× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Giáo Lý

Giáo Lý


IV. Lễ nghi Đại Đạo

  1. Lễ Nghi
  2. Luật Đạo
    1. Đạo Pháp
    2. Thế Luật
    3. Tịnh Thất

 

CHƯƠNG THỨ TƯ
─────────────────────

Cũng như các Tôn giáo khác, Đại Đạo có Lễ nghi phượng thờ, tế tự và qui điều, giới luật. Một bên soi sáng lòng tín ngưỡng, một bên đôn đốc, kềm giữ sự tu hành theo Chơn pháp. Chi tiết giảng giải như sau:

1. LỄ NGHI

Lễ nghi ban đầu dùng để phượng thờ, tế tự làm cho đàn tế được tôn nghiêm và tạo nên một bầu không khí "Kính thành" để cảm hóa lòng người khuynh hướng về đạo đức. Về sau, lễ nghi biến thành phép tắc xử kỷ, tiếp vật, lan rộng trong nhơn quần, xã hội, mà người đời đã thừa nhận.

Ở đây, chúng tôi chỉ nói Lễ nghi phượng thờ, tế tự mà thôi. Chúng tôi căn cứ theo Lễ nghi trong Bát Quái Đài, tại Tòa Thánh trung ương mà bàn luận, bởi vì, ở đây gồm đủ cả chi tiết.

a) THỜ THƯỢNG ĐẾ

Chính giữa Bát Quái Đài, trên chỗ cao nhất, có một Quả Càn Khôn hình tròn như trái đất. Trên có vẽ đủ ba ngàn bảy mươi hai ngôi sao và Thiên Nhãn để thờ. Trong Quả Càn Khôn thường đốt một ngọn đèn sáng, mạng danh là Thái Cực Đăng. Đó là tượng trưng thờ Đức Thượng Đế ngự trên ngôi Thái Cực, mà điều khiển mối Đạo tự nhiên.

Khi tế lễ, đốt hai ngọn đèn đôi bên: Tượng trưng Âm Dương (Thái Cực sanh Âm Dương) và đốt năm cây nhang, cắm trong lư hương để giữa Thiên Bàn tượng trưng Ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ).

Lễ nghi nầy đủ cắt nghĩa cho chúng ta hiểu rằng Đạo tự nhiên vốn có Thái Cực sanh Âm Dương, Ngũ hành và Âm Dương. Ngũ hành thuận hành nghịch chuyển mà định vị Trời Đất, hóa sanh vạn vật; mà Thái Cực Thánh Hoàng là chủ tể quyền năng vô đối ấy. Kẻ học, nếu biết quan sát thì có thể học được dịch lý của Võ Trụ chia ra làm hai trạng thái là:

TIÊN THIÊN ĐẠI ĐẠO
HẬU THIÊN ĐẠI ĐẠO

Tiên Thiên Đại Đạo là Đạo có trước Trời, vua Phục Hy theo đó mà phát họa Hà Đồ Tiên Thiên Bát Quái. Hậu Thiên Đại Đạo là Đạo có sau Trời. Vua Võ nhà Hạ theo đó mà phát họa Lạc Thơ Hậu Thiên Bát Quái. Tiên Thiên Bát Quái vẽ hai yếu tố Âm Dương. Hậu Thiên Bát Quái định số Ngũ hành. Hai trạng thái nầy làm biểu lý nhau, tác thành cơ tạo lập Càn Khôn, hóa sanh vạn vật. (Xin xem bài Võ Trụ Quan rõ hơn)

Thật Đức CHÍ TÔN không nói một lời mà dạy được dịch lý của Võ Trụ, Đức Lão Tử gọi đó là "Bất ngôn chi giáo".

b) THỜ TAM GIÁO VÀ NGŨ CHI

Tam Giáo:

Đức Thích Ca ở giữa,
Tả có Đức Khổng Phu Tử,
Hữu có Đức Lão Tử.

Tam Trấn Oan Nghiêm:

Đức Lý Thái Bạch ở giữa,
Tả có Đức Quan Thánh Đế Quân,
Hữu có Đức Quan Thế Âm Bồ Tát.

Tam Trấn đại diện ba vị Giáo Chủ trong nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

Ngũ Chi:

Phật Đạo,
Tiên Đạo,
Thánh Đạo,
Thần Đạo,
Nhơn Đạo.

HIẾN LỄ TAM BỬU

Mỗi lần tế lễ, đều có hiến Hoa, Rượu và Trà gọi là Tam Bửu, đại khái như:

Hoa tượng trưng cho Tinh,
Rượu tượng trưng cho Khí,
Trà tượng trưng cho Thần.

Hiến lễ Tam Bửu đại ý nhắc chúng ta nhớ rằng trong người chúng ta có ba món báu. Kẻ Tín đồ phải tu tập thế nào cho Tinh Khí Thần huờn nguyên hiệp nhứt, thành một thể khí vô vi thì mới đủ điều kiện giải thoát ra ngoài vòng sanh tử, hoặc nói cách khác là luyện Tinh hóa Khí, luyện Khí hóa Thần, luyện Thần huờn Hư. Đến đó là chứng quả vậy.

LỄ NHẠC

Trong đàn tế lễ có dùng Lễ Nhạc, sở dụng của Lễ Nhạc là thế nào?

Lễ - Anh Lễ sĩ áo mão chỉnh tề, hai tay nâng cúng vật lên ngang mày, theo nhịp nhàng của âm nhạc, từ từ điện lễ đi lên. Cái vẻ tề chỉnh, bộ đi trang nghiêm ấy khiến người bàng quan sanh lòng kính. Cho nên nói: Tinh thần Lễ là Kính .

Nhạc - Tiếng trống, chuông, đờn, kèn, tiêu thiều, nhiều thứ âm thinh khác nhau, đồng thời dấy lên một lượt, đáng lẽ thì nghe hỗn loạn, nhưng sự thiệt lại khác. Tiếng lớn nhỏ, giọng phù trầm, dường như nhường nhịn lẫn nhau, để cho mỗi nhạc khí thung dung phô diễn sở năng của nó. Thế nên nói: Tinh thần Nhạc là Hòa.

Lễ Nhạc, nguyên ngày xưa, Thánh Nhơn quan sát cảnh tượng Võ Trụ, nhận thức được luật trật tự và điều hòa của Trời Đất, rồi theo đó mà chế ra Lễ Nhạc, cho nên nói rằng:

"Lễ giả Thiên Địa chi Tự,
Nhạc giả Thiên Địa chi Hòa".

Thánh Nhơn dụng ý chế ra Lễ Nhạc rất hay và cái sức mạnh tinh thần ấy có thể kích động lòng người đến chỗ sâu xa. Xem khi vào chùa miễu, chúng ta trông thấy cốt tượng, trông thấy nghi tiết thì lòng Tín ngưỡng xúc động mà hoài bảo đến sự siêu thoát tinh thần. Hoặc khi chứng kiến đám tang hay mồ hoang, mả lạnh, thì lòng chúng ta bùi ngùi thương xót.

