× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Giáo Lý

Giáo Lý


PHỤ LỤC I: HƯỜN NGUYÊN TAM BỬU

Lời giới thiệu của Đạo Trưởng HUỆ LƯƠNG

Hườn nguyên Tam Bửu


LỜI GIỚI THIỆU
Của Đạo Trưởng Huệ Lương TRẦN VĂN QUẾ

Trong việc tu hành xưa nay phần cốt yếu là đức tin và công quả. Nhưng trong thời gian ma tâm trác tánh, tu công bồi đức nếu gặp đặng những sách vở, kinh sám thích ứng để tu học, để mở rộng kiến văn thì người tu sẽ tự mình rút ngắn con đường của mình đi vậy. Nói một cách khác nhờ kinh sách để học hỏi người tu tự mình biến lối tu tiệm giáo là lối tu dần dần, lối tu đi vòng của người thường thất học ra lối tu đốn giáo là lối tu tắt, lối tu đi theo đường ngắn của một thức giả. Điều ấy rất cần vì lẽ sanh tử bất thường người tu lúc nào cũng phải tìm cách tranh thủ thời gian.

Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là một Tân Tôn Giáo ra đời đến nay chưa qua nửa thế kỷ. Trong thời gian ấy, Đạo Trời phải trải qua hai giai đoạn: Giai đoạn thứ nhứt gồm mấy chục năm đầu là thời kỳ tu phước mà trọng tâm là sự phổ độ chúng sanh, tạo dựng cơ sở, xây dựng nền móng về mọi mặt. Giai đoạn thứ hai gồm mười năm trở lại đây là thời kỳ tu huệ mà trọng tâm là sự tu tâm luyện tánh, tham thiền nhập định, luyện đơn nấu thuốc.

Vì lẽ nói trên mà kinh sách nói về Đạo Trời rất ít oi tuy rằng từ buổi sơ khai đến nay những Thánh Ngôn, Thánh Huấn được Ơn Trên ban ra không phải là ít. Nhưng vì thiếu sự thống nhứt tinh thần, cho nên các lời châu, tiếng ngọc ấy đều bị tản mát đi tứ phương và một phần đã bị mai một sau các cơn binh lửa.

Nay, may thay trong cảnh bối rối ấy, giới tu hành theo Đạo Trời đã tiếp nhận được quyển Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Giáo Lý do Ngài Tiếp Pháp Trương Văn Tràng đã dày công soạn ra thì đó hẳn là ngọn đèn rọi đường cho khách lữ hành trong đêm tối: Là cái địa bàn (la bàn) cho ngư phủ giữa cơn dông tố mịt mù ngoài biển khơi.

Ngài Tiếp Pháp Trương văn Tràng hẳn đã thực hiện được việc "Tiên giác hậu giác" đối với các thế hệ người tu trong Đạo Trời. Lời ấy không phải là quá đáng, là vì với tư cách là một trong số Thập Nhị Thời Quân còn lại, Ngài Tiếp Pháp trong quyển sách nói trên đã cống hiến cho độc giả rất nhiều tài liệu quý giá mà người thường không sao tìm thấy được. Các tài liệu ấy sẽ chứng minh một cách xác thực những phần căn bản trong Giáo lý của Tam Giáo nói riêng và của Vạn Giáo nói chung. Vì lẽ ấy mà tôi xin trân trọng có bài giới thiệu nầy.

Làm tại SAIGON, ngày 28-6-1964
HUỆ LƯƠNG

 

)
)(
__)_(__

__(_____)__
(((_________)))
) ׀ (

 

PHỤ LỤC 1
─────────────────────

HƯỜN NGUYÊN TAM BỬU

Tam Bửu là Tinh, Khí, Thần, ba món báu này nếu kẻ học có đầy đủ phước đức, gặp Chơn Sư truyền dạy và cứ theo Chơn truyền ấy thực hành đúng mức thì sẽ Hườn nguyên Tam bửu thành một "Đệ nhị xác thân" mang danh là Chơn thần. Trước khi nói đến phương pháp tu học, chúng tôi xin lược bàn sự cấu tạo Nhơn hình để minh xác Tam Bửu.

