× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Giáo Lý

Giáo Lý


Hạ Thừa


CHƯƠNG THỨ NHỨT
─────────────────────

Chương trình gồm hai điểm chánh:

LUÂN LÝ THỰC HÀNH
PHƯƠNG CHÂM XỬ THẾ

Luân lý thực hành nói chung cho hai Phái Nam và Nữ.

Nam phái giữ Tam cang, Ngũ thường, Nữ phái gìn câu: Tam tùng, Tứ đức. Phương châm xử thế bàn sự tu thân cũng chung cho hai Phái Nam và Nữ.

LUÂN LÝ THỰC HÀNH NAM PHÁI

a) TAM CANG:

Quân Thần Cang
Phụ Tử Cang
Phu Thê Cang

QUÂN THẦN CANG (Giềng mối Vua Tôi)

Quốc Trưởng là người đứng đầu trong nước, khôn ngoan hơn Thần dân. Chúng ta miễn nghị luận, mà chỉ bàn về phận sự làm Quan và làm Dân mà thôi, bởi vì trong anh em chúng ta: có người làm Quan, mà cũng có kẻ làm Dân.

BỔN PHẬN LÀM QUAN

Quan là người thay mặt Vua, thay quyền Chánh Phủ, thực thi pháp luật, cai trị nhơn dân, bảo an xã hội. Người có phận sự dạy dân, ăn ở hiền lành, giữ gìn sự an cư lạc nghiệp cho xã hội.

Muốn làm tròn phận sự ấy, người làm quan phải giữ lòng ngay đối với chúa, gìn dạ thẳng đối với dân. Vậy người làm quan nên lập đức lành như: Thanh liêm, chánh trực, cần mẫn, để làm căn bản cho sự hành động của mình.

THANH LIÊM.- Người thanh liêm không tham của hối lộ mà hại dân lành. Chánh phủ tin cậy ta, giao vận mạng dân trong tay ta, nếu chúng ta ham của bất chánh; làm việc bất công; chuyện phải làm quấy; chuyện quấy làm phải. Gian xảo có thể giấu được Vua, chớ Luật Trời đâu dễ che khuất. Ấy vậy nên người làm quan, lúc nào cũng phải trau giồi đức thanh liêm cho được rõ ràng minh bạch để nêu gương lành cho dân bắt chước.

CHÁNH TRỰC.- Đức lớn của người cầm quyền là: Nhân ái và công bình; thiếu đức ấy thì chẳng hay làm được việc chung cho nhơn quần xã hội.

CẦN MẪN.- Cần mẫn là siêng năng, phàm làm việc gì cũng cần có siêng năng và thi thố cho kịp thời. Việc cần làm hôm nay chẳng khá để ngày mai, bởi vì mỗi sự kiện có thời trung của nó. Làm kịp thời thì hữu dụng, còn lỗi thời thì vô ích. (1)

(1) VIẾNG NGƯỜI LÀM QUAN

Tôn Thúc Ngao làm quan Lịnh doãn nước Sở. Khi mới đến thì tất cả nhơn dân ăn mặc chỉnh tề nghinh tiếp, duy có một ông Lão mặc áo vải đội mũ trắng đến chào.

Tôn Thúc Ngao nghiêm trang tiếp đón và thưa rằng: "Chúng tôi bất tài nhưng được lịnh vua đến đây trị dân chắc ông Lão có điều dạy bảo?

Ông Lão nói "Có".

Thân đã sang mà khinh người thì dân không chuộng? Chức đã cao mà chuyên quyền thì vua sanh ghét, lộc đã hậu mà không biết đủ thì phải gặp tai vạ.

Tôn thúc Ngao vừa vái vừa nói:

- Xin kính vâng lời và xin ông dạy thêm cho ít câu.

- Chức cao thì ý càng phải khiêm cung!

- Quan to thì tâm càng phải tế nhị.

- Lộc hậu thì việc làm cần phải thận trọng.

Ông giữ được ba điều ấy thì đủ trị dân.

 

BỔN PHẬN LÀM DÂN

Là một phần tử trong nước, người công dân phải giữ tròn bổn phận của mình. Yêu nước nhà, mến giống nòi, thuế sưu đóng đủ đừng toan kế tà, chẳng nên vầy đoàn, hiệp lũ gây việc trộm cướp, phá xóm, phá làng. Ở trong quốc gia phải tuân hành luật nước, ở trong Đạo phải giữ qui điều giới luật của Hội Thánh và phải kiêng sợ luật Trời báo ứng. Rồi cứ một lòng bảo hộ gia đình, tương thân, tương ái với người xã hội, góp công vào việc thuần phong, mỹ tục, an cư lạc nghiệp của giống nòi.

Thử nghĩ mỗi người công dân không phạm luật nước, không trái Mạng Trời thì gia đình xã hội an hòa thảo thuận biết bao?

PHỤ TỬ CANG (Giềng mối cha con)

Làm cha phải lành (Vi nhơn phụ chỉ ư từ).
Làm con phải thảo (Vi nhơn tử chỉ ư hiếu).

Chữ từ (lành) chỉ về nghĩa vụ làm cha mẹ, phải nuôi con cho nên vai, nên vóc, dạy con cho nên người hữu dụng.

Người cha mẹ lành cũng có khuyên con, răn con, cũng có rầy la, đánh mắng, nghĩa là phải làm thế nào cho con bỏ cái dở, theo cái hay, chớ chẳng phải lành là chiều theo ý con, muốn làm gì thì làm. Tại sao người cha không để cho con được tự do hành động? Bởi vì con còn thơ ấu, trẻ lòng, non dạ. Nói tóm là con chưa đủ sáng láng, để phân biệt phải quấy và chưa đủ tinh thần cứng rắn, để vượt qua những giờ vật dục cám dỗ. Ấy vậy nên người cha mẹ phải dìu dắt con trên đường đạo đức quang minh. Gia đình giáo dục là căn bản Đạo Xử Thế.

Đối với con, cha mẹ cũng có quyền, nhờ con nuôi dưỡng lúc về già, nhờ con giúp đỡ việc nặng nề "Dưỡng nhi đãi lão" (Nuôi con để nhờ lúc về già). Nhưng cha mẹ muốn dùng quyền hành ấy, trước phải làm xong nghĩa vụ của mình, tức là nuôi con, dạy con cho nên người. Trái lại, nếu cha mẹ không làm tròn bổn phận mình, mà cứ sai con, mắng con và bắt nó phục vụ cho mình như thế là bất công và là thất phận cha mẹ.

Vi nhơn tử chỉ ư hiếu. Thảo là Đạo làm con, chẳng những không ai được từ khước, mà ai cũng phải coi đó là bổn phận chánh của mình nữa. Cổ nhơn nói: "Nhơn sanh bá hạnh, hiếu vi tiên". (Người đời có trăm nết, song hiếu đứng đầu).

Tại sao người ta phải hiếu với cha mẹ?

Ôi! Công sanh thành dưỡng dục, kể sao cho hết, nào là mười tháng cưu mang, ba năm bú mớm, ẵm bồng, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Còn cha lại phải dày công dạy dỗ, cực nhọc, tảo tần, dẫu trăm cay ngàn đắng, dầu vào cảnh nguy nan, người cha cũng không từ, miễn là làm ra cơm tiền để nuôi con, công cha như núi Thái sơn. Nghĩa mẹ công cha như thế, hỏi vậy, ở đời có người nào mà chẳng thương mến chăng? Ắt không; như thương mến chưa đủ, nghĩa vụ làm con bắt buộc người ta phải tròn đạo hiếu.

