằng: Có hòa thì mới biết thương yêu nhau, trìu mến nhau mới kết nên đoàn thể đặng. Một chữ hòa thiệt khiến cho ta cảm tình vô hạn.

Về phần đạo đức các tính đức khác tưởng cũng chẳng khó gì. Bởi vậy trước hết Bần Đạo xin hiến dâng chư Đạo Hữu một chữ hòa để làm một nấc thang bước lên con đường đạo đức.

Và xin chư Đạo Hữu đừng quên bốn chữ: Hòa Khí Trí Tường. Nghĩa là khí hòa rất tốt thì thiệt là may cho nền đạo đức lắm vậy.

Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 1139 | Tác giả: Đức Hộ Pháp