Chu Hải Am là một danh Nho Đời Tống (Trung Hoa) sanh vào khoảng 1130-1200 nói rằng:

"Trong khoảng Trời Đất có Lý, (1) có Khí. Lý là Đạo thuộc Hình Nhi Thượng, là gốc sanh vạn vật. Khí là Khí cụ thuộc Hình Nhi Hạ, là đồ để sanh vật. Bởi thế nên người với vật sanh ra ắt có bẩm cái Lý ấy, rồi sau mới có Tánh; có bẩm Khí ấy rồi sau mới có hình". (Thiên địa chi gian: Hữu lý, hữu khí. Lý giả dã Hình Nhi Thượng chi đạo dã, sanh vật chi bản dã. Khí giả dã Hình Nhi Hạ chi Khí dã, sanh vật chi cụ dã. Thị dĩ nhơn vật chi sanh tất bẩm thử Lý, nhiên hậu hữu Tánh, tất bẩm thử Khí, nhiên hậu hữu hình. (Nho giáo Trần Trọng Kim)

(1) Phần lý của Trời Đất ở nơi người gọi là Tánh, chỗ nầy Đức Chí Tôn nói rằng "Thầy phân tánh Thầy mà sanh ra vạn-vật". Danh từ tuy khác nhưng lựu trung vốn một.

Theo lẽ nầy mà suy: Tánh người là Lý của Trời Đất. Lý ấy ở trên cõi Vô cực thì không tên (Vô danh) nhưng khi tác động đến Vũ trụ thì gọi Lý thiên nhiên, hay Lý THÁI CỰC; còn khi tác động đến người thì gọi là Mạng Trời, Thiên Lý, Tánh bản nhiên, hay Đạo. Sách Trung Dung nói rằng: "Thiên mạng chi vị Tánh. Suất Tánh chi vị Đạo". Nghĩa là Mạng Trời gọi là Tánh. Tuân theo Tánh gọi là Đạo. Vậy chúng ta nên nhớ rằng: Mạng Trời, Thiên Lý, Tánh, hay Đạo, tuy nhiều danh từ, nhưng tựu trung có một mà thôi. Thân thể người ta ngoài sự do hình hóa của cha mẹ, còn một phần tinh anh nữa gọi là Khí chất của Vũ trụ cấu thành. Ấy vậy nên châu thân gồm có ba phần chánh là: Nhục thân, Khí phách và Thần hồn. Đạo giáo gọi đó là Tam bửu kể như vầy:

  1. Tinh là phần tinh hoa của Nhục thân (Đệ nhứt xác thân).
  2. Khí là một thứ Hơi (Phách) lưu hành trong Nhục thân, (Đệ nhị xác thân).
  3. Thần là giác tánh của Nhục thân (Đệ tam xác thân).

Tóm lại: Thân thể người ta gồm đủ mọi lẽ huyền diệu của Trời Đất và mọi Khí chất của Vũ trụ (Thái Cực, Âm Dương, Ngũ hành Khí) cấu thành cho nên sách Nho nói rằng:

"Nhơn giả kỳ Thiên địa chi đức, Âm Dương chi giao, Quỉ thần chi hội, Ngũ hành chi tú Khí dã". Nghĩa là người ta là cái đức của Trời Đất, chỗ giao hợp của Âm Dương, tụ hợp của Quỉ thần và Khí tinh anh của Ngũ hành.

Vậy đủ rõ trong số vạn vật, duy nhơn loại là đứng đầu, vì lẽ ấy nên người ta có thể thành Đạo trong một đời tu, nếu người ta thành tâm, thiện chí học tập.

Về phương pháp Hườn nguyên Tam bửu là "Tâm học". Pháp môn nầy phải do Đức CHÍ TÔN, hoặc một vị Tiên Phật truyền dạy mới nên được: Vì thế nên trước khi thực hành Tâm pháp, kẻ học phải tu Tâm, dưỡng Tánh, đến Công viên Quả mãn, nghĩa là công quả nội, công quả ngoại đầy đủ và Tánh bản nhiên có thể cảm ứng với Thái Cực Thánh Hoàng, hay Tiên Phật, để lãnh hội Tâm pháp ấy thì mới được. Lẽ như vậy nên lớp học nầy dành cho một số ít người Đại chí và có đầy đủ phước đức mà thôi.

Vậy trước khi bàn đến phép tu học chúng tôi xin nhắc lại Đức Tin, vì lòng tín ngưỡng là một ngọn đèn dắt đường cho kẻ học.

I. ĐỨC TIN

Ở đây, kẻ học nhứt thiết phải xa lánh những điều dị đoan, mê tín.

