× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Giáo Lý

Giáo Lý


Tựa và Lời Giới Thiệu


 

CẦU NGUYỆN

Nam mô nhứt nguyện Đại Đạo Hoằng Khai
Nam Mô nhì nguyện Phổ Độ Chúng Sanh
Nam Mô tam nguyện Xá Tội Đệ Tử
Nam Mô tứ nguyện Thiên Hạ Thái Bình
Nam Mô ngũ nguyện Thánh Thánh An Ninh.

 

NAM MÔ

Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát
Trương Tiếp Pháp thành tâm cầu nguyện

 



ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ PHỔ ĐỘ
( Tam Thập Bát Niên )
TÒA THÁNH TÂY NINH
 
HIỆP THIÊN ĐÀI
Văn Phòng THƯỢNG SANH
Số : 174/VP

CHỨNG CHỈ

Quyển sách Giáo Lý ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ nầy đã có Hội Thánh kiểm duyệt về mặt Tôn Giáo, cho phép xuất bản và ban hành trong nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

 

Tòa Thành, ngày 25-8 Kỷ Hợi
( Dl. 26 - 9 -1959)
T.M HỘI THÁNH
THƯỢNG SANH

(Ký tên và đóng dấu)

 


T ự a

Của Giáo Sư NGUYỄN ĐĂNG THỤC
Khoa Trưởng Đại Học Văn Khoa Sài Gòn


Sự xuất hiện của Đại Đạo Cao Đài ở miền Nam Việt-Nam cách đây chưa đầy nửa thế kỷ, mà sức cảm hóa lan tràn mau lẹ; Tín Đồ Nam, Trung, Bắc lên đến hàng triệu, thực là một hiện tượng tâm lý xã hội hết sức lạ kỳ. Đấy chẳng phải nhờ tài truyền giáo của người mà là một năng lực huyền diệu tâm linh, như là ba động, gọi là ba động theo định luật " Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu " vậy.

Một Đạo sĩ danh tiếng Ấn Độ bảo : " Nếu ai ngồi trong hang núi hẻo lánh ngày đêm tâm tâm niệm niệm một ý niệm, ý niệm ấy sẽ tập trung hết năng lực tinh thần trở nên một lý-tưởng-lực xuyên sơn quá hải, như một điện lực tràn vào xã hội, tìm nhập vào tâm hồn đồng điệu như tia chớp bắt vào ngọn thu lôi mà ảnh hưởng khắp cả ".

Đạo Cao Đài ngày nay mà giáo lý cơ bản là tinh thần tổng hợp " Tam Giáo Đồng nguyên " vốn đồng điệu với tâm hồn nhân dân nông nghiệp Việt Nam. Cái điệu nhạc tinh thần ấy vốn gốc rễ sâu xa trong tinh thần truyền thống dân tộc, cho nên một giáo sư Pháp trường Viễn Đông Bác Cổ, Mr. Durand đã nhận xét về tâm hồn Việt Nam rằng :

" Nói rằng tâm hồn Việt Nam do một tồng hợp ảnh hưởng của ba hệ thống " Nho, Phật, Lão, chi phối thực là một điều đã trở nên điển hình vậy ". Maurice Durand Bulletin Etudes - Indochinoises - Saigon 1953.

Nhưng sự thật tín đồ Cao Đài đại đa số là nông dân mà nông dân thì không có học, cho nên họ bảo họ chịu ảnh hưởng của ba hệ thống tư tưởng bác học chính yếu Á Đông thì cũng khó hiểu. Xét kỷ, trước khi có ba hệ thống trên du nhập vào đất cố đô của nòi giống Việt là đất Giao Châu ( Bắc Việt ) thì ở đấy như các nhà khảo cổ đã khia quật tại Thanh Hóa và Bắc Ninh hai di tích văn minh là văn minh Đông Cổ và văn minh Cổ Mộ. Đông Cổ tượng trưng cho tín ngưỡng Hồn nước linh thiêng và Cổ Mộ đại diện cho sùng bái hang động thiêng liêng. Cả hai khuynh hướng đã sẵn chung một cơ sở " Linh " từ Tổ Tiên cho đến Thần Tiên. Do đấy mà nhân dân Việt Nam " Sống trong Siêu Nhiên " ( Vit dans le surnaturel ) Croyances et Pratiques Religieuses des Vietnamiens - E.F.E.O Paris như Linh Mục Leopold Cadière đã kết luận hay là như Alfred Meynard đã nhận định : " Người Đông phương đã đem vô hình vào đời sống hằng ngày của họ. " ( L'Oriental a fait entrer l'invisible dans son existence quotidienne ) Extrême - Renue Indochinoise -Mai 1928

