× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Giáo Lý

Giáo Lý


I. Tiểu sử Đại Đạo

  1. Huấn luyện đồng tử
    Nhắc lại sự tích xây bàn
  2. Đại Đạo xuất thế

CHƯƠNG THỨ NHỨT

Theo lý đương nhiên, một việc lớn đến đâu, hay nhỏ thế nào, khi phát huy thì cũng do một duyên cớ tế nhị. Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ cũng nằm trong công lệ ấy. Chúng tôi muốn nói nền Đại Đạo, tuy cao thâm có tinh thần cứu rỗi cả chúng sanh, nhưng ban đầu nó chỉ do huyền diệu Cơ bút, một sự kiện đã có tự ngàn xưa. Thế nên trước khi luận Đạo, thuyết pháp chúng tôi xin bàn sơ lược Tiểu Sử Đại Đạo.

Chương nầy có hai đề mục:

  • HUẤN LUYỆN ĐỒNG TỬ
  • ĐẠI ĐẠO XUẤT THẾ

I.- HUẤN LUYỆN ĐỒNG TỬ

Dùng huyền diệu Cơ bút để lập Đạo, truyền giáo thì Đồng Tử là một việc rất cần thiết. Thế nên, trước khi truyền dạy Chánh Pháp, chính mình Đức CHÍ TÔN, hoặc ủy quyền cho các Đấng Trọn Lành, chọn lựa và huấn luyện Đồng Tử.

Chúng tôi còn nhớ, vào khoảng thượng tuần tháng 6 năm Ất Sửu (1925), tại Đô Thành SAIGON, thình lình phát khởi một phong trào: Phò cơ, Chấp bút, Xây bàn. Nghe nói đầu nầy xây bàn, tiếp chuyện với các vong linh để họa thi, vịnh phú; chỗ nọ phò cơ, chấp bút, cầu Tiên xin toa thuốc chữa bịnh. Tại trung tâm Saigon, có một nhóm công chức bắt chước xây bàn, cầu các Đấng Thiêng Liêng học hỏi văn chương. Ban đầu họ tính dùng lối xây bàn để tiêu khiển, nhưng về sau vì ham mộ thi phú mà họ theo đuổi phép "Thông Thần Lực" (Médiumnité), đến mức vi diệu. Chung cuộc, họ trở nên những Đồng Tử đặc sắc giúp CHÍ TÔN lập Đạo, truyền giáo. Sau nữa, họ được phong vào hàng Chức Sắc Đại Thiên Phong nơi Đài Hiệp Thiên.

NHẮC LẠI SỰ TÍCH XÂY BÀN

Nguyên chiếc bàn nhỏ bốn chưn: Kê hai chưn kia cao hơn chừng ba phân tây. Chiếc bàn trở nên gập ghình, có thể dở lên đặt xuống dễ dàng. Phải có ít nữa là hai người ngồi đối diện và để úp bàn tay lên mặt bàn. Trong chừng 10 hoặc 15 phút, chiếc bàn bắt đầu chuyển động. Đó là triệu chứng có một Đấng Thiêng Liêng giáng điễn, chiếc bàn bắt đầu dở lên đặt xuống.

Chiếc bàn chuyển động thế nào mà thành chữ?

Có một khẩu ước ở giữa Đấng vô hình và hai vị Đồng Tử: Nhịp một lần là "A", hai lần là "Ă", ba lần là "Â", bốn lần là "B", và cứ thế mà tiếp diễn đến 24 chữ cái. Trong khi chiếc bàn nhịp, hễ ngừng chỗ nào thì người ngồi ngoài biên chữ ấy, chung quy, nhiều chữ ghép lại thành một danh từ, nhiều danh từ ghép thành bài thi Bát cú, Tứ tuyệt, hay tản văn.

Cách xây bàn, lúc đầu thì khó khăn, phải mất nhiều công phu mới nhận được một bài văn. Về sau, Đồng Tử quen tay thuần điễn, sự khó lần hồi hóa dễ. Nhờ vậy nên sự tiếp chuyện với các Đấng Thiêng Liêng càng ngày càng mau lẹ, chắc chắn và rõ ràng.

