× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Giáo Lý

Giảng Đạo Yếu Ngôn


Người đi tu hành phải bỏ nhà cùng vợ con tầm chỗ thanh vắng hoặc núi non mà tu luyện mới thành, phải vậy chăng?

Chẳng phải vậy đâu! Chúng ta xuất thế vào Đạo mà tu đặng sửa tâm tánh, cho trở nên người hiền lành nhơn đức, và làm điều cho lợi nhơn lợi vật, những việc có ích cho đời mới công-quả, phước đức đủ đầy là Đạo. Nếu chúng ta đi tu mà lánh đời, không làm điều ích chung, kiếm chỗ thanh vắng mà an ẩn, lo phận sự riêng mình, thì có ích chi cho Trời Đất cùng người vật nơi thế cậy nhờ, thì công-quả đức-hạnh đâu mà trông mong thành đặng. Tỷ như chúng ta muốn làm giàu, thì phải kiếm phương chước chi, làm cho sanh lợi ra của mới giàu đặng. Nếu muốn giàu có mà không chịu khổ cực, thì tiền của đâu nó đến cho mà giàu đặng!

Còn chúng ta muốn thành Tiên, Phật, Thánh, Hiền, hay là hưởng phước thì phải chịu khổ cực với đời, lo cứu độ nhơn sanh, và tu cho lợi ích Trời, Đất cùng người vật, thì nhờ công quả ấy, mới thăng thưởng cho chúng ta thành chánh-quả đặng. Vậy nên chúng ta phải ở thế, mà chịu những điều lao tâm tiêu-tứ gay-go khổ não, cực nhọc khốn đốn: cũng nhờ các điều nơi thế-gian nầy mà trau giồi, tập luyện cái tâm sắt đá của chúng ta, nếu chịu nổi các điều ấy thì trở nên thành quả vị Tiên Phật. Chúng ta tu đây chẳng khác khúc gỗ kia phải để chịu cho đời cưa cắt, đục đẻo, bào chọt chạm trỗ, cho ra hình tượng. Nếu chúng ta tu mà chẳng chịu những điều thế-gian đục đẻo bào chọt cùng các sự khổ, thì như khúc gỗ không chịu cho ai đục đẻo, đá động đến thì đâu có ra dáng hình chi mà nên đặng. Sách gọi rằng: Phũ trát chi công dĩ thành kim thân. Nghĩa là rìu búa đục đẻo, chạm trổ mới ra hình dáng, thì công-đức chúng ta lập nên là đó. Các đấng Phật xưa còn phải chịu trải qua tám mươi mốt nạn mới thành. Nếu chúng ta có Đạo mà không có đức thì làm sao thành? Có câu: Nhược bất tích âm-công, chưởng âm-chất động khởi quần ma tác chướng duyên, nghĩa là: chẳng lập công-quả, chẳng chứa âm-chất, thì ma-chướng dấy động ngăn cản khó thể mà thành Đạo. Vậy chúng ta tu trước phải ở thế lập công-đức tập rèn tu-luyện cho ra hạnh đạo, mà thành Tiên, Phật, Thánh, Hiền mới xứng, nên có câu: "Hổn tục hòa hoan nhơn bất thức, hành vân lưu thủy độ nguyên nhơn", nghĩa là "lộn lạo nơi trần thế không ai rõ biết, lặn suối trèo non, tìm kiếm người mê mà độ dẫn", là trường lập công-đức vậy, chẳng luận lên núi mà tu. Sách có câu: "Nhơn nhơn hữu cá linh-sơn tháp, bất tại linh-sơn chỉ tại tâm". Nghĩa là: "Người nào cũng có núi linh-sơn trong tâm, chẳng phải lên núi mà gọi là linh-sơn, linh-sơn chỉ tại nơi lòng chúng ta". Nếu lên núi hay là vào chùa mà không y luật Đạo, tâm-tánh không hiền lành, đạo-đức chẳng có, làm sao thành hay là siêu-thoát đặng, nên phải chịu khổ với đời cho âm-chất đầy-đủ, sau sẽ kiếm nơi danh sơn phước-địa mà tu bực đốn giáo pháp-môn, tối thượng nhứt thừa, vô-vi bí-pháp, như các đấng Tiên, Phật, Thánh, Hiền trước mới đặng: chớ đừng nghe Tiên Phật lên núi tu thành Đạo, mà nay chúng ta mới vào Đạo, chưa hiểu tâm-pháp là gì, công-quả không có mà bắt chước lên núi hay là chỗ tịnh ngồi luyện thì phải bị tà khí nhập khiếu trung gạt-gẫm về nẻo lợi danh mà trở lại thế nữa. Nên vào Đạo phải cho thông hiểu sơ-giai tu làm sao, trung-giai, chánh-giai tu thể nào; chớ đừng gọi mới vào trường giai lo đi thi cử-nhơn, tấn-sĩ. Vậy chúng ta đừng lấy tâm phàm ham muốn thái-quá thì sái luật Đạo, lại uổng công nhọc sức. Nếu ai không tin lời tôi luận đây, thì lấy ý riêng của mình làm thử coi, có nguy hiểm không? Vậy người mới vào Đạo chẳng nên kiếm chỗ thanh vắng sớm mà luyện Đạo là sái lý Đạo.



Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 716