Thực hành đạo hiếu, trước nhứt là nuôi cha mẹ. Sự nuôi dưỡng ấy phải hết lòng thành kính, giàu nuôi theo giàu, nghèo nuôi theo nghèo, ngoài miếng ăn, miếng uống, tấm ảo, manh quần, còn phải hết lòng vui vẻ trong phận sự, làm cho cha mẹ vui lòng. Một hôm Thầy Tử Du hỏi chữ hiếu, Đức Khổng Phu Tử đáp: "Ngày nay, người ta bảo chữ hiếu là biết nuôi cha mẹ, nhưng xét kỹ lại thì giống chó ngựa kia cũng có người nuôi. Nếu nuôi cha mẹ mà không kính, thì lấy gì để phân biệt với sự nuôi cầm thú". Vậy đủ biết nuôi cha mẹ quý tại lòng thành kính. Chẳng nên bắt chước câu: "Giàu thì đặng thảo ngay, nghèo thì mất trung hiếu". Lời nói ấy chẳng qua là nói để chữa lỗi mà thôi. Trái lại nên nhớ câu: "Nhà nghèo mới biết con thảo, nước loạn mới rõ trung thần". Từ xưa những gương trung hiếu, tiết liệt, phần nhiều xuất hiện trong nhà nghèo khó.

Khi ở chung với cha mẹ, không nên làm buồn lòng cha mẹ, nếu mình có việc buồn riêng, cũng chẳng nên tỏ sắc giận hờn cho cha mẹ thấy. Khi cha mẹ quở trách thì phải tự xét mình mà chừa lỗi, chớ chẳng khá buồn phiền.

Cha mẹ già phải coi chừng đến chỗ không nói. Tại sao? Bởi vì có nhiều khi cha mẹ sợ con lo buồn mà chẳng tỏ ra hết lời. Sau đây là một gương thờ mẹ của người xưa.

Một hôm, Bá Du bị mẹ đánh đòn, ngồi khóc mãi mà không thôi. Mẹ hỏi:

- Mọi khi mẹ đánh con thì con biết lỗi mà cam chịu, cớ sao, lần nầy con khóc dai như thế?

Thưa mẹ: Mọi khi, mẹ đánh, con thấy đau; ấy là con biết mẹ còn sức khoẻ. Lần nầy mẹ đánh, con không thấy đau lắm. Thế là con biết mẹ đã yếu mà con khóc. (Cổ Học Tinh Hoa).

Lành thay! Bá Du biết lo cho sức khoẻ của mẹ.

Cha mẹ lúc sanh tiền con chẳng nên đi xa, nếu cần đi vắng thì phải cho biết chỗ, để người nhà tìm cho dễ, khi hữu sự. Cha mẹ đau ốm, kẻ làm con phải tận tâm chạy thuốc, chạy thầy, chính mình nên lo liệu mọi phương; nếu giao cho kẻ khác biết đâu người ấy vì sơ sót, làm thêm bịnh cho cha mẹ mình. Bình nhựt cũng phải xem chừng: Nếu cha mẹ khoẻ thì vui mừng, mệt thì lo lắng (xem gương Bá Du thờ mẹ đã nói trên).

Lòng hiếu thảo sẵn có trong lòng người; nhưng, có một đôi kẻ xao lảng là vì mê sắc dục, hoặc ham tiền của. Vậy ai là kẻ làm con nên thận trọng bổn phận của mình.

Đạo hiếu không bắt buộc chúng ta phải nhắm mắt tuân lời, mà trái lại, phải kiểm điểm việc cha mẹ đã làm: Nếu hay thì hết lòng theo, còn lầm lạc thì nên khuyên can với một cử chỉ kính mến.

Đức KHỔNG PHU TỬ dạy rằng:

Sự phụ mẫu cơ gián
Kiến chi bất tùng
Hựu kỉnh bất đi
Lao nhi bất oán.

Nghĩa là cách thờ cha mẹ: Nếu thấy cha mẹ lầm lạc thì nên khuyên can (2) với lời lẻ ôn nhu, lễ phép. Nếu thấy cha mẹ không theo lời khuyên can thì con vẫn giữ lòng kính mến và không trái nghịch. Như cha mẹ sai làm việc khó nhọc cũng chẳng khá phiền hà.

(2) LỜI CON CAN CHA - Điền Văn thấy cha là Điền Anh làm quan mà hay vụ lợi riêng. Một hôm, thừa nhàn hỏi cha rằng:

- Thưa cha: Con của đứa con gọi là gì?

- Gọi là cháu.

- Con của đứa cháu gọi là gì?

- Gọi là chắt.

- Con của đứa chắt gọi là gì?

- Ai biết gọi là chi.

Thưa cha: Cha làm tướng nước Tề đã ba đời vua, giàu có hằng ức vạn nhưng kẻ môn hạ chẳng có một người gọi là hiền tài.

Con trộm nghe: Nhà quan ắt có tướng giỏi, các quan văn ắt có quan văn hay. Cha mặc áo gấm mà người giỏi trong nước vẫn rách rưới. Tôi tớ thừa ăn mà người giỏi trong nước vẫn đói khát. Cha quên tất cả việc công ích của dân của nước, chỉ lo súc tích của cải để dành cho những kẻ sau mà không biết gọi tên là gì. Thế thật lạ quá? Lời khuyên của Điền Văn không thất lễ, mà người cha theo. (Trích Cổ Học Tinh Hoa quyển II)

Cha mẹ mất thì phải tận tâm đoái hiếu. Cổ nhơn bảo: "Tang tắc trí kỳ ai". Việc tang khó phải hết lòng thương xót.

Tân Luật Đại Đạo định rằng: Việc tang chế không nên xa xí; không nên quàng linh cữu lâu ngày, không nên dùng âm công lòe loẹt, không nên đãi đằng rần rộ mà mất vẻ nghiêm tịnh, ai bi.

Đức KHỔNG PHU TỬ cho sự thờ cha mẹ rất hiếu là:

Kính kỳ sở tôn
Ái kỳ sở thân
Sự tử như sự sanh
Sự vong như sự tồn
Hiếu chi thủy dã.

Nghĩa là: Kính người mà cha mẹ đã trọng, yêu người mà cha mẹ đã mến, thờ cha mẹ khi chết cũng như lúc sống, mất cũng như còn. Ấy là hiếu ban đầu vậy.

Đại ý nói rằng khi cha mẹ sanh tiền thì con tôn kính cử chỉ hành vi, mãi đến khi cha mẹ thác rồi, con cũng cứ tôn kính như cha mẹ còn sống. Chuyên tâm, trì chí thực thi đạo hiếu thủy chung như nhứt.

BỔN PHẬN LÀM ANH CHỊ và EM

(Huynh tắc để, Đệ tắc cung)

Anh em, chị em đồng thọ sanh nơi một cha mẹ; tục ngữ nói:

"Một cục máu xắn làm năm ba" đồng cốt nhục, đồng bào thai, từ lúc nhỏ dại, ở chung một nhà, ăn chung một mâm, nằm chung một chiếu, vui có nhau, buồn có nhau, nhứt nhứt đều chung cùng. Vậy tình thương yêu ở giữa anh em, chị em không tình nào khắn khít ruột thịt bằng tình ấy.

Muốn bảo tồn cái tình máu mủ ấy mãi mãi thì người anh chị phải biết bổn phận mình là thương yêu, đùm bọc, che chở, kẻ làm em phải biết bổn phận mình là cung kính, thuận tùng.

Khi cha mẹ vắng mặt anh chị phải quyền huynh thế phụ: dạy dỗ, khuyên răn, gìn giữ em trong mọi cử chỉ, hành vi. Mà muốn dùng quyền người anh chị phải làm xong nghĩa vụ của mình là nuôi dưỡng dạy dỗ. Cổ nhơn thường khuyên nhau rằng: trước làm xong bổn phận rồi sau sẽ dùng quyền lợi.

Theo lẽ thường, lúc thành nhơn, mỗi người đều có gia tư. Mặc đầu xa cách nhau, nhưng anh em, chị em lúc nào cũng phải gìn giữ cái tình cốt nhục của mình, nghĩa là luôn luôn hoài bảo tình thương mến, giúp đỡ: việc lớn cũng như việc nhỏ. Mà muốn giữ vẹn sự thân mật thì không nên cố chấp những tiếng to, tiếng nhỏ của người chung quanh.

