× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Giáo Lý

Giáo Lý


II. Nền Tảng Đại Đại

CHƯƠNG THỨ HAI
─────────────────────

Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là một nền Đạo khai lần thứ ba. Nền tảng là qui nguyên Tam Giáo, hiệp nhứt Ngũ Chi thành một Giáo lý Đại Đồng.

Theo lẽ thường, phàm việc chi đã có lần thứ ba, tất nhiên trước kia đã có lần thứ nhứt và lần thứ hai. Thì Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là một nền Tôn Giáo khai lần thứ ba, tất nhiên trước kia đã có Đại Đạo Nhứt Kỳ và Đại Đạo Nhị Kỳ Phổ Độ rồi. Chúng tôi xin kể sơ lược hai lần trước rồi sau sẽ bàn đến Đại Đạo lần thứ ba.

Đại Đạo Nhứt Kỳ Phổ Độ (Thượng Cổ Thời Đại)

Đức Nhiên Đăng Cổ Phật khai Phật Giáo.
Đức Hồng Quân Lão Tổ khai Tiên Giáo.
Đức Văn Tuyên Đế Quân khai Nho Giáo.

Đại Đạo Nhị Kỳ Phổ Độ (Trung Cổ Thời Đại)

Đức Thích Ca chấn hưng Phật Giáo.
Đức Lão Tử chấn hưng Đạo Giáo.
Đức Khổng Phu Tử chấn hưng Nho Giáo.

Ngoài Tam Giáo lại có Đức Chúa Jésus Christ lập Thánh Đạo bên Thái Tây.

Đức Khương Tử Nha chủ trương Thần Đạo tại Trung Hoa. Thật Trung cổ Thời Đại, là thời kỳ văn minh đạo đức cực thạnh, Giáo pháp hoằng khai, cũng gọi đó là thời kỳ Ngũ Chi Đại Đạo phổ biến. Thế đã rõ Đại Đạo khai hai lần trước. Bây giờ xin bàn đến Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là một nền Đạo lớn, khai lần thứ ba, cứu rỗi chúng sanh với một cách rộng rãi, tức là Phổ Độ tất cả nhơn sanh không phân biệt màu da, sắc tóc; không phân biệt Tôn giáo dị đồng, hoặc nói trắng ra là đứng trước Đức THƯỢNG ĐẾ, cả chúng sanh đều là con một Cha, đều được ĐẠI TỪ PHỤ cứu rỗi như nhau.

DANH HIỆU GIÁO CHỦ ĐẠI ĐẠO

Ngày xưa, khai Đạo ĐỨC CHÍ TÔN hoặc phân tánh giáng trần, hoặc phái một vị Tiên, hay Phật lập Đạo. Nay Đức Ngài không mượn phàm thể, lại dùng huyền diệu cơ bút lập Đạo và truyền giáo. Ấy vậy nên Đức Giáo Chủ Đại Đạo là Đấng Thiêng Liêng. Ngài là Đấng Chủ Tể Càn Khôn, Thế Giái, nhưng Đức Ngài không xưng danh "NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ" mà lại mượn tên "CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT". Thánh danh ấy có ý nghĩa là qui nguyên Tam Giáo hiệp nhứt Ngũ Chi thành một Tôn Giáo Đại Đồng, cắt nghĩa như sau:

  • CAO ĐÀI chỉ về Nho Giáo, nghĩa là cái Đài cao rất mực (Thái Cực) ngôi của Đấng Chúa Tể Càn Khôn mà Nho Giáo sùng bái dưới danh hiệu "THƯỢNG ĐẾ".
  • TIÊN ÔNG chỉ về một vị Đại Giác Kim Tiên trong Đạo Giáo.
  • ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT chỉ về một vị Phật trong Thích Giáo.

"CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT" đủ chỉ rõ sự qui nguyên Tam Giáo thành một Giáo lý.

Vả lại, các vì Giáo chủ Tam Giáo thời xưa, vốn là người có thân thể tu hành đắc đạo, rồi đem sở đắc của mình mà dạy đời, cho nên người đời tôn lên ngôi Giáo chủ. Mà hễ có thân thể thì tự nhiên biết một thứ tiếng bổn xứ mà thôi. Như thế, nếu đem tư tưởng mình mà truyền thọ cho người ngoại quốc, thì trong đó có sự trở ngại về ngôn ngữ bất đồng. Có lẽ vì lý do ấy, nên Tam Giáo ngày xưa không phổ truyền rộng lớn chăng? Còn nay Đức Giáo Chủ Đại Đạo là Đấng vô hình, dùng huyền diệu Cơ bút dạy đạo thì dân tộc nào cũng có thể học trực tiếp với Ông Thầy Trời được, nếu họ biết dùng phép "Thông thần lực" (Médiumnité). Thế sự bất đồng ngôn ngữ chẳng còn là một vấn đề thắc mắc nữa.