Một hôm, có lẽ là đêm 10-6 Ất Sửu (1925) có một vị đến tự xưng là Đoàn Ngọc Quế, cho một bài thi như sau:

"Nỗi niềm tâm sự tỏ cùng ai?
Mạng bạc còn xuân uổng sắc tài?
Những ngỡ trao duyên vào Ngọc các,
Nào ngờ phủi nợ xuống Tuyền đài.
Dưỡng sanh cam lỗi tình sông núi,
Tơ tóc thôi rồi nghĩa trúc mai.
Dồn dập tương tư oằn một gánh,
Nỗi niềm tâm sự tỏ cùng ai?"

Sau rõ lại, Đoàn Ngọc Quế là biệt hiệu của Bà Thất Nương Nữ Phật Diêu Trì Cung. Từ đó về sau, Cửu Vị Nữ Phật thường giáng đàn, dùng lối văn: vừa hay, vừa vui làm cho người nghe ham mộ, theo học mà không chán.

Nhờ vậy nên về sau những vị Đồng Tử nầy trở nên đắc dụng trong sự lập Đạo, truyền giáo.

Đến một đêm kia, thình lình có một Đấng giáng đàn với một Thần điễn phi thường và tự xưng là: AĂÂ, và dùng lối văn nói trên để dạy. Về sau, chúng tôi hiểu ra thì AĂÂ, chính là Đức Cao Đài THƯỢNG ĐẾ. Đức Ngài nói rằng:

"Ta phải hạ mình làm một Chơn linh thường, để cảm hóa các con".

Thiết tưởng lúc đó, Đức CHÍ TÔN tiết lộ cho chúng ta biết rằng Đức Ngài là THƯỢNG ĐẾ thì ắt chúng ta không dám lân la, học hỏi.

Mãi đến ngày 30 tháng 10 Ất Sửu, nhằm ngày 15-12-1925 Dl, Đức CHÍ TÔN dạy phải lập bàn Vọng Thiên cầu Đạo và dùng lối Phò Cơ để tiếp xúc với Đức Ngài.

 

Hình Đại Ngọc Cơ

 

Hai vị Đồng Tử cầm hai bên miệng giỏ, trong giây phút thì có một Đấng Thiêng Liêng giáng điễn huy động và viết ra chữ.

Giỏ Ngọc Cơ đương bằng tre; cần bằng cây Dương Liễu hay cây Dâu, đầu chạm hình chim Loan. Cây cọ bằng cây mây, dùng viết chữ xuống mặt bàn cơ. Người đứng ngoài có thể đọc chữ được.

Đêm 24-12-1925, là ngày Chúa Jésus Christ giáng sanh mở Đạo bên Thái Tây, Đức CHÍ TÔN giáng cơ dạy rằng:

"Ngọc Hoàng Thượng Đế viết Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát giáo Đạo Nam Phương".

THI:

"Muôn kiếp có ta nắm chủ quyền,
Vui lòng tu niệm hưởng ân Thiên.
Đạo mầu rưới khắp nơi trần thế,
Ngàn tuổi muôn tên giữ trọn biên".

Đến đây, chúng tôi mới hiểu rằng phong trào phò cơ, chấp bút, xây bàn trước kia là tiên triệu (signes précurseurs) cho một nền Tân Tôn Giáo xuất hiện tại xứ Việt Nam.

Sánh với các Tôn giáo xưa thì Đại Đạo phát huy với một cách phi thường, làm cho thế nhơn khó nhận thức.

Vả lại, các Tôn giáo thời xưa đều do một Đấng đại hùng đại lực xả thân cầu đạo, cho đến khi đắc thành Chánh quả đem sở đắc của mình mà dạy đời; nhơn đó, người đời tôn Đấng ấy là Giáo Chủ của mình. Vậy Đạo tự nhiên mầu nhiệm nương chỗ hữu hình của vị Giáo Chủ mà biểu dương Chơn lý. Người thế nhơn theo cái hệ thống "từ hữu vi đến vô vi" ấy mà quan sát nhận thức đạo mầu thì dễ dàng hơn. Còn ngược lại, nền Đại Đạo lại do Đấng Giáo Chủ Thiêng Liêng và dùng huyền diệu Tiên gia để lập Đạo, truyền giáo. Vậy Đạo tự nhiên nhiệm mầu lại theo vô vi mà chuyển biến ra hữu hình. Cái hệ thống "Siêu ý thức'' này làm cho người thế nhơn khó nhận chơn. Đó là nguyên nhơn ngờ vực của người đời, khi Đại Đạo mới xuất thế.