Bổn phận của mình phải sáng suốt phân định lẽ phải quấy ở giữa em chồng, chị dâu, em rể, anh vợ. Có lắm khi việc nhỏ mọn mà có thể làm sứt mẻ tình ruột thịt, anh em, chị em là cái di hài của cha mẹ, bất hòa là phá hại cái di hài ấy. Anh em, chị em như tay chơn, bất hòa là đoạn ly thủ túc.

Người nào xử đạo hiếu để nghiêm trang trong gia đình thì người ấy có tinh thần hòa ái. Hiếu thuận là gốc đạo xử thế; người trọn thảo thuận thì có lòng trung quân, ái chủng.

BỔN PHẬN CHÁU ĐỐI VỚI ÔNG BÀ

Ông Bà là đấng sanh thành dưỡng dục mẹ cha, lại là đấng mà cha mẹ kính trọng, thương mến. Đạo hiếu bắt buộc kẻ làm con phải kính trọng những người mà cha mẹ đã thâm giao. Thử nghĩ: Người bàng quan còn phải xử trí như thế, huống chi ông bà là ruột thịt của cha mẹ mà chúng ta không tôn kính sao?

Ấy vậy, khi ông bà sanh tiền, chúng ta phải thay mặt cha mẹ mà trông nom, giúp đỡ những việc mà chúng ta có thể làm được và khi ông bà quá vãng thì phải thay thế cha mẹ mà phượng thờ cúng tế.

Luân lý cổ truyền của người Việt Nam dạy rằng: Ngày tế lễ, cả gia tộc hợp về nhà thờ, lo việc tế lễ hai ngày: Tiên thường và Chánh giỗ. Những người họ hàng sum hiệp, vui vầy. Có khi nhắc lại sự tích Tổ tiên, có lúc thăm hỏi việc hàn huyên gia sự. Giờ cúng tế, người người có lòng thành kính. Khi ra vào, lúc lại qua trước bàn thờ, họ cúi đầu tỏ vẻ kính trọng dường như ông bà đang ngự trên chỗ sở tôn. Giờ tế lễ, hoàn cảnh yên lặng, tôn nghiêm, người Trưởng tộc hành lễ rồi con cháu cứ theo thứ tự vái lạy trang nghiêm.

Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ giữ nguyên vẹn lễ thờ cúng Tổ tiên. Vả lại, Đạo hữu đã khai mở Đạo tâm nay đem Đạo tâm ấy mà sùng bái Tổ tiên thì có lẽ phong tục cổ truyền sẽ được tăng phần thuần mỹ thêm hơn.

BỔN PHẬN ĐỐI VỚI CẬU CÔ, CHÚ BÁC

Cậu cô, chú, bác là anh em ruột thịt của cha mẹ, kẻ làm con chẳng những phải thân yêu mà còn phải kính trọng như cha mẹ nữa. Nếu vô phước mà mồ côi, chính cậu cô, chú bác, là người thay mặt mẹ cha mà dưỡng dục con cháu. Vậy kẻ con cháu không vì lẽ gì mà không thân yêu quý mến.

Khi thành gia thất, tất nhiên bên chồng cũng như bên vợ, ai ai cũng có cậu cô chú bác. Kẻ làm con cháu cũng phải quý mến các đấng ấy.

PHU THÊ CANG (Giềng mối vợ chồng)

Chồng hòa, vợ thuận.

Trai lớn lên thì có vợ. Gái lớn lên thì có chồng. Người ở đời ai ai cũng có đôi bạn, rồi sau mới lập được gia đình. Cái định luật ấy, từ xưa đến nay, vẫn không thay đổi. Trong đạo vợ chồng có điều tốt nhất là hai người ấy được thuận hòa, ăn ở với nhau từ tóc xanh, đến đầu bạc. Mà muốn được vậy thì mỗi người phải biết bổn phận của mình và phải hành động trong phạm vi ấy.

Chồng là rường cột của gia đình, phải đảm đương mọi việc bên ngoài, để tạo hạnh phúc cho gia đình, nghĩa là phải làm lụng cho có cơm, tiền để nuôi dưỡng gia đình no ấm, kế nữa, sẽ nói đến giáo hóa.

"Giáo phụ sơ lai, giáo tử anh hài": Dạy vợ lúc mới về nhà chồng, dạy con lúc còn thơ ấu. Mà muốn dạy người, trước phải sửa mình đoan trang, ngay chánh.

Nói tỉ: Người chồng biếng nhác, không lo sanh kế, quanh năm lêu lỏng bạc bài. Chồng như thế mà bảo vợ nên người sao được? Hoặc giả, cha dường ấy mà bảo con hiếu thuận sao được?

Người chồng, người cha, không phải lo làm lụng nuôi dưỡng gia đình mà còn phải làm gương đạo đức cho vợ con nữa. Dục tề kỳ gia, tiên tu kỳ thân, là lẽ như vậy.

Nên biết rằng vợ là bạn trăm năm của mình. Đàn bà là người yếu đuối, nương dựa nơi mình, gởi thân cho mình, để cùng nhau lo việc gia thất. Hơn nữa, vợ chồng là người đầu ấp, tay gối với nhau, vui chung vui, buồn chung lo, nghèo chung chịu, giàu chung hưởng. Lòng có nghĩ như thế thì mới có dạ yêu đương, dùm học.

Người chồng có quyền khuyên lơn, dứt bẩn người vợ, nhưng trước phải làm xong nghĩa vụ của mình, như đã nói trên, rồi sau mới dùng đến quyền. Tuy nói rằng có quyền, nhưng người chồng lúc nào, cũng lấy tinh thần hòa ái làm cốt. Nghĩa là có khuyên lơn, dứt bẩn người vợ thì cũng chi trong vòng lễ nghi kính mến; chờ chẳng khá đang tay đánh đập, như kẻ vòng lễ nghi kính mến; chớ chẳng khá đang tay đánh đập, như kẻ võ phu.

Người vợ phải có tinh thần thuận tùng, nghĩa là phải biết dung hòa với chồng, để tạo hạnh phúc gia đình. Bát trong sóng còn động, huống chi vợ chồng ăn ở với nhau cả đời, vậy làm thế nào tránh khỏi một đôi khi bất đồng ý kiến. Giả tỉ như: có trường hợp ấy xảy ra thì vợ chồng nên nhịn nhục lẫn nhau, chồng nói vợ nghe, vợ nói chồng nghe, phân trần điều hơn, lẽ thiệt. Tương y, tương ỷ để hòa thuận trong vòng lễ nghi đạo đức; điều đó là tốt nhứt; chẳng nên bắt chước phường hổn ẩu chồng một lời đi, vợ năm bảy tiếng lại. Thế rồi sanh việc bất hòa; mà chồng vợ bất hòa thì gia đình tan nát.

Phận gái trọng nhứt là trinh tiết, bởi vậy người phụ nữ có thân phải giữ lấy thân; mỗi ngày phải làm tăng giá trị của mình thêm cao lên mãi. Tục ngữ nói: "Đi ngang đám dưa không nên sửa dép; Đi ngang cây lý không nên sửa mũ". Đại ý câu nầy khuyên nguời ta phải hành vi, ăn nói, đi đứng trang hoàng nhứt là phải tránh những cử chỉ nào làm cho người khác ngờ vực, cũng như đi ngang đám dưa thì không nên sửa dép, hoặc đi ngang cây lý thì không nên sửa mũ, vì làm như thế, người ta sẽ ngờ rằng mình bẻ trộm dưa, hay hái trộm lý.

Tề gia, nội trợ là phận sự của người phụ nữ; cho nên người vợ phải chăm nom việc nhà: thiếu đủ phải biết, còn hết phải hay, sắp đặt an bài mọi sự, ăn cần, ở kiệm phải trọng tiền của chồng làm ra. Ăn nhịn qua ngày, ăn vay mắc nợ. Của chồng công vợ, chồng vợ chung lo tạo hạnh phúc gia đình (3).

