× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Giáo Lý

Giáo Lý


III. Hình thức Đại Đạo

CHƯƠNG THỨ BA
─────────────────────

Đức Giáo Chủ Đại Đạo là Đấng Thiêng Liêng đại diện cho nền Đại Đạo, Đức Ngài lập một HỘI THÁNH gồm có ba đài là:

  • BÁT QUÁI ĐÀI
  • HIỆP THIÊN ĐÀI
  • CỬU TRÙNG ĐÀI

1. BÁT QUÁI ĐÀI

Một Tòa Bửu Điện kiến trúc theo hình Bát Quái (8 góc) thờ Đức CHÍ TÔN và Phật, Tiên, Thánh, Thần. Nghi tiết, phượng thờ tế tự như sau:

THỜ ĐỨC CHÍ TÔN

Trên ngôi cao ngất kia thờ Thiên Nhãn vẽ trên quả Càn Khôn, chính giữa quả Càn Khôn thường đốt một ngọn đèn sáng. Đó là tượng trưng thờ Đức THƯỢNG ĐẾ ngự trên ngôi Thái Cực, Đức Ngài là Chủ tể Càn Khôn Thế Giái, thống trị vạn vật, về phương diện Giáo Chủ nền Đại Đạo Kỳ Ba, Đức Ngài tá danh "CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT" mà chúng tôi đã giải bày trong chương trước.

THÁNH NGÔN. - Ngày 11-8 Bính Dần (17-9-1926)

"Một trái Càn Khôn như trái Đất tròn quay. Bề kính tâm ba thước, ba tất. Lớn quá song phải vậy mới đặng, vì là cơ mầu nhiệm Tạo Hóa trong ấy, sơn màu xanh da trời; cung Bắc Đẩu và Tinh Tú vẽ trên Quả Càn Khôn.

Thầy kể Tam Thập Lục Thiên, Tứ Đại Bộ Châu ở không không trên không khí, tức không phải Tinh Tú. Còn lại Thất Thập Nhị Địa và Tam Thiên Thế Giái thì đều là Tinh Tú. Tính lại: Ba ngàn bảy mươi hai ngôi sao, con biểu vẽ lên đó cho đủ. Con dở sách Thiên văn Tây ra coi mà bắt chước. Tại ngôi Bắc Đẩu, con phải vẽ hai cái bánh lái cho đủ và sao Bắc Đẩu cho rõ ràng. Trên sao Bắc Đẩu vẽ con mắt Thầy. Hiểu chăng? Đáng lẽ trái ấy phải bằng chai, đúc trong một ngọn đèn thường sáng. Ấy là lời cầu nguyện rất quí báu cho cả nhơn loại. Càn Khôn Thế Giái đó, nhưng làm chưa kịp thì con tùy tiện làm thế nào cho kịp đại hội.

Còn Chư Phật, Tiên, Thánh, Thần đã lên cốt rồi thì để dài theo dưới".

 

Hình Quả Càn Khôn và Thiên Nhãn

 

Thiên Nhãn - Nay như hỏi tại sao thờ Thiên Nhãn lại gọi là thờ Trời, thì Thánh Ngôn nói rằng:

"Nhãn thị chủ tâm,
Lưỡng quang chủ tể
Quang thị Thần,
Thần thị Thiên,
Thiên giả ngã giả".

Nghĩa là: Mắt là chủ tâm; hai yếng sáng trong mắt là Chủ Tể: Yếng sáng là Thần; Thần là Trời, Trời là Ta vậy.

Còn một lẽ nữa: Cơ mầu nhiệm đắc đạo là Thần hiệp với Tinh Khí. Tam Bửu huờn nguyên hiệp nhứt thì mới được siêu phàm nhập Thánh. Trái lại nếu có Tinh Khí mà chẳng có Thần thì không thể nhập cảnh hằng sống. Thờ Thiên Nhãn (Thờ Thần) cũng là một cách tiết lộ rằng: Cơ đắc đạo phải có Thần mới huờn nguyên đệ nhị xác thân, để nhập vào cảnh an nhàn tự tại.

THÁNH NGÔN của Đức CHÍ TÔN dạy rằng:

"Từ ngày Đạo bế, tu thì nhiều mà người đắc đạo rất ít, vì Thần là cơ mầu nhiệm mà lại bị khiếm. Nay Thầy đến hườn nguyên Tam Bửu cho các con đắc đạo. Các con hiểu: Thần cư tại Nhãn thì nên bố trí cho Đạo hữu các con hiểu với. Nguồn Tiên Phật yếu nhiệm tại đó".

Vả lại, Đại Đạo Nhứt Kỳ Nhị Kỳ Phổ Độ, Đức Giáo chủ có thân thể, cho nên người ta dùng cốt tượng để thờ. Còn nay khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Đức CHÍ TÔN không giáng trần, lại dùng huyền diệu Cơ bút mà lập giáo. Ấy vậy sự thờ Thiên Nhãn cũng chỉ về thờ Thần, mà Thần là Trời vậy.

THỜ TAM GIÁO VÀ NGŨ CHI

TAM GIÁO:

Kế cận quả Càn Khôn, thờ Đức THÍCH CA.
Tả có Đức KHỔNG PHU TỬ.
Hữu có Đức LÃO TỬ.
Đó là thờ ba vị giáo chủ Thích, Đạo, Nho.