Cũng nhờ sức mạnh tinh thần ấy, Lễ Nhạc có thể cảm hóa lòng người về Đạo Đức, như "Kính" và "Hòa" chẳng hạn. Nhưng có điều nên lưu ý là Lễ Nhạc phải đi đôi thì mới có kết quả mỹ mãn. Trong đàn tế nếu có Lễ mà không có Nhạc, hoặc có Nhạc mà không có Lễ thì đàn tế mật vẻ tôn nghiêm. Thì cái ảnh hưởng của Lễ Nhạc là "kính" và "hòa" trong nhơn tâm thế sự cũng vậy, nghĩa là "kính" và "hòa" cũng phải theo nhau, như bóng với hình thì mới có kết quả tốt.

Ví dụ - KÍNH MÀ KHÔNG HÒA

Kẻ nhỏ sợ người lớn mà chẳng dám gần, người lớn khinh kẻ nhỏ mà lánh xa. Thế rồi nhà ai nấy ở, ngôi tôn giữ tôn, ngôi ti giữ ti. Tôn ti cách biệt hẳn thì làm sao mà hòa nhau được, cho nên nói rằng: Kính mà không hòa thì ly tán.

Ví dụ - HÒA MÀ KHÔNG KÍNH

Khi hội họp nhiều người mà không kính nhau. Người lớn ỷ ở ngôi tôn cứ sỗ sàng nói năng, sỗ sàng hành động, người lớn khinh thường kẻ nhỏ. Kẻ nhỏ thì hổn ẩu, không kiêng nễ người lớn. Trật tự đảo lộn thì chung qui phải tự giải tán. Thế thì hòa mà không kính thì loạn lạc.

Than ôi! Gia đình ly tán, xã hội loạn lạc thì làm thế nào mà quần tụ, để giúp đỡ nhau trong đời sống còn. Xem đó đủ hiểu Lễ Nhạc, ngoài sự tế tự nó còn là một pháp môn hàm dưỡng tâm tánh. Ấy vậy, nên kẻ dùng Lễ Nhạc mà không biết kính hòa thì chẳng khác nào ăn mía mà bỏ nước ngọt.

LẠY

Khi đứng trước Thiên Bàn hầu lễ thì chúng ta quì gối, hai tay chấp lại, bắt Ấn Tý, mặc niệm Nam Mô Phật, Nam Mô Pháp, Nam Mô Tăng là ý nghĩa làm sao?

Bắt Ấn Tý: Hai bàn tay chấp lại, ngón cái của bàn tay trái chỉ vào ngón áp út, đó gọi là "Bắt Ấn Tý", tức chỉ sự chủ tâm về kính Trời. Có câu: "Thiên sanh ư Tý". Tay chỉ vào ngôi Tý, tức nhắc chúng ta kính Trời.

NAM MÔ PHẬT

Hai bàn tay chấp lại, đưa ngay lên giữa trán và mặc niệm "Nam Mô Phật". Ấy là nhắc lòng tôn kính CHÍ TÔN và nhớ lại Đức Toàn Tri Năng, Tận Thiện Mỹ và Đức Háo sanh của Ngài vô biên bao la, hằng hóa dục vạn vật. Bổn phận chúng ta cứ giữ một lòng sùng bái Đức Ngài và thể theo Đức Chí Thiện hoàn toàn của Ngài để học tập.

NAM MÔ PHÁP

Chữ "Pháp" nói đây chỉ vào chữ (Dharma) là pháp luật tự nhiên của CHÍ TÔN truyền dạy mà chúng ta phải tuân theo để tu tâm, sửa tánh của mình, hầu trở nên thuần nhiên thanh khiết. Đại để như: Tam cang, Ngũ thường, Tam tùng Tứ đức là khuôn thước đào luyện nên hiền lương quân tử! Giới, Định, Huệ là phương pháp giác ngộ Tâm linh siêu nhiên và Pháp luật tự nhiên mà chúng ta phải tuân theo để đạt Đạo.

Nam Mô Pháp nghĩa là tôn kính những Pháp ấy và một lòng làm theo đặng thể hiện nhơn cách người tu hành và giải kiếp trầm luân.

NAM MÔ TĂNG

Đồng thời với chúng ta biết bao nhiêu người Đạo cao, Đức dày, chúng ta nên thân cận với họ, để nghe lời luận Đạo, thuyết Pháp và bắt chước những hành vi cử chỉ của họ.

TÓM LẠI

"Thầy khai Bát Quái Đài mà tác thành Càn Khôn Thế Giái, nên gọi là Pháp: Pháp có mới sanh ra Càn Khôn Vạn Vật rồi mới có người nên gọi là Tăng.

Thầy là Phật chủ tể cả Pháp và Tăng, lập thành các Đạo mà phục hồi các con hiệp một cùng Thầy". [Thánh Ngôn ngày 21-10-1926 (15-9 Bính Dần)]

Ba câu mặc niệm trên đây có ý nghĩa cũng như câu "Qui y Tam Bảo" nhà Phật.

LẠY LÀ GÌ ?

"Lạy là để tỏ ra bề ngoài, lễ kính trong lòng.

Chấp tay lạy là tại sao?

Tả là Nhựt, hữu là Nguyệt, vi chi Âm Dương, Âm Dương hiệp nhứt, phát khởi Càn Khôn, sanh sanh, hóa hóa tức là Đạo.

Lạy kẻ sống hai lạy là tại sao?

Là nguồn gốc của Nhơn sanh lưỡng hiệp Âm Dương mà ra. Ấy là Đạo.

Vong phàm, lạy bốn lạy là tại sao?

Hai lạy phần người, một lạy Trời, một lạy Đất.

Lạy Thần, Thánh ba lạy là tại sao?

Là lạy Đấng ở vào hàng thứ ba của Trời và cũng chỉ về Tinh Khí Thần hiệp nhứt ấy là Đạo.

Lạy Tiên Phật chín lạy là tại sao?

Là lạy chín Đấng Cửu Thiên Khai Hóa.

Còn lạy Thầy 12 lạy là tại sao?

Các con không hiểu đâu: Thập Nhị Khai Thiên là Thầy. Chúa Tể Càn Khôn Thế Giái, nắm trọn Thập Nhị Thời Thần trong tay. Số 12 là số riêng của Thầy". (THÁNH NGÔN)

CÚNG TỨ THỜI

Mỗi ngày, người Tín đồ phải hầu lễ bốn lần, gọi là cúng Tứ Thời (Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu). Mới trông qua, người bàng quan lầm tưởng cúng tế là do tánh ỷ lại Thần quyền; nhưng, sự thật không phải như thế mà là một phương pháp hàm dưỡng tâm tánh rất huyền nhiệm.