(3) NGƯỜI VỢ HIỀN MINH

Dương Tử, một hôm đi đường gặp một lọ vàng mừng rỡ đem về đưa cho vợ. Người vợ nói rằng: Thiếp trộm nghe: người chí sĩ không uống nước suối Đạo toàn (suối ăn trộm), người liêm khiết không ăn của xin. Chàng nay lượm của rơi ngoài đường, đem về cầu lợi, làm ô uế phẩm hạnh thì nghĩ có nên chăng? Dương Tử thẹn lắm, liền đem lọ vàng bỏ ngoài đồng, rồi đi tìm thầy học. Học được một năm, Dương Tử trở về nhà, người vợ quì xuống trước mặt hỏi:

- Chàng có việc gì mà trở về?

- Ta đi lâu ngày nhớ nhà mà về.

Người vợ cầm dao đến chỗ khung cửi nói rằng:

- Lụa đang dệt đây, phải làm từ lúc nuôi tầm ươm tơ, cho đến lúc mắc lên khung cửi. Nếu đành dứt một sợi và dứt nữa thì sẽ dứt đến hàng tấc, hàng thước, hàng trượng, hàng cả tấm. Nếu bây giờ, thiếp chặt đoạn đang dệt đây thì bao nhiêu công từ trước đều mất cả. Chàng đi học để trở thành người giỏi, nếu đang học mà bỏ về thì khác gì tấm lụa đang dệt đây mà chặt đi.

Dương Tử cảm động lắm, bèn đi học luôn bảy năm, đến tốt nghiệp mới về. Vợ ở nhà chăm chỉ làm ăn, vừa nuôi mẹ chồng vừa nuôi chồng ăn học. (Cổ Học Tinh Hoa quyền II)

Tóm lại: Đạo vợ chồng cần nhứt là thuận hòa, chồng chẳng nên ỷ quyền hiếp đáp vợ, vợ không nên cậy thế hổn ẩu với chồng. Đồng vợ, đồng chồng tát biển đông cũng cạn.

Tân luật Đại Đạo nói: "Hôn nhơn là việc trọng trong đời người. Phải chọn hôn trong người đồng đạo, trừ ra, khi nào người ngoài ưng thuận nhập môn thì mới được kết làm giai ngẫu".

Đó là có ý ngừa sự bất đồng tâm lý về sau.

Tân luật lại cấm người đàn ông không đặng cưới hầu thiếp. Rủi có chích lẻ nửa đường, mới được chấp nối. Thảng như vợ lớn không con nối hậu thì được phép cưới hầu thiếp; song chính mình chánh thê đứng cưới mới đặng. Người Đạo cũng chẳng được để bỏ nhau, trừ ra ngoại tình, hay thất hiếu với công cô.

b) NGŨ THƯỜNG (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín)

NHÂN

Người ta ai cũng có bẩm thọ của Đức CHÍ TÔN một điểm Linh quang, để làm tự tánh của mình. Cổ nhân cho Tánh ấy là Mạng Trời, hay Thiên lý. Mạng Trời thì lặng lẽ, trầm mặc ở trong cõi lòng thanh tịnh; nhưng khi phát động trúng tiết thì đó là "NHÂN". Bởi Thiên lý phát động là "NHÂN" cho nên đức "NHÂN" gồm đủ tất cả tánh tốt, hạnh lành, như trung hiếu, tiết nghĩa, cung, khoan, mẫn, huệ, cương, nghị, mộc, nột. Người nào giữ được đức "NHÂN" và thể hiện đức "Nhân" khi xử sự, tiếp vật thì đó là làm xong đạo làm người (Nhân giả, nhơn dã). Đức KHỔNG PHU TỬ nói rằng : "Quân tử thể nhân túc dĩ trưởng nhân". Nghĩa là người quân tử lấy đức "NHÂN" làm thể thì đủ làm trưởng thành mình.

Người có "NHÂN" lúc nào cũng an vui, ung dung, tự tại, bình tỉnh, trầm lặng, mà luôn luôn trong lòng sẵn có một cái khiếu "Trực giác" mẫn huệ. Việc đến, họ biết với một cách mau chóng toàn diện. Họ làm việc cũng thích hợp Đạo lý, họ thật thà, chất phác, nhưng giàu tình cảm tốt lành. Đối với gia đình họ hiếu đễ, đối với xã hội, họ thuận hòa, đối với vật, họ thương yêu giúp đỡ, làm cho vạn vật tất đắc kỳ sở. Việc lợi danh ở đời, họ không lánh hẳn, nhưng, chẳng bỏ đạo đức để cầu lợi danh. Đạo đức với lợi danh, nếu phải bỏ một thì họ vui lòng bỏ lợi danh, cầu đạo đức.

Trương hoành Cừ là người Trung Hoa sanh vào khoảng (1020-1076) cho rằng lòng nhân ái phải có thứ bậc; ông nói:

- Tôn người già cả là sở dĩ tỏ lòng kính trọng kẻ tôn trưởng, yêu thương trẻ dại là sở dĩ tỏ lòng bênh vực kẻ yếu hèn, tôn người có đức độ hợp với lẽ Trời Đất là bậc Thánh và kẻ có đức độ hơn người là bậc Hiền. Còn những người tàn tật, quan quả, cô độc, đều là anh em với ta cả. Như thế, tuy người ta có tôn ti khác nhau, nhưng ai ai cũng phải đem lòng thương xót để cư xử với nhau, như anh em một nhà. (Nho giáo TRẦN TRỌNG KIM)

Đại ý câu nầy nói lên được đức "Nhân" là tình thương yêu có thứ bực, nhưng phải trùm cả vạn vật, vì đức Nhân là phản ảnh Đức Hóa sanh của THƯỢNG-ĐẾ.

Thực hành đạo "Nhân" cũng cần có học hỏi, bởi vì có trí sáng mới có thể phân biệt được thiện ác, phải quấy. Tử Hạ nói rằng:

Bác học nhi đốc chí;
Thiết vấn nhi cận tư.
Nhân tại kỳ trung.

Nghĩa là: Sự học hỏi phải rộng rãi; chí hướng phải dày dặn, sự hỏi han cần thiết, sự suy nghĩ phải có dính dấp với mình. Trong những việc ấy hẳn có hàm súc đức "Nhân" vậy.

Thế đủ rõ rằng đạo "Nhân" cần có Trí để phân biệt phải quấy, để thương yêu và giúp đỡ cho phải chỗ và đúng mức. Đó là mối đầu mà Cổ nhân nương theo để thành lập cái thuyết "Tam Đạt Đức" (Nhân Trí Dũng).

Đức KHỔNG PHU TỬ nói:

Nhân giả nhạo sơn;
Nhân giả tịnh.

Nghĩa là người "Nhân" thích núi; người "Nhân" tịnh tâm.

Nhờ an tịnh mà người "Nhân" giữ được Thiên lý lưu hành trong tâm để chủ tể cho đời sống của phàm thân.

Đức "Nhân" chẳng phải hàm súc đủ mọi hạnh lành, đức tốt, mà là cái phản ảnh Đức Háo sanh của Thượng Đế nữa. Về phương diện nầy "Nhân" khởi đầu tại lòng thương xót (Trắc ẩn chi tâm), và người ta thường dùng chữ "Ái" kèm theo chữ "Nhân" để cắt nghĩa sự thương yêu. Xem câu:

Đệ tử nhập tắc hiếu
Xuất tắc đễ
Cẩn nhi tín
Phiếm ái chúng
Nhi thân Nhân.

Nghĩa là kẻ đệ tử vào thì hiếu với cha mẹ, ra thì kính người trên trước, làm việc thì cẩn mật, rộng thương người và năng lui tới với người nhân đức.

Chữ "Nhân" người xưa cắt nghĩa rằng: "Nhân" gồm có một chữ "Nhơn" là người, một chữ "Nhị" là hai. Đại ý Nhân là tình cảm ở giữa hai người.

Nói tỉ như tình thương thiêng liêng ở giữa người mẹ và đứa con.

Hoặc giả tình thương ỡ giữa hai người chồng và vợ. Người chồng hi sinh tất cả cái gì của mình cho vợ. Trái lại, người vợ cũng hi sinh như vậy cho chồng.

Nên lưu ý rằng tình thương ở giữa hai người phải nhắm vào sự "vị tha", nghĩa là vì người mà thương. Trái lại, nếu thương người để cầu lợi mình thì sự thương ấy không phải là "Nhân".