Chúng tôi đã có theo học với Cơ bút từ buổi đầu, cho nên ngoài đức tin truyền thống, chúng tôi còn tin tưởng rằng:

Khi cầu cơ thì có một Đấng Thiêng Liêng giáng điễn, huy động Ngọc Cơ viết ra chữ. Vậy đủ chứng minh rằng: Trong cõi Hư linh có các Đấng vô hình và như vậy thì nơi người ta cũng có Linh hồn. Mà hễ trong cõi Hư linh có Thần linh, trong người ta có Linh hồn tức nhiên phải có một Đấng Cao cả hơn hết sanh hóa các Chơn linh ấy. Chỗ nầy Bà La Môn giáo nói rằng: Một Đại Chơn Hồn sanh hóa các Tiểu hồn khác, tức Thượng Đế sanh hóa muôn loài vạn vật.

Chúng tôi sùng bái Đức Thượng Đế; bài Thánh Ngôn kế đây cũng minh xác điều ấy.

THÁNH NGÔN: "Khi chưa có Trời Đất thì khí Hư vô sanh có một Thầy và Ngôi của Thầy là Thái Cực. Thầy phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sanh Tứ Tượng biến ra Bát Quái, Bát Quái biến hóa vô cùng mà tạo lập Càn Khôn Thế Giái. Rồi Thầy phân tánh Thầy mà sanh ra vạn vật là: Vật chất, Thảo mộc, Côn trùng, Thú cầm gọi là Chúng sanh.

Vậy các con đủ hiểu rằng mỗi vật hữu sanh nơi thế gian nầy đều do Chơn linh Thầy mà ra. Có sống ắt có Thầy, Thầy là Cha của sự sống".

Vậy Đức Thái Cực Thánh Hoàng là một nguồn sống tràn ngập cả Vũ trụ. Muôn loài vạn vật đều bẩm thọ một phần sống của cái nguồn vô biên bao la đó. Đạo học truyền thống của Nhơn sanh xưng tụng Đức Ngài với nhiều danh hiệu: Brahma, Đức Chúa Trời, Thái Thượng Đạo Tổ, A Di Đà Phật và còn nhiều nữa, chúng tôi không biết hết. Mặc dầu, chúng tôi không trông thấy hình dung Đức Ngài, nhưng chúng tôi tin tưởng quả quyết rằng Đức Ngài là Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế viết Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát tức là Đức Thầy của chúng ta vậy.

Những lời tiên tri kế đây làm cho lòng tín ngưỡng chúng tôi được sáng thêm và kiên cố hơn.

1.- Sách "Phật Tông Nguyên Lý" chép rằng: Khi Đức Thích Ca viên tịch, đệ tử của Ngài là A NAN ĐA rơi lụy mà hỏi rằng:

- Khi Tôn Sư nhập Niết Bàn rồi ai dạy bảo các con?

Đức Phật đáp: "Ta chẳng phải vị Phật đầu tiên, hay cuối cùng, ngày giờ đến, sẽ có một Đấng khác xuất hiện cứu đời, một Đấng Chí Thánh, một Đấng Đại Giác, cực kỳ cao thượng, một Đấng dẫn đạo vô song, một Đấng Chúa Tể Thánh Thần và loài người, Đấng ấy sẽ truyền dạy các con một mối Đạo: Vinh diệu buổi sơ khai, vinh diệu buổi thạnh hành, vinh diệu buổi kết cuộc, Đấng ấy sẽ xướng xuất một đời sống đạo đức hoàn toàn thuần khiết.

2.- Đạo "MINH SƯ" sáng lập đời nhà Thanh bên Tàu, có hai câu sấm truyền như sau:

Cao như Bắc khuyết Nhơn chiêm ngưỡng,
Đài tại Nam Phương Đạo thống truyền.

Nghĩa là cao như Bắc khuyết, người ta trông lên mà tin tưởng, nơi phát xuất mối Đạo là Nam phương (chỉ vào nước VIỆT NAM) và Đạo liên tục truyền bá là Cao Đài giáo.

3.- Quyển Thanh Tịnh Kinh của Đạo Giáo có câu: (1)

"Thanh tịnh kim hữu vi tích. Công viên quả mãn chỉ thọ đơn thơ. Thiên mạng phương khả truyền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ". Kinh Thanh Tịnh có dấu tích truyền lại rằng: Công đầy quả đủ sẽ lãnh thọ đơn thơ, tức kinh dạy bí truyền. Người có mạng Trời khá nên truyền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. (2)

4.- Minh Thánh Kinh Linh Sơn có câu: "Mạng hữu Cao Đài Minh Nguyệt chiếu" Tá danh Cao Đài, Đức Ngọc Đế giáng trần khai Đạo sáng tỏ như trăng rằm. (1)

5.- Kinh Tỉnh Thế Ngộ Chơn có đoạn: (2)

Mạt hậu kiền khôn đồng nhứt đái.
Thiên môn, vạn giáo cộng qui căn.

Nghĩa là: Sau đời Hạ ngươn mạt pháp, Trời Đất đồng chung một dãy, ngàn môn, muôn giáo, đều trở về một gốc.

Còn một bằng chứng hiển nhiên nữa là lúc bấy giờ, chúng tôi được biết Ngài Đốc Phủ Ngô Minh Chiêu đã có thờ Đức CHÍ TÔN và theo học Đạo từ năm Giáp Tý (1924). Đó là người thứ nhứt được biết Đạo Cao Đài.

(1) Sách Cao Đài Giáo sơ giải chương 21 và 22 của Huệ Lương.
(2) Sách Cao Đài Giáo sơ giải chương 28 của Huệ Lương.

II. ĐẠI ĐẠO XUẤT THẾ

Sự truyền giáo càng ngày càng lan rộng, lúc bấy giờ, người cầm giềng mối Đạo muốn được dễ dàng hơn, cho nên ngày 7-5-1926, họ đệ lên Quan Thống Đốc Nam Kỳ (thời kỳ Pháp thuộc) một tờ khai Đạo có chữ ký tên của 28 vị cầm quyền Đạo và 247 người Đạo hữu. Mặt khác Đức CHÍ TÔN dạy thiết lễ khai đạo chính thức.

Ngày 14-10 Bính Dần, nhằm ngày 18-11-1926, tại Từ Lâm Tự (Tây Ninh) thiết lễ khai đạo rất trọng thể trong ba tháng. Nguyên ngôi Chùa Từ Lâm nầy do một vị Hòa Thượng bên nhà Thiền đứng ra tạo tác mới vừa xong. Khi Hòa Thượng nhập môn rồi bèn cho tạm ngôi chùa làm Lễ Khai Đạo.

Trong ba tháng hành lễ, người cầu Đạo hằng vạn. Đồng thời, Đức CHÍ TÔN lập Pháp Chánh Truyền (Hiến Pháp của Đạo) phong thưởng những người có công quả, tức lập thành Hội Thánh Hiệp Thiên và Cửu Trùng Đài. Đức Ngài dạy Hội Thánh chung lập Tân Luật Đạo. Ba tháng trôi qua, Hội Thánh đã thành lập, pháp luật đã có thì Đạo nghiễm nhiên thành một nền Tân Tôn Giáo, danh gọi là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, có đủ cả lễ nghi thờ phượng, tế tự, có qui điều giới luật rõ ràng và một Hội Thánh cai quản. Sau ba tháng hành lễ tại Từ Lâm Tự, Tòa Thánh được dời về Thánh Địa bây giờ, nhằm ngày 13 tháng 2 năm Đinh Mão (1927).

Nhắc lại: Vị Giáo chủ Đại ĐạoCao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát, danh hiệu ấy ám chỉ rằng: Giáo lý Đại Đạo là qui nguyên Tam Giáo, hiệp nhứt Ngũ Chi mà chúng ta lần hồi giảng giải sau đây.



Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 998 | Tác giả: Tiếp Pháp Trương Văn Tràng