× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Giáo Lý

Ngũ Đức Lương Châm


ÁI

Nhân ái, bác ái, nghĩa là: thương yêu, rộng yêu. Chữ yêu đây thuộc về tinh thần yêu đạo đức, cái yêu rất thâm trầm chớ chẳng phải cái yêu về thất tình lục dục. Người ta ai đã đủ cái đức tính HÒA, NHẪN, KHIÊM, CUNG rồi mới đặng cái bậc bác ái. Nhà đạo đức mà đã tâm đắc và thực hành được chữ bác ái thì đã có cơ siêu phàm thoát tục.

Đức Khổng Tử có nói rằng: Quân tử học đạo thì mới biết yêu người, kẻ tiểu nhân có học đạo thì mới dễ sai khiến.

Lại có câu rằng: Duy thánh nhơn năng hiểu nhơn, năng ố nhơn. Nghĩa là duy có đức thánh nhơn mới biết yêu người, ghét người. Xem thế đủ biết dầu cho đến bực thánh nhơn cũng phải quí chữ ái.

Bàn về đạo đức thì có lẽ suy tôn chữ ái làm đầu, vì có yêu đời mới biết đời, cũng vì cái chủ nghĩa yêu thương đời mà phát minh ra vấn đề đạo đức vậy.

Xem như đạo Nho thì lấy hai chữ nhơn ái làm trọng. Dương Châu thì lấy hai chữ khiêm ái làm đầu.

Đạo Phật thì lấy từ bi bác ái làm chủ nghĩa. Đức Thích Ca có nói rằng: Nếu chúng sanh chưa đặng thành phật hết thì ta cũng nguyện chưa thành phật vậy.

Đạo Thiên Chúa cũng lấy câu: Xã kỷ ái nhơn làm mục đích. Đức Jésus có nói rằng: nếu đời còn một người tội lỗi thì ta quyết mãi đứng trên cây thập tự.

Xem thế thì các bậc giáo chủ xưa nay đã phát minh ra đạo đức để cứu chữa cho đời, chẳng qua cũng là bởi tấm lòng yêu thương đời mà ra vậy.

Người ta sở dĩ ăn ở cùng nhau đặng hòa thuận êm đềm, giao thiệp cùng nhau được thân quen vui vẽ, sanh hoạt bằng một cách lý thú trên đời, đều là nhờ ở cái đức tính nhơn ái cả, vì có biết đem cái tấm lòng nhơn ái mà đối đãi với nhau thì mới có cái cảm tình, mới bền chặt mối dây liên lạc, mà gây nên cái tình đoàn thể đặng.

Cổ nhơn có câu rằng: Tứ hải như nhứt gia, nghĩa là bốn biển như một nhà. Ý nói người ta sanh ra ở đời đều có một hình thể, đều có một trí giác, thì cũng là một loài người, vô luận là giống nào, nước nào cũng đều nên xem nhau bằng một cách thân thiết, đối đãi nhau bằng một cách thân yêu mà không nên phân biệt. Có được như vậy thì mới thiệt là bác ái, thực hành cái tư tưởng bác ái là cùng nhau một dạ thương yêu, thì thế giới nào chẳng hòa bình, nước nhà nào mà không thạnh trị, vì đã biết cư xử với nhau bằng một cách thương yêu thì sự xâu xé cạnh tranh còn tự đâu mà sanh ra được nữa.

Nếu người mà chỉ biết ích kỷ, nghĩa là chỉ biết có một mình mà thôi, còn ngoài ra không kể đến ai, đối với đồng loại chẳng có cảm tình liên lạc gì, đồng bào coi nhau như gươm giáo, nòi giống coi nhau như khấu thù, hình như mình không có cái quan hệ gì đến đời cả. Người mà như vậy thì thiệt là người đã vô tình thì còn biết gì là bác ái.

Ôi! đến loài người mà không có lòng nhơn ái thì đối với giống cỏ cây cầm thú phỏng có hơn chi, nước nhà nào mà không mất, không tan, tôn giáo nào mà chẳng suy vong, đạo đức nào mà không tồi bại. Ấy những hạng người đó ở đời nầy phỏng có hiếm chi, chẳng nước nào, chẳng giống nào mà chẳng có. Song đối chiếu với nước nhà ta thì không phải là số ít, những hạng người đó thiệt là có hại cho đời, tưởng chẳng khác chi người có bịnh tê bại, bịnh liệt thần kinh vậy. Cái bịnh liệt thần kinh đó lấy phương thuốc gì mà chữa bây giờ? Có lẽ ngoài cái phương đạo đức ra thì chẳng còn thuốc gì hơn, mà cần nhứt là lấy vị thuốc nhơn ái làm đầu thang vậy.