Theo Đạo tự nhiên, Ngươn Khí của Trời Đất, mỗi ngày vượng bốn thời Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu. Trong thời nầy, kẻ hầu lễ giữ tinh thần, vật thể an tịnh thì Thần Khí hàm dưỡng khí thiêng Trời Đất mà được thanh thoát. Tinh thần an nhiên tiếp xúc với Đấng Chí Linh, để lãnh hội lời truyền thọ. Vật thể thì khí chất được thanh thuần để hòa đồng với cái động lực của Vũ Trụ mà tiến bước trên đường Tấn hóa.

Lẽ thứ hai là trước khi vào Đền Thánh chầu lễ, chúng ta đã gạt bỏ những sự ưu tư trần tục. Đến khi nhập đàn, Lễ Nhạc phát khởi, đồng nhi đọc kinh, hoàn cảnh an tịnh nầy khiến cho lòng chúng ta được cực tịnh và chỉ có một mặc niệm "Kính thành". Giá như chúng ta giữ được tâm trạng "Thành Kính" mãi mãi thì chúng ta giữ nguyên vẹn nguồn Thiên lý ở trong người tức thực hiện được câu "Nhơn dục tận tịnh Thiên lý lưu hành".

Còn một lẽ nữa là tu tâm, dưỡng tánh, Đức CHÍ TÔN dạy rằng:

"Trước khi vào lạy Thầy buổi tối, phải tự hỏi mình coi phận sự ngày ấy xong hay chưa, và lương tâm có cắn rứt điều chi chăng? Nếu phận sự chưa rồi, lương tâm chưa an tịnh thì phải biết cải quá, rán chuộc lấy tội lỗi của mình. Đặng vậy thì các con lo chi không bì bực Chí Thánh. Thầy mong cho mỗi đứa điều lưu ý đến sự sửa mình ấy. Đặng vậy thì may mắn cho Đạo và các con cũng sẽ đặng thung dung nêu gương cho kẻ khác".

"Lễ bái thường hành tâm Đạo khởi".

THỜ PHƯỢNG TỔ TIÊN

Ngoài việc thờ Trời, kính Phật nơi chùa chiền Tín đồ còn thờ phượng Tổ Tiên trong tư gia nữa.

Chúng ta đã tin tưởng rằng: Linh hồn người ta bất diệt. Người chết là chết phần thể xác, còn phần Linh hồn thì siêu thăng. Trước thuyền Bát Nhã chở quan tài đi an táng có hai câu liễn như vầy:

"Vạn sự viết vô, nhục thể thổ sanh huờn tại thổ,
Thiên niên tự hữu, Linh hồn Thiên tứ phản hồi Thiên".

Muôn việc gọi không, Nhục thân do Đất sanh thì trả về cho Đất. Muôn năm tự có, Linh hồn Trời ban cho thì trở về với Trời.

Câu đối nầy tả được cảnh người chết, hồn xác chia ly, đâu về đó.

Lòng tín ngưỡng nầy khiến cho sự thờ phượng Tổ Tiên không kém phần quan trọng. Tưởng niệm Tổ Tiên, một là tỏ lòng tôn kính nguồn gốc sanh thành, dưỡng dục; hai là cầu nguyện Tổ Tiên hộ trì, giúp đỡ con cháu. Chúng ta thấy những người có đức tin nầy, giàu cũng như nghèo, khi cất lập xong một ngôi nhà rồi họ chọn một chỗ trang nghiêm hơn hết, để lập bàn thờ, hằng ngày hương khói.

Ngày tế lễ, mạng danh là húy nhựt, cả gia tộc đều hội họp về nhà thờ, lo việc cúng tế. Trong hai ngày: Tiên thường và chánh giỗ, có khi họ nhắc lại sự tích Tổ Tiên, có lúc bàn việc gia đình, sanh kế.

Giờ cúng tế, người người có lòng thành kính, khi ra vào, lúc lại qua, trước bàn thờ họ khép nép sợ sệt, dường như Ông Bà đang ngự trên chỗ sở tôn. Họ tự nhủ rằng: Tổ Tiên chết thì Linh hồn thuộc về Thần Linh, người phàm mắt thịt, trông không thấy, rờ không đụng, nhưng Thần Linh thể hết mọi vật, đầy dẫy khắp nơi, như ở trên đầu, như ở bên tả, bên hữu, khiến cho người trong thiên hạ đều trai minh thạnh phục để tế lễ.

Giờ cúng tế yên lặng tôn nghiêm, người Trưởng Tộc hành lễ, rồi con cháu cứ theo thứ tự vái lạy trang nghiêm.

Vả lại, Đạo hữu đã biết Đạo, đã sẵn lòng tín ngưỡng, nay đem cái Đạo tâm ấy mà thờ cúng Ông Bà thì cái phong hóa truyền thống sẽ được thuần mỹ thêm hơn.

Tóm lại, lễ nghi giản dị, nhưng đem lại cho chúng ta nhiều kết quả về tinh thần đạo đức. Về cá nhân, lễ nghi là một pháp môn tu luyện tâm tánh, còn đối với gia đình xã hội lễ nghi tạo nên một không khí mỹ tục thuần phong.

2. LUẬT ĐẠO

Nhắc lại: Khi lập Hội Thánh rồi, Đức CHÍ TÔN dạy nhóm Hội Thánh lập Luật Đạo, mạng danh là "Tân Luật" gồm có ba khoản kể như sau:

1. ĐẠO PHÁP
2. THẾ LUẬT
3. TỊNH THẤT.

1. ĐẠO PHÁP

Đạo Pháp có 8 điều ấn định quyền hành của mỗi chức sắc cai trị Đạo và điều kiện thăng thưởng. Đây chúng tôi không chép lại, nghĩ Chức Sắc thì tất nhiên đã thông hiểu luật đạo, không cần nhắc lại nữa.

NGƯỜI GIỮ ĐẠO

Chương nầy gồm có 7 điều ấn định thủ tục phải làm, hầu trở nên người Tín Đồ Đại Đạo.

Khi Đức CHÍ TÔN còn dùng Cơ bút phổ độ, ai muốn được nhìn nhận là Tín đồ thì phải hầu đàn. Đức CHÍ TÔN hoặc Tam Trấn Oan Nghiêm (Đức Lý Thái Bạch, Quan Thế Âm Bồ Tát, Quan Thánh Đế Quân) cho một bài thi và có để lời thâu nhận. Còn nay Cơ bút phổ độ đã ngưng, hai muốn nhập môn thì phải có hai người Đạo đức tiến dẫn đến ra mắt người Đầu Họ Đạo. Vị Chức Sắc làm thủ tục cầu Đạo và cấp cho vị Tân Đạo Hữu một tờ chứng chỉ "Nhập Môn".

Hai vị Đạo đức tiến dẫn có phận sự dìu dắt người mới nhập môn biết phép tu hành: Thông hiểu lẽ Đạo, luật pháp tu hành, thuộc kinh, cách cúng lạy, bổn phận đối với Hội Thánh và người đồng đạo.