Chim khôn biết kiếm đậu cây lành,
Người thiện phải ngừa đức Háo sanh.
Tôn trọng người như Trời với Phật,
Thương yêu tất cả chúng sanh thành.

(THÁNH NGÔN)

PHƯƠNG PHÁP THỰC HÀNH

Có người hỏi phương thức làm Nhân. Đức KHỔNG PHU TỬ nói: "Kỷ dục lập nhi lập nhơn; kỷ dục đạt nhi đạt nhơn. Năng cận thủ tỷ khả vị Nhân chi phương". Nghĩa là mình muốn lập thân thế nào thì cũng giúp người cùng lập thân như mình: Mình muốn thông đạt đến đâu thì cũng giúp người cùng thông đạt như mình. Ai hay làm những điều đó là làm "Nhân" vậy.

Thầy Tử Trương hỏi "Nhân", Đức KHỔNG PHU TỬ nói: "Hãy làm năm điều nầy trong thiên hạ là "Nhân" rằng: Cung, Khoan, Tín, Mẫn, Huệ. Cung thì không khinh lờn, Khoan thì được lòng người, Tín thì được người tin cậy, Mẫn thì có công, Huệ ơn thì đủ khiến được người".

Nhan Hồi hỏi "Nhân", Đức KHỔNG PHU TỬ nói rằng: "Khắc kỷ phục lễ vi Nhân". Sửa mình theo Lễ là "Nhân" tức bỏ hết lòng tư dục để hành động theo Thiên lý.

Phàn Trì hỏi "Nhân" Đức KHỔNG PHU TỬ nói rằng: "Ái nhơn": Thương người.

Sách Luận Ngữ chép rằng Đức KHỔNG PHU TỬ trả lời cho mỗi người một khác; ấy là Ngài tùy chỗ thiếu của kẻ học để bổ khuyết.

Đức "Nhân" sẳn có ở nơi người tại sao lại có người không làm được?

Đó là tại sự ghét thắng đức "Nhân", rồi ghét chiếm ngôi chủ tể phàm thân mà ra nông nổi. Giả tỉ khi cha con ghét nhau thì mất từ hiếu, chồng vợ ghét nhau thì mất thuận hòa, anh em ghét nhau thì mất kính nhường, người trong thiên hạ ghét nhau thì mạnh hiếp yếu.

Vả lại, lòng người không bao giờ có hai tình cảm một lượt. Hễ có ghét thì không thương; hoặc có thương thì không ghét. Ấy vậy nên chúng ta cứ mở rộng lòng thương thì tự nhiên lòng ghét không xen vào được, cũng như có hòa bình thì không chiến tranh vậy.

Đức Khổng Phu Tử lấy đạo "Nhân" làm căn bản cho đạo người, rồi tùy tình cảm mà ứng và cứ ung dung theo Thiên lý mà hành động, chớ không cố chấp điều gì. Thế nên đứng vào cảnh ngộ nào cũng an vui; chớ không làm mất tư cách người quân tử.

NGHĨA

Về Tâm học "Nghĩa" là phương pháp giúp cho kẻ học thành đức. Về Luân lý học, "Nghĩa" là lẽ phải giúp cho kẻ học hoàn thành bổn phận làm người, hoặc nói cách khác "Nghĩa" cụ thể hóa lòng Nhân thành Đạo đức. Ở đây, hai chữ "Nhân" và "Nghĩa" phải đi đôi với nhau. Trái lại nếu có Nhân mà không có "Nghĩa" thì Đạo đức thiếu hình thức; còn như có "Nghĩa" mà không có Nhân thì Đạo đức thiếu tinh thần.

Giả tỉ: chúng ta có lòng thương người lâm nạn, nhưng không ra công, hoặc ra của, để cứu giúp thì lòng thương không thể hiện. Ngược lại, nếu ra công, ra của để tế độ mà chẳng có lòng thương thì đó là một ý khác chớ không phải Nhân.

LỄ

Lễ trước dùng để tế tự, sau lan rộng đến nền nếp xử sự, tiếp vật mà nhân quần xã hội thừa nhận. Chữ "Lễ" lại đồng thể với chữ Lý; cho nên nó phải tùy thời mà biến đổi, càng ngày càng tốt hơn, chớ chẳng khá cố chấp mà phải sa vào cái vạ hủ lậu.

Về phương diện tế tự, Lễ có mục phiêu thứ nhất là làm cho đàn tế được trang nghiêm; mục phiêu thứ nhì là đào tạo cho con người một tâm lý Kính và Thành. Có Kính thì mới giữ được bản tánh của mình, có Thành mới cảm ứng được với Trời. Đó là Lễ giúp người tồn dưỡng Tâm Tánh.

Theo sách Lễ Ký: Lòng người ta lúc nào cũng có muốn sự ăn uống, sự trai gái và sợ cái nạn tử vong, bần khổ. Nếu người ta không nghĩ lại thì Thiên lý sẽ bị tiêu diệt. "Lễ" giúp người ta giữ vẹn Thiên lý.

Nói Lễ giữ "Lễ" thì khi đi, đứng, nằm, ngồi lúc nào cũng chẳng khá dễ duôi. Ở thường thì Cung, làm việc thì Kính, giao thiệp thì hết lòng. Ba điều ấy, dầu ở chung với kẻ mọi-rợ, cũng chẳng khá quên. Ra khỏi cửa thì Kính, như hầu khách quý; sai khiến kẻ dưới thì Kính như thừa hành lịnh trên; nhứt cử, nhứt động, đều có "Lễ", đó là người lịch sự. Hành vi, lời nói và tư-tưởng, mỗi mỗi đều có trước sau, là người có tiết.

Trên đường giao tế, "Lễ" phải có Nghi làm hình-thức. Giả tỉ như chúng ta gặp người trưởng thượng, thì chúng ta đem lòng Kính, đó thuộc về Lễ. Rồi chúng ta nghiêng mũ cúi chào, tỏ lòng kính ra ngoài, đó thuộc về Nghi. Thế nên nói: Nghi tùy "Lễ" mà chế. Hai chữ "Lễ Nghi" thiếu một thì không thành qui tắc. Giả tỉ như chúng ta có Kính trong lòng, mà không nghiêng cái mũ cúi chào, thì lòng cung kính không chỗ nương, để phát biểu. Trái lại, trong lòng không Kính mà bên ngoài làm ra vẻ cúi chào. Nghi không Lễ thì đó chỉ là hinh thức khô khan mà thôi.

Lễ nghi dùng để phân định ngôi thứ: tôn ti, thượng hạ. Giả tỉ trong đám hội đàm; người lớn cứ sỗ sàng ăn nói, sỗ sàng hành động, kẻ nhỏ thì hỗn ẩu không kính nể người lớn. Thế thì làm sao mà hiệp nhau cho được, cho nên nói rằng: Thất "Lễ" thì loạn.

Học "Lễ" không phải khó khăn, như có người lầm tưởng. Bởi vì "Lễ" thuận lòng người mà dấy: chớ không phải cưỡng bách. Cổ nhơn thường khuyên nhau: Trước học Lễ rồi sau mới học văn, tức là học Đạo lý rồi sau sẽ học các môn khác. Luật dùng để răn người phạm tội. Lễ để ngăn tình cảm xấu, thế mà người ta sợ Luật, hơn sợ "Lễ"; đó là tại Luật đó hậu thuẫn hình phạt.

Hành vi, lời nói và tư tưởng mỗi mỗi đều thích Trung, ấy là người có tiết độ. Tiết độ là mực thước của người, cũng như nhịp trường canh là mực thước của Âm nhạc. Lễ định nên tiết độ ấy.

Nói rút lại: "Lễ" là mực thước để đo lường tư tưởng, lời nói và hành vi trong khi xử kỷ, tiếp vật. Đức LÃO TỬ nói rằng: Nếu thất Đạo thì nên theo Đức, nếu thất Đức thì nên theo Nhân, nếu thất Nhân thì nên theo Nghĩa, nếu thất Nghĩa thì nên theo Lễ. Vậy chúng ta có thể nói rằng kẻ học nên theo Lễ để trở về với Nghĩa, nên theo Nghĩa để trở về với Nhơn, nên theo Nhơn để trở về với Đức và nên theo Đức để trở về với Đạo.

