Ít lời lược luận sơ ra trước đầu quyển sách nầy cốt để giúp ích cho đời thâm tín thám-ngộ, sát cứu chơn giả chánh tà cho rõ đạo-lý.
Nhưng tôi thiểu học không dùng văn-chương đặng nên lấy lời thật-thà luận ra cho hiểu mà thôi. Xin đồng-chí xem, miễn nghị, như chỗ nào sai sót xin giúp thêm đặng ích cho đời.
Nguyên bổn sách nầy tôi lập ra mười mấy năm rồi, mà chưa in được. Song anh em đạo-hữu có sao lục ra dùng đã lâu, hoặc là đổi hiệu khác, nay mới soạn lại in ra, vì bởi khi tôi mới soạn rồi, tôi cầu chư Tiên giáng đàn xin xem xét coi chỗ nào sai sót và có đáng in ra dùng hay không, thì có Ðức Thái-Thượng phê cho bài thơ như vầy:
Nguyễn Văn Kinh
Gia-Ðịnh |
|
Tương công chiết luận trí thơ hồng
Kinh điển huyền huyền diệu sắc phong
Nhựt ảnh minh đâu tương phản bổn
Cao ngôn tất diệu trí phi phòng. |
Khi tôi còn nhỏ 13 tuổi, học Ðạo Minh-Sư tu-hành, nhờ năng tìm kiếm kinh sách của Phật, Thánh, Tiên mà học đặng suy cổ nghiệm kim, nghiên-cứu bổn mạc biện minh tà chánh, tận sát bì mao, tồn lưu cốt-chủy, mới thấy rõ trong kinh sách và Ðơn-thơ của Tam-Giáo có để lối ẩn ngữ, tâm-pháp bí truyền có ấn-chứng ứng nghiệm. Bởi vậy Tiên, Phật, Thánh, Hiền xưa cũng đều tầm sư học đạo, tu-hành mà thành đạo.
Như đời Thượng-ngươn, nhứt-kỳ phổ-độ, người tu-hành thành Tiên, Phật, Thánh, Hiền vô số. Trung-ngươn, nhị-kỳ phổ-độ, người tu-hành cũng thành hiển nhiên tại thế. Nay Hạ-ngươn tam-kỳ phổ-độ, tuy chưa thấy người tu thành như khi trước vậy mà sách lại cho rằng: "Kim hà nhơn cổ diệc hà nhơn, hữu vi giả diệc nhược thị", nghĩa là xưa là người gì, hễ tu-hành trúng lý nhằm đạo thì cũng đặng siêu thoát thành một thể. Thì mấy lời đó chẳng phải Thánh, Hiền, Tiên, Phật dối ngữ mà có ích chi, nên tôi lập chí xung thiên, tu-hành, tịnh dưỡng tinh-thần một lúc mà không thấy ấn-chứng ứng nghiệm chi cả. Sau tôi đi tầm Chơn Sư, may gặp ông Võ Trần Tử, tôi hạ thân cầu giáo, nhờ Ngài chỉ chỗ huyền-cơ, tâm-pháp bí-truyền, hỏa-hầu thứ-tự, y theo kinh điển, mới hạ thủ dụng công thí-nghiệm ước chừng 8, 9 tháng, thoạt nhiên đắc ấn-chứng ứng nghiệm cảnh thành, y trong kinh điển, thể hành đến đâu có cảnh đoạn ấn-chứng ứng nghiệm tới đó, mới biết kinh sách Tiên, Phật, Thánh, Hiền để không sai. Sau cách ít lâu tôi lập đàn cầu khẩn Tiên Phật lấy huyền-cơ diệu bút cho tôi rõ những người lập chí tu luyện, nay có thành như xưa vậy không? Thì khi ấy Ðức Lữ-Tổ giáng cho như vầy:
Chơn Tiên bất nhị ngôn,
Luyện đạo mạng vĩnh tồn.
Kim-đơn thiên tải thọ,
Ðắc vật thoát càn khôn.
Thì Tiên Phật cũng chắc cho rằng: nếu tu nhằm kỳ Ðạo khai, hành trúng thiên-cơ, bí-pháp của Ðạo, thì cũng thành đặng. Nên tôi lo tìm kiếm Tài, Lữ, Ðịa cho đủ đặng thiệt hành cùng lý tận tánh. Chẳng qua công-quả chưa đầy, phước đức chưa đủ, nên phải gián đoạn mà bồi công lập đức. Nhơn lúc thừa nhàn, tôi lược lục bổn sách hiệu là: Hội-Lý Xiển-Chơn Luận, nghĩa là nói sơ các chơn-lý kinh điển của Tam-giáo, luận giải ra đây, cho người đồng-chí thám-ngộ, cho rõ chánh-đạo mà tầm, khỏi lầm bàn-môn tả-đạo.
Tác-giả: NGUYỄN VĂN KINH
Làng Bình-Lý-Thôn
GIA-ÐỊNH
Hội hiệp tinh-thần khí tự nhiên,
Lý điều tâm tức vận huyền huyền,
Xiển khai cửu khiếu xung tam đảnh,
Chơn ý tụ thành thể hống diên.
***
Nguyễn tu học đạo đạt cơ huyền,
Văn võ luyện phanh khí đảo điên,
Kinh điển bí-truyền tâm liễu ngộ,
Tự nhiên thần khí phản tiên-thiên.
***
Ngọc ẩn côn sơn xuất bất kỳ,
Kinh quyền phổ-độ thuyết huyền-vi,
Thanh tâm minh biện qui tam-giáo,
Luận giải tam thừa đạo hiển-vi.
|
Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
|