Đầu Tộc Đạo phải đến tận nhà vị Đạo hữu nầy làm lễ Thượng tượng Đức CHÍ TÔN để thờ, chỉ dạy phương pháp tu hành, học Đạo và cách cúng Tứ Thời.

Tín đồ chia ra hai bậc:

HẠ THỪA
THƯỢNG THỪA

Hạ Thừa là bậc mới cầu Đạo, còn ở thế, có gia đình, phải làm tròn bổn phận làm người đối với gia đình, xã hội, phải tập ăn chay kỳ, mỗi tháng 6 hoặc 10 ngày. Ngoài phép nước, luật quan, họ còn phải tuân hành Thế luật của Đạo, giữ Ngũ giới cấm vân vân ....

Thượng Thừa là người trường trai, giới sát, tuân hành tất cả Luật pháp Đạo, nhứt là "Tứ Đại Điều Qui", phải để râu, để tóc, mặc toàn bằng vải trắng, không được xa xí. Chức Sắc từ phẩm Giáo Hữu trở lên phải lựa chọn trong hàng Thượng Thừa.

LẬP HỌ ĐẠO

Địa phương nào có hơn 500 Tín đồ, đặng phép lập riêng một Họ Đạo, đặt riêng một Thánh Thất. Hội Thánh sẽ phái Chức Sắc đến cai quản.

Muốn lập Họ Đạo phải xin phép Giáo Tông. Tín đồ trong Họ Đạo phải tùng quyền vị Chức Sắc cai quản Thánh Thất. Chẳng ai có quyền canh cải Luật Đạo.

Mỗi tháng có hai ngày Đại Lễ là: Sóc và Vọng. Ngày Đại Lễ cả Tín đồ phải tựu về Thánh Thất hầu lễ và nghe lời giảng đạo thuyết pháp, trừ ra, người vắng mặt có lý do chánh đáng mới được châm chế.

Chức Sắc cai quản Thánh Thất, mỗi ngày, phải cúng bốn thời (Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu). Mỗi vị Đạo Hữu ở gần Thánh Thất nếu tiện thì nên đến Thánh Thất sở tại mà chầu lễ.

ĂN CHAY

Ăn chay nghĩa là dùng lê hoát, ngũ cốc, chớ không ăn thịt thú vật. Tại sao kẻ học Đạo phải ăn chay?

Xin xem câu giải đáp sau đây:

Lẽ thứ nhứt - Khoa học dùng trí thức làm căn bản nghĩ suy, khảo cứu vật chất bên ngoài. Chung cuộc, khoa học thâu hoạch kết quả vật chất, bồi bổ cho đời sống thực tế. Còn Đạo học thâm viễn hơn, cầu giải thoát kiếp luân hồi. Muốn đạt mục đích nầy, học giả phải thâu thập cả Tánh mạng, luyện thành một khối tinh thần khương cường, sáng suốt, mạng dang là Chơn Thần. Nó phải nhẹ nhàng hơn không khí thì mới vượt khỏi vòng Càn Khôn. Vả lại, trong không khí vốn có điện lực, nếu kẻ ăn mặn mà luyện đạo, khi xuất Thần thì Chơn Thần vẫn còn trược khí lẫn lộn, mà trược khí là vật năng tiếp điện (bon conducteur d'électricite). Khi ấy Chơn Thần chưa ra khỏi lằn không khí mà đã bị xét đánh tiêu diệt rồi.

Lẽ thứ hai - Theo luật hấp dẫn, nếu Chơn Thần còn trọng trược, khi xuất ngoại, phải bị hấp lực vật chất giam hãm trong vòng trần tục. Ấy vậy nên kẻ cầu sự giải thoát phải ăn chay.

Lẽ thứ ba - Phép vệ sinh dạy chúng ta phải ăn ở sạch sẽ. Nên hiểu rằng sạch sẽ nói đây là ám chỉ vào sạch sẽ bên ngoài, cũng như bên trong. Ăn chay dễ tiêu hóa, dễ bài tiết tức giữ gìn sạch sẽ trong tạng phủ.

Lẽ thứ tư - Cả muôn loài, vạn vật đều do một Đấng Thái Cực Thánh Hoàng sanh hạ ra thế gian, cho nên có câu nói rằng: "Vạn vật nhứt thể". Quan niệm ấy không cho phép chúng ta giết hại sanh vật để ăn thịt.

Vả lại, người ta có hai thức ăn, để bồi dưỡng thân thể là:

Vật chất thực và huyền vi thực.

Vật chất thực là lê hoát, ngũ cốc do miệng vào tỳ vị và tiêu hóa thành khí huyết. Huyền vi thực là thanh khí trong Trời Đất. Người ta nhờ hô hấp đem thanh khí vào thân thể, để tươi nhuận khí huyết, bồi dưỡng sức khỏe.

Nói tỉ: Mỗi ngày chúng ta phải dùng 6 cân vật thực, để bồi bổ sức khỏe. Sáu cân đồ ăn nầy chia làm hai: Vật chất thực ba cân, Huyền vi thực ba cân. Ấy vậy nếu chúng ta cứ tăng thêm Huyền vi thực mà bớt bên Vật chất thực. Giảm bên nầy, tăng bên nọ, chung qui chúng ta cũng có đủ 6 cân thức ăn để bồi dưỡng thân thể. Công phu nầy tiến nữa người ta có thể hớp khí thanh không mà sống.

Lời dặn - Ở đây chúng tôi muốn nhắc lại cứu cánh sự tu hành của người xưa, để thông cảm với Chơn Pháp mà thôi. Chí như chúng ta từ nhỏ đã quen dùng vật chất thực để nuôi sống. Nay, thoạt nhiên đổi món ăn cấp kỳ thì tạng phủ không quen mà sanh loạn. Lẽ như vậy, cho nên Tân Luật buộc mỗi người phải tập ăn chay, mỗi tháng 6 ngày, hoặc 10 ngày. Mãi đến khi tạng phủ quen dần rồi sẽ tiến tới nữa.

NGŨ GIỚI CẤM

1. BẤT SÁT SANH

Năm Mậu Thìn (1928) Đức Chí Tôn dạy rằng:

THÁNH NGÔN - "Thầy đã nói: Khi chưa có Trời Đất, khí Hư vô sanh có một Thầy và ngôi của Thầy là Thái Cực. Thầy phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi.... Lưỡng Nghi sanh Tứ Tượng, Tứ Tượng biến ra Bát Quái, Bát Quái biến hóa vô cùng mà lập Càn Khôn Thế Giái. Rồi Thầy lại phân tánh Thầy mà sanh ra vạn vật là: Vật chất, Thảo mộc, Côn trùng, Thú cầm, gọi là Chúng sanh.”