Đức LÝ THÁI BẠCH là Nhứt Trấn Oai Nghiêm
Đức QUAN ÂM là Nhị Trấn Oai Nghiêm.
Đức QUAN THÁNH ĐẾ QUÂN là Tam Trấn Oai Nghiêm.
Ba vị Đại diện của Tam Giáo trong Cơ Phổ Độ kỳ ba.

NGŨ CHI:

Ngôi Giáo Tông, Chưởng Pháp, Đầu Sư tượng trưng: Nhơn Đạo.
Đức Khương Thượng tượng trưng: Thần Đạo.
Đức Jésus Christ tượng trưng: Thánh Đạo.
Đức Lý Thái Bạch tượng trưng: Tiên Đạo.
Đức Thích Ca tượng trưng: Phật Đạo.

Tóm lại: Bát Quái Đài là nơi Hội Công Đồng Tam Giáo, Ngũ Chi, Đức CHÍ TÔN vi chủ, cũng như hồn Đạo, cả Giáo Pháp do Đài nầy truyền ra.

 

Tượng Ngũ Chi Đại Đạo

2. HIỆP THIÊN ĐÀI

Theo danh từ mà cắt nghĩa Hiệp Thiên Đài là cái Đài hiệp với Trời, có phận sự làm trung gian, kết liên Bát Quái Đài và Cửu Trùng Đài thành một Hội Thánh. Phận sự ấy làm do Hiệp Thiên Đài có hai nhiệm vụ là:

  1. THIÊNG LIÊNG
  2. PHÀM TRẦN

NHIỆM VỤ THIÊNG LIÊNG

Hiệp Thiên Đài là nơi Đức CHÍ TÔN ngự, cầm quyền Thiêng liêng mối Đạo, tiếp xúc với Cửu Trùng Đài, tức là chỗ Đức CHÍ TÔN và các Đấng Trọn Lành giáng cơ truyền giáo. Điều nên lưu ý là: Nếu chẳng có Hiệp Thiên Đài thì Cửu Trùng Đài chẳng có phương tiện thông công với Bát Quái Đài, cũng như châu thân người ta nếu không có cái "Vía" làm môi với thì phần hồn và phần xác cũng không thể hiệp nhứt được.

THÁNH NGÔN: "Hiệp Thiên Đài là nơi Thầy ngự, cầm quyền Thiêng liêng mối Đạo. Hễ Đạo còn thì Hiệp Thiên Đài còn. Lại nữa, Hiệp Thiên Đài là nơi Giáo Tông đến tiếp xúc với Tam Thập Lục Thiên, Tam Thiên Thế Giái, Lục Thập Bát Địa cầu, Thập Điện Diêm Cung, mà cầu siêu cho cả nhơn loại".

NHIỆM VỤ PHÀM TRẦN

Hiệp Thiên Đài có ba chi: "PHÁP, ĐẠO, THẾ". Đức CHÍ TÔN dạy:

THÁNH NGÔN đề ngày 21-1 Đinh Mão (13/2/1927):

"Hiệp Thiên Đài dưới quyền Hộ Pháp chưởng quản. Tả có Thượng Sanh, hữu có Thượng Phẩm. Thầy lại chọn Thập Nhị Thời Quân chia làm ba chi.

Hộ Pháp Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài , kim chi Pháp dưới có:

Bảo Pháp
Hiến Pháp
Khai Pháp
Tiếp Pháp

Chi Pháp lo bảo hộ luật Đời và luật Đạo, chẳng ai hành động sai luật mà Hiệp Thiên Đài không biết.

Thượng Phẩm lo về phần Đạo dưới có:

Bảo Đạo
Hiến Đạo
Khai Đạo
Tiếp Đạo

Chi Đạo lo phần Đạo nơi các Tịnh Thất và các Thánh Thất, xem xét chư Môn đệ Thầy, binh vực chẳng ai phạm luật, đến khổ khắc đặng.

Thượng Sanh lo về phần Thế, dưới có:

Bảo Thế
Hiến Thế
Khai Thế
Tiếp Thế

Thầy khuyên các con lấy tánh vô tư mà hành Đạo. Thầy cho biết trước rằng: Hễ trọng quyền thì ắt có trọng phạt".

Tóm lại, cả Giáo pháp, Luật lệ của nền Đại Đạo do Bát Quái Đài truyền ra. Nhiệm vụ phàm trần của Hiệp Thiên Đài là truyền bá và gìn giữ Chơn truyền cho khỏi bị canh cải ra phàm giáo".

ĐẠO PHỤC CHỨC SẮC HIỆP THIÊN ĐÀI
─────────────────────

ĐẠO PHỤC của HỘ PHÁP

Đạo Phục của Hộ Pháp có hai bộ:

Đại Phục và Tiểu Phục (3)

Đại Phục - Người phải mặt Giáp, đầu đội mão Kim Khôi toàn bằng vàng. Trên Kim Khôi có Tam Sơn, giống như cái chỉa ba ngạnh, tượng trưng Chưởng Quản Tam Thiên bên Tây Phương Cực Lạc; chơn đi hia, trên chót mũi hia có chữ "Pháp". Ngoài Giáp choàng một mảng bào (choàng thế nào bên tả giáp bên hữu). Tay hữu cầm Giáng Ma Xử (Thế lấy Đời chế Đạo). Tay tả nắm xâu chuổi "Từ Bi" (Thế lấy Đạo chế Đời) thành ra nửa đời nửa Đạo.