Chính đấy là nguồn gốc sâu sa của tín ngưỡng Cao Đài hợp Đời với Đạo vào một nguồn tâm linh :

 

" Đời, Đạo nên lo nối bước theo,
Đời không Đạo Đức chịu mang nghèo;
Đạo, Đời tương ứng thành an trị,
Đời, Đạo thấp cao cũng rán trèo.

Đại Thừa Chơn Giáo.

 

Nhưng tín ngưỡng Cao Đài sau khi thâu hóa ba hệ thống Giáo lý căn bản Đông Phương và thống nhứt vào tín ngưỡng Tâm linh truyền thông dân tộc, đã luôn luôn trung thành với tinh thần Đạo học Đông phương là Giác và Tin, chẳng phải mê tín như Thầy cảnh tỉnh :

 

Tiếng chuông khải ngộ thức hồn mê,
Trống đổ kêu mau kíp trở về;
Giác thề hồi tâm hành hướng thiện,
Mê nơi cõi tục khổ trăm bề.
Tiếng Trống Giác Mê

 

Cũng vì mục đích Giác Mê mà Cụ Tiếp Pháp Trương văn Tràng đã cố công soạn ra tập sách " Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Giáo Lý " nầy rất công phu, có mạch lạc thứ tự, đã giản dị lại thâm thúy, hơn nữa tất cả giá trị không ở tại công trình nghiên cứu mà còn là kinh nghiệm bản thân tu luyện suốt một đời của tác giả, thực đáng là những bài học Đạo đức sống, linh động cho kẻ học Đạo vậy.

Cụ đã quá yêu, có nhã ý cho phép tôi đề tựa. Tựa thì tôi đâu dám, bất quá có vài lời phụ họa để khỏi phụ lòng tri ngộ của một bậc lão thành vậy.

 

NGUYỄN ĐĂNG THỤC
Gia Định, ngày 5-9-1964.

 


 

Lời giới thiệu

Của Ông TRINH TƯỜNG
NGUYỄN LƯƠNG HƯNG


Thời đại hiện nay biểu dương một nền văn minh cực kỳ xảo diệu, lôi cuốn con người vào một viễn tượng hưởng lạc có khuynh hướng về vật chất. Nền văn minh nầy phát huy được mọi khả năng của con người định nghĩa như là một khả thể ( Possible ) hoàn toàn vượt hẳn lên trên loài thú cầm với tính cách " Linh ư vạn vật ". Do đó nó đã đưa con người gần tới một cuộc sống liên hệ mãnh liệt với vật chất xa hoa.

Triết lý hiện đại định nghĩa con người như một tinh thần nhập thể tại thế, hơn thế nữa, một chủ thể tự do có ý thức về mình và về tha nhân, mà danh từ thông thường được gán cho nó là " Nhân vị ".

Xét như vậy, triết lý hiện đại được coi như một sinh hoạt tinh thần thoát thai từ cái nền văn minh khoa học duy lý đã chấp nhận con người trong yếu tính chủ thể và tự do của nó, nghĩa là vượt lên trên cái thể xác phàm trần của nó, con người còn là một cái gì linh diệu thâm viễn. Điều đó phải chăng đã được mặc nhiên động cập đến tôn giáo.