Chú giải - Đoạn nầy đã giảng giải, tinh thường trong chương "Vũ Trụ Quan". (Xin xem lại)

THÁNH NGÔN - "Vậy, các con đủ hiểu mỗi vật hữu sanh nơi thế gian nầy đều do Chơn linh Thầy mà ra. Có sống ắt có Thầy, Thầy là cha sự sống, vì thế nên lòng Háo sanh của Thầy vô cùng tận".

Chú giải - Theo lẽ nầy mà suy ra, chúng ta hiểu rằng: Khi một Tiểu Chơn Linh (Điểm tánh của CHÍ TÔN chia ra cho mỗi người) tách khỏi cội sanh mình thì tùng Đạo biến hóa, lưu hành khắp Càn Khôn Thế Giái và hễ đến đâu thì hấp thụ khí chất của Vũ Trụ cấu tạo cho mình một vật thể. Như hiện giờ chúng ta có một phần hồn (tức điểm tánh Đức Chí Tôn chia cho) và một phần xác do Thái Cực, Âm Dương, Ngũ Hành cấu hợp (Khí chất của Võ Trụ) hồn xác hỗn hóa thành một đơn vị cá nhơn có sanh mạng. Đạo Đức Kinh chương 42 nói rằng: "Vạn vật phụ Âm nhi bào Dương xung khí dĩ vi hòa".

(Muôn loài đều có bồng một Âm, cỏng một Dương, Âm Dương xung khắc mà lại điều hòa thành mạng sống).

Cái mạng sống ấy do Tiểu Chơn Linh (Linh Hồn) vi chủ, cho nên Đức Chí Tôn nói rằng:

"Mỗi vật hữu sanh nơi thế gian này đều do Chơn linh Thầy mà ra, có sống ắt có Thầy, Thầy là Cha của sự sống".

Sách Nho có câu: "Phụ Mẫu ái tử vô sở bất chi" (Cha Mẹ thương con không sót chỗ nào). Đó là Cha Mẹ phàm còn như thế, huống chi Đức CHÍ TÔN là "ĐẠI TỪ PHỤ" Thiêng Liêng hóa dục muôn loài. Đức Ngài sanh hóa vạn vật; tùy thời Khai Đạo và hàng năm xoay chuyển bốn mùa, tám tiết. Năm loài ngũ cốc và các thứ thảo mộc theo thời tiết mà hóa sanh để nuôi dưỡng cái sống còn của vạn vật. Bằng cớ ấy đủ chứng minh lòng Háo sanh vô tận của "THƯỢNG ĐẾ".

THÁNH NGÔN - "Mạng sống của chúng sanh cũng như nhành cây trong cội, phải có đủ ngày giờ Thầy định, để nở bông, sanh trái đặng trồng nữa, biến hóa thêm ra, nếu kẻ nào làm hại nửa chừng là sát hại một kiếp sanh, không cho biến hóa. Mỗi mạng sống đều hữu căn, hữu kiếp, đến thế nầy hoặc lâu hoặc mau đều có định trước, nếu ai giết một mạng sống thì phải chịu quả báo. Mạng sống là của Thầy, mà giết Thầy không phải dễ. Các con rán dạy Nhơn sanh điều ấy".

Chú giải - Đức CHÍ TÔN, Thái Cực Thánh Hoàng là cội sanh hóa muôn loài vạn vật. Đức Ngài là một nguồn sống tràn ngập Vũ Trụ. Tất cả vạn vật đều mượn sanh mạng trong nguồn sống vô biên ấy. Thế nên Đức CHÍ TÔN thí dụ Thái Cực Thánh Hoàng cũng như cội sanh. Mỗi sanh vật cũng như cành hoa trong cội ấy; mỗi sanh vật phải có đủ ngày giờ nhứt định để nó biến hóa thêm ra.

Ví dụ - Hột đậu phải có đủ thời tiết, để nó nức mộng, lên cây, rồi mới trổ trái đậu khác được.

Thế nên ai giết một sanh vật là sát hại một kiếp sanh, không cho biến hóa. Sự sống là Thầy, mà giết Thầy không phải dễ.

Luật thế gian còn định tội nặng nề cho kẻ sát nhơn, huống chi luật tự nhiên Nhơn Quả, cho nên kẻ giết mạng sống thì phải chịu quả báo không sai.

Đức CHÍ TÔN cấm sát sanh là lẽ như vậy.

Nói rút lại, chúng ta cứ suy gẫm mấy điều đã nói trên cho nó nhập tâm rồi chúng ta biết sợ luật Trời mà chẳng dám sát hại sanh vật. Đó là một cách trì giới đắc lực vậy.

Không sát hại là một việc, rồi còn phải tùy phương tiện mà giúp đỡ muôn loài là một việc khác nữa. Lợi sanh vạn vật tức là lợi sanh cho cá nhơn mình. Lòng bác ái dạy chúng ta thương yêu muôn vật như thương yêu thân mình là lẽ như vậy.

Vả lại, muôn loài vạn vật do một Ông Cha mà sanh thành, nên chúng ta cùng muôn loài vạn vật là anh em. Thế nên chúng ta mở rộng lòng yêu thương giúp đỡ lẫn nhau trên đường về với Đại Từ Phụ. Lòng bác ái nên vâng theo đức Háo sanh của Thái Cực Thánh Hoàng mà thể hiện.

2. BẤT DU ĐẠO

Năm Mậu Thìn (1928) Đức Chí Tôn dạy rằng:

THÁNH NGÔN – “Ôi! Thầy sanh các con, Thầy yêu các con. Thầy cho các con đến thế nầy với một Thánh Thể Thiêng Liêng, y như hình ảnh của Thầy: Không ăn mà sống, không mặc mà lành. Các con không chịu, lại nghe lời cám dỗ, luyến ái hồng trần.

Ăn cho phải bị đày, dâm cho phải bị đọa, rồi các con phải chịu dưới nạn áo cơm.

Lợi, Thầy để cho các con chung hưởng, nhưng vì lòng tham; đứa giựt nhiều, đứa phải chịu kém.

Quyền, Thầy ban cho các con, y như Thầy đã ban cho Thần, Thánh, Tiên, Phật để các con có đủ phương tiện kềm chế lẫn nhau đặng giữ vẹn Thánh Thể của Thầy. Thế mà cái quyền ấy lại thành một món lợi khí, buộc trói các con trong tội lỗi. Ôi! Cái thất vọng của Thấy rất nên đau đớn.

Các con có hiểu, vì sao Nhơn sanh có lòng tham gian chăng? Thì cũng vì muốn có nhiều kẻ phục tùng, không chi bằng nắm chặt quyền phân phát áo cơm, phải dùng đủ mưu chước quỷ quyệt thâu đoạt lợi lộc thế quyền. Vì vậy mà đời trở nên trường hỗn độn: tranh đấu, giựt giành, mạnh được yếu thua, mất hẳn công bình thiên nhiên Tạo Hóa.