Có người vì muốn mau Đắc Đạo, hay ham huyền diệu, rồi mơ màng những việc viễn vong, lại ngộ nhận là Thần Tiên truyền giáo. Đó là điều mê tín phải xa lánh.

Có kẻ nghe những lời phỉnh phờ, gạt gẫm, rồi tin liều, về sau, cái lầm lạc ấy sanh tư tưởng, lời nói và hành động bất chánh. Đó là điều mê tín phải xa lánh.

Kinh Phật dạy rằng: Dùng sắc tướng, mà tìm Như Lai là Tà đạo.

Trái lại: "Nhược kiến chư tướng, phi tướng tức kiến Như Lai". Nếu thấy các tướng mà không phải tướng, đó là thấy Như Lai Tánh.

Đức Thích Ca Mâu Ni Phật dạy rằng: "Các ngươi phải tự mình đốt đuốc lấy mà đi, chớ đừng tin ai cả".

Lại nói rằng: Ngươi chẳng nên tin điều gì mà ngươi chưa nhận chắc là Chơn lý. Mặc đầu lời ấy do ông nào nói, hay biên trong Kinh Sách nào cũng vậy.

Nên hiểu rằng tinh thần Đạo Đức là cái tối quan trọng cho kiếp người. Ấy vậy chúng ta phải học và phải hành thế nào cho đến kinh nghiệm rồi sau sẽ tin tưởng. Và cũng nên hiểu rằng: Dạy đánh đờn thì phải do một vị Nhạc Sư thiện nghệ mới được, cũng như truyền dạy pháp môn "siêu phàm nhập Thánh", tất nhiên phải do Chơn Sư là Tiên Phật, hoặc Đức CHÍ TÔN truyền dạy mà thôi.

II. DƯỠNG TINH

Dưỡng tinh nghĩa là hàm dưỡng tinh ba được đầy đủ trong châu thân.

Tinh là phần tinh hoa của nhục thân, là nhựa sống của vật thể. Ở nơi Thảo mộc, Tinh là một sức mạnh hay đâm chồi, mọc nhánh, trổ lá, đơm hoa. Ở nơi súc vật, Tinh là một sức mạnh năng sanh sản. Ở nơi người, ngoài cái công năng sanh sản, Tinh còn là một chất nước năng hóa khí (Sperme) để bồi dưỡng sức khoẻ và sáng láng tinh thần.

Muốn dưỡng Tinh phải làm sao?

Đạo thơ có câu: "Vô lao nhữ hình, vô giao nhữ tinh" Không nên làm hao tổn thân thể ngươi, không nên giao động Tinh ngươi. Hoặc nói rằng: Muốn dưỡng tinh phải tuyệt dục, những phép tuyệt dục cốt yếu là phải ngăn ngừa dâm niệm ở trong tư tưởng giới, bởi vì dâm căn không phải ở ngoại vật bên ngoài mà thôi đâu.

Như trên đã nói: "Tinh là một chất nước, có thể hóa khí". Đức Thích Ca Mâu Ni Phật có giáng cơ dạy như vầy:

1. Cho hay đạo cả chẳng nhiều lời,
2. Một trận thần thông thấu Đất Trời.
3. Liếc mắt xem qua Cơ Tạo Hóa,
4. Một câu thuận nghịch để muôn đời.

CHÚ GIẢI:

1- Kẻ hành giả phải tịnh khẩu, tịnh thân, tịnh ý, tức Đạo Cả chẳng nhiều lời mà phải đại định.

2- Hễ đại định được thì Tâm thần tương giao, hoặc nói cách khác là Thủy Hỏa ký tế, mà chấn động cả Âm Dương khí (tức Đất Trời).

3- Lúc bấy giờ phải xem chừng cơ Tạo Hóa, để tìm hiểu thời trung, vì Tinh có phát triển đúng mức thì Tinh mới hóa Khí được.

4- Tinh sanh thì phải điều-hành cho nó nghịch chuyển về Nê hườn cung để bổ não. Trái lại, nếu để Tinh thuận hành ra ngoại thân thì Tinh biến thành một chất nước, có thể hườn đặng Nhơn hình, cho nên nói rằng: Một câu thuận nghịch để muôn đời.