Tuy nhiên cái đức tính nhơn ái đành là phải thực hành. Song cái công phu nhơn ái cũng cần nên luyện. Tự cận cầu viễn, do viễn cập thâm.

Nghĩa là: nói gần tới xa, lần lần xa tới sâu, nếu ta muốn rèn đúc cái đức tính bác ái đành phải thực hành, thì trước hết ta phải yêu ta, ta tự yêu chẳng phải là ta muốn cái lòng vật dục của ta đâu? Nghĩa là ta yêu cái chơn lý ở đời, yêu cái đức hạnh của người tức là yêu cái chơn chánh đạo đức, như vậy thì ta mới biết yêu ta ….

Ta có biết yêu ta rồi thì mới biết yêu nhà, yêu nước. Trong yêu cha mẹ, yêu anh, yêu em; ngoài thì thương yêu nòi giống khắp trong hoàn cầu, ta phải làm sao thực hành cho đặng câu: TỨ HẢI CHI NỘI GIAI HUYNH ĐỆ. Nghĩa là người trong bốn biển đều là anh em, thiệt mới tròn cái đức tính nhơn ái vậy.

Đời nay thường thấy nhiều người cứ hy vọng cái chủ nghĩa thế giới hòa bình cùng thực hành cái vấn đề tự do bình đẳng, mà chẳng thèm ngó ngàng tới cái lương năng bác ái thì thiệt là lầm to. Cách ngôn Thái Tây có câu rằng: Có đồng đẳng mới bình đẳng được, đồng đẳng tức là suy nguyên biểu dương hai chữ bác ái đó.

Trên kia đã nói loài người đã biết thương yêu nhau thì mới biết có tình đoàn thể mà kết nên mối dây liên lạc được. Nếu ai chẳng biết thương yêu ai, mỗi người một dạ, một lòng xâu xé lẫn nhau, tranh giành lẫn nhau thì thế giới trông gì hòa bình, nhơn loại còn mong gì tự do bình đẳng, phỏng có khác gì leo cây mà tìm cá, xuống biển để bắt chim thì bao giờ cho được.

Than ôi! Cuộc thế suy đồi, lòng người quỉ quái, gặm xương nòi giống, xẽ thịt lẫn nhau, hằng ngày xãy ra những tấn tuồng thảm thương bi kịch, ngó đã mõi mắt, nghe đã nhàm tai, khiến cho giọt lụy thương tâm của khách ưu thời mẫn thế không thể nào ngừng lại được.

May sao, Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế còn thương tới chúng sanh, đem Đại Đạo mà hoằng khai Phổ Độ, cái thời kỳ nầy tức là cái thời kỳ của chúng ta sẽ đặng thoát ly cái vòng khổ hải rồi đây. Cho nên Đức Chí Tôn lấy lòng từ bi mà ra sắc lịnh ban bố cho chúng ta, buộc chúng ta phải kính yêu đồng loại, thương xót lẫn nhau, cứ noi đạo đức mà làm, thì ngõ hầu mới thoát qua đặng đời mạt kiếp.

Ấy tấm lòng háo sanh của Chí Tôn ân cần đến như thế, chúng ta há phải là loài sâu cỏ mà không cảm động chút tình hay sao?

Vậy thì cái lương châm bác ái nầy chính là một bài học vỡ lòng, một phương thuốc bổ thần cho ta đó. Đạo hữu chúng ta phải tính sao đây? Bổn phận chúng ta phải yêu nhà, yêu nước, yêu giống, yêu nòi, yêu luân lý cang thường, yêu tinh thần đạo đức, anh em bốn biển như một nhà, như thế mới phải là người có đức tính nhơn ái và hoàn toàn đạo đức vậy.

Bần Đạo vẫn hết lòng thương yêu đồng loại và muốn cho ai ai cũng có lòng thương yêu như mình; bởi vậy cho nên phóng tâm viết ra cuốn sách nhỏ nầy để cống hiến cùng chư Đạo Hữu. Mong rằng chư Đạo Hữu để ý đến cho, ấy tức là Bần Đạo đặng cái âm ba của chư Đạo Hữu chiếu cố thương yêu đến vậy.

Yêu nhau xin nhớ mấy lời
Bức Cương Ngũ Đức muôn đời soi chung./.


Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 756 | Tác giả: Đức Hộ Pháp