Ấy vậy phải biết rằng: Tham lam vào Tâm, Tâm hết đạo đức, tham lam vào nhà, nhà hết chánh giáo, tham lam vào nước nước hết chơn trị, tham lam lộng khắp Thế giái, Thế giái hết Thần Tiên. Lòng tham lam có thể giục các con lỗi đạo cùng Thầy".

Chú giải - Bài Thánh Giáo trên đây đã rõ lắm rồi, khỏi phải chú giải nữa, duy có câu Thánh Ngôn nói rằng: Thầy cho các con đến Thế nầy với "Thánh Thể Thiêng Liêng vân vân..."

Thánh Thể Thiêng Liêng tức là điểm Linh quang của CHÍ TÔN và một phần Tiên Thiên khí của Thái Cực. Hai phần ấy hỗn hợp thành Thánh Thể, Thánh Thể ấy chẳng ăn mà sống, chẳng mặc mà lành, nhưng khi nhập thế cuộc, chúng ta vì cố chấp phàm thân ham muốn vật chất, cầu thỏa mãn phàm thân. Đó là cái mầm khiến người ta tham lam, giành giựt lợi quyền mà sanh ra thất Đạo, cho nên Đức CHÍ TÔN nói tham lam đến đâu thì tai hại đến đó.

Phải biết rằng: Tài vật của người, dầu ít nhiều, dầu lớn nhỏ đều do người làm nhọc nhằn mới tạo ra được. Nay, chúng ta trộm cắp của người, để làm của mình, dầu cách nầy, hay cách khác, cũng đều là một việc thái ư bất công. Bất công thì chẳng những phạm luật Trời mà mích lòng người nữa. Muốn tránh sự trộm cắp, thì đừng tham lam, mà muốn chẳng có lòng tham chúng ta nên biết tri túc và bố thí.

Tri túc - Là biết đủ, tức cầu cho mình đủ ăn, đủ mặc thì thôi chớ chẳng nên vọng cầu những của phi nghĩa. Nếu chẳng biết đủ thì lòng tham nổi lên mà xúi chúng ta vơ vét của cải về cho mình, rồi lại để cho con cháu mình nữa. Ngạn ngữ nói: "Túi tham không đáy, chứa bao nhiêu cũng không đầy".

Đạo Đức Kinh chương 44 nói rằng:

"Thậm ái tất thậm phí,
Đa tàng tất đa vong.
Tri túc bất nhục.
Tri chỉ bất đãi.
Khả dĩ trường cửu".

Tham thì thâm, chứa nhiều ắt mất nhiều. Biết đủ không nhục, biết dừng chơn ở ngoài vòng tranh đấu lợi danh thì không hại và có thể lâu dài.

Bố thí - Chúng ta nên tùy phương tiện của mình mà thí tài, hay thí pháp, bố thí mà không cầu người trả ơn. Muốn cho đức ấy được tỏ rạng, phải mở lòng vị tha, nghĩa là vì người mà bố thí chớ không phải buôn quyền bán danh.

Kẻ xả thân hành đạo thì hay hòa mình với Đạo, hòa sống với chúng sanh. Thử nghĩ thân còn chẳng có thân riêng, huống chi là tài sản. Suy tưởng, ngẫm nghĩ như thế, thì lòng vị tha sẽ khai quát, để thay thế cho tánh ích kỷ.

3. CẤM TÀ DÂM

THÁNH NGÔN - đề ngày 26-6 Bính Dần (30-6-1926)

- Vì sao Tà dâm là trọng tội?

"Nguyên xác thân con người, tuy mắt phàm xem như một, tựu trung chất chứa vàn vàn, muôn muôn sanh vật. Sanh vật ấy cấu kết nhau thành tế bào (Formation de cellules). Nó có tánh linh, chất dưỡng sanh nó là rau cỏ, bông trái, lúa gạo. Thử hỏi những lương vật nầy, nếu chẳng có chất sanh và chẳng hàm chứa sanh lực thì thế nào nó tươi đặng. Hoặc giả, nếu nó có khô rũ thì nó phải chết, mà các con có ăn vật khô héo bao giờ. Còn như dùng lửa nấu, bất quá tẩy trược mà thôi, kỳ thật, sanh vật bị nấu chưa hề chết.

Vật ăn vào tỳ vị tiêu hóa ra khí, khí biến ra huyết. Nó có thể hườn thành Nhơn hình, vì vậy nên mới có cơ sống chết của chúng sanh. Một giọt máu là một khối Chơn linh, nếu các con dâm quá độ, tức là sát hại nhiều Chơn linh, khi các con thoát xác, nó đến Nghiệt Cảnh Đài mà kiện, các con chẳng hề chối tội đặng.

Vậy các con phải giữ gìn giới cấm nầy cho lắm".

Theo Thánh Ngôn trên đây, chúng ta đã hiểu sự dâm dục có hại cho kẻ hành giả là dường nào.

Vả lại, phàm thân do nhơn duyên cấu sanh, mà hễ có sanh thì tự nhiên có tử. Và khi tử thì duyên phải tan rã và trở về với đất nước gió và lửa. Thế thì nhục thân có trường tồn đâu mà phải cần khoái lạc nhứt thời cho nó, đề rồi gây ra tội tình. Nhơn quả cho phần hồn phải chịu muôn năm, ngàn kiếp, nhứt là quyến rủ vợ con người vào đường quấy là phá hại gia cang người, lại là một việc ác đứng đầu trong muôn việc ác khác.

Gia dĩ, dâm dục sát hại nhiều Chơn linh, khi thoát xác. chúng nó kiện nơi Nghiệt Cảnh Đài, chúng ta không chối tội được. Vậy kẻ tu hành chớ nên ham vui một thuở mà chịu khổ cả muôn đời.

Tóm lại, thân thể người chẳng khác thân thể động vật. Điều chính của nó là hành động mà hành động của nó lại khuynh hướng về tư kỷ nhiều hơn, cho nên chúng ta phải cố gắng gìn giữ giới cấm nầy, để trị thân thể và đem nó về đường Chánh Đạo.

4. BẤT ẨM TỬU (Không nên uống rượu)

Thánh Ngôn Đức CHÍ TÔN đề ngày 15-12 năm Bính Dần (18-1-1927)

- Vì sao phải giới tửu?

"Thân thể con người là một khối Chơn linh hiệp thành. Chơn linh ấy hằng sống, Ngũ tạng Lục phủ cũng là khối sanh vật tạo nên. Phận sự của chúng nó hoặc hiểu biết hoặc không, đều tùy lịnh Thầy phán đoán, vậy Thầy lấy hình chất xác phàm để giảng dạy.