III. NUÔI KHÍ

Khí ở trong người có thanh, có trược, có thuần, có bất thuần, cho nên kẻ học phải hàm dưỡng lọc lược nó. Ở đây chúng tôi theo Mạnh Tử mà nghị luận hai chữ Chí và Khí Hạo Nhiên. Nên nhớ rằng Chí và Tánh vốn một, nhưng tùy sở dụng mà có tên riêng như Tánh dùng về mặt tiêu cực để hàm dưỡng, còn Chí dùng về mặt tích cực để điều Khí. Ấy vậy nên Tánh và Chí chẳng phải hai vật.

Khí là gì? Vả chăng, Khí là cái vận dụng của nguyên lý tạo lập Trời Đất, hóa sanh muôn loài, Khí lưu hành khắp Vũ trụ và hễ Khí ngưng tụ thì sanh hình vật. Vạn vật, đến lược nó, trót sanh trưởng rồi, mỗi vật đều có súc tích Khí nơi mình và Khí ấy cũng luôn luôn lưu hành trong cơ thể vạn vật. Muôn loài nhờ đó mà được sanh tồn. Nay như hỏi Khí là gì? Thì Mạnh Tử nói rằng : "Nan ngôn" (khó nói). Tuy vậy, nhưng ông cũng miễn cưỡng giải rằng:

"Kỳ vi Khí giả chí đại, chí cường, dĩ trực dưỡng nhi vô hại, tắc tắc Thiên Địa chi gian". Nghĩa là cái mà gọi là Khí đó rất lớn, rất mạnh, nếu người ta khéo di dưỡng mà đừng làm tổn hại thì Khí có thể đầy khoảng không gian Trời Đất.

Chúng tôi xin trích trong sách "ĐẠI THỪA CHƠN GIÁO" một bài sau đây cầu được rõ thêm ý nghĩa Khí "Hạo nhiên" (Diệu hữu).

"Diệu hữu bắt từ trong Vũ trụ vào trong thân thể con người, lúc mới vừa lọt lòng mẹ, đã buông tiếng khóc. Lúc thai vừa tượng thì đã có một phần Thái Cực, trí nơi Mạng môn. Đến khi con người bước chơn vào Trần thế, tuy chưa đủ cảm giác, chớ Ngũ tạng, Lục phủ đã có sẵn rồi. Hạo nhiên khí do Nê hườn cung chuyển lần xuống tại Tâm. Tử khiếu Huyền quan rồi từ nơi óc não phân phát ra mấy đàng Thần kinh mà chuyển vận trong cơ thể. Từ nơi quả tim theo mạch lạc day trở trong Ngũ tạng, vì từ nơi gốc Huyền quan để giữ tồn sanh mạng của tạng phủ .

Bắt đầu nơi khiếu Huyền quan vận động ra ngoài biến thành Thần lực của người.

Khí ấy, nó rút điễn lực mặt Nhựt vào tì và đem ra ban hành châu lưu khắp phách vía. Ấy là Diệu hữu của Trời xuyên qua vận chuyển lên người mà thành ra Hậu thiên.

Hạo nhiên khí của Trời, theo kim đơn, là pháp thân của Chơn tánh. Khí thuộc Dương, còn điễn sanh lực của người chưa tu đều là Khí Hậu thiên thuộc Âm.

Diệu hữu là một thứ điện quang tinh khiết sự rung động (vibration) vô cùng tận. Muốn thông đồng và thâu nhập được Diệu hữu của các Đấng Thiêng Liêng thì Đồng tử phải có một thứ máy tinh anh và phải thuần điễn như Thần Tiên.

Bổn tánh Diệu hữu thường là thanh tịnh, ấy là của Thần, Thánh, Tiên, Phật: Người nếu được thuần khiết thanh tịnh thì hiệp với Trời, thông công với Thần Tiên".

Chí và Khí cũng như Hồn và Phách, Hồn là Dương, Phách là Âm, ở giữa làm môi giới cho hồn và xác liên kết thành một thể, cũng như Khí kết liên Thân và Tâm thành một thân thể, có mạng sống. Mạnh Tử nói rằng:

"Phù Chí Khí chi suy dã, Khí thể chi sung dã. Phù chí chí yên. Khí thứ yên, Cố viết, trì kỳ chí nhi vô bạo kỳ khí". Nghĩa là Chí là Tướng soái của Khí. Khí thể thì tràn ngập cả thân người Chí đến rồi Khí sẽ theo đó. Bởi cớ nên bảo rằng nên giữ gìn Chí mà cũng đừng làm tổn hại Khí.