Cái đà tiến bộ vật chất văn minh ngày nay đã làm nẩy sanh nhiều chủ nghĩa, học thuyết, những chủ nghĩa đã va chạm nhau, những học thuyết đã đụn độ nhau. Và dù va chạm, đụng độ để tiến tới những nấc thang hoàn hảo chăng nữa, con người vẫn bị gian cầm trong những bộ máy kinh tếkhổng lồ khó hiểu, con người vẫn cảm thấy lạc lỏng thất vọng vi những tranh chấp quyền lợi càng cam go hơn. Con người hiện tại bị đặt trước những bức tường phi lý ( murs abourdes ) và do đấy phản ứng hoàn cảnh của nó trở nên nguy hiểm cho đạo lý luân thường.

Đã đành bên cạnh những hoạt động thiên về đời sống vật chất vẫn có những hoạt động thiên về tinh thần đạo lý. Nghĩa là đã có nhiều tôn giáo được tổ chức ngày càng hoàn bị để điều hòa cuộc sống con người, để nhắc nhở " quê hương đích thực " của nó. Suy xét rằng các tôn giáo đó đã đến lúc không còn ranh giới nữa vì rằng nhân loại ngày nay dường như đã liên lạc với nhau như người trong một nước, vì quả đất cũng chỉ còn như một đơn vị làng mạc nhỏ bé, khiêm tốn.

Cao Đài giáo xét như một Tôn giáo tổng hợp đã qui định những tôn giáo chính thống trên một căn bản chung và đặt giữa chúng nó những liên hệ tương xứng như muốn xác định rằng các tôn giáo chỉ là những lối thể hiện khác nhau của cùng một cái Đạo duy nhứt, vĩnh tồn.

Cao Đài giáo lại còn là một Tôn giáo thiêng liêng trong từng giờ phút của nó. Đó là tính cách huyền diệu cơ bút, một hiện tượng kỳ diệu nói lên sự mặc khải của Đấng Thượng Đế trọn lành vì lòng Đại Từ Bi mà giáng cơ xuống trần để cứu độ nhân sanh.

Trước đây thời kỳ huyền khuyết đã bị đẩy lui để nhường chỗ cho thời kỳ khoa học. Nhưng ngày nay qua Cao Đài giáo, phải chăng khoa học và huyễn khuyết hay đúng hơn Tôn Giáo với tính cách mặc khải cụ thể của nó, đã nhìn thẳng vào nhau để xướng khải một viễn đồ văn minh tu sĩ cho nhân loại đại đồng sau nầy.

Đã đến lúc tôn giáo phải được xác định như một khoa học - Một khoa học siêu hình. Hay nói tắt : Tôn giáo chính là một siêu khoa học vậy.

Về phương diện giáo lý, Cao Đài giáo chỉ là một tổng hợp Tôn giáo đặt trên căn bản " Tam Giáo Đồng Nguyên, Phục Nhất Ngũ Chi " đặc biệt phối hợp với Thánh Giáo ( Messages ) mà trong đó, đa số là những bài văn thơ bao hàm những ý nghĩa thâm viễn linh diệu vượt ra ngoài khả năng lĩnh hội của con người.

Thế nên, thực hiện một hệ thống Cao Đài Giáo Lý quả là một công trình cực kỳ khó khăn, nhất là trong thời kỳ nền Đạo còn đang ở trong một hoàn cảnh chưa an thịnh.

Tuy nhiên, xuyên qua tác phẩm, Trương Ngài Tiếp Pháp đã biểu lộ một cố gắng cụ thể trong ý hướng trình bày những nét căn bản về sự hình thành của Đại Đạo cũng như về giáo lý xác định như một tổng hợp của ba nguồn học thuyết Đông phương truyền thống : Nho Giáo, Đạo Giáo, Phật Giáo.

Đây quả là một công trình khảo cứu rất hữu ích cho những ai muốn tìm hiểu chơn lý. Nó lại càng bổ ích hơn nữa cho những hành giả để suy niệm càng thực hành một tu pháp hợp với trình độ tiến hóa của thời đại ngày nay.

 

Viết tại MINH HƯNG TRUNG HỌC ĐƯỜNG
Ngày 18-8-1964
Tiết Xử Thử : 11-7 Giáp Thìn.

 



Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 994 | Tác giả: Tiếp Pháp Trương Văn Tràng