TRÍ

Trí là năng lực hay biết. Người ta nhờ Trí để biết phân biệt phải quấy, lành dữ. Người Trí biết Đạo Đức và lần hồi hoán cải việc dở thành hay, điều ác thành điều thiện và mỗi ngày mỗi làm cho mình được tăng thêm phẩm hạnh.

Muốn thành người Trí, chúng ta phải học hành. Theo Nho giáo, kẻ học phải làm năm việc: Học, vấn, tư, biện, và hành.

Học: Lấy sự tìm kiếm làm cho giỏi mọi việc gọi là Học.
Vấn: Lấy sự tìm kiếm giải thích cho rõ ngờ vực gọi là Vấn.
Tư: Lấy sự tìm kiếm làm cho thông suốt mọi lý thuyết gọi là Tư.
Biện: Lấy sự tìm kiếm làm cho tinh tường lẽ suy xét để rồi giảng lại cho rõ gọi là Biện.
Hành: Lấy sự tìm kiếm hiểu biết làm ra sự kiện gọi là Hành.

Học hành phải đi đôi thì cái biết mới được cụ thể. Nói tỉ: chúng ta biết thờ Trời là một việc rất hữu ích. Nhưng biết thờ Trời chưa đủ, thành thử chúng ta phải tế lễ Đức CHÍ TÔN hằng ngày, để tập cho mình có lòng thành kính. Lòng thành kính tức là Chơn tâm, nó sẽ giúp chúng ta trừ khử Vọng tâm và cảm thông với Thiên lý. Thờ Trời, tế Trời là một phương pháp làm sáng đức sáng của mình.

Thầy Tuân Tử nói: Chẳng nghe không bằng có nghe, có nghe không bằng trông thấy, trông thấy không bằng biết rõ, biết rõ không bằng làm được. Học để biết, biết để làm. Thế là cái đức sáng của mình càng ngày càng sáng suốt thêm lên.

Sự học có nhiều lối: Học với kinh nghiệm và học với Trí nghĩ. Ví dụ: Chúng ta chưa biết lửa có tánh nóng. Nay vì có một duyên cớ gì, chúng ta chạm nhằm lửa mà phải phỏng tay. Thế là chúng ta nhờ bài học kinh nghiệm, để biết lửa có tánh nóng.

Đời người là một cuộc học. Nếu chúng ta rủi bị phiền não vì một việc gì, thì chúng ta chẳng khá trách Trời, chẳng khá trách người, chẳng khá trách vật; mà trái lại, phải tự xét mình tìm cho ra cái nguyên nhân nào làm cho chúng ta phải phiền não. Phải chăng: Tại không biết, tại trễ nãi, tại tức giận? Khi đã thấy nguyên nhân tạo ra phiền não rồi, chúng ta nên tìm phương giải quyết, để cho cách xử sự lần sau được khá hơn.

Trí người là một trường hành động. Khoa học ngày nay, nhờ Trí mà phát minh biết bao nhiêu cơ khí kỳ xảo. Chúng ta nên dùng Trí của mình để tìm biết đời sống của mình: Đại để như nhìn ra Vũ Trụ bao la, biết bao nhiêu Thế giới vận chuyển không ngừng, lại nhìn đến vạn vật yên lặng, trang nghiêm, rồi nghĩ đến thân phận người ta ở đời: Sống như vậy rồi chết ra sao? Và còn biết bao nhiêu những việc huyền bí trong Vũ Trụ mà chúng ta chưa biết được. Vậy chúng ta nên ghi những vấn đề ấy, để rồi suy nghĩ khám phá sự liên lạc của người với Trời, người với người và người với vật. Một khi chúng ta khám phá những lẽ bí mật của Tạo vật rồi, ắt chúng ta sẽ giải quyết được đời sống của chúng ta với một cách xứng đáng. Theo lý đương nhiên, đời sống chẳng phải tìm nơi sự lý nhỏ mọn trong vòng vật dục, mà phải vượt ra ngoài, để rồi sống với Đạo, sống với Thượng Đế và sống với Chúng Sanh.

Mục đích của người Trí là biết Đạo, thế nên kẻ học phải chuyên tâm trì chí. Cách học phải mở cho rộng, hỏi cho kỹ, nghĩ cho cùng, phân biệt cho rõ và hết sức làm theo để thành toàn cái biết của mình. Mỗi ngày phải xét mình và bền lòng tự xét tự tỉnh mãi cho đến một ngày kia, chúng ta sẽ có tâm trọn lành.

Trí đã phát khởi, thấu hiểu Chơn lý Thiện Ác và biết giới hạn của tình dục rồi. Lúc bấy giờ, chúng ta ung dung thông cảm với Thiên lý mà sống với một thái độ thuận hòa, bình tỉnh theo Đạo tự nhiên.

TÍN

Tín là tin. Thủ tín là điều quý trọng của người, nhứt là kẻ tu hành. Lời nói của mình thốt ra phải trọng nó: Nói ra rồi phải nhìn nhận, nếu nói không chắc một lần, về sau mặc dầu chúng ta nói thiệt, người ta cũng không tin. "Nhơn vô tín bất lập". Người không đặng tín nhiệm thì chẳng làm nên được.

Đối với mình lại càng phải thủ tín hơn nữa. Chúng tôi xin nhắc câu sách Đại Học nói rằng: "Sở vị thành kỳ ý giả vô tự khi dã". Nghĩa là: Cái chỗ gọi là sửa ý ra thành thật, cốt yếu ở chỗ mình chẳng tự dối. Đại để nói rằng nếu người ta tự dối mình thì mình không làm nên được.

Ví dụ: Chúng ta hứa với mình "Học cho giỏi" thế mà rồi ít lâu lại quên mất, không làm được như lời hứa. Đó là tại sao? Tại mình tự dối mình. Mà kẻ tự dối mình tức là dối Lương tâm; mà dối Lương tâm là dối Trời. Thử hỏi: Trời có nên dối chăng?

Những kẻ bội ước, bất trung, nói rồi chối, hoặc điên đảo xảo ngôn, là kẻ xúc phạm đến Thần minh. Kẻ ấy thế nào cũng phải chịu tội. Mất lòng tín nhiệm của người lại mất lòng tự tín của mình, kẻ ấy thành ra một nhân vật khả ố. Nó hãm mình vào nơi khốn nạn. Kẻ học đạo phải tự mình bó buộc mình; nói thiệt và thủ tín, vì khoản này rất khó dung chế.

Tóm lại Ngũ thường là năm mối hằng tâm để cho người ta noi theo mà hành động, hầu trở nên người có Đạo hạnh. Ngũ thường để sửa hành động của người cũng như thước qui để làm hình tròn, thước củ để làm hình vuông. Muốn làm hình tròn, hình vuông mà không dùng thước qui thước củ, để làm rập thì không thể được, cũng như muốn làm người đức hạnh mà chẳng dùng Ngũ thường thì biết theo đâu mà làm. Ngũ thường tuy có năm Đức, nhưng Nhân đứng đầu và gồm cả Đạo làm người. Lễ là mực thước để làm Đạo Nhân, thực hiện trọn Đạo Nhân, tức là thể hiện Thiên lý thành Nhơn luân và cũng là làm tròn bổn phận người.

LUÂN LÝ THỰC HÀNH NỮ PHÁI

Phận gái giữ câu Tam Tùng và Tứ Đức

a) TAM TÙNG

Mặc dầu trai hay gái, đều có bổn phận làm người; đại để như đã nói trong những trương trước, nhưng riêng về Nữ phái, cổ nhơn đã vạch sẵn con đường "Tam Tùng" mà kẻ hậu tấn noi theo để làm nên người con thảo, vợ hiền, mẹ lành.