Hình chất con người cũng như hình chất thú, phải ăn uống mới sống được. Rượu vào tỳ vị, chạy khắp Ngũ tạng, Lục phủ. Trái tim là chủ động của bộ máy sanh sống, mà trái tim bị rượu thâm nhập, khiến cho nó rung động quá mức thiên nhiên đã định, thôi thúc huyết mạch vận hành, một cách quá mau lẹ. Sanh khí nơi phổi không có đủ ngày giờ nhuận huyết, rồi trược huyết thối nhập trong thân thể, truyền thống những chất độc vào trong những sanh vật. Mỗi khối sanh vật ăn rồi phải bịnh, càng ngày càng tăng thêm, rốt cuộc hết sanh lực, cốt tủy lần lần phải chết, thân thể tự nhiên chết theo. Nhiều kẻ bị tê liệt hết nửa thân mình cũng vì rượu.

Thầy nói sự hại của phần hồn: Thầy nói Chơn Thần là khí chất (Le sperme évaporé) bao bọc thân thể của các con. Trung tim nó là óc, cửa xuất nhập nó là mỏ ác, chữ gọi Vi Hộ, Hộ Pháp hằng đứng giữ gìn các con khi luyện đạo, đặng giúp cho Tinh hiệp với Khí rồi đưa khí đến Chơn Thần. Tinh Khí Thần hiệp nhứt mới siêu phàm nhập Thánh. Đó là nguồn cội của sanh khí mà óc cũng vì huyết mạch vận chuyển vô chừng, đến đỗi tán loạn. Thế rồi Chơn Thần an tịnh thế nào đặng thân thể phải chịu ngây dại trở nên thú tánh, thú chất. Như vậy thì mất hết Nhơn phẩm rồi, còn mong chi đến địa vị Thần Tiên; lại nữa, trong buổi loạn thần, cửa để trống, tà mị thừa cơ xâm nhập, giục các con làm quấy gây nên tội tình mà phải chịu luân hồi muôn kiếp.

Vậy Thầy cấm các con uống rượu".

Vấn đề kiêng rượu, có lẽ trong hàng anh em chúng ta người nào cũng đã có bị một lần say rượu. Vậy sự kinh nghiệm ấy đã dạy chúng ta biết với một cách rõ ràng rằng: Say rượu chẳng những loạn trí não mà Ngũ tạng cũng không còn giữ được chơn lực nữa. Thế thì giới tửu là một điều cấm quan trọng vậy.

5. BẤT VỌNG NGỮ (Chẳng nên nói dối)

Thánh Ngôn Đức Chí Tôn có dạy năm Mậu Thìn (1928)

"Nơi thân phàm các con Thầy cho một Chơn linh theo gìn giữ. Chơn linh ấy vốn vô tư, đặng phép thông công cùng Thần, Thánh, Tiên, Phật và các Đấng Trọn Lành nơi Ngọc Hư Cung, nhứt nhứt việc lành, việc dữ đều có ghi. Vậy nên một mảy lành dữ đều có trả.

Lại nữa, Chơn linh ấy có tánh Thánh nơi mình, chẳng phải gìn giữ các con, mà còn dạy dỗ nữa. Đời thường gọi là Lương Tâm. Thánh xưa nói rằng: Khi Nhơn tức khi Tâm, khi Tâm tức khi Thiên, khi Thiên đắc tội, hoạch tội ư Thiên vô sở đảo. Như các con nói dối, điều ấy chưa dối đặng người, mà các con đã dối lương tâm mình. Một lời nói, tuy chưa thi hành, song tội tình cũng đồng thể, như đã có làm. Thầy dặn các con: phải cẩn ngôn, cẩn hạnh, thà các con làm tội mà chịu tội cho đành, chẳng hơn các con nói tội mà phải chịu trọng hình đồng thể".

Theo giới cấm nầy, người tu không được nói dối, dầu việc lớn hay nhỏ, trọng hay khinh cũng vậy. Cổ nhơn nói: "Nhơn bất tín bất lập". Đối với thế nhơn: Mình mất tín nhiệm còn không làm nên được, huống chi đối với Trời Phật, cho nên chúng ta phải nói chơn thật và khi nói ra rồi phải giữ lời.

Người tu chẳng những không nói dối, mà còn phải nói chơn chính nữa. Nếu gặp sự thì phải theo sự mà nói thành thật, để cho người nghe tin dùng; nếu gặp lý thì phải tùy lý mà nói minh bạch, để cho người nghe hết nghi.

Cấm lưỡng thiệt - Người tu không được đem việc đầu nầy mà nói đầu kia làm cho người nầy giận kẻ nọ mà sanh ra đôi co, cãi cọ.

Phải lánh xa những việc nói xấu kẻ khác, tức là nói hành.

Cấm ác khẩu - Người tu không được nói lời hung dữ, như chửi rủa chẳng hạn. Trái lại, phải dùng lời nói hiền lành, bàn việc hữu ích, phải dùng lời dịu ngọt, an ủi người khốn khó. Nếu gặp người nói hung dữ như: mắng lộn, chửi lộn, thì phải dùng lời êm thắm mà khuyên dứt đôi đường. Nếu gặp người làm việc gì mà thối chí, ngã lòng, thì nên dùng lời nghĩa lý mà khuyên nhủ cho bạn khởi lòng tinh tấn.

Cấm ỷ ngữ - Người tu không được dùng lời khôn khéo, để khêu gợi nguyệt hoa, không được dùng lời bóng bẩy, để xuyên tạc kẻ khác. Trái lại phải nói ít và thiệt thà.

Bốn giới cấm để kềm dẫn khẩu căn vào cõi thanh tịnh. Người tu chẳng ai mà không biết, nhưng, biết thì dễ mà thực hành thì khó, mà nếu không thực hành được thì cũng như không biết. Đó là chỗ nói rằng: "Học mà không hành thì cũng như không học". Vậy chúng ta khuyên nhau gắng gượng tiến lên đường đạo đức thực hành.

Ban đầu chúng ta tập ít nói, để có ngày giờ suy nghĩ, trước khi thốt ra lời. Về sau, quen rồi thì việc khó hóa dễ.

TỨ ĐẠI ĐIỀU QUI

Tứ Đại Điều Qui là bốn điều luật răn cấm:

1.- Phải tuân lời dạy của bề trên. Chẳng hổ chịu cho bực thấp hơn điều độ. Lấy lễ hòa người. Lỡ lầm lỗi phải ăn năn chịu thiệt.

2.- Chớ khoe tài, đừng cao ngạo, quên mình mà làm nên cho người. Giúp người nên Đạo, đừng nhớ cừu riêng; chớ che lấp người hiền.

3.- Bạc tiền xuất nhập phân minh, đừng mượn vay không trả. Đối người trên, dười đừng lờn dễ; trên dạy dưới lấy lễ, dưới gián trên đừng thất khiêm cung.

4.- Trước mặt, sau lưng, cũng đồng một bực, đừng kính trước rồi lại khi sau.