Ngang lưng cột giây Lịnh sắc có ba màu (Vàng, Xanh, Đỏ) trượng trưng nắm trọn Thể Pháp đặng qui nhứt. Mối giây Lịnh sắc để ngay giữa.

Tiểu Phục - Bộ Tiểu Phục nầy may bằng hàng màu vàng; đầu đội Hỗn Nguơn Mạo, màu vàng, bề cao một tấc; ngay trước trán, chính giữa có thêu ba Cổ Pháp Tam Giáo (Bình Bát Vu, Cây Phất Chủ, bộ Kinh Xuân Thu) phía trên ba Cổ Pháp có thêu chữ "Pháp". Chơn đi giày Vô ưu màu trắng. Nơi chót mũi giày có thêu chữ "Pháp". Lưng buột giây Lịnh Sắc, như Đại Phục.

Đại Phục chỉ dùng khi ngự trên ngai, còn khi ngồi Tòa Tam Giáo thì mặc Tiểu Phục.

 

Chơn dung Đức Hộ Pháp PHẠM CÔNG TẮC

 

ĐẠO PHỤC của THƯỢNG PHẨM

Đạo Phục của Thượng Phẩm có hai bộ:

Đại Phục và Tiểu Phục (3)

Đại Phục - Bộ Đại Phục may bằng hàng màu trắng, ngoài mặc áo lá màu xanh, có viền chỉ kim tuyến bạc. Đầu để trần, chơn đi giày vô ưu màu trắng, trước mũi có chữ "Đạo", lưng buộc giây Lịnh sắc, cũng như Hộ Pháp, song mối thả về bên "Hữu". Tay hữu cầm Long Tu Phiến (cây quạt kết đủ 36 lông cò trắng) trên đầu quạt ngay giữa có Phất Chủ. Quạt ấy đưa các Chơn Hồn vào Tam Thập Lục Thiên. Tay tả nắm xâu chuỗi "Từ Bi".

Tiểu Phục - Bộ Tiểu Phục cũng bằng hàng trắng, lưng cột giây Lịnh sắc như Đại Phục, đầu đội Hỗn Nguơn Mạo màu trắng, ngay giữa trán có thêu Long Tu Phiến; ngay trên hình Long Tu Phiến có chữ "Đạo".

Đại Phục dùng khi ngự trên ngai Thượng Phẩm. Khi đến Tòa Tam Giáo thì mặc Tiểu Phục.

 

Chơn dung Đức Thượng Phẩm CAO QUỲNH CƯ

 

ĐẠO PHỤC của THƯỢNG SANH

Thượng Sanh cũng có hai bộ Đạo Phục:

Đại Phục và Tiểu Phục (3)

Đại Phục - Đại Phục cũng y như Thượng Phẩm, đầu bịt Thanh Cân, tức bao đảnh xanh, lưng mang dây Thần Thông, tức một đường lụa đỏ và nịt giây Lịnh sắc, y như Hộ Pháp và Thượng Phẩm, song thả mối bên Tả, nơi lưng giắt Thư Hùng Kiếm (Thể về tạo Thế và chuyển Thế). Tay hữu cầm Phất Chủ (Thể dâng Thế vào Hộ Pháp). Tay tả nắm xâu chuỗi "Từ Bi" (Thể đưa Đạo cho Nhơn Sanh). Chơn đi giày Vô ưu màu trắng, trước mũi có thêu chữ "Thế".

Tiểu Phục - Tiểu Phục của Thượng Sanh cũng giống như của Thượng Phẩm, song ngay trước mão có thêu hình Thư Hùng Kiếm và Phất Chủ, có chữ "Thế" phía trên. Lưng cột giây Lịnh sắc như Đại Phục.

Đại Phục chỉ dùng khi ngự trên ngai. Tiểu Phục dùng khi đến Tam Giáo Tòa.

 

Chơn dung Đức Thượng Sanh CAO HOÀI SANG

 

ĐẠO PHỤC của THẬP NHỊ THỜI QUÂN

Đạo Phục của Thập Nhị Thời Quân có hai bộ là:

Đại Phục và Tiểu Phục (3)

Đại Phục - Đại Phục may bằng hàng màu trắng, cổ trịch, viền chỉ Kim Tuyến bạc; đầu đội mão "Quạ" bằng hàng trắng; lưng buộc giây Lịnh Sắc, theo Chi mình mà thả mối, chơn đi giày vô ưu màu trắng.

Tiểu Phục - Tiểu Phục cũng may bằng hàng trắng, lưng buộc giây Lịnh Sắc như Tiểu Phục của Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh, tùy chi mình mà để Cổ Pháp, chơn đi giày vô ưu màu trắng.

Khi hành chánh Đạo thì mặc Tiểu Phục, còn Đại Phục mặc khi Đại Lễ.

Tiểu Phục của Chức sắc Hiệp Thiên Đài về sau, thêm một Tam Quan Mạo nữa.

(3) Xem quyển Pháp Chánh Truyền , trang 101 - 102

 

Hình
a) TAM QUAN MẠO
b) NHỰT NGUYỆT MẠO
c) HỖN NGƯƠN MẠO
 
Hình TAM QUAN MẠO (Chi Thế)
 
Hình NHỰT NGUYỆT MẠO

3. CỬU TRÙNG ĐÀI

Bát Quái Đài tỷ như Hồn Đạo, cả Giáo pháp do Đài nầy truyền dạy.