Có người nói: Thế kỷ 20, văn minh vật chất đã phổ truyền. Phụ nữ từ Tây sang Đông, từ thành thị đến thôn quê, người người đều chen lấn trên đường "canh tân" nếu đem cái thuyết cũ kỹ "Tam Tùng" mà hô hào, thế có phải là đi ngược chiều Tấn hóa chăng? Không. Bởi vì Luân lý cổ truyền của người Việt Nam vốn ở trong Nho giáo; mà vì Thánh sư của Nho giáo là Đức KHỔNG PHU TỬ có nói rằng: "Luân lý Pháp luật phải tùy thời mà sửa đổi cho thích nghi với trình độ Tấn hóa của Nhơn sanh". Câu sách Trung Dung sau đây đủ chứng minh điều ấy rằng: "Trọng Ni tổ thuật Nghiêu Thuấn, hiến chương Văn Võ, thượng luật thiên thời, hạ tập thu thổ". Nghĩa là Đức Trọng Ni (KHỔNG PHU TỬ) thuật lại Đạo Vua Nhiêu, Vua Thuấn, bắt chước Vua Văn, Vua Võ; trên theo thời Trời mà quyền biến; dưới tùng thủy thổ mà an vui. Vậy chúng ta nên lược lại những qui luật cổ truyền, như cái thuyết "Tam tùng" chẳng hạn, rồi châm chước sửa đổi cho vừa lằn Tấn hóa; nghĩa là chúng ta giữ những cái "Hay" bỏ những cái "Dở" để đưa đoàn em đi đến con đường "Mỹ tục Thuần phong". Nghĩ thư thế, nên chúng tôi yên trí soạn lại như sau:

1.- TẠI GIA TÙNG PHỤ

Bổn phận làm con phải thảo với cha mẹ. Đạo hiếu không phân biệt trai hay gái, đại khái như đã nói trong chương "Phụ Tử Cang". Riêng về phần nữ lưu, chữ "Tại gia tùng phụ" có nghĩa đặc biệt về việc lập gia thất.

Vả, đường đời muôn nẻo, mặc dù người con có học thức đến đâu cũng chưa đủ kinh-nghiệm thế tình, chưa từng trải việc đời, thành thử, những việc quan trọng, con nên tuân lời cha mẹ là hơn. Phải biết rằng trong đời không ai thương lo cho con bằng cha mẹ. Từ xưa, chưa thấy cha mẹ nào có ý làm hại con. Cha mẹ chúng ta cũng như muôn vàn người khác, hằng nuôi con, hằng dạy con, và hằng trông mong con trở nên người cao quí, hạnh phúc.

Vậy người con chẳng vì lẽ gì mà không tuân lời cha mẹ. Thảng như có điều chẳng vừa ý thì nên ôn tồn, nhỏ nhẹ, bày tỏ chỗ thiệt hơn, chẳng khá cãi cọ mà sanh ngỗ nghịch.

Gần đây, mới xuất hiện phong trào "Tự do kết hôn" nghĩa là trai gái tự do tác thành, chớ không cần hỏi đến ý kiến mẹ cha. Việc nầy có thể chấp thuận về nguyên tắc; bởi vì chồng vợ phải chung sống trọn đời từ tóc xanh đến đầu bạc; cho nên hai người cần có tâm đầu, ý hợp thì mới vui vầy. Trái lại, nếu kẻ nói trâu trắng, người nói trâu đen thì khó dung hòa để tạo ra gia đình hạnh phúc.

"Chấp thuận nguyên tắc" chúng tôi muốn nói phận gái được phép chọn bạn trước, nhưng khi quyết định thì phải chờ lịnh mẹ cha. Bởi cha mẹ là người niên cao kỷ trưởng từng trải việc đời, dầu sao, người cũng am hiểu thế tình hơn con. Trẻ lòng, non dạ, con chưa phân biệt lẽ thiệt hơn. Biết đâu, mình quyết tìm hạnh phúc, nhưng chung qui lại sa vào cạm bẩy tai hại.

Tạo lập gia đình là việc lớn của đời người. Quân tử chi đạo tạo đoan hồ phu phụ, nếu bước đầu tiên rủi lỡ lầm rồi phải khổ trọn đời. Phận gái mười hai bến nước, trong đục phải cam. Nhưng nếu rủi rồi sao?

Người làm cha mẹ, không nên ỷ quyền mà ép con. Ngạn ngữ nói: "Ép dầu, ép mỡ, ai nở ép duyên". Có người gả con mà không dám hỏi ý con, về sau, thành ra vô tình mà hại cuộc đời con. Đương môn, đối hộ là một điều tốt, nhưng nó đứng vào hàng thứ nhì, duy có điều: Chọn dâu, chọn rễ kia, mới thật là trọng yếu.

Quyền cha mẹ, nghĩa làm con, đôi bên phải dung hòa với nhau, để đào tạo hạnh phúc cho con là hơn hết. Nếu rủi cha mẹ qua đời thì phận gái cũng nên nghe lời người nuôi dưỡng như: Cô, Cậu, Chú, Bác v.v…

2.- XUẤT GIÁ TÙNG PHU

Khi có chồng rồi, phận gái phải ở với nhà chồng, cả một cuộc đời mới đó phải thi hành, nào là bổn phận đối với cha mẹ bên chồng, anh em bên chồng, nào là xử sự với kẻ ăn ở trong gia đình và người làng giềng, mỗi mỗi phải cư xử cho trọn đạo; nhứt là đối với chồng phải giữ gìn trinh tiết, bởi vì người đàn bà mất trinh thì mất giá trị.

(Xin xem bài Phu Thê Cang)

3.- PHU TỬ TÙNG TỬ

Rủi chồng chết thì phải nương theo con; khi con còn thơ ấu thì lo bề dưỡng dục, đến lúc con nên người, con thành nhơn thì một lòng sống với con cho tròn phận mẹ hiền.

Sách Nho chép truyện bà thân sanh của Mạnh Tử chọn xóm ở, để cho con ăn học; có lần Mạnh Tử biếng nhác, bà chặt khung cữi, làm cho con biết sợ mà lo học. Nhờ mẹ hiền mà Thầy Mạnh Tử trở nên bậc Á THÁNH. Đoàn hậu tấn nên noi gương làm mẹ đó mà lập thân mình.

b) TỨ ĐỨC ( Công, Ngôn, Dung, Hạnh.)

CÔNG

- Ngoài việc văn chương, cung kiếm như các bậc anh thư, phận gái còn có nữ công thường thức, cần phải am tường thuần thục, hầu làm trọn phần nội trợ của mình. Đại khái như: may vá, nấu nướng, sắp đặt việc nhà, cần kiệm, nuôi chồng, dạy con vân vân...

Nội trợ là phận gái, phẩm giá làm người tùy đó một phần lớn.

(Xem lại bài "Phu Thê Cang" và chương Lập công trong quyển "Trên Đường Tấn Hóa")

NGÔN

- Ngôn là lời nói, người bàng quan do lời nói của mình mà đoán ra tâm lý. Tại sao? Bởi có tư tưởng trong lòng mới tỏ ra ngoài lời nói, thành thử, lời nói năng phải cẩn thận. Không nói lả lơi, không nói hoa nguyệt, không nói xằng, không nói bậy; không ngồi lê, đôi mách, không nói dối. Muốn được vậy thì phải tập cho có thói quen rằng: "Suy nghĩ trước rồi sau sẽ nói" tức là Ngôn đoái Hạnh, Hạnh đoái Ngôn. (Xem lại bài cấm "Vọng Ngữ" và chương "Lập Ngôn" trong quyển "Trên Đường Tấn Hóa").

DUNG

- Dung là dung nhan, diện mạo, cần phải sạch sẽ vẻ vang, đi đứng trang hoàng, hình dung yểu điệu; nhưng lúc nào cũng phải giữ tự nhiên, nghĩa là không phải sửa cách đi đứng, vì có ý sửa là mất tự nhiên, mà mất tự nhiên thì không đẹp.

HẠNH

- Hạnh là nết, mà nết lại do Tâm mà ra, cho nên muốn có Hạnh trước phải giồi mài bổn Tâm.

