× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Giáo Lý

Ngũ Đức Lương Châm


CUNG

Cung kỉnh nghĩa là: Đối với hết thảy các sự vật ở đời, cùng các hành vi cử chỉ của mình thường thường phải giữ một tấm lòng cung kỉnh, thận trọng và phải lánh xa những điều lỗ mãng, khinh lờn; lúc nào cũng phải coi mình như ở giữa chốn triều đình, đứng trên sân tế lễ, dầu ngồi trong nhà kín cũng tưởng như mười tai, mười mắt trông vào.

Trong kinh thư có câu: Như lâm thâm uyên, như lý bạc băng nghĩa là: Coi mình như đến vực sâu, như nơi đá mõng, đều là cực cả; cái cách cử động của cổ nhân cung kính đến như thế. Loài người sở dĩ linh thiêng hơn muôn vật, tưởng cũng một phần nữa, nhờ ở cái đức tính cung kỉnh vậy.

Nếu người chỉ biết ăn thì ăn, thấy nói thì nói, no ấm thì vui cười hể ha, hễ đói rách thì lo buồn băng băng. Sống tám chín chục tuổi, đẻ năm mười đứa con, còn ngoài ra thì mờ mờ mịt mịt, chẳng biết cung kỉnh lễ nghĩa là gì? Cử chỉ thì thô bỉ cộc cằn, hành vi thì dong dài lỗ mãng, trơ như đá vững như đồng. Như vậy phỏng có khác gì một con bù nhìn cạnh đám dưa, một bộ máy vô tình giữa chợ. Thiết tưởng ấy là hạng người giá áo túi cơm, đời mà có nhiều hạng người đó thiệt là bất hạnh cho đời lắm vậy, chỉ nên là một giống sâu mọt dán lằn mà thôi. Ôi! một cái đức tính làm người mà không để ý đến thì còn trông mong gì dồi mài đạo đức nữa. Tuy nhiên ai đã thực hành được cái đức tính HÒA, NHẪN, KHIÊM thì tức là lãnh hội đặng thâm ý chữ CUNG, có lẽ thực hành cũng không khó gì. Khó! nhưng mà nên chăng bởi tại lòng ta.

Đức Khổng Tử bàn những đức tính hay của người quân tử có năm điều là: ôn, lương, cung, khiêm, nhượng mà chữ cung cũng đứng ở trong; xem thế cũng đủ biết Đấng Thánh Nhân dạy đời cũng phải lấy chữ cung làm một bổn phận lớn ở trong đức tính người ta vậy.

Vua tôi có cung kính thì thiên hạ mới thái bình. Cho nên vua Nghiêu đối với bá quan thường dùng một chữ khiêm làm lời răn dạy mà còn tiếng thánh quân. Cha con có cung kỉnh thì gia đình mới thịnh vượng. Cho nên vua Thuấn thờ cha mẹ một niềm thủ kính đến trọn đời, muôn thuở còn lưu danh đại hiếu.

Anh cùng em cung kính mới có tình cảm thương yêu. Ngày xưa ông Lý Tích làm quan to, ông đã già mà vẫn cung kính bà chị một cách khác thường. Một hôm bà chị đau, ông thân hành đi nấu cháo cho bà chị ăn, rủi bị ngọn lửa tạt cháy rụi cả râu. Bà chị thấy vậy nói rằng: nhà thiếu gì tôi tớ mà em lại chịu cực khổ làm chi vậy?

Ông thưa rằng: nay chị đã già mà em cũng đã già rồi, dẫu em muốn nấu cháo cho chị ăn mãi phỏng dể mà được hay sao?

Vợ chồng cùng nhau cung kỉnh thì mới nên ân ái thuận hòa. Xưa vợ chồng ông Khước Khuyết tương kính như tân, nghĩa là vợ chồng kính nhường nhau như quí khách, thường ngày ông đi cày, bà vợ ở nhà đem cơm, tất nhiên hai tay quì dâng ngang mày cho chồng, rồi chấp tay hầu đến ăn rồi mới thôi. Tuyệt không có chút gì khinh mạng. Một hôm có một vị quan đại phu đi ngang qua ngó thấy cách cung kỉnh vợ chồng ông như vậy bèn về tâu lại với vua Tấn. Vua bèn phong cho ông chức Hạ Đại Phu. Vợ ngoan làm quan cho chồng là thế.

Bầu bạn đối với nhau cung kính thì tình nghĩa mới lâu dài. Vì Tiên Chúa, Đức Quan Thánh ông Trương Phi ba người kết nghĩa tại vườn đào cùng nhau sống thác, mà tấm lòng cung kỉnh vẫn không sai, người nay còn mến đức. Ôi! Chúng ta nhắc nhở lại những tích nói trên nầy, lòng ta bồi hồi cảm động biết bao nhiêu.

Mới hay rằng: cái đức tính khiêm cung đối với nhau trong ngũ luân rất nên có ảnh hưởng mật thiết lắm vậy. Chúng ta nay nhờ ơn Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế để lòng thương, tới đem nền Đại Đạo mà Phổ Độ cho chúng sanh, lúc này chính là lúc chúng ta nên vui lòng cầu đạo. Song có con đường cầu đạo lại chính là ở cái tính khiêm cung. Khiêm cung là thế nào? Trong những bài Bần Đạo nói đây chắc chư Đạo Hữu cũng đã lãnh hội một đôi điều ngạnh khái. Song Bần Đạo thường thấy phần nhiều chư Đạo Hữu hoặc là chưa rõ đạo đức thế nào chăng? Hay là không để ý đến lễ nghĩa chăng? Coi bộ hình cái đức tính khiêm cung rất là thiếu kém, đối với các anh em trong Đạo Hữu thì thường lấy cái dung mạo bề ngoài mà giao thiệp, lộ hình kẻ khinh người trọng, ở trong hay lấy những lời kiêu ngạo mà phỉ báng đồng bào trong đạo. Ôi! đã là người chung ở trong nền Đại Đạo, tôn giáo đạo đức thì lẽ nào lại còn phân đẳng hạng quí tiện mà khinh bỉ nhau nữa sao? Chư Đạo Hữu hãy dùng cái nhãn quan đạo đức mà xét lại coi, thiệt khiến cho lương tâm mình thêm hổ thẹn vậy.

Thậm chí Bần Đạo thường thấy nhiều người đến nơi các Thánh Thất là nơi rất tôn nghiêm long trọng của mình đã tín ngưỡng tôn sùng mà cũng cứ nghiễm nhiên không hề thủ lễ, coi dường như đến chơi các nhà tửu quán trà lầu, đi đứng cộc cằn, nói cười ngổn nghẻn, tuyệt không có một chút gì là cung kỉnh cả. Nghĩ cũng khả ố thay những hạng người đó…tụng kinh cầu đạo!!! tưởng không cần trả lời vậy .

Bởi các lẽ đó, nên Bần Đạo cần phải nhắc đi nhắc lại cùng chư Đạo Hữu, cái công trình chữ cung ở trong cuốn Tam Kỳ Ngũ Đức Lương Châm nầy. Mong rằng chư Đạo Hữu sẽ vui lòng để ý đến cho, Bần Đạo thiệt lấy làm tham vọng.

Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 744 | Tác giả: Đức Hộ Pháp