THÁNH NGÔN ngày 24-4-1926:

"Vốn từ trước, Thầy lập Ngũ Chi Đại Đạo là:

Nhơn Đạo
Thần Đạo
Thánh Đạo
Tiên Đạo
Phật Đạo

Thầy tùy phong hóa của nhơn sanh mà gầy Chánh giáo, vì trước, Thế giái chưa thông đồng Nhơn sanh chỉ hành Đạo nơi tư phương mình mà thôi. Còn nay Thế giái tận thức, nhơn loại hiệp đồng thì Nhơn sanh lại bị nhiều Tôn Giáo mà sanh nghịch lẫn. Vậy Thầy nhất định Qui nguyên phục nhứt".

Tóm lại: Đức CHÍ TÔN Qui nguyên Tam Giáo thành một học lý; còn hiệp nhứt Ngũ Chi là chỉ vào sự thực hành. Khi mới nhập môn thì thể hiện Nhơn Đạo, rồi tiến lên Thần Đạo, Thánh Đạo, Tiên Đạo và Phật Đạo.

Có người nói Tam Giáo và Ngũ Chi, mỗi mỗi đều có qui điều, giới luật, kinh điển riêng biệt, vậy làm sao mà qui nguyên phục nhứt được?

Chúng tôi xin thuyết sau đây, âu cũng một dịp cởi mở những điểm thắc mắc.

NÓI VỀ SỰ TÍN NGƯỠNG

Nho Giáo - Nho Giáo tin tưởng rằng: Linh hồn người ta bất diệt. Tiến bối của chúng ta có chết là chết phần xác nhưng phần hồn vẫn sống và luôn luôn cận kề với con cháu thân yêu để hộ trì, giúp đỡ. Cái lẽ thờ phượng Tổ Tiên của người Việt Nam bắt nguồn từ đó.

Đạo Giáo - Đạo Giáo tin tưởng rằng trong Thế giái hư linh có Thần linh, sinh động và hằng cứu độ chúng sanh trên đường tấn hóa.

Phật Giáo - Phật Giáo tin tưởng vào "Pháp'' tiếng Ấn Độ gọi là Dharma. Chữ "Pháp" nghĩa là luật pháp của Tâm linh. Kẻ tu hành theo đó thì có thể "Minh tâm kiến tánh thành Phật".

Tóm lại: Nho Giáo tin tưởng linh hồn bất diệt. Đạo Giáo tin tưởng Thần linh. Phật Giáo tin tưởng Tâm linh siêu nhiên. Danh từ tuy bất đồng, nhưng tựu trung chỉ về linh hồn là điểm tánh của Thái Cực Thánh Hoàng ban cho người ta và linh hồn có thể trở về với cội sanh mình là Trời, nếu người ta biết học hành theo Đạo Pháp.

NÓI VỀ HỌC LÝ

Nho Giáo - Đức Khổng Phu Tử mở rộng một khoa Luân lý học, lấy Thiên lý là cốt yếu. Thế nên, mặc dầu trải qua muôn đời, vạn kiếp, khoa Luân lý học ấy vẫn không hề sai chạy và dân tộc nào cũng có thể áp dụng được.

Đạo Giáo - Đạo Giáo dạy về Võ trụ thiên nhiên. Đức Lão Tử cho sự vật ở đời là ảo ảnh; kẻ học nên tìm hiểu Chơn lý bất di, bất dịch kia mà cố gắng thể hiện Chơn lý thành tâm đức của mình, cầu một nếp sống tiêu diêu theo đạo tự nhiên. Trong sách Cung Oán Ngâm Khúc, Ôn Như có câu:

Thoát trần một gót thiên nhiên,
Cái thân ngoại vật là Tiên trong đời.

Phật Giáo - Phật Giáo cho rằng Tâm linh người ta rất huyền nhiệm. Kẻ tu hành cứ khai sáng nó đến cùng độ thì sẽ giác ngộ được Phật tánh. Tự giác là pháp môn giải thoát kiếp luân hồi.

Tóm lại: Nho Giáo dạy về Nhơn sanh, Đạo Giáo dạy Đạo tự nhiên, Phật Giáo dạy Pháp môn giải thoát kiếp sanh tử. Tam Giáo tuy lập luận khác nhau về danh từ, về cách học, về hình thức, nhưng tựu trung tinh thần thì Tôn giáo nào cũng lấy Tâm Tánh làm căn bản học hành. Mà muốn thâm nhập vào Tâm Tánh, khám phá những lẽ huyền nhiệm của nó thì phải dùng Vô vi pháp. Đây là điểm Tam giáo đồng nhứt lý và có thể qui hợp thành một học thuyết.