Đại ý nói rằng Chí cũng như Tướng soái, Khí như ba quân, Tướng soái ở đâu thì ba quân theo đó. Phép dưỡng khí cũng vậy, nghĩa là giữ gìn Chí kiên cố thì khí sẽ theo về. Khí thể tràn ngập cả cơ thể, còn chí thì phải ngừng một chỗ. Lẽ ấy nên kẻ học chẳng những phải lập chí vững vàng cũng không nên tổn hại khí.

Tại sao? Bởi vì Chí và Khí liên đới quan hệ nhau, bằng cớ là, Chí chuyên nhứt thì động đến Khí, Khí chuyên nhứt thì cũng động đến Chí. Xem như khi người đi vấp té, chạy mau đó thuộc về Khí, nhưng nó làm chấn động đến Tâm (Chí nhứt tắc động Khí. Khí nhứt tắc động chí dã, Kim phù huệ giả, xu giả, thị khí dã, nhi phản động kỳ Tâm).

Người Quân Tử sở dĩ hơn người là vì khéo nuôi Khí Hạo nhiên ấy.

Nuôi Khí Hạo nhiên phải thế nào?

Trình Hạo nói rằng:

"Chủ nhứt vô thích, kính dĩ trực nội, tiện hữu Hạo nhiên chi khí" (Giữ lấy một mà không hai tức Tâm tịnh, Kính để làm thẳng bên trong thì sẽ có khí Hạo nhiên vậy).

Đại ý nói rằng: Kẻ học cứ giữ đại định thủ nhứt đến đúng mức thì Khí sẽ đến, còn Mạnh Tử thì nói rằng: "Thi tập nghĩa sở sanh, phi nghĩa tập nhi thủ chí". Nghĩa là cứ thong thả làm theo Đạo Pháp rồi Khí sanh, chớ chẳng phải dùng sức mạnh để chụp lấy.

Khí có thanh, có trược lại có thuần hay không thuần.

Thí dụ - Có người thông minh, việc gì cũng hiểu, ấy là khí thanh, nhưng đến việc làm thì vị tất việc gì cũng đúng lý, ấy là bởi Khí không thuần. Có người cẩn hậu trung tín, ấy là bởi khí thuần, nhưng đến sự biết thì vị tất việc gì cũng đạt được lý, ấy là bởi khí không thanh. Thanh trược, thuần và bất thuần là bởi Thiên mạng định như vậy. Nhưng chúng ta có thể lấy nhơn lực mà biến hóa Tánh khí chất, làm cho Tánh trở nên thuần túy, Thiên lý, ấy là công phu của sự tồn dưỡng. (Nho giáo Trần Trọng Kim)

Xem đó thì đủ hiểu Tánh Khí luôn luôn theo nhau, cho nên dưỡng tánh, tồn tâm cũng thuộc về công phu nuôi khí.

Kẻ học cứ ung dung thực hành phép Chánh định đến viên mãn công phu thì đó là nuôi khí vậy. Công phu nầy lâu lâu thì cảm thấy ấn chứng khí sanh.

Mạnh Tử nói: "Tất hữu sự yên, nhi vật chánh, Tâm vật động vật tư trưởng dã": Ắt có sự đến, tức triệu chứng khí sanh nhưng chẳng khá dùng sức mạnh mà điều lý nó, Tâm chẳng khá động, mà cũng chẳng lưu ý trợ trưởng nữa. Rồi Mạnh Tử còn nêu gương người nước Tống trồng lúa để cho kẻ học hiểu rõ thêm. Ông nói: "Người nước Tống trồng lúa, anh ta muốn cho lúa mau lớn, rồi ra đồng nhóm gốc lúa. Làm như vậy là muốn cho lúa mau lên cao, nhưng sự thật thì anh ta hại lúa chết".

Phép dưỡng khí cũng như thuật trồng lúa. Trồng lúa thì phải bón phân, nhổ cỏ, rồi lúa theo thời tiết mà cao lớn, chớ chẳng phải nhóm gốc lúa như người nước Tống. Phép dưỡng khí cũng vậy. Kẻ học cứ lánh dữ làm lành, ung dung tịnh dưỡng Tâm tánh rồi Khí theo đó mà sanh, chớ chẳng khá giục cho Khí chóng mạnh.