Cửu Trùng Đài tỷ như Thể Đạo, cả Giáo pháp nương Đài nầy mà hình dung Đạo Đức ra thế gian để đời soi sáng.

Theo chữ mà cắt nghĩa: Cửu Trùng Đài là cái Đài thể theo Cửu Trùng Thiên mà kiến trúc, có chín nấc cao thấp khác nhau. Cửu Phẩm Thần Tiên vâng lịnh Ngọc Hư Cung trị thế giới vô hình, cũng như Cửu Trùng Đài vâng lịnh Bát Quái Đài, chưởng quản mối Đại Đạo tại thế gian về mặt hữu vi. Vậy tất cả chơn linh trong Càn Khôn Võ Trụ, đều phải vào Cửu Trùng Đài và tuần tự theo đẳng cấp thấp cao, để đạt vị Thiêng liêng của mình.

Cửu Trùng Đài do một Hội Thánh quản trị, mạng danh là "HỘI THÁNH Cửu Trùng Đài" gồm có một phái Nam và một phái Nữ.

Đức CHÍ TÔN lập Pháp Chánh Truyền cho cả hai phái như sau:

1).- CHỨC SẮC CỬU TRÙNG ĐÀI NAM PHÁI:

Giáo Tông - "Là Anh Cả của các con, có quyền thay mặt Thầy mà dìu dắt các con, trong đường Đạo và đường Đời. Có quyền về phần xác mà chẳng có quyền về phần hồn. Giáo Tông đặng phép thông công cùng Tam Thập Lục Thiên và Thất Thập Nhị Địa, cầu rỗi cho các con".

Chưởng Pháp - " Ba vị Chưởng Pháp của Tam Giáo, tuy phân biệt, song trước mặt Thầy coi như một, có quyền xem xét luật lệ, trước khi ban hành, hoặc nơi Giáo Tông truyền xuống hoặc dưới Đầu Sư dâng lên. Nếu cả hai chẳng thuận, Chưởng Pháp phải dâng lên Hộ Pháp, đến Hiệp Thiên Đài cầu Thầy sửa chữa, hay tùy ý lập luật khác. Chưởng Pháp có quyền xem xét kinh điển trước khi phổ thông. Nếu có kinh điển nào làm tồi bại phong hóa, Chưởng Pháp có quyền trừ bỏ. Buộc cả Tín đồ phải giúp Chưởng Pháp hành sự trước luật đời. Thầy khuyên các con rán giúp đỡ lẫn nhau. Chưởng Pháp, mỗi vị có ấn riêng. Ba ấn phải đủ trên mặt luật, mới đặng thi hành".

Đầu Sư –“Ba vị Đầu Sư có quyền cai trị phần Đạo và phần Đời của chư Môn đệ. Đầu Sư có quyền lập luật, song phải dâng lên Giáo Tông phê chuẩn. Muốn phê chuẩn luật lệ Giáo Tông phải giao cho Chưởng Pháp xem xét trước, coi luật lệ ấy quả có ích cho nhơn sanh chăng? Ba vị Đầu Sư phải tuân lệnh Giáo Tông truyền dạy. Thảng có luật lệ nào quá hà khắc Tín đồ, Đầu Sư có quyền xin ủy bỏ. Thầy khuyên các con rán giúp Đầu Sư trong khi hành sự. Thầy lại dặn các con, nếu có điều cần, nên nài xin nơi Đầu Sư.

Ba Chi tuy khác, song quyền hành như một. Luật lệ nào của Giáo Tông truyền dạy mà cả ba đồng bất tuân thì luật lệ ấy phải trả lại Giáo Tông, truyền lệnh cho Chưởng Pháp xem xét. Ba vị Đầu Sư có ba ấn khác khau. Mỗi tờ giấy phải có đủ ba ấn mới đặng thi hành.”

Phối Sư – “Mỗi phái có 12 người, ba phái cộng lại thành 36 vị. Trong số 36, tuyển ra ba vị Chánh Phối Sư để thế quyền Đầu Sư mà hành sự, song chẳng có quyền phá luật lệ.”

Giáo Sư – “Giáo Sư có 72 người, mỗi phái có 24 vị. Giáo Sư là người dạy dỗ Tín đồ trong đường Đạo và đường Đời. Buộc Giáo Sư phải lo lắng cho Tín đồ, cũng như anh lo cho em. Giáo Sư cầm sổ bộ Tín đồ, chăm nom việc tang hôn. Tại Châu thành lớn, Giáo Sư có quyền cai quản Thánh Thất, cúng tế Thầy, như Đầu Sư và Phối Sư. Giáo Sư có quyền dâng sớ kêu nài sửa đổi, hoặc chế giảm luật lệ nào quá hà khắc nhơn sanh. Giáo Sư thân mật với mỗi đứa Môn đệ, như anh em một nhà, cần phải giúp đỡ.”

Giáo Hữu – “Giáo Hữu là người phổ thông Chơn Đạo, có quyền cầu xin chế giảm luật lệ. Ba ngàn Giáo Hữu chia đều mỗi phái một ngàn, chẳng đặng tăng thêm, hay giảm bớt. Giáo Hữu đặng phép hành lễ khi làm chủ một ngôi Chùa trong mấy tỉnh nhỏ.”