Xem xét Nho Giáo, chúng ta thấy Kinh Dịch bảo rằng:

"Vô tư dã, vô vi dã tịch nhiên bất động, cảm nhi toại thông thiên hạ chi cố". Không suy nghĩ, không hành động, yên lặng mà chẳng động, đến khi cảm thì thông suốt cái Đại lý của Thiên hạ. Lại nói rằng: "Đại nhơn vô tư": Người đại nhơn không nghĩ quấy, mà trái lại, họ luôn luôn giữ Tâm lặng lẽ vô sự, để rồi cảm thông với Thiên lý là căn bản Nhơn Đạo mà họ phải thể hiện. Sách Luận Ngữ chép rằng: "Tử vô tứ, vô ý, vô cố, vô ngã". Cũng có nhiều sách nhắc nhở câu: "Vô vi, vô ngôn, vô dục". Phép vô vi nầy, người nào thực hiện được thì tâm trí thông sáng được đại lý trong thiên hạ.

Đạo Giáo giải bày Vô vi thuyết rõ ràng hơn. Chính Đức Lão Tử là người ẩn dật, để thực hiện nó. Đạo Đức Kinh thường nhắc câu: "Vi vô vi, sự vô sự, vị vô vị" tức là vi chi ư vị hữu trị chi ư vị loạn. Lại có câu: "Thánh nhơn vô công, vô kỷ, vô danh". Thánh nhơn không cầu công ơn, không tư kỷ, không ham danh.

Phật Giáo, Đức Thích Ca Mâu Ni bỏ ngôi Thái Tử giàu sang, bỏ nếp sống Vương giả trong hoàng cung, tách mình ẩn dật trong rừng sâu, để tìm Chơn lý tuyệt đối. Đó là thể hiện Vô vi pháp. Bát Nhã Tâm Kinh có câu: "Vô sắc, vô không, vô ngã, vô thường, vô pháp, vô tranh, vô tướng, vô sở hành, vô sở đắc".

Tóm lại: Tam Giáo nương Vô vi pháp để hàm dưỡng sự tịch tịch linh thông, giải thoát được cái thân ô trọc, hẹp hòi, để rồi hòa đồng với võ trụ, hòa đồng với Thượng Đế. Đó là điểm Tam Giáo đồng nhứt lý. Cho nên người xưa bảo rằng: "Đồng nhứt trong cái sai biệt". Còn Đức Khổng Phu Tử nói rằng: "Đồng qui nhi thù đồ, nhứt tri nhi bách lự". Thiên hạ đồng về một chỗ, nhưng do nhiều đường lối khác, đồng đến một điểm, nhưng do trăm ngàn ý nghĩ.

Xét riêng về Tam Giáo ở xứ Việt Nam.

Theo địa dư học, nước Việt Nam của chúng ta là một thành phần trong Đông Nam Á và chịu ảnh hưởng văn hoá của hai xứ Ấn Độ và Trung Hoa. Phật Giáo thì do Ấn Độ truyền đến, Đạo Giáo và Nho Giáo thì du nhập bởi Trung Hoa. Tam Giáo hòa hợp, đồng hóa thành một nền nhơn văn đặc biệt của người Việt Nam.

Theo lịch sử học, đời nhà Đinh, nhà Lý, nhà Trần dùng tinh thần Tam Giáo làm Quốc học; chúng tôi kẻ hậu tấn mặc dầu sanh trưởng trong thời kỳ Pháp thuộc, cũng còn thấy người Việt Nam theo Nho Giáo, phượng thờ Tổ Tiên, hoặc tụng kinh Phật, hoặc sùng bái một vị Thần linh nào đó. Về luân lý học, họ chú trọng Tam cang, Ngũ thường; Tam tùng, Tứ đức và tin tưởng luật Nhơn quả, Luân hồi. Gần đây, Thiên Chúa Giáo lại du nhập nữa, ấy là một cơ hội mở rộng lòng tín ngưỡng của người Việt Nam. Nhờ đó mà chúng ta có một nền đạo đức truyền thống sâu xa, vững chắc.

Mãi đến năm Bính Dần (1926) Đức THƯỢNG ĐẾ tá danh CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT khai mở Đại Đạo kỳ ba, dạy chúng ta thờ Trời, thờ các vị Giáo chủ Tam Giáo, Ngũ Chi. Đó là điểm mà Đức CHÍ TÔN nương theo đạo đức truyền thống của người Việt Nam, phổ hóa một mối Chơn truyền uyên thâm, khai sáng một đường tấn hóa thiên nhiên từ Nhơn luân đến Thiên lý. Thật quả Đức Thượng Đế ban cho dân tộc Việt Nam một nền "Nhơn sanh Triết lý học" bao la vô biên, gồm tất cả những yếu lý truyền bá khắp Đông Tây tự ngàn xưa.



Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 950 | Tác giả: Tiếp Pháp Trương Văn Tràng