Nói rút lại công phu "Nuôi khí" đến dây thì nó đem lại cho kẻ học Khí thể tràn ngập cả thân tâm, cũng như Nhơn điễn và nhờ đó mà Khí Hậu thiên của người đồng hòa với Khí Tiên thiên của Trời Đất mà người có một tinh thần đồng nhứt với Vũ trụ. Mạnh Tử nói rằng: Người đạt được như vậy gọi là có Khí phách: "Phú quí bất năng dâm, bần tiện bất năng di". Giàu sang không dâm, nghèo hèn không đổi.

Duy có tinh thần ấy mới tự chủ mà thắng vật dục cám dỗ trong khi hòa quang hỗn tục để làm phận sự mình.

IV. HIỆP THẦN

Thần là nặng lực trí giác ở trong nhơn thân, khi người ta nhập Thế cuộc. Nhục thân lôi cuốn Thần khuynh hướng về phàm trần, phóng túng theo vật chất, rồi năng lực tri giác biết phân biệt tốt xấu, hơn kém, thiện ác, nhơn đó mà người ta sanh lòng ham muốn vật chất, cầu thỏa mãn Nhục thân. Đó là mối đại loạn phá hại Chơn tâm, Chơn khí. Nay Tâm đã tịnh định, Khí đã thanh thuần và đồng hóa với đạo tự nhiên thì Tinh Khí Thần có thể hiệp một mà thành đệ nhị xác thân, mang danh là Chơn thần, Đức CHÍ TÔN dạy rằng: "Tính Khí Thần hườn nguyên là cơ siêu phàm nhập Thánh".

THÁNH NGÔN - "Từ ngày Đạo bế, luật tu hãy còn nguyên, luyện pháp không dời đổi, song Thiên đình, mỗi phen, đánh tản Thần, không cho hiệp với Tinh Khí. Nay Thầy đã hườn nguyên Chơn thần cho các con đắc đạo. Con đã hiểu Thần cư tại nhãn, con nên bố hóa cho như Đạo hữu con hiểu rõ. Nguồn cội Tiên Phật do yếu nhiệm ấy". (Thánh giáo)

THÁNH NGÔN năm Mậu-Thìn (1928)

CHƠN THẦN là gì?

Thầy nói: Chơn thần thuộc về Khí chất (Sperme évaporé) bao bọc thân thể các con, trung tim của nó là óc, cửa xuất nhập của nó là mỏ ác, chữ gọi Vi Hộ. Hộ Pháp hằng đứng gìn giữ các con khi luyện Đạo, đặng giúp cho Tinh hiệp với Khí, và đưa Khí đến Thần, Tinh Khí Thần hiệp một mới siêu phàm nhập Thánh".

THẦY CẮT NGHĨA:

"Mỗi kẻ phàm dưới Thế nầy đều có hai Xác thân: Một phàm gọi là Corpore1 (Nhục thân) còn một Thiêng liêng gọi là Spirituel (Thần hồn). Cái Thiêng liêng do cái phàm mà ra nên gọi nó là bán hữu hình, vì có thể thấy đặng mà cũng có thể không. Cái xác thân vô hình huyền diệu ấy do Tinh Khí Thần luyện thành. Nó nhẹ nhàng hơn không khí.

Khi ở nơi xác phàm xuất ra thì nó lấy hình ảnh của xác phàm như khuôn in rập, còn khi đắc Đạo, nếu có Tinh Khí mà không có Thần thì không thể nhập mà hằng sống được, còn như cò Thần mà không có Tinh Khí thì khó hườn được "Đệ nhị xác thân". Vậy ba món báu ấy phải hiệp mới đặng.

Nó vốn là chất hiệp với khí Tiên Thiên mà trong khí Tiên Thiên vốn có Điển Quang, cái Chơn thần ấy buộc phải tinh khiết, trong sạch, nhẹ nhàng hơn không khí thì mới vượt ra khỏi vòng Càn Khôn đặng.

Nó phải có bổn nguyên Chí Thánh, Chí Tiên, Chí Phật mới xuất Thánh, Tiên, Phật. Phải có một thân phàm tinh khiết mới xuất Chơn Thần tinh khiết.

Nếu các con còn ăn mặn mà luyện đạo, rủi có ấn chứng thì làm sao giải tán cho đặng? Như rủi bị hườn thì đến khi đắc Đạo cái trược khí vẫn còn mà trược khí là vật chất tiếp điễn (bon conducteur d'electricité) thì chưa ra khỏi làn không khí đã bị sét đánh tiêu diệt. Còn như biết khôn ẩn núp tại Thế mà làm một bực Nhơn Tiên thì kiếp đọa trần hãy còn chưa mãn". [Thánh Ngôn ngày 17-7-1926 (8-6 Bính Dần)].