Kể sơ lược như thành thật, hiền lành, tao nhã. Thành thật thì được người tín nhiệm, tin dùng; hiền lành thì ngăn được phóng tâm; hòa nhã thì tránh được tật kiêu căng, hỗn láo.

Rút lại người phụ nữ giữ trọn Tam Tùng Tứ Đức thì đủ làm nên người con thảo, vợ hiền, mẹ lành.

Tóm lại: Làm người, mặc đầu Phái Nam hay Phái Nữ, đều phải lấy Đạo Tu thân làm căn bản Nhơn Đạo, nghĩa là trước nên trau dồi Tâm Thần của mình trở nên Chơn Thiện Mỹ, rồi sau mới biết nghĩa phương để sửa việc nhà, làm việc nước và góp công vào việc Hòa bình Thiên hạ (Tu thân, Tề gia, Trị Quốc, Bình Thiên hạ). Cổ nhơn rất trọng Đạo Tu thân; họ thường khuyên nhau: Từ vì Thiên Tử đến kẻ Thứ dân, hạng người nào cũng phải Tu thân trước rồi sau sẽ làm những nghĩa vụ khác. Trái lại, nếu Thân chẳng Tu mà muốn Tề gia, Trị Quốc, Bình Thiên hạ thì e rằng làm không nên; bởi vì gốc đã loạn mà muốn cho ngọn trị thì không bao giờ có được.

MINH MINH ĐỨC - THÂN DÂN - CHỈ Ư CHÍ THIỆN

Trước kia, chúng tôi đã có nghị luận rằng: Phái Nam nên thực hiện Tam Cang, Ngũ thường; Phái Nữ nên giữ câu Tam Tùng, Tứ Đức. Sau đây xin bàn thêm ba phép nữa là:

Minh Minh Đức
Thân Dân
Chỉ ư Chí Thiện.

Âu cũng giúp thêm một phần nào trong sự học tập.

MINH MINH ĐỨC

Tánh Trời phú cho người cũng gọi là Thiên lý ở trong Tâm. Trong Thiên lý vốn có một Đức sáng tự nhiên gọi là Minh Đức, Minh Minh Đức nghĩa là khai sáng cái đức sáng ấy. Về phương pháp học tập sách Đại Học bảo rằng:

Tri chỉ nhi hậu hữu định.
Định nhi hậu năng tịnh.
Tịnh nhị lâu năng an.
An nhi hậu năng lự.
Lự nhi hậu năng đắc.

Nghĩa là khi chúng ta đã nhứt quyết con đường mà mình phải theo và mục đích mà mình phải đến rồi sau Tâm định (Ví dụ: Bỏ nhơn dục theo Thiên lý). Có định rồi sau Tâm sẽ Tịnh (yên lặng). Có Tịnh rồi sau Tâm sẽ an (An có vẻ tự tại hơn tịnh một cấp). Có An rồi sau sẽ Lự (tức tưởng gẫm tìm hiểu Chơn lý. Có Lự rồi sau sẽ đắc (tức sáng suốt rõ ràng).

Nói như thế nghĩa là trước chúng ta phải chuẩn bị cho Tâm được thanh tịnh rồi bắt đầu tưởng gẫm để tìm Chơn lý.

Nói về sự tưởng gẫm tìm Chơn lý, thì phải tuần tự mà thực hành theo thứ tự, bởi vì vật hữu bổn mạt, sự hữu thủy chung. Tri sở tiên hậu tắc cận đạo hỉ. Nếu biết được chỗ trước sau, làm cho cái biết của mình có mạch lạc hệ thống, ấy là biết Đạo vậy, tức cũng như cái thuyết cách vật trí tri của VƯƠNG DƯƠNG MINH đã giảng giải.

Hoặc nói rõ ra là chúng ta cứ hồi quang phản chiếu về nội giới và dịch hóa những tư tưởng lãng mạn dục tình phức tạp, dịch hóa và dịch hóa mãi cho đến trong Tâm chỉ có một đức sáng ở trong cõi lòng chưa phát động; thế là khai sáng đức sáng.

THÂN DÂN

Thiên địa chi đại đức viết sanh. Tánh bản nhiên của chúng ta là một điểm Tánh Trời ban cho. Vậy chúng ta phải thể hiện cái Đại đức của Trời Đất là sự sanh hóa mà thôi; chớ chẳng hề sát hại vật nào. Nghĩa là chúng ta nên tương thân, tương ái, tương trợ với người và vật, tức là thực thi lòng Nhân ái với mọi người và vật để giúp vào cái Đại đức của Trời là Sanh hóa.

Thân dân nghĩa là gần gũi thương yêu người và vật để thể hiện lòng nhân ái.

Minh Minh Đức tức là khai hóa Trí. Thân dân tức là thực hành đức Nhân, Nhân Trí đắp đổi mà thành tựu lẫn nhau. Minh Minh Đức là học. Thân dân là hành. Tri hành hiệp nhứt sẽ hoàn thành nghĩa vụ làm người.

CHỈ Ư CHÍ THIỆN

Minh Minh Đức và Thân dân lấy Chí Thiện làm phương tiện và cứu cánh. Nghĩa là tu luyện ý chí vững vàng để cho mình có đủ nghị lực mà học tập và sự học tập phải nhắm vào Chí Thiện mà tiến bước. Chí Thiện là gì? Là cái lẽ tột lành. Trạng thái nầy, Tâm không còn điên đảo mà chí yên lặng để cầu sự Tri và Hành đức Nhân ái được trọn vẹn.

Tóm lại, Minh Minh Đức là luyện trí, Thân dân là thực hành lòng Nhân, Chỉ ư Chí thiện là đào luyện ý chí (tức Dũng) để có đủ can đảm mà làm Nhân. "Trí Nhân Dũng" là ba cái trạng thái của Tâm linh phát hiện mà học giả luôn luôn phải học tập cho đến Tâm đắc.

Học tập cho đến Nhơn dục tận tịnh, Thiên lý lưu hành rồi cứ ung dung theo Thiên lý mà hành động, chớ không cố chấp điều gì. Đức KHỔNG PHU TỬ bảo rằng: "Quân tử chi ư Thiên hạ đã, vô thích dã, vô mịch dã, nghĩa chi giữ tĩ". Bậc quân tử làm việc cho đời chẳng có điều gì cố ý làm cũng chẳng có việc gì cố ý bỏ, hễ hợp nghĩa thì làm.

Đó là điều đáng ghi nhớ.

Tóm lại Đức CHÍ TÔN là Thầy chúng ta, là Đại Từ Phụ của chúng ta: Đức Ngài sanh hóa chúng ta, ban phú cho chúng ta một Điểm tánh, để làm tự Tánh của mình, như câu Thánh Ngôn nói rằng: "Khi tạo lập Càn Khôn Thế Giái rồi Thầy phân Tánh Thầy mà sanh ra vạn vật là Vật chất, Thảo mộc, Côn trùng, Thú cầm gọi là Chúng sanh".

Chúng ta là một phần tử trong số vạn vật, cho nên chúng ta cũng có bẩm thọ của Đức Thái Cực Thánh Hoàng một Điểm tánh, để làm Tánh của mình. Nho Giáo gọi Tánh là Mạng Trời và tuân theo Mạng Trời mà hành động thì gọi là Đạo "Thiên mạng chi vị Tánh, suất Tánh chi vị Đạo" (Trung Dung).

Vậy những nghĩa vụ làm người, Nhơn Đạo, tức chúng tôi muốn nói những bài học Luân lý đã giảng diễn, mặc dầu, hình thức có lệch lạc, mặc dầu cách lập luận không mấy châu đáo, nhưng tinh thần của những bài học này nằm gọn trong câu "Căn cứ theo Mạng Trời để thực hiện đạo người", để cầu được một phẩm hạnh làm người đạo đức thuần lương và chuẩn bị vào cửa Thiên đạo.

 

)
)(
__)_(__

__(_____)__
(((_________)))
) ׀ (



Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 767 | Tác giả: Tiếp Pháp Trương Văn Tràng