Tóm lại, xử sự tiếp vật, nên lấy hạnh khiêm cung làm đầu. Tinh thần của lễ là kính. Phàm kính người thì luôn luôn hết dạ kính tin, dầu có mặt, hay không cũng vậy. Đừng thấy giàu mà trọng, chẳng nên thấy khó mà khinh. Thường lấy lời nhỏ nhẹ khuyên bạn làm lành. Phép nước Luật Đạo hết lòng kính giữ. Đó là phương pháp sửa mình lập đức vậy.

GIÁO HUẤN

Đại Đạo có mở trường dạy văn chương và dạy đạo lý. Trong trường học, có thể lệ riêng.

Người muốn dự cử vào hàng Chức Sắc phải có cấp bằng của Trường Đạo mới được.

Đạo Tràng - Trường Đạo có hai lớp:

Một lớp dạy Giáo Hữu và Lễ Sanh thì do một vị Giáo Sư đảm nhiệm.

Một lớp dạy Chức Việc do Giáo Hữu đảm nhiệm. Sự giáo huấn dưới quyền Hiệp Thiên Đài kiểm soát, vì giáo huấn thuộc quyền Hiệp Thiên Đài.

Vị nào theo học mãn khóa, mà không được cấp bằng thì phải tái học nữa để thi đậu.

Trường học văn chương - Đại Đạo có mở trường dạy văn chương.

Con nít từ 6 tuổi dẫn lên phải đến trường học.

RĂN PHẠT

Có luật dĩ nhiên phải có răn phạt, nhưng cách răn phạt của Tôn giáo chẳng giống luật Đời, mà thật cốt yếu là răn dạy. Đại khái như:

Kẻ nào phạm giới luật, nếu có bạn khuyên can thì phải vui lòng nghe theo mà cải quá. Nếu kẻ phạm có một hai lần được khuyên can rồi, mà còn tái phạm nữa, thì chúng bạn được đem việc ấy đến trình bày với vị Chức Sắc cai quản Thánh Thất sở tại. Nếu vị Đầu Họ Đạo đã dứt bẩn rồi mà kẻ ấy còn phạm tội nữa thì việc lầm lỗi ấy, có thể đem đến Hội Thánh xem xét. Kẻ phạm Luật Đạo, có thể bị trục xuất, nếu tội lỗi không thể tha thứ được.

BAN HÀNH LUẬT ĐẠO

Sáu tháng sau ngày ban hành Tân Luật, chư Tín đồ phải y tuân điều lệ.

Ngoại trừ:

  1. Người hành nghề nào có phạm đến giới cấm thì phải giải nghệ, hạn định một năm.
  2. Chức Sắc chưa trường trai được, kỳ hạn hai năm phải tập theo cho kịp.

2. THẾ LUẬT

Cùng theo học một Thầy, tức thị anh em bạn đồng môn, mà hễ anh em thì phải thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau trên đường Đạo và đường Đời. Tình đồng đạo, nếu ngày trước có hờn giận nhau, ngày nay nên hỉ xả. Quên lỗi cũ đặng cùng nhau tạo một nền hạnh phúc chung. Phải tránh việc cãi cọ hiện tiền, lấy đức nhẫn nhục đối đãi nhau. Trên dưới thương nhau trên đường Đạo và đường Đời. Ấy là hiến lễ trân trọng lên Đại Từ Phụ vậy.

Nhơn Đạo vốn có Tam cang, Ngũ thường, Tam tùng, Tứ đức là trọng. Kẻ học Đạo lấy đó làm nền tảng cho cuộc đời mình. Gốc đã thành lập thì tự nhiên ngọn nương theo mà sanh.

Người Tín đồ Đại Đạo không nên có hầu thiếp, trừ ra, khi đã bị chích lẻ giữa đường, cần chấp nối. Hoặc giả, vợ chánh không con nối hậu, thì đặng phép cưới thiếp, song phải có vợ chánh ưng thuận mới đặng. Vợ chồng chẳng đặng để bỏ, trừ ra tội nặng như ngoại tình, thất hiếu v.v…

Con nít phải có cha đỡ đầu, phòng khi rủi bị thân côi. Con nít lên bảy tuổi phải cho học đạo, học chữ. Việc Quan Hôn Tang, Tế anh em chung lo với nhau như anh em ruột một nhà. Tang lễ không nên xa xí, không nên quàn Linh cữu lâu ngày, không nên dùng đồ màu sắc, không nên yến ẩm. Việc cúng tế nên dùng đồ chay. Nhạc lễ theo Tân Luật, tang phục y như xưa.

Quân tử chi Đạo tạo đoan hồ phu phụ, Đạo làm người khởi đầu tại việc lập vợ chồng; gốc nếu rủi lầm lỗi thì sau ắt khó sửa chữa. Vậy nên người Tín Đồ phải kết hôn với người đồng đạo; trừ ra khi người ngoại đạo ưng thuận nhập môn trước rồi sau kết thành vợ chồng.

Trước lễ thành hôn 8 ngày, chủ hôn trai phải dán Bố cáo tại Thánh Thất sở tại, gọi là Bát Nhựt. Ấy là ngừa sự trắc trở về sau. Lễ hôn phối cần cầu chứng nơi Thánh Thất sở tại.

Về việc sanh nhai, người Tín Đồ phải chọn một nghề nào không có tánh cách sát hại sanh vật, không có bại tục, tồi phong.

3. TỊNH THẤT

Tịnh Thất là một giáo đường thâm nghiêm. Tín đồ vào đó đặng an thần, dưỡng trí, tu luyện đến công viên, quả mãn. Nơi đây, mỗi người đặng thọ Bí quyết của Đức CHÍ TÔN truyền dạy và được dìu dắt cho đến siêu thoát ra ngoài vòng Càn Khôn.

Hạng Tín đồ nầy là bực tối thượng thừa, xong xuôi tất cả bổn phận làm người; nghĩa là chẳng còn dính dấp với gia đình, xã hội nữa, mới đặng nhập Tịnh Thất. Hội Thánh sẽ xem xét kỹ càng, trước khi thu nhận.

Tịnh Thất có kỷ luật riêng, ngày giờ công phu, hoặc ăn nghỉ, mỗi mỗi đều nhứt định. Cấm người trong Tịnh Thất giao tiếp với kẻ ngoài, hoặc thơ tín, hay bàn chuyện cũng vậy.

Trong Tịnh Thất có luật riêng, kẻ ở Tịnh Thất nhứt nhứt phải tuân theo kỷ luật ấy. Đó gọi là Luật Xuất Thế.

Tóm lại: Lễ nghi và Đạo luật tuy hình thức khác nhau, nhưng đồng đem lại một kết quả. Nghi lễ để trau giồi tâm lý, Đạo luật để cầm vững hành vi. Cả hai đều giúp cho người vững bước trên đường tu tỉnh.

Ấy vậy kẻ học phải biết quan sát, phải biết áp dụng, hầu cho mình có một tinh thần kỷ luật.

 



Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 1542 | Tác giả: Tiếp Pháp Trương Văn Tràng