Ðối với các sự đời và hành-vi cử-chỉ của con người hằng ngày phải giữ tấm lòng cung kỉnh. Dầu lúc nào cũng xem mình như ở giữa chốn triều-đình, đứng trên sân tế lễ. Dầu ngồi trong nhà kín cũng tưởng như: thập mục sở thị, thập thủ sở chỉ. Nghĩa là mười mắt trông vào và mười tay chỉ vào mình.
Trong Kinh Thơ có câu: "Như lâm thâm uyên, như lý bạc băng". Phải coi mình như đến vực sâu, như noi giá mỏng.
Cách cử động của các bậc Cổ-nhơn cung kỉnh như thế. Con người còn có tánh linh hơn vật, là do nơi biết cung-kỉnh lễ nghĩa mà cao hơn.
Nếu con người chỉ biết đói thì ăn, khát thì uống, no ấm thì vui mừng, đói rách thì lo buồn, còn ngoài ra chẳng biết cung-kỉnh lễ phép là gì. Người như vậy phỏng có khác chi cái hình bằng gỗ chăng? Thiết tưởng hạng người như thế thiên-hạ kêu là giá áo túi cơm cũng phải.
Ðức Khổng-Tử, giáo hóa nhơn-sanh có dạy năm điều là: "Ôn, Lương, Cung, Kiệm, Nhượng". Vua tôi có cung kỉnh thì thiên-hạ mới được thái-bình, cho nên vua Nghiêu đối với bá-quan thường dùng một chữ Khâm, ngàn thu còn để tiếng Thánh-quân. Cha con có cung-kỉnh thì gia-đình mới được thuận hòa. Ông vua Thuấn thờ cha mẹ trọn niềm thủ kỉnh, mà muôn đời còn lưu danh là đại hiếu. Anh em có cung kỉnh với nhau, mói có tình cảm thân yêu mến. Ðời xưa ông Lý-Tịch làm quan to, ông đã già mà cung kỉnh bà chị một cách lạ thường. Một hôm bà chị đau ông thân hành đi nấu cháo cho chị ăn, thổi lửa rủi bị cháy hết râu, người chị thấy em như vậy thì hết lòng thương xót. Còn vợ chồng mà biết cung kỉnh với nhau, thì tình thân-ái mới được thuận-hòa, tạo nên cửa nhà đồ sộ.
Ðời xưa vợ chồng ông Khước-Khuyết tương kỉnh như tân, vợ chồng của ông kỉnh nhường nhