× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Giáo Lý

Giáo Lý


Thượng Thừa

  1. Minh tâm kiến tánh
  2. Độ tha

 

CHƯƠNG THỨ HAI
─────────────────────

Thượng thừa là lớp học hành dành riêng cho người có đại chí quyết tâm tu luyện đến mức cao siêu rộng rãi, để độ mình và độ người. Tân Luật Đại Đạo có câu: "Chức sắc truyền giáo từ phẩm Giáo Hữu phải chọn trong hàng Thượng Thừa".

Đức CHÍ TÔN cũng có dạy rằng:

"Ta vì lòng Đại Từ Đại Bi, lấy Đức Hóa sanh dựng nên mối Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, tôn chỉ là cứu vớt kẻ hữu phần vào địa vị cao thượng tránh khỏi số mạng Luân hồi".

Vậy kẻ tu Thượng thừa là người xuất thế, thể hiện một đời sống siêu việt: Vượt khỏi thế tục thường tình, vượt khỏi những thói quen Túy sanh mộng tử, chứng nhận một nếp sống sâu kín tâm linh, làm gương lành cho người đời soi sáng và, chung qui, cần sự giải thoát kiếp sanh tử.

Về Giáo lý, Đức CHÍ TÔN không mở riêng, mà lại qui nguyên Tam giáo, hiệp nhứt Ngũ chi thành một khoa Nhơn sanh triết lý học đại đồng, cung ứng cho tất cả từng lớp Nhơn sanh. Ai cũng có thể theo học được. Đại để như nhà khoa học chỉnh lại đức tin Thượng Đế, còn các nhà tu hành thì gạt bỏ những điều mê tín dị đoan. Đó là Đức CHÍ TÔN có ý nhắc cho nhơn loại nhớ rằng: Tất cả loài người, tuy khác nhau về ngôn ngữ, sắc tộc, màu da, nhưng tựu trung đều là con cái của Đấng Tạo hóa. Tất cả Tôn giáo, tuy bất đồng về lễ nghi hình thức, nhưng tựu trung Đạo nào cũng sùng bái Đấng Cao Cả trong Càn Khôn Vũ Trụ và Tôn giáo nào cũng dạy người ta làm lành lánh dữ. Bài Thánh Ngôn sau đây sẽ cắt nghĩa sự qui nguyên phục nhứt nói trên.

THÁNH NGÔN - "Vốn từ trước Thầy lập Ngũ chi Đại Đạo là tùy phong hóa của nhơn sanh mà gầy ra Chánh giáo là vì khi trước Càn vô đắc khán, Khôn vô đắc duyệt, nhơn loại chỉ hành đạo nơi tư phương mình mà thôi. Còn nay, nhơn loại đã hiệp đồng, Càn khôn dĩ tận thức thì lại bị nhiều Đạo mà nhơn loại nghịch lẫn nhau, nên nay Thầy nhứt định qui nguyên phục nhứt".

Thật vậy, ngày nào người ta nhìn nhau là con một Cha, bạn học một Thầy thì ngày ấy không còn cái vạ kỳ thị Chủng tộc, kỳ thị Tôn giáo nữa.

Cứu cánh của Thượng thừa là tìm gặp lại bổn tánh Trời phú cho người để làm chủ tể cho sự hành động của mình, vì bổn tánh ấy là mạng Trời là Thiên lý hay Đạo mà người phải thể hiện nơi thế gian gọi là Nhơn Đạo (Thiên mạng chi vị tánh, suất tánh chi vị Đạo). Mạng Trời là Tánh, tuân theo Tánh ấy là Đạo.

Muốn giác ngộ bổn tánh phải làm sao?

Đây là một vấn đề mà tập sách nầy sẽ giải đáp. Để trình bày có thứ tự, chúng tôi tạm chia làm hai thiên là:

  1. Minh tâm kiến tánh.
  2. Độ tha.

THIÊN THỨ NHỨT
─────────────────────

Minh Tâm Kiến Tánh

Nguyên điểm tánh Trời phú cho người, hằng ngự trị trong thâm tâm và lúc bấy giờ tánh là bản thể của Tâm, thành thử, Tánh và Tâm tuy có hai danh từ, song sự tác động vẫn một. Kẻ hành giả nên ghi nhớ điểm nầy, hầu sau khỏi phải nhận lầm. Bổn tánh thì hư không linh chiếu, nhưng khi người ta nhập thế cuộc, nhục thân cảm nhiễm mùi trần, sanh lòng ham muốn, kích động đến Tâm làm cho Tánh biến sang nhiều trạng thái khác.

Sách Nhạc Ký chép rằng:

"Nhơn sanh nhi tịnh Thiên chi Tánh; cảm ư vật nhi động, tánh chi dục dã. Vật chí tri tri nhiên hậu hiếu ố hình yên, hiếu ố vô tiết ư nội, tri dụ ư ngoại bất năng phản cung. Thiên lý diệt hỉ, Phù vật chi cảm nhơn vô cùng, nhi nhơn chi hiếu ố vô tiết tắc thị vật chí nhi nhơn hóa vật dã, nhơn hóa vật giả dã, diệt Thiên lý nhi cùng Nhơn dục giả dã".

Nghĩa là người sanh vốn tịnh là tánh Trời phú cho đến chừng người ta cảm nhiễm vật chất mà sanh động là dục vọng của Tánh vậy. Vật đến thì người hay biết, hay biết thì lòng yêu ghét bày ra. Lòng yêu ghét ấy nếu chẳng hạn chế bên trong, để cho sự hay biết chạy rông ra ngoài mà chẳng thâu hồi về bản thân được thì Thiên lý (Thiên tánh) sẽ mất vậy. Vả lại, vật cảm nhiễm người ta thì vô cùng còn lòng yêu ghét của người nếu không hạn chế, không ngăn đón, thì khi vật đến người ta không còn sức tự chủ nữa mà rồi phải hóa theo vật vậy. Mà hễ người hóa theo vật thì Thiên lý diệt, mà hễ Thiên lý diệt thì người ta nguy khốn với Nhơn dục.

Theo lẽ trên mà suy ra: Thiên lý ở trong người thì tịnh, nhưng lòng ham muốn làm cho tánh động và biến sanh nhiều trạng thái khác mang danh là Nhơn dục. Trường hợp nầy nếu người ta không nghĩ lại thì Nhơn dục làm tiêu tan Thiên lý, rồi người ta phải sống theo Nhơn dục. Mà hễ xa Thiên lý thì phải đọa vào phàm trần khổ não.

Thiên lý và Nhơn dục đây Kinh Phật gọi Tâm bất sanh diệt và Tâm năng sanh diệt. Minh tâm, tức là cảm hóa lòng sanh diệt biến thành lòng bất sanh diệt và hàm dưỡng bổn tánh để làm chủ tể của sự hành động, ấy là đem cái lý siêu nhiên vào đời sống thực tại, hoặc nói cách khác là phải tuyệt trừ tất cả tật hư, nết xấu, mê chấp sai lầm như ngã tướng, pháp tướng chẳng hạn. Tâm thanh tịnh thì kiến tánh.

Về phương pháp thực hành, chúng tôi đề cập ba pháp môn là:

GIỚI
ĐỊNH
HUỆ

Trì giới để dìu dẫn Thân Khẩu Ý vào cảnh tịnh. Thiền định để lặng lửa lòng cầu biết tâm năng sanh diệt và bất sanh diệt. Trí huệ để chiếu phá vọng chấp mê lầm. Ấy là phương pháp sáng lòng thấy tánh.

I. GIỚI

Theo Phật giáo, giới cấm có nhiều đẳng cấp: Ngũ giới, Bát giới, Thập giới, Nhị bá ngũ thập giới, Ngũ bá giới cho đến tám ngàn oai nghi, bốn muôn tế hạnh. Tuy nhiều đẳng cấp nhưng tựu trung cũng chỉ làm cho ba nghiệp Thân Khẩu Ý được thanh tịnh mà thôi.

Sau đây là Thập giới:

Ba giới cấm Thân căn   1.- Cấm sát sanh
2.- Cấm trộm cắp
3.- Cấm dâm dục
Bốn giới cấm Khẩu căn   4.- Cấm nói dối
5.- Cấm nói thêu dệt
6.- Cấm nói hai lưỡi
7.- Cấm nói hung dữ
Ba giới cấm Ý căn   8.- Cấm tham dục
9.- Cấm sân hận
10.- Cấm si mê

Ở đây, chúng tôi không bàn đủ Thập giới, vì ba giới cấm về Thân và bốn giới cấm về Khẩu đã nói nhiều trong những trang trước và trong quyển "TRÊN ĐƯỜNG TẤN HÓA". Ấy vậy, nên chúng tôi chú trọng về Ý nghiệp.

8.- CẤM THAM DỤC

Lòng Tham dục vốn thiên hình vạn trạng, nhưng tóm tắt mà nói thì có Lục dục. Bảng thống kê sau đây sẽ trình bày phương thức tổ hợp thành Lục dục:

LỤC THỨC

LỤC CĂN LỤC TRẦN LỤC THỨC
Mắt
Tai
Mũi
Lưỡi
Thân
Ý
Sắc
Thinh
Hương
Vị
Xúc
Pháp
Nhãn thức
Nhĩ thức
Tĩ thức
Thiệt thức
Thân thức
Ý thức

LỤC DỤC

LỤC THỨC LỤC TRẦN LỤC DỤC
Nhãn thức
Nhĩ thức
Tỉ thức
Thiệt thức
Thân thức
Ý thức
Sắc
Thinh
Hương
Vị
Xúc
Pháp
Sắc dục
Thinh dục
Hương dục
Vị dục
Xúc dục
Pháp dục

CHÚ THÍCH BẢNG THỐNG KÊ

Khi người ta nhập Thế cuộc, tiếp xúc với ngoại cảnh thì Lục căn giao tiếp với Lục trần mà sanh ra Lục thức.

Lục thức quay lại giao tiếp với Lục trần mà sanh ra Lục dục, tức lòng ham muốn.

Nên nhớ rằng lòng ham muốn thì kể không cùng; hễ được một thì muốn hai, được hai thì muốn bốn v.v... Ngạn ngữ nói "Túi tham không đáy". Chính lòng ham muốn sanh ra tật ích kỷ. Bao nhiêu lợi lộc, danh quyền ở Thế gian đều muốn tóm thâu một mình. Vả lại, người ta là một phần tử trong Vũ trụ. Theo Luật tự nhiên người ta phải sanh hoạt theo Vũ trụ, Đạo lý và phải hòa mình với muôn loài vạn vật trong kiếp sống còn. Nhưng lòng ích kỷ lại khiến người ta bảo thủ riêng tư, mãi rồi phải bị đào thải ra ngoài cái nguồn máy Tấn hóa của Chúng sanh.

Phật cho cõi Trần là bể khổ minh mông, lai láng không biết đâu là bờ bến. Thật vậy, nếu chúng ta ham muốn quá lẽ, quanh năm cứ đồ mưu định kế thâu hoạch vật muốn là một cái khổ rồi. Khi thâu hoạch được thì lại phải lo thụ hưởng, giữ gìn sợ mất. Nếu chúng ta theo đó mà suy rộng ra thì thấy lòng Nhơn dục gây phiền não cho người là bao nhiêu.

Bổn tánh ở phía sau Nhơn dục, cho nên kẻ học muốn giác ngộ Bổn tánh thì phải hồi hướng về nội giới, vượt qua tất cả những hình danh sắc tướng như phiền não chẳng hạn, vượt qua và vượt qua mãi đến cõi lòng chưa phát động thì mới thành chánh quả.

Nên nhớ rằng vật chất hay làm cho sự hiểu biết của người ta sai lạc, như Đạo Đức Kinh chương 12 nói rằng:

Năm màu sắc khiến người ta chóa mắt,
Năm âm thanh khiến người ta điếc tai,
Năm vị ăn khiến người ta tê tái lưỡi
Dung ruỗi săn bắn khiến lòng người ta phát cuồng.
Của quý mắt giá khiến người ta hành động sai đạo đức.

Ấy vậy, nên kẻ học phải dày công nội tính tích cực suy gẫm để tránh sự ham muốn sai lầm.

Đức CHÍ TÔN nói: "Tham lam vào Tâm thì Tâm hết Đạo đức, tham lam vào nhà thì nhà hết chánh giáo, tham lam vào nước thì nước hết Chơn trị, tham lam lộng khắp Thế giái thì Thế giới hết Thần Tiên".

Vậy muốn tránh sự tham dục phải làm sao?

Đức KHỔNG PHU TỬ bảo rằng: "Khắc kỷ phục lễ" tức:

Mắt chẳng nên xem sắc vô lễ.
Tai chẳng nên nghe lời vô lễ.
Miệng chẳng nên ăn nói vô lễ.
Thân chẳng nên hành động vô lễ.

Phật dạy: Bất tùy phân biệt, tức chẳng nên chạy theo vật chất để phân biệt chỗ tốt xấu, hơn kém của nó.

Ngoài những lời dạy trên, chúng ta cũng nên lập tâm về phép Tri túc và Bố thí.

Tri Túc.- Tạo cho mình một nếp sống bình thản an vui, không làm việc phi nhân, bất nghĩa để cầu giàu sang danh lợi, không ham muốn việc phù phiếm xa hoa. Mục đích chúng ta là cầu sự giải thoát: Trước là giải thoát ngoài vòng tục lụy phồn hoa, sau nữa là giải thoát sự mê lầm, để rồi hòa mình với Chơn lý. Ấy vậy nên nếp sống của chúng ta thản nhiên điềm đạm đủ ăn no, đủ mặc ấm. Nói rút lại là chúng ta cầu sống với Đạo tự nhiên hơn là sống với phàm trần vật chất.

Bố Thí.- Bố thí nghĩa là cho. Sự cho có hai cách: Thí tài và thí pháp.

Chúng ta tùy phương tiện của mình mà cho người đói khát vật thực, cho người rách rưới áo mặc, cho người đau ốm thuốc men và cũng tùy cơ hội giảng Đạo đức thuyết nhân nghĩa cho người nghe để cho họ hướng thiện làm lành.

9.- CẤM SÂN HẬN

Chẳng những sự thù hằn, nóng giận, oán ghét làm cho tâm thần si mê mà các mối tình khác như: Mừng, vui, sợ cũng làm loạn tâm không ít. Bằng cớ là khi cười quá độ thì cũng chảy nước mắt như khóc. Ấy vậy nên chúng ta chẳng khá để cho thất tình sôi nổi quá mức trong tâm gian.

Ngạn ngữ có câu: "Giận mất khôn". Vả lại người ta nhờ có năng lực trí giác chỉ dẫn đường ngay lẽ phải. Nếu chúng ta để mất khôn rồi thì sự hành động sẽ dở dang, nhơn cách cũng vì đó mà phải sứt mẻ.

Trong giới tu hành, người ta thường bảo: "Đốn củi ba năm thiêu một giờ". Đó là ám chỉ vào công phu tu luyện nhiều năm lần hồi thu lượm những căn lành, đức tốt. Nay vô ý thức để cho lửa giận bừng lên hủy hoại tất cả công đức ấy thì oan uổng biết bao!

Sân hận do tham dục mà sanh, cho nên muốn trừ Sân hận phải ngừa lòng ham muốn.

Xem như khi người ta muốn vật gì thì lòng ham muốn giục thúc người ta phải hành động. Nếu thâu đoạt được vật ấy thì vui mừng rồi lại sợ mất mà phải lo gìn giữ. Trái lại, nếu thất vọng thì đâm ra buồn phiền, oán ghét. Từ lục dục xô đẩy đến thất tình, tâm lý biến thiên không biết bao nhiêu trạng thái. Cái nầy vừa qua thì đã có cái khác ứng tiếp làm cho tâm loạn động chẳng khác gì những làn sóng làm nhăn mặt biển. Trên đường giao tế, đôi khi chúng ta thấy có người đương vui mà bỗng nhiên buồn, đương giận mà bỗng nhiên thương, đương ghét mà bỗng nhiên sợ. Đó là tại người ta chẳng có đủ tinh thần tự chủ, rồi thất tình tùy cơ duyên bên ngoài mà biến hiện. Tâm thần sở dĩ loạn động lắm là vì lẽ ấy.

Theo Chánh đạo, người ta phải tuân theo Mạng Trời mà hành động để tránh khỏi nghiệp quả Luân hồi; nhưng thất tình, lục dục làm loạn Đạo tâm, làm mờ Chơn tánh, khiến cho đời sống bơ vơ: Không biết bám vào đâu để tiến và lui về chỗ nào cho phải Đạo, cũng như chiếc thuyền linh đinh trên mặt biển mà chẳng có kim chỉ nam dẫn đường. Quanh quẩn lắm rồi người ta phải vớ lấy Nhơn dục để làm trự cốt cho hành vi. Trường họp nầy, người ta càng hành động bao nhiêu thì càng tạo bấy nhiêu tội lỗi.

Muốn tuyệt trừ Sân hận phải làm sao?

Phải tập rèn hạnh Nhẫn nhục, Nhẫn nhục không thù oán, nóng giận, Nhẫn nhục không buồn phiền sầu thảm vân vân...

BỒ TÁT nhẫn cũng không nhẫn, nhục cũng không nhục, chỉ để tự tánh thanh tịnh chẳng sanh lòng khởi diệt nên tâm tỏ ngộ.

Cảnh nhục như sừng thỏ,
Nhân tâm tợ huyển bào.
Dụng công phu chớ trễ,
Điều khổ nạn bền tiến,
Chi quấy mà chi phải,
Chẳng hèn cũng chẳng cao.
Giới tham sân muốn dứt,
Lấy trí huệ làm dao.
(Trích trong sách Phật)

Và khi rảnh rang chúng ta cũng nên quán tưởng như vầy: Theo lẽ thường, ai ai cũng muốn cho mình giàu sang, quyền quý lên xe xuống ngựa, hạnh phúc hoàn toàn. Thì chúng ta cũng nên mong ước kẻ thù chúng ta được hưởng sự may mắn như chúng ta vậy. Quán tưởng nầy khi nó nhập tâm rồi thì chúng ta sẽ thương yêu kẻ thù cũng như tự thương yêu mình. Theo lý đương nhiên mỗi tật bịnh đều có một vị thuốc trị. Chúng ta dùng "Thương" để trị "Ghét" thì cũng như dùng thuốc nào để trị bịnh ấy.

Người hành Đạo nên thấy lỗi mình mà chẳng nên thấy lỗi người. Cả thảy lỗi của người không quan hệ đến mình thì chẳng nên cố chấp mà sanh lòng oán ghét. Thấy người lầm lỗi nếu khuyên được thì khuyên còn không thì thôi, chớ chẳng nên quan tâm cố chấp.

Mục đích chúng ta là đào luyện một lẽ sống hòa đồng với cái hòa điệu của Vũ trụ Đạo lý. Nhưng muốn hòa đồng với cái hòa điệu của Vũ trụ, chúng ta bắt đầu điều hòa với sự vật ở gần trước như: Điều hòa thâm tâm, điều hòa tâm lý và sanh lý, điều hòa Thần khí, điều hòa với gia đình và xã hội. Đó là thể hiện cái lẽ "Dữ Thiên địa đồng tham, dữ Vạn vật đồng thể".

10.- CẤM SI MÊ

Cấm si mê nghĩa là không nên để cho mình dốt nát, ngu muội, tối tăm, vô minh.

Đã hiểu bản thể của tâm là điểm Linh quang Trời phú cho người. Như vậy đáng lý tâm phải tự nhiên sáng suốt, chớ tại sao lại bị si mê?

Đành rằng thế, nhưng có điều đáng tiếc là tâm khi bị nhục thân lôi cuốn, khuynh hướng về phàm trần, tâm phải động mà biến sanh trạng thái khác mạng danh là ý thức, ý thức chạy rông theo vật chất rồi sanh ra Tham và Sân là cái mầm làm tâm loạn. Tâm loạn thì che khuất điểm Linh quang rồi, người ta trở nên vô minh, tức là không nhận định Thiên lý và Nhơn dục, rồi cứ theo Nhơn dục mà hành động. Tâm trạng nầy gọi là si mê, tức là tối. Nay muốn hết si mê thì ngay bây giờ chúng ta phải dùng giác ngộ để trị si mê. Hễ giác ngộ thêm một phần thì si mê bớt một phần, giác ngộ thêm hai phần thì si mê bớt hai phần và cứ thế mà tu tập mãi thì có ngày chuyển mê khải ngộ, cũng như chúng ta dùng sáng để trị tối. Sáng càng lan rộng thì tối càng thâu hẹp mãi đến khi sáng hoàn toàn thì hết tối.

Vậy phải làm cách nào đem cái sáng về với tâm?

Lẽ tất nhiên phải học, phải nghĩ, tìm hiểu Chơn lý và làm cho Chơn lý nhập tâm thành năng lực cố hữu của mình. Đó là đem sáng về với tâm. Sáng càng thêm thì tối càng bớt mãi đến sáng hoàn toàn thì hết tối.

Về phương pháp học nghĩ, chúng tôi đề cập một vài cách như sau:

1.-Học với kinh sách

Chọn kinh cao, sách Thánh, mỗi ngày đọc một trang và lưu tâm suy nghĩ, tìm hiểu kỳ được Chơn lý ẩn tàng trong bài sách kinh. Đọc sách và suy gẫm phải đi đôi thì sự học mới có kết quả. "Đọc kinh cầu lý". Nói tỷ chúng ta đọc sách nhiều quá mà không suy nghĩ thì chung qui, chẳng những không ghi nhớ Đạo lý mà có khi hiểu lầm là khác nữa. "Đa thơ loạn tâm". Hoặc giả, chúng ta suy gẫm nhiều quá mà không đọc sách thì tư tưởng không siêu thoát.

Còn một lẽ nữa, chúng ta cũng chẳng khá lãng quên là: Văn tự chỉ ghi chép được những tư tưởng thô sơ, thiển cận mà thôi. Trên đường học vấn chúng ta dùng kinh sách để khỏi màn suy gẫm cho mình, còn biết được Chơn lý là nhờ công phu suy gẫm.

2.-Học với thực tế

Những việc xảy ra chung quanh chúng ta hằng ngày thì phức tạm thật; nhưng việc gì cũng có gốc ngọn, trước sau của nó. Nếu chúng ta chịu khó quan sát nhận thức thì ắt chúng ta sẽ rút được nhiều kinh nghiệm. Hơn nữa cách học nghĩ cần có sự tập trung tinh thần.

Thế nào là tập trung tinh thần?

Tôi đang nói chuyện với anh, đồng thời tôi cũng hiểu biết những điều tôi đã nói: Sự hiểu biết nầy cũng như một người thứ ba vậy. Hoặc giả, khi anh vừa làm việc nầy, vừa suy nhớ việc khác đồng thời lại có một bộ phận thứ ba nữa chứng kiến. Bộ phận thứ ba ấy cũng hay biết những việc anh làm và anh nghĩ. Những tri năng lực tản mác ấy gọi là tinh thần. Nay chúng ta thâu thập tất cả những tri năng lực tản mác ấy thành một khối; đó gọi là tập trung tinh thần. Tinh thần tập trung nầy có một sức mạnh phi thường, nó có thể đánh tan tất cả những ác căn, tà kiến và nếu dùng để giải quyết vấn đề sanh sống hằng ngày thì nó đem lại một sự hiểu biết chơn chánh rộng rãi.

Nếu người ta gom thần về một điểm và lấy nó làm căn cứ thì nó nổi lên những luồng sóng tư tưởng thuộc về một loại đặc biệt. Những tư tưởng nầy không bị những luồng khác cuốn đi, mà lần lần nó chiếm một địa vị ưu thế. Những luồng khác rút đi lần lần tiêu mất. Kế đó bao nhiêu luồng sóng tư tưởng cùng một loại gom về, trong tinh thần chỉ có một luồng sóng tư tưởng.

Ví dụ: Người ta dùng mảnh kiến thâu ánh sáng mặt Trời lên trên tờ giấy, trong chừng giây lát thì tờ giấy phát hỏa cháy.

Ấy lại tại hơi nóng mặt Trời gom thành lửa. Thì sự tập trung tinh thần cũng vậy, nếu kẻ học thâu thập những tư tưởng lại thành một khối tinh thần của mình sẽ đủ sức mạnh đưa chúng ta đến mức thành công.

Tinh thần là sức mạnh Tâm linh, nếu chẳng có nó thì chúng ta chẳng làm được việc cao xa hiển hách. Chúng ta có thể kết luận rằng cái biết của chúng ta đến bậc nào là do công phu tập trung tinh thần mà nên vậy.

Nhờ công phu chuyển mê khải ngộ chúng ta hiểu được thế nào Thiên lý, thế nào là Nhơn dục, khám phá được nguồn gốc năng sanh diệt, và bất sanh diệt, lẽ nào là Chơn, lẽ nào là Vọng. Đây cũng tạm gọi là bước đầu vào pháp môn Minh tâm kiến tánh.

Nhưng còn phải tiến nữa, còn phải thực hành phép Định huệ để thâm nhập vào nội giới tâm linh, bứng gốc, bứng rễ những tật hư, nết xấu, ác căn, tà kiến còn ẩn núp trong chỗ sâu kín.

II. ĐỊNH

Có người không giữ được Chơn tâm thanh tịnh, để cho Vọng tâm phóng túng theo cơ duyên bên ngoài, sanh vật dục thấp hèn; tư tưởng lãng mạn lại đổ tội cho Tâm là một năng lực bất chánh? Đó là một việc lầm lộn. Sự thiệt, Tâm thì huyền diệu lắm. Nếu dùng phàm trí mà phán xét thì chúng ta cảm biết Tâm dường như có, dường như không, thoạt ẩn, thoạt hiện không biết đâu mà lường.

Đức Khổng Phu Tử nói rằng:

"Tháo tắc tồn
Xả tắc vong
Xuất nhập vô thời
Mạc tri kỳ hướng".

Nghĩa là giữ thì còn, bỏ thì mất; ra vào không giờ khắc và cũng chẳng biết ở chỗ nào.

Lục Tượng Sơn, sau khi quan sát nhận xét rồi ngậm ngùi than rằng:

"Các thể khác thì mỗi mỗi đều có hình tướng, duy có Tâm thì không hình; thế mà tại sao Tâm nhiếp được người rất mực?" (Kỳ tha thể tận hữu hình, duy Tâm vô hình, nhiên hà cố năng nhiếp chế nhơn như thử chi thậm).

Bởi Tâm năng biến, năng hóa như vậy, cho nên việc gì cũng biết, việc gì cũng chứa; thành ra Tâm bị thân Ngũ uẩn lôi cuốn khuynh hướng về phàm trần phóng túng theo vật chất, mà biến sanh tình dục như đã nói trước kia và chính đó là khởi điểm mà người ta nhận lầm Tâm là năng lực bất chánh. Nay muốn đem Tâm trở về chỗ tự nhiên của nó thì phải dùng phép Thiền định.

THIỀN ĐỊNH là gì?

THIỀN: Ngoài xa lìa các tướng tâm duyên, các tướng ngôn thuyết, các tướng danh tự (Ly tâm duyên tướng, ly ngôn thuyết tướng, ly danh tự tướng) và đối với ngoại cảnh chẳng khởi vọng niệm, chẳng vướng mắc vật chất. Ấy gọi là THIỀN.

ĐỊNH: Trong thì làm cho Tâm hư không, hư không và hư không nữa cho đến trong Tâm chỉ có một Linh giác là cái Minh đức Trời phú cho người ta mà thôi. Ấy gọi là ĐỊNH.

Tóm lại THIỀN ĐỊNH là một pháp môn làm cho tâm tánh yên lặng, nhưng trong cảnh bất sanh, bất diệt, bất điên, bất đảo ấy lại có một ánh sáng thiên nhiên cảm thông với Trời Đất vạn vật mà quán triệt thế giới vạn hữu.

Hoặc nói: Thiền định là một pháp môn ép buộc Thân tâm chăm giữ giáo điều nghiêm khắc, làm cho tánh mạng thanh thuần và tiến đến một trạng thái minh thanh sáng suốt, cần cho được một sự thông công với Đấng Toàn tri, Toàn năng Tận thiện, Tận mỹ. Hoặc nói rằng làm cho Tiểu Linh hồn của mình đồng hóa với Đại Linh hồn của Vũ trụ là Thái Cực Thánh Hoàng, là nguồn hóa dục vạn vật.

Hoặc nói: Thiền định là phương pháp giải thoát con người ra ngoài sự bó buộc của cái áp lực Nhơn quả Luân hồi, tức đặt đời sống tinh thần ra ngoài ảnh hưởng của giác quan và trở về với Tánh bản nhiên của mình là Mạng Trời hằng ngự nơi chúng ta.

Thiền định nhắm vào mục đích biến hóa tinh thần từ căn bản đến giá trị của chúng ta bằng cách bỏ Nhơn dục theo Thiên lý. Nó không dùng tư tưởng để suy luận, mà chỉ dùng cái "Tịnh" trừ cái "Động" và thâm nhập cho đến chỗ huyền nhiệm sâu xa, thâm trầm linh động, cho nên người ta thường nói: Đạo học là một khoa Tâm lý học uyên thâm. Mã Minh Bồ Tát nói rằng: "Ngọc Ma Ni tuy trong sáng, nhưng nó đã bị bụi dơ che lấp; nếu người ta không biết dùng phương tiện để trau giồi thì ngọc ấy không bao giờ trong sáng". Đó là ám chỉ vào Tâm, tuy Tâm tự nhiên thông sáng, nhưng nó đã bị tình dục che lấp, nó đã bị tư tưởng lãng mạn làm mờ, cho nên chúng ta phải dùng Chánh pháp để lau chùi tắm tưới thì nó mới thông sáng viên dung. Chính Thiền Định là một pháp môn phá vọng, tồn chơn cầu cho Tâm trở lại trạng thái tự nhiên của nó.

Sau đây là phương pháp thực hành:
  1. Chuẩn bị.
  2. Nhập định.
  3. Xuất thiền.

1.- CHUẨN BỊ

a)- Đề phòng Lục giác quan:

1. Xa lánh tất cả Sắc trần thường làm chóa mắt;
2. Xa lánh tất cả Thinh trần thường làm điếc tai;
3. Xa lánh tất cả Hương trần thường làm say mê khứu quan;
4. Xa lánh tất cả Vị trần thường làm tê tái lưỡi;
5. Xa lánh tất cả Xúc trần thường cám dỗ thân phàm; Thân thể tứ chi, xa lánh tất cả những vật quý báu đắc giá và sự săn bắn điền lạp, vì nó hay làm Nhơn tâm phát cuồng;
6. Xa lánh tất cả ý niệm vu vơ, tư tưởng lãng mạn, dục tình phức tạp, cầu cho ý được lặng lẽ hoàn toàn.

Chính sáu giác quan nầy tiếp xúc vật trần, Nhục thân theo đó mà sanh lòng ghét bỏ những vật không vừa ý, và ham muốn những vật thích ý. Ấy vậy nên trước khi vào Thiền người ta phải đề phòng Lục giác quan nầy cho lắm.

Người đời sở dĩ siêu thăng, hay đọa lạc chỉ vì giác quan ấy.

2.- NHẬP ĐỊNH

Bốn việc phải học tập

a. Tư thể
b. Điều hòa Thân thể
c. Điều hòa hô hấp
d. Điều hòa Tâm lý.

a) Tư thể.- Tư thể là cách ngồi Thiền. Từ xưa đến nay, người ta đã chấp nhận phép ngồi Kiết già, Kiết tường, nhưng nếu, vì một lẽ chi mà chúng ta không áp dụng hai phép ngồi nầy được thì cũng nên tạm ngồi xếp bằng hay nằm cũng được; miễn là phải giữ xương sống, đầu cổ được ngay thẳng như vách tường, để cho khí huyết lưu hành và tư tưởng không ngưng trệ.

Nên nhớ rằng: Cách ngồi Thiền phải được tự nhiên nhi nhiên là hơn hết.

b) Điều hòa thân thể. - Mặc dầu ngồi cách nào, hay nằm, kẻ hành giả cũng phải giữ thân thể an tịnh; để cho khí huyết điều hòa. Tay áo phải rộng, lưng quần nới lỏng, buông lỏng thân thể tứ chi, gân cốt, làm cho mọi vật điều qui căn.

c) Điều hòa hơi thở.- Hít vô phải nhẹ nhàng mà dài hơi, thở ra chậm chậm và cứ thế ra hết hơi. Vấn đề hô hấp rất quan trọng, chúng tôi sẽ bàn trong khoản "Dưỡng Khí".

d) Điều hòa tâm lý.- Khắc phục tư tưởng, dục vọng, thâu phóng tâm về chỗ vô vi thanh tịnh. Tâm phải yên lặng như nước hồ thu rồi giữ lấy cái Linh giác của Tâm, để làm chủ tể thân phàm.

Tóm lại: Thân thể, Hô hấp và Tâm hồn tuy chia ba như trên, nhưng sự tác động của ba vật như một. Nói tỉ chạy mệt là việc thuộc về Thân thể, nhưng, dao động đến Hô hấp và Tâm hồn vì thế mà chúng ta phải điều hòa cả ba vật một lượt.

PHƯƠNG PHÁP THỰC HÀNH

Thể theo kinh sách Thiền Tông, Thiền định gồm có sáu phép kể đại lược sau:

1. Sổ tức
2. Tùy tức
3. Chỉ
4. Quán
5. Hoàn
6. Tịnh

1) Sổ Tức - Sổ tức nghĩa là đếm hơi thở. Khi nhập thiền thân tạm an tịnh rồi kẻ học bắt đầu đếm hơi thở của mình. Làm như vậy là thâu phóng tâm, vì Tâm mắc đếm hơi thở thì không chạy rong ra ngoài.

2) Tùy Tức - Tùy tức nghĩa là tập trung cả tinh thần và ý chí và cứ theo sau hơi thở, đó cũng là thâu phóng tâm vậy.

3) Chỉ - Chỉ nghĩa là ngừng tư tưởng cầu cho Tâm an tịnh. Phép "Chỉ" đây cũng như phép Tọa vong của nhà Nho, tức là ngồi quên tất cả mọi sự mọi vật. Nhưng phải ngừa sự hôn trầm, vì thực hành phép "Chỉ" thường hay đưa đến sự buồn ngủ.

4) Quán - Quán nghĩa là xét nét, tức suy gẫm tìm hiểu những lẽ huyền nhiệm của Tâm linh và Vũ Trụ vạn vật. Phép Quán đây cũng như phép tỉnh sát, tức xem xét trong nội giới, trừ bỏ phần vọng, tồn dưỡng phần chơn cầu được phản bổn hườn nguyên tánh bản nhiên. Đây phải ngừa sự tán loạn.

5) Hoàn - Hoàn nghĩa là về, tức làm cho mọi vật qui căn, như Lục căn trở về căn của nó thì không giao tiếp với Lục trần, Lục thức chẳng có chỗ nương để sanh.

6) Tịnh - Tịnh nghĩa là lặng lẽ, tức tâm trở về thanh tịnh vô vi thì chúng ta giữ nó.

Đạo Đức Kinh chương 16 nói rằng:

Thực hành đến chỗ cùng tột hư không là đã đạt được "Tịnh". Hễ vạn vật (Thân khí trí ý) trở về cảnh tịnh, chúng ta cần giữ nó trong căn cội của nó thì đó là Tịnh.

Trí hư cực,
Thủ tịch đốc,
Vạn vật tịnh tác,
Ngô dĩ quan kỳ phục,
Phù vật vàn vàn,
Các phục qui kỳ căn,
Qui căn viết tịnh.

Đại ý nói rằng: Tâm hư không là tịnh; Tịnh thì tạng phủ, Thân, Khí, Trí, Ý đều trở về nơi căn cội của nó, gọi là phục mạng, tức vạn vật trở về với sự sanh hoạt tự nhiên của nó, được như vậy thì tâm thần tiêu diêu tự tại, không điên đảo, không xao lãng. Công phu tu học cốt làm cho sáng Tâm, học giả chỉ sợ Tâm không sáng, chớ chẳng lo sự biến đổi của sự vật. Biết dùng Tâm làm cốt chỉ cho sự học tập thì dù học bao nhiêu cũng chẳng rối mà lúc nào cũng hiệp với cái lý Nhứt quán. Cổ nhơn nói:

Đức có nguồn gốc, học có cốt yếu.
Học qui ở tâm, tâm qui ở tịnh.

Ngừa thái quá và bất cập:

Công phu Thiền định phải ngừa sự thái quá và bất cập.

Tịnh tâm nghĩa là làm cho tâm không, không rồi không nữa cho đến không không. Tuy nói không, nhưng chẳng phải không như cây khô, như đá cục, vì "không như thế là hư ngụy, tức thái quá".

Trái lại, nếu tâm còn có tư lự thì lại thuộc về sắc tướng, tức bất cập. Nên tránh thái quá và bất cập mà phải tìm cho được trạng thái chơn không. Nghĩa là có mà không, không mà có.

Tóm lại, trong khi tọa thiền giữ hơi thở điều hòa, thân thể thung dung, tâm sáng suốt. Lúc nào cũng được thảnh thơi, nội tâm thường an trụ trong cảnh định: Đi cũng định, đứng cũng định, ngồi cũng định. Thường giữ tiết độ điều hòa, điềm đạm, trầm tĩnh. Ấy là kẻ tu hành.

III. HUỆ

Huệ là năng lực trí giác, trí thì biết việc hữu vi, từ ngoài vào trong, nhờ học thức, kiến văn để mở mang: Còn Huệ thì tự nhiên cảm thông mà biết, Trí thì biết từ ngoài vào trong Huệ thì cảm thông từ trong ra ngoài. Cả hai Trí và Huệ dung hợp thành một cái biết quán triệt tinh thần, vật chất. Đức Lão Tử nói rằng:

Thử lưỡng giả đồng,
Xuất nhi vị danh,
Đồng vị chi huyền.
Huyền nhi hựu huyền,
Chúng diệu chi môn.

Nghĩa là hai năng lực nầy đồng do một gốc "Tâm" mà ra, nhưng khác tên: Trí và Huệ, cả hai đều huyền nhiệm; nhưng cái huyền nhiệm trên, tức Huệ là cửa xuất phát mọi lẽ vi diệu.

Chữ Huệ có nhiều danh từ khác nhau như: Thần Lương tri, Minh đức, Trực giác, hay Trí bát nhã, cái biết nầy cao diệu lắm, nhưng lúc nào cũng nhờ cái biết của Trí làm nấc thang cho nó. Kẻ học phải khai hóa cả Trí và Huệ thì cái biết của mình mới đầy đủ. Kinh Dịch nói rằng:

Thần dĩ chi lai,
Trí dĩ tàng vãng.

Nghĩa là Thần (Huệ) vân vân... biết cái chưa học, Trí tích lũy cái kinh nghiệm.

Chỗ biết khác nhau thì phương pháp mở mang cũng không giống, Đạo Đức Kinh chương 48 nói rằng:

Vi học nhựt ích,
Vi Đạo nhựt tồn.
Tồn chi hựu tồn,
Dĩ chi ư vô vi .

Nghĩa là về sự học vấn (tức khai hóa Trí phận) thì càng ngày càng mở mang cho thật rộng, để cầu sự ích lợi, còn theo Đạo thì càng ngày càng giảm bớt sự học, sự nghĩ. Giảm bớt và giảm bớt nữa cho đến không hành động về mặt hữu vi, nhưng về mặt vô vi thì Huệ cảm thông mọi việc.

Chúng tôi thể theo Vương Dương Minh mà luận chữ Lương tri như sau:

Nguyên Lương tri (Huệ) là cái linh lực Trời phú cho người, ai ai cũng có: Nơi Thánh nó không tăng, nơi phàm nó không bớt, nhưng Thánh phàm sở dĩ bất đồng là tại Thánh biết tồn dưỡng; còn phàm làm nó mất đi, Vương Dương Minh nói:

Tuy vọng niệm chi phát,
Nhi Lương tri vị thường bất tại.
Đản nhơn bất tri tồn,
Tắc hữu thời nhi phóng nhĩ.
Tuy hôn tắc chí cực,
Nhi Lương tri vị thường bất minh.
Đản nhơn bất tri sát,
Tắc hữu thời nhi hoặc tế nhĩ.

Nghĩa là: Mặc dầu lòng có vọng niệm, nhưng Lương tri chưa hề chẳng có ở trong tâm, chỉ vì người ta không biết tồn dưỡng, cho nên có lúc buông lung; mặc dầu tâm có hôn mê đến đâu nữa. Lương tri cũng chưa hề chẳng sáng, chỉ vì người ta không nghĩ lại, cho nên có lúc nó mất.

Sở dĩ nói như thế là vì Lương tri (Huệ) ở tận trong cõi lòng chưa phát động, thành thử, người ta có vọng niệm, hay có hôn mê đến đâu đi nữa thì cũng chỉ là tối tăm bên ngoài giác quan mà thôi, chỉ như Lương tri thì chẳng hề xa người ta, nhưng nó không biểu dương ra ngoài là vì người ta không tin tưởng và không tồn dưỡng nó. Đạo Đức Kinh chương 1 nói rằng:

Thường vô dục dĩ quan kỳ diệu
Thường hữu dục dĩ quan kỳ kiến.

Nghĩa là tâm thường chẳng vọng động thì mới cảm biết được cái diệu tức Thần, còn tâm có suy nghĩ, có lo lường thì chỉ biết được kiến chi li, rời rạc mà thôi.

Theo Trang Tử thì kẻ học cứ quên đi (Tọa vong), quên tất cả sự vật bên ngoài; quên tất cả tình cảm, lý tri bên trong quên tất cả cao thấp, quên tất cả cái hơn kém, quên cho đến cái thực tại của mình, quên tất cả những thành kiến, mê lầm. Quên được như thế thì Huệ sẽ xuất hiện làm chủ Tâm gian. Kinh Dịch bảo rằng: "Vô tư giả, vô vi giả, tịch nhiên bất động, cảm nhi toại thông thiên hạ chi cố". Nghĩa là không nghĩ, không làm, yên lặng, không động, cảm thông mà biết mọi lẽ trong thiên hạ.

Đức LÃO TỬ nói rằng:

"Bất xuất hộ, tri thiên hạ.
Bất khuy dũ, tri Thiên Đạo".

Nghĩa là không ra khỏi ngõ mà biết việc thiên hạ, không trông ra cửa sổ mà biết Đạo Trời.

Cái biết nầy là cái biết Trực giác toàn diện, không phân biệt năng tri và sở tri, không phân biệt chủ quan và khách quan, không phân biệt vật bị biết và người được biết, và trong lẫn ngoài hiệp thành một cái biết viên dung.

Tóm lại:

Ba Pháp môn: Giới, Định, Huệ tuy chia ra làm ba, nhưng áp dụng thì một lượt; bởi tu thân, trừng tâm, khai trí đều phải thực hành như nhau, chẳng phải làm việc nầy trước rồi làm việc nọ sau. Nhứt là Định và Huệ phải song song theo nhau. Trái lại, nếu Định nhiều mà Huệ ít thì sanh hôn trầm, còn Huệ nhiều mà Định ít thì sanh tán loạn. Định và Huệ viên mãn công phu thì đạt được phép sáng lòng thấy tánh (Minh tâm kiến tánh).

THẾ NÀO LÀ KIẾN TÁNH?

Kiến tánh nghĩa là thấy tánh, đây không phải dùng mắt phàm trông thấy mà thật là chứng nghiệm chơn như diệu tánh, hoặc nói cách khác là giác ngộ điểm tánh Trời phú cho người: Tức là thông đạt nguyên lý vũ trụ ở trong nội giới và ngoại giới của mình.

Vương Dương Minh nói: "Chủ nhứt" tức chuyên chú gìn giữ Thiên lý. Vạn sự vạn vật đều ở trong lý ấy, nó quán thông tất cả trong ngoài. Lý ấy là mạng Trời, là Đạo; cho nên có câu nói rằng: "Giác nhứt tức Thiên tùng, mê nhứt tức vạn hoặc". Biết được cái Một ấy thì hiểu được muôn ngàn việc khác; mê cái Một ấy thì dốt muôn ngàn việc khác.

Sở dĩ kiến tánh được là khi nào sáng lòng rồi, tức là trong lòng chẳng còn một ý niệm, chẳng còn một tác động tinh thần làm ngăn cách Đạo thể. Cái thái độ thuần túy kinh nghiệm bản thân ấy là cái kết quả quá trình của công phu tự giác.

Kim Cang Kinh nói: "Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhứt thiết kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai". Phàm chỗ nào có sắc tướng đều là hư vọng, cả thảy thấy mà chẳng phải tướng đó là chứng nghiệm tánh Như Lai.

Sách Tiêu Diêu giải rằng: "Người kiến-tánh, trong 12 giờ gặp cảnh thuận nghịch đều an vui tự nhiên, không dời đổi theo hoàn cảnh, tự ý người ngạo báng, ta vẫn như không".

Hư không bốn bể khắp bao la,
Lý Đạo lại càng quá thẳm xa.
Trăng gió năm hồ thường tự toại,
Chào xuân đua nở lập lòe hoa.

(Trích trong sách Phật)

Chu Hải Am lấy chữ Kính làm gốc. Ông nói: "Thu thập tinh thần vào một chữ Kính, trước sau chuyên nhứt thì mới hiểu được Đạo lý".

Kính để giữ tâm tánh, tức có cái chủ tể nghiêm trang ở trong thì công phu hàm dưỡng mới có hiệu quả. Người ta sở dĩ phải giữ sự Kính là vì trong lúc tính thỉnh thoảng nó tư ý đâm ngang ra. Đó là cái thông bịnh của học giả. Vậy phải lấy Kính làm chủ để xét cho kỹ cái mầm của tư ý thường bởi đâu mà sanh, rồi cứ chỗ hệ trọng mà răn giữ lâu ngày thành ra thuần thục thì tự khắc kiến hiệu.

Ông còn sợ người ta chưa hiểu cho nên nói rằng:

"Kính không phải là nghĩ hết mọi sự tư lự, mà chỉ nên tùy sự mà chuyên nhứt, cẩn thận lo sợ, không phóng dật, chớ không phải ngồi yên: Tai không nghe, mắt không thấy, không ứng tiếp sự vật gì".

Kính là chỉnh tề thu liễm thân tâm không dám phóng túng. Theo ý ấy nên ông thường dùng hai chữ TĨNH TỌA để tồn dưỡng.

Lấy Thiên lý mà xem: Có động thì không thể chẳng tịnh; cũng như có tịnh thì không động. Tịnh thì hàm dưỡng, động thì trinh sát. Chỉ có một động một tịnh làm căn bản lẫn nhau. Kính và nghĩa dìu dắt nhau để khỏi cái gì gián đoạn.

Tuy dùng chữ tịnh nhưng không phải như một vật chết. Trong lúc tịnh vẫn có mối động. Cho nên không phải bỏ xa mọi việc, tuyệt giao với mọi vật, nhắm mắt ngồi yên mà chỉ thiên về một mặt tịnh.

Tịnh là khi chưa có vật đã có Kính làm chủ ở trong. Đến lúc sự vật thì cái Thiên lý đặng sáng tỏ ra xem xét càng tinh tường minh bạch. (Nho giáo Trần Trọng Kim)

Kết luận - Sách Trung Dung chương 22 nói rằng: Trong thiên hạ duy có bậc chí Thánh mới có thể biết hết tánh của mình, biết hết bổn tánh mình thì có thể biết hết tánh của người ta. Biết hết tánh của người thì có thể biết hết tánh của vật, như vậy thì có thể giúp vào cuộc hóa dục của Trời Đất. Mà giúp vào việc hóa dục của Trời Đất được thì có thể cùng Trời Đất đứng vào hàng Tam Tài (Thiên Địa Nhơn).

THIÊN THỨ HAI
─────────────────────

Độ Tha

Đến đây chúng ta đã hoàn thành pháp môn Minh Tâm Kiến Tánh, tức tự độ, bây giờ còn phải Độ tha nữa thì mới tròn bổn phận kẻ tu hành.

Công phu "Minh tâm, Kiến tánh" giúp chúng ta mở rộng Đức Từ bi Hỉ xả, Bác ái, Công bình, bây giờ chúng ta đem cái sở đắc của mình để phụng sự chúng sanh, tức thực hành "Độ tha" (Giác tha).

Lòng Bác ái dạy chúng ta thương người, mến vật cũng như thương mến thân thể chúng ta, lẽ Công bình bảo chúng ta đối xử với muôn loài vạn vật đồng đẳng với nhau, bởi vạn vật dữ ngã đồng thể. Vậy việc phụng sự cho Chúng sanh, chúng ta khích lệ trên nền tảng Từ bi Hỉ xả, Bác ái, Công bình, chớ không phải vì ích kỷ, tư lợi. Chư Phật đời quá khứ có Đại nguyện "Độ tận Chúng sanh", chúng ta không được như thế thì ít ra cũng cố gắng, tận lực mình, phổ độ Chúng sanh được bao nhiêu thì nên bấy nhiêu.

Làm lành, lánh dữ thì rộng rãi mênh mông, không biết đâu mà định trước, chúng ta nên lập Tâm theo Phật ngôn rằng:

Chư ác mạc tác,
Chúng Thiện phụng hành,
Tự tịnh kỳ ý,
Thị chư Phật giáo.

Nghĩa là những việc dữ chẳng nên làm, mọi điều lành vui lòng nhận lãnh. Tự mình trừng ý được thanh tịnh. Đó là lời dạy của Chư Phật.

PHỔ ĐỘ

Riêng về người Tín đồ Đại Đạo, Đức CHÍ TÔN đã mở sẵn một con đường "Phổ Độ" tức độ mình và độ người. Hai chữ Phổ Độ ấy đã nói lên trong danh hiệu "ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ".

Sự PHỔ ĐỘ có hai lối: Công truyền và Tâm truyền.

Công truyền - Về phương diện nầy chúng ta nên dùng tất cả thinh âm, sắc tướng để thức tỉnh lòng người khuynh hướng về Đạo đức. Đại loại như: Phô trương nghi tiết, phượng thờ tế tự, dùng văn chương ngôn ngữ giảng Đạo đức, thuyết nhân nghĩa để cảm hóa người nghe khuynh hướng về Chí thiện. Phật dạy rằng kẻ hành giả nên bố thí, hoặc thí tài, hoặc thí pháp, tùy thời Phổ Độ Chúng sanh.

Tâm truyền - Ở đây, không dùng thinh âm, sắc tướng mà kẻ truyền giáo phải thể hiện Đạo đức nơi mình rồi Đạo đức sẽ phát biểu ra tư tưởng, lời nói và việc làm để cho người khác trông gương mà làm theo. Đó gọi là "Bất ngôn chi giáo".

Người truyền giáo mà không được Tâm đắc Đạo đức thì chỉ nói được cái bóng dáng của Chơn lý mà thôi, chớ không bàn được cái thực thể Chơn lý toàn diện.

Độ tha cũng gọi là phổ độ.

Như chúng ta thấy tại Toà Thánh, Hội Thánh cất lập TÒA THÁNH, ở địa phương, Bổn Đạo chung hiệp tạo tác Thánh Thất để sùng bái Trời Phật. Về mặt khác, Hội Thánh lo phổ biến Giáo lý, lại còn thuyên bổ Chức sắc đi khắp các nơi, để giúp cho Đạo Hữu thông hiểu Giáo lý và thể hiện Đạo đức. Việc làm tuy phô diễn hình thức, nhưng tựu trung đều nhắm vào hai chữ Phổ Độ.