Lễ Sanh – “Lễ Sanh là người có hạnh, lựa chọn trong hàng chư Môn đệ để hành lễ, có quyền khai đàn cho Tín đồ. Thầy dặn các con: Lễ Sanh là người Thầy yêu mến, chẳng nên hiếp đáp. Vào hàng Lễ Sanh mới mong bước qua hàng Chức Sắc, trừ ra, Thầy phong thưởng riêng mới qua khỏi luật lệ ấy.”

Chánh Phó Trị Sự và Thông Sự - “Pháp Chánh Truyền trên đây, thoạt tiên, dự định đến phẩm Lễ Sanh thôi. Nhưng về sau, Đại Đạo một ngày phổ thông, người nhập môn ngày một nhiều, Hội Thánh thiếu người chăm nom phổ hóa, Đức Lý Giáo Tông bèn đặt thêm hai phẩm Chức việc nữa, là Chánh Phó Trị Sự và Đức Hộ Pháp đặt thêm phẩm Thông Sự. Ba phẩm Chức việc nầy có phận sự săn sóc Đạo hữu ở rải rác khắp nơi, từ thôn quê đến thành thị và hòa giải những tư tưởng bất đồng giữa Tín đồ.”

ĐẠO PHỤC CỦA CHỨC SẮC CỬU TRÙNG ĐÀI
NAM PHÁI
─────────────────────

ĐẠO PHỤC GIÁO TÔNG

Đạo Phục Giáo Tông có hai bộ là:

Đại Phục và Tiểu Phục (1)

Đại Phục - Đại Phục may bằng hàng trắng, thêu bông sen vàng từ trên tới dưới, hai bên cổ áo, mỗi phía có ba Cổ Pháp là Long Tu Phiến, Thư Hùng Kiếm và Phất Chủ (Ấy là Cổ Pháp của Thượng Phẩm và Thượng Sanh). Đầu đội mão vàng năm từng, hình Bát Quái (Ấy là thể Ngũ Chi Đại Đạo), ráp tròn lại bịt chính giữa, trên chót mão có chữ "Vạn", giữa chữ Vạn có Thiên Nhãn, bao quanh một vòng "Minh khí", nơi ngạch mão chạm ba Cổ Pháp rõ ràng, y như hai bên cổ áo đã nói trên. Tay mặt cầm cây gậy 0m90, trên đầu cây gậy có chữ "Vạn" bằng vàng, giữa chữ "Vạn" có Thiên Nhãn, bao quanh một vòng "Minh khí".

Tiểu Phục - Tiểu Phục cũng hàng bằng trắng có thêu "Bát Quái" (Thánh Ngôn ngày 22-4-1926)

Cung "Càn" ở trên trán, tức trên mão.
Cung "Khảm" ngay Hạ Đơn Điền.
Cung "Cấn" bên tay mặt.
Cung "Chấn" bên tay trái.
Cung "Đoài" trên vai mặt.
Cung "Tốn" bên vai trái.
Cung "Ly" ngay trái tim.
Cung "Khôn" giữa lưng.

Đầu đội Mão Hiệp Chưởng (Mitre) cũng toàn bằng hàng trắng, bề cao ba tấc, ba phân, ba ly (0m333) may giáp mối lại cho có trước một ngạnh, sau một ngạnh, hiệp lại có một đường xếp (Ấy là Âm Dương tương hiệp) cột giây xếp hai lại, bên tay trái, có để hai dải thòng xuống, một mí dài, một mí vắn [mí dài bề ngang ba phân (0m 03), bề dài 3 tấc (0m30)].

Trên mão ngay trước trán có thêu cung "Càn" (2). Chơn đi giày vô ưu toàn bằng hàng trắng, trước mũi có thêu Tịch Đạo Nam Nữ (Thanh Hương). [Xem bài Tịch Đạo rồi tùy mỗi trào Giáo Tông mà sửa đổi.]

(2) Cung Càn không có dưới áo mà lại nằm lên trên mão.

(1) Xem quyển Pháp Chánh Truyền , trang 60

 

Chơn dung Đức Quyền Giáo Tông
THƯỢNG TRUNG NHỰT

 

ĐẠO PHỤC CHƯỞNG PHÁP

ĐẠO PHỤC THÁI CHƯỞNG PHÁP

Thái Chưởng Pháp có hai bộ Đạo Phục là:

Đại Phục và Tiểu Phục

Đại Phục - Đại Phục may bằng hàng màu vàng, có thêu Bát Quái giống như Tiểu Phục Giáo Tông, ngoài choàng "Bá Nạp Quang" màu đỏ, tục gọi là "Khậu" đầu đội Mão Hiệp Chưởng của Hòa Thượng, tay cầm Bình Bát Vu, chơn đi giày vô ưu màu vàng, trước mũi có thêu chữ "Thích".

Tiểu Phục - Tiểu Phục cũng may màu vàng, y như áo Đại phục, ngoài không đắp khậu, đầu không đội mão mà bịt khăn màu vàng chín lớp chữ "Nhứt".