Xem Thánh Ngôn trên đây thì chúng ta có thể hiểu rằng phép tu tập nầy chẳng những phải hoàn thành phép Minh Tâm Kiến Tánh mà còn phải trường trai tuyệt dục nữa. Trái lại, nếu ăn mặn mà luyện Đạo rủi xuất Thần mà Thần còn trược khí lẫn lộn thì nguy hiểm đến tánh mạng. Kẻ học nên nhớ điều nầy.

THÁNH NGÔN ngày 2-1-1928.

"Cái xác thân thiêng liêng nầy khi còn ở nơi xác phàm thì khó xuất ra lắm, vì nó bị xác phàm kéo níu, cái Chơn thần ấy của Thánh, Tiên, Phật thì huyền diệu vô cùng, bất tiêu, bất diệt. Bậc Chơn tu, khi còn xác phàm nếu Đắc Đạo thì có thể xuất ngoại trước buổi chết mà vân du Thiên ngoại. Duy Chơn thần ấy mới đặng đến trước mặt Thầy".

Nói rút lại:

Theo lẽ trên đây mà suy ra: Phép tu học nầy phải có Đức CHÍ TÔN, hay Tiên Phật truyền dạy mới được. Phép Siêu phàm nhập Thánh là Tâm pháp, người phàm khó thông đạt để truyền thọ cho nhau.

Giả tỉ như: dạy đánh đờn thì người dạy phải là một vị Nhạc Sư thiện nghệ; hoặc giả như dạy lái xe hơi thì phải là một người tài xế kinh nghiệm mới đảm đương được sự truyền thọ.

Vậy đủ hiểu rằng phép tu hành nầy phải có Đức CHÍ TÔN dạy; mà muốn được Đức CHÍ TÔN truyền Tâm pháp thì kẻ Đệ tử phải chí chơn, chí thiện, chí mỹ, nghĩa là Đạo đức hoàn toàn và phục vụ cho Chúng sanh viên mãn với một tấm lòng vô tư, thì mới có thể cảm động lòng Trời; cũng như Cổ Nhơn nói rằng: "Lòng chí hiếu cảm động lòng Trời mà Trời ban phước cho". (Hiếu cảm động Thiên). Mà muốn đạt mục đích nầy kẻ học phải có lòng Tín ngưỡng bất thối chuyển, tức tin nơi Đức THƯỢNG ĐẾ sẽ giáo hóa mình và tự tin nữa, như chúng tôi đã nghị luận trong khoản Đức tin thì mới thắng được sự thối chí, ngã lòng.

THÁNH GIÁO đề ngày 21-4-1926 dạy rằng:

"Trước Thầy giao Chánh giáo cho tay phàm, càng ngày càng xa Thánh giáo, làm ra cuộc phàm giáo, Thầy lấy làm đau đớn mà trông thấy Nhơn loại phải sa vào tội lỗi, mạt kiếp chốn A Tỳ. Thầy nhứt định đến chính mình Thầy mà độ rỗi các con, chẳng chịu giao Chánh giáo cho tay phàm nữa".

Thể theo Thánh Giáo nầy, chúng ta có thể yên tâm học tập cho đến công phu viên mãn và đủ kiên nhẫn mà chờ lịnh Đức Đại Từ Phụ ban cho phước lành.

Đây là một điểm bất đồng ở giữa văn chương học và Đạo đức học. Văn chương học cần trí thông minh để học cho biết mà thôi. Trái lại Đạo đức học, ngoài trí thông minh, còn phải có Đức tin vững chắc. Vì Đức tin vừa là một ngọn Nhiên đăng soi sáng, vừa là một sức mạnh tinh thần đôn đốc kẻ hành giả phải học, phải làm cho đến cùng lý tận tánh và phải đem cái Tâm đắc của mình mà giúp đời làm cho người được thông sáng như mình.

Có điều chúng tôi xin thưa là phần "Hườn nguyên Tam Bửu" nầy, chúng tôi khảo cứu biên ra để làm tiêu chuẩn cho sự tu tập mà thôi; chớ chúng tôi cũng chưa đạt được kinh nghiệm. Xin độc giả biết cho.



Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 968 | Tác giả: Tiếp Pháp Trương Văn Tràng