Tại sao chúng ta phải phục vụ Nhơn sanh?

Đã biết rằng cả Chúng sanh đồng học một THẦY là Đấng CHÍ LINH, cả Chúng sanh đều ở chung một Đại Gia đình là Vũ trụ và cả Chúng sanh đồng đi với nhau một đường về với Cội sanh mình là Đức CHÍ TÔN. Vì sự ăn chung, ở lộn với nhau như thế mà cả Chúng sanh phải nương nhờ lẫn nhau, thành ra một cuộc vay trả, trả vay vô cùng tận.

Đại lược như: Từ buổi cấu tạo hình hài trong thai bào, mỗi Chơn hồn đều đã có mang một mối nợ tiền khiên (nợ các kiếp trước). Đến lúc chào đời, lại còn nặng nợ xã hội nhơn quần, như cung cấp cho thức ăn áo mặc, nhà ở vân vân... Đó là sanh nghiệp mà nhơn loại nhờ vã lẫn nhau. Lại còn kinh điển lưu truyền từ đời kia, sang kiếp nọ, chỉ rõ con đường giải khổ đặng trở về nẻo Cực Lạc, đó là chưa kể những nghiệp quả riêng của mỗi người. Bởi nợ vay trả, trả vay ấy, cho nên mỗi người trong chúng ta chẳng có quyền sống riêng cho mình, mà ngược lại, phải đem mảnh thân nầy phụng sự cho chúng sanh, hoặc bằng cách nầy, hay phương khác. Rảnh nợ nhơn quả thì mới mong giải thoát kiếp Luân hồi.

Vậy phụng sự cho chúng sanh là phận sự của mỗi người, chớ chẳng phải làm ơn, làm nghĩa cho ai. Ấy vậy nên công làm của chúng ta không cần đáp ơn; không cầu tiếng khen. Vui làm nghĩa vụ, còn kết quả thì hiến dâng lên Đức CHÍ TÔN, sung vào cái kho vô tận tự nhiên là nơi muôn loài vạn vật bám lấy, để sanh tồn và Tấn hóa.

Theo tài liệu khảo cứu thì chúng ta hiểu rằng: Chẳng có việc gì ở Thế gian mà Đức CHÍ-TÔN không hay biết, như Kinh Thi có câu:

"Hoàng hỉ Thượng Đế,
Lâm hạ hữu hách,
Giám quan tứ phương ".

Nghĩa là Đức Thượng Đế rất rộng, rất lớn, soi sáng khắp cõi Hạ Giới, xem xét cả bốn phương.

Ấy vậy chúng ta đừng lầm tưởng việc làm lành của chúng ta Trời không biết. Thế thì công làm lành của chúng ta có uổng đâu?

Còn một điều nữa, kẻ học cũng nên lưu tâm cẩn mật là "thử thách". Theo lý đương nhiên, mỗi học sinh đều phải chịu khảo thí để minh chứng học lực. Thì tu sĩ cũng vậy, nghĩa là kẻ học đạo cũng phải chịu thử thách để minh chứng tài đức của mình.

Cổ nhơn còn lưu truyền sự thử thách ấy trong Kinh điển rằng: "Vô ma khảo bất thành Đại Đạo" Nghĩa là không ma khảo thì Đại Đạo không thành. Hoặc nói rằng: "Đạo cao nhứt xích, Ma cao nhứt trượng. Đạo cao nhứt trượng, Ma thượng đầu nhơn". Nghĩa là Đạo cao một thước thì Ma cao một trượng, Đạo cao một trượng thì Ma lên khỏi đầu người.

Có người than rằng: Làm lành mà chẳng thấy phước, trái lại còn bị tai ương. Biết đâu, đó là những việc thử thách, chúng ta chớ nên ngã lòng thối chí. Bền lòng tu tập thì có ngày sẽ thấy quả lành.

TỔNG KẾT

Đức Thượng Đế tá danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát Chưởng Giáo nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Thánh danh ấy nói rằng học lý của Đại Đạo là Qui nguyên Tam Giáo, còn thực hành thì căn cứ theo Ngũ chi Hiệp Nhứt, nghĩa là khi mới nhập môn thì thể hiện Nhơn Đạo, rồi tiến lên Thần Đạo, Thánh Đạo, Tiên Đạo và Phật Đạo.

Nguyên giáo lý của Tam Giáo và Ngũ Chi Đại Đạo đã phổ truyền khắp Năm châu tự ngàn xưa. Dân tộc nào cũng nương đó làm nấc thang tiến hóa của mình. Nay Thế giới thông đồng khách Năm châu tới lui, lui tới với nhau như người một nhà. Đức Chí Tôn Qui nguyên Phục nhứt Tam Giáo Ngũ Chi thành một nền Nhơn sanh triết lý học đại đồng, ai ai cũng có thể theo học được. Nhà khoa học nên chỉnh đốn lại lòng tín ngưỡng; nhà Đạo học nên gạt bỏ những điều mê tín dị đoan, rồi mỗi người cố gắng thực thi cái thuyết Nhơn sanh triết lý học nói đây thì có ngày cả loài người đồng có một tâm lý là điều kiện rất cần để thông cảm ở giữa người nầy với kẻ nọ trên đường giao tế. Thiên hạ thái bình là lời cầu nguyện hằng ngày của người Tín đồ Đại Đạo.

Đức CHÍ-TÔN là Đấng Thiêng Liêng, đại diện cho nền Tân Tôn Giáo nầy, Đức Ngài lập ra một Hội Thánh gồm có ba đài là:

  • Bát Quái Đài,
  • Hiệp Thiên Đài,
  • Cửu Trùng Đài.

Mỗi Đài có nhiệm vụ riêng như đã nói trong chương III, phần thứ nhứt. Còn toàn thể Hội Thánh thì có phận sự phổ độ chúng sanh.

Người theo học chia ra hai bậc là Hạ thừa và Thượng thừa, Hạ thừa học hành Nhơn Đạo để hoàn thành bổn phận làm người. Thượng thừa học hành Thiên Đạo để tự độ và độ tha. Phương pháp tu hành Hạ thừa khác với Thượng thừa về phần hình thức, nhưng tôn chỉ thì cả nhị thừa đều lấy Đạo Trời làm khuôn thước để sửa Đạo người, hoặc nói cách khác là hiện thể Chơn lý thành những bổn phận làm người tại thế gian.

Mục đích Đại Đạo là làm cho nhơn thế biết đâu là Thiên lý đâu là Nhơn dục và lần hồi bỏ Nhơn dục để sống với Thiên lý là Đạo tự nhiên đưa người đến chỗ thanh cao giải thoát.

Kẻ Tín đồ phải xa lánh nhứt là sự ham muốn phàm trần cầu thỏa mãn nhục thân mà cũng không nên ham muốn thần thông biến hóa để lòe người phàm tục nữa. Ngược lại phải tạo cho mình một đời sống siêu việt, vượt ngoài sự ô trược của nhục thân, vượt ra ngoài sự ích kỷ hẹp hòi và nhứt thiết phải thật thà khiêm cung và phải có sự hoài bão xuất thế của Lão Trang và giải thoát như Phật Giáo.

Viết xong tại TÒA THÁNH TÂY NINH.
Tháng giêng năm Giáp Thìn (1964)
Soạn giả: Tiếp pháp TRƯƠNG VĂN TRÀNG

 

 

 


)
)(
__)_(__

__(_____)__
(((_________)))
) ׀ (


Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 773 | Tác giả: Tiếp Pháp Trương Văn Tràng