ĐẠO PHỤC THƯỢNG CHƯỞNG PHÁP

Thượng Chưởng Pháp có hai bộ Đạo Phục là:

Đại Phục và Tiểu Phục (1)

Đại Phục - Đại Phục bằng hàng trắng, trước ngực và sau lưng có thêu Thiên Nhãn, bao quanh vòng "Minh Khí", đầu có đội mão Hiệp Chưởng (Mitre) màu trắng y như kiểu mão Tiểu Phục của Giáo Tông, tay cầm Phất Chủ, chơn đi giày vô ưu cũng màu trắng; trước mũi có thêu chữ "Đạo".

Tiểu Phục - Tiểu Phục màu trắng, y như áo Đại Phục, đầu không đội mão mà bịt khăn màu trắng chín lớp chữ "Nhứt".

ĐẠO PHỤC NHO CHƯỞNG PHÁP

Nho Chưởng Pháp có hai bộ Đạo Phục là:

Đại Phục và Tiểu Phục

Đại Phục - Đại Phục toàn màu hồng, trước ngực và sau lưng có thêu Thiên Nhãn, bao quanh một vòng "Minh Khí". Đầu đội mão "Văn Đằng" màu hồng, trên ngay trước trán có thêu Thiên Nhãn, bao quanh một vòng "Minh Khí" và trên có sao "Bắc Đẩu Tinh Quân" , tay cầm bộ Xuân Thu Kinh, chơn đi giày vô ưu màu hồng; trước mũi có thêu chữ "Nho".

Tiểu Phục - Tiểu Phục cũng bằng hàng màu hồng, y như áo Đại Phục, đầu không đội mão mà bịt khăn màu hồng chín lớp chữ "Nhứt".

(1) Xem quyển Pháp Chánh Truyền , trang 61.

 

ĐẠO PHỤC ĐẦU SƯ

ĐẠO PHỤC THÁI ĐẦU SƯ

Đạo Phục Thái Đầu Sư có hai bộ là:

Đại Phục và Tiểu Phục (1)

Đại Phục - Đại Phục may bằng hàng màu vàng, trước ngực và sau lưng có thêu sáu chữ "Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ" bao quanh ba vòng Vô vi, ngay giữa có một chữ "THÁI" áo có 9 dải, ngoài choàng Bá Nạp Quang màu đỏ, y như Thái Chưởng Pháp, đầu đội Bát Quái Mạo màu vàng, có thêu Bát Quái (Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài). Chơn đi giày vô ưu màu đen trước mũi có thêu chữ "Thái".

Tiểu Phục - Tiểu Phục cũng may bằng hàng màu vàng, y như áo Đại Phục. Đầu không đội mão mà bịt khăn màu vàng chín lớp chữ "Nhứt".

 

 
Hình BÁT QUÁI MẠO của THÁI ĐẦU SƯ

 

ĐẠO PHỤC THƯỢNG ĐẦU SƯ

Thượng Đầu Sư có hai bộ Đạo Phục là:

Đại Phục và Tiểu Phục (2)

Đại Phục - Đại Phục toàn màu xanh da trời (azur), trước ngực và sau lưng có thêu chữ "Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ" bao chung quanh ba vòng Vô vi cũng như áo của Thái Đầu Sư; song ở giữa có thêu chữ "Thượng" áo chín dải. Đầu đội Bát Quái Mạo y như mão Thái Đầu Sư, màu xanh da trời, chơn đi giày vô ưu màu đen trước mũi có thêu chữ "Thượng".

Tiểu Phục - Tiểu Phục cũng may bằng hàng màu xanh da trời (azur), y như Đại Phục. Đầu không đội mão mà bịt khăn màu xanh da trời, chín lớp chữ "Nhứt".

ĐẠO PHỤC NGỌC ĐẦU SƯ

Đạo Phục của Ngọc Đầu Sư có hai bộ là:

Đại Phục và Tiểu Phục (1)

Đại Phục - Đại Phục toàn bằng màu hồng, trước ngực và sau lưng có thêu 6 chữ "Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ" bao quanh ba vòng Vô vi như áo của Thái Đầu Sư và Thượng Đầu Sư, song ngay giữa có thêu chữ "Ngọc" áo chín dải, đầu đội Bát Quái Mạo y mhư Thái và Thượng Đầu Sư, nhưng màu hồng, chơn đi giày vô ưu màu đen, trước mũi có thêu chữ "Ngọc".

Tiểu Phục -Tiểu phục cũng may bằng hàng màu hồng, y như áo Đại Phục, đầu không đội mão mà bịt khăn màu hồng chín lớp chữ "Nhứt".

(1) & (2) Xem quyển Pháp Chánh Truyền , trang 61.

 

ĐẠO PHỤC CHÁNH PHỐI SƯ và PHỐI SƯ

Đạo Phục có hai bộ là:

Đại Phục và Tiểu Phục (1)

Đại Phục và Tiểu Phục - Như của Đầu Sư, song trước ngực và sau lưng có thêu Thiên Nhãn, bao quanh một vòng vô vi.

Chánh Phối Sư thì áo chín dải, Phối Sư thì áo ba dải.

Chánh Phối Sư phái Thái choàng ngoài "Bá Nạp Quang" màu đỏ, Phối Sư phái Thái thì "Tiểu Bá Nạp Quang" đầu đội Bát Quái Mạo, y như ba vị Đầu Sư, song tùy sắc phái mình. Chơn đi giài vô ưu màu đen, trước mũi không có thêu chi hết.

Tiểu phục - Tiểu phục cũng như Đại phục, đầu không đội mão, mà bịt khăn tùy theo sắc phái mình, chín lớp chữ nhứt.

(1) Xem quyển Pháp Chánh Truyền, trang 62 -63.

 

Hình BÁT QUÁI MẠO của PHỐI SƯ

 

ĐẠO PHỤC GIÁO SƯ

Giáo Sư có hai bộ Đạo Phục là:

Đại Phục và Tiểu Phục (1)

Đại Phục - Đại Phục bằng hàng, màu thì tùy sắc phái mình; trước ngực và sau lưng có thêu Thiên Nhãn bao chung quanh một vòng Vô vi, áo ba dải. Đầu đội Thiên Ngươn Mạo Bát Quái, tùy sắc phái của mình mà thêu chữ Bát Quái, chung quanh trên chót mão có "Minh Châu Lý" Giáo Sư không đặng đi giày.

Riêng Giáo Sư Phái Thái phải choàng ngoài một Tiểu Bá Nạp Quang gọi là "Khậu". Đầu đội mão Hiệp Chưởng như của nhà Thiền. Hai bên có thêu Thiên Nhãn.

Tiểu phục - Tiểu phục cũng như Đại Phục, đầu không đội mão, phải bịt khăn, tùy sắc phái mình, bảy lớp chữ "Nhơn".

 

Hình HIỆP CHUỞNG MẠO của GIÁO SƯ Phái Thái
 
Hình THIÊN NGƯƠN MẠO của GIÁO SƯ Phái Ngọc

 

ĐẠO PHỤC GIÁO HỮU

Đạo phục Giáo Hữu chỉ có một bộ mà thôi, toàn bằng hàng tùy theo sắc phái của mình, không có thêu thùa chi hết, áo có ba dải, đầu đội Ngưỡng Thiên Mạo, cũng tùy sắc phái.

Mão ấy bề cao phải có đủ phân tấc là 0m150, ngay trước trán có thêu Thiên Nhãn bao quanh ba vòng Vô vi. Giáo Hữu không đặng bịt khăn.

(1) Xem quyển Pháp Chánh Truyền , trang 63 .

 

Hình NGUỠNG THIÊN MẠO của GIÁO HỮU

 

ĐẠO PHỤC LỄ SANH

Đạo phục Lễ Sanh y như của Giáo Hữu, toàn bằng hàng tùy theo sắc phái. Đầu đội "Khôi Khoa Mạo" toàn bằng hàng trắng (Phái nào cũng vậy). Ngay trước trán có thêu Thiên Nhãn, bao quanh một vòng Minh Khí. Lễ sanh không đặng đi giày.

 

Hình KHÔI KHOA MẠO của LỄ SANH

2. CHỨC SẮC CỬU TRÙNG ĐÀI NỮ PHÁI

Đầu Sư Nữ Phái – “Nữ Phái có một vị Đầu Sư dìu dắt. Đầu Sư Nữ Phái đồng quyền với Nam Phái, tuân lịnh một Giáo Tông và ba Chưởng Pháp. Đầu Sư Nữ Phái cũng tùng chung một luật phân xử, trong đường Đạo và đường Đời và luật công cử của Hội Thánh ban hành.

Đầu Sư Nữ Phái dùng Đạo Phục như Đầu Sư Nam Phái, song đội mão Phương Thiên và Ni Kim Cô, như các vãi ở chùa, trên chót có Thiên Nhãn, bào quanh một vòng Minh Khí, choàng một đoạn lụa màu trắng từ Ni Kim Cô thả xuống tới gót chân. Áo may bằng hàng trắng, chín dải, có thêu bông sen, chơn đi giày vô ưu, trên mũi có thêu chữ "HƯƠNG".”

Chánh Phối Sư và Phối Sư – “Chánh Phối Sư mặc Đạo phục y như Đầu Sư, áo chín dải, toàn bằng hàng trắng, nơi trước ngực có thêu Thiên Nhãn bao quanh một vòng Minh Khí, áo có thêu bông sen y như của Đầu Sư và đầu đội Ni Kim Cô cũng như Đầu Sư, chơn đi giày vô ưu, có Tịch Đạo trước mũi, song không đặng phép đội mão Phương Thiên.

Phối Sư cũng mặc Đạo Phục như Chánh Phối Sư, song áo có ba dải mà thôi. Chơn cũng đi giày Vô Ưu, có chữ Tịch Đạo trước mũi.”

Giáo Sư – “Giáo Sư mặc áo ba dải, đội Kim Cô bằng hàng trắng, chơn chẳng đi giày.”

Giáo Hữu – “Giáo Hữu mặc Đạo Phục như Giáo Sư, đầu không đội mão, nhưng có giắt bông sen, có thêu Thiên Nhãn.”

Lễ Sanh – “Lễ sanh mặc áo như Giáo Hữu, choàng ngang trên đầu một đoạn vải mỏng, cột ra sau ót, thả một mí dài, một mí vắn, trên đầu tóc giắt bông sen.”

Chánh Phó Trị Sự và Thông Sự - Hội Thánh Nữ Phái cũng có ba phẩm Chức Việc và ba phẩm nầy có phận sự cũng như Nam Phái.

LUẬT CÔNG CỬ
CHỨC SẮC CỬU TRÙNG ĐÀI
(NAM PHÁI VÀ NỮ PHÁI)
─────────────────────

THÁNH NGÔN - "Đầu Sư muốn lên Chưởng Pháp, nhờ 3 vị Đầu Sư công cử, Phối Sư muốn lên Đầu Sư, nhờ 36 vị Phối Sư công cử; Giáo Sư muốn lên Phối Sư, nhờ 72 vị công cử; Giáo Hữu muốn lên Giáo Sư, nhờ 3000 Giáo Hữu công cử. Lễ Sanh muốn lên Giáo Hữu, nhờ cả Lễ Sanh công cử. Trừ raThầy giáng cơ phong thưởng riêng người nào thì người ấy mới ra khỏi luật lệ ấy.

Giáo Tông có hai phẩm đặng phép dự cử là: Chưởng Pháp và Đầu Sư, song phải chịu toàn Đạo công cử. Trừ ra Thầy giáng cơ phong thưởng riêng, thì mới ra ngoài luật lệ ấy."

Hiện nay, Chức Sắc chưa đủ số đã định. thành thử, luật công cử nầy chưa thi hành được. Hôm ngày 9 tháng 4 năm 1958 (Nhằm ngày 21 tháng 2 năm Mậu Tuất), Đức Lý Đại Tiên Nhứt Trấn Oai Nghiêm cho một điều lệ, để thi hành tạm như sau:

THÁNH NGÔN - "Về việc ban thưởng Chức Sắc, không phải có đủ 5 năm thâm niên sắp lên là đủ điều kiện cầu thăng và được thăng, mà cần phải có những điều kiện cần yếu khác nữa là:

Thứ nhứt: Phương diện Hạnh Đức.
Thứ nhì: Trình độ học thức.
Thứ ba: Tinh thần phục vụ.
Thứ tư: Khả năng giáo hóa nhơn sanh.

Là vì, hễ đến bực Giáo Hữu là thay mặt CHÍ TÔN phổ thông Chơn Đạo, thành thử, chẳng phải người thường tình đặng, mà phải đáng mặc phi thường mới xứng. Kỳ nầy Lão châm chế, chớ những kỳ cầu thăng sau, Chức Sắc mỗi cấp bực đủ 5 năm thâm niên, hay hơn nữa, chỉ đem vào sổ cầu thăng với tỷ lệ bốn phần năm mà thôi.

Hội Thánh Cửu Trùng Đài phải cân phân phận sự xứng đáng của Chức Sắc, do theo điều kiện của Lão vừa chỉ và sau khi chọn lọc kỹ lưỡng số tỷ lệ qui định, giao qua cho Hiệp Thiên Đài kiểm soát lại rồi mới dâng lên cho Lão. Hiền Hữu Thượng Sanh và chư vị Thời Quân nên lưu tâm nghe.

Sự cầu thăng của Nữ Phái cũng do theo nguyên tắc đó. Và Thánh Giáo nầy có hiệu lực cho đến ngày Cửu Trùng Đài thực hiện luật công cử của Đạo".

Tóm lại Cửu Trùng Đài gồm cả Chức Sắc Nam và Nữ phái, có phận sự chung là, ngoài sự tự tu, tự giác, còn phải truyền bá Chơn Đạo, phổ hóa chúng sanh và bảo tồn luật pháp chơn truyền, hầu cho Giáo lý khỏi phải qui phàm.
Đức CHÍ TÔN giáng cơ dạy:

Để biểu dương hình thức Đại Đạo, nêu gương lành cho người đời soi sáng, Đức Ngài chọn:

Nhứt Phật tức Giáo Tông,
Tam Tiên tức Chưởng Pháp và Đầu Sư,
Tam Thập Lục Thánh tức 36 vị Phối Sư;
Thất Thập Nhị Hiền tức 72 vị Giáo Sư,
Tam Thiên Đồ Đệ tức 3000 Giáo Hữu.

Theo Đạo học, hễ muốn độ người, trước phải độ mình, như nhà Phật thường nói: "Tiên tự giác nhi hậu giác tha". Đây là một điểm khác nhau giữa nhà đạo đức và văn sĩ. Nhà đạo đức chẳng những phải học Đạo lý mà phải thi hành thế nào cho Đạo lý biến thành Tâm đức của mình, để rồi áp dụng vào đời sống thực tế. Người bàng quan xem vào cử chỉ của người đạo đức mà bắt chước. Trái lại, người văn sĩ chỉ học cho biết văn chương và nghĩa lý mà thôi.

Ấy vậy, Chức Sắc Cửu Trùng Đài phải học hành, tu luyện thế nào, hầu đặng mình có đủ tài đức, nêu gương lành cho đời soi sáng. Đó là một lẽ, còn như thể theo danh từ mà luận, Chức Sắc Hội Thánh tức là một vị Thánh Nhơn ở trong nhiều vị Thánh Nhơn khác. Theo hai lẽ ấy mà suy rộng ra: Một vị Chức Sắc, nếu chưa phải hoàn toàn là vị Thánh Nhơn, thì ít ra cũng phải có đủ tài đức dìu dắt nhơn sanh trên đường Đạo đức. Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ sau nầy hoặc thành, hoặc bại đều tùy cử chỉ và hành vi của Chức Sắc Cửu Trùng Đài mà ra cả; vì Đài nầy là hình thề của Đại Đạo, ở đây, người có trách nhiệm nên nghĩ kỹ, đễ rồi tự sửa mình trở nên xứng đáng nêu gương lành cho đời soi sáng.



Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 3496 | Tác giả: Tiếp Pháp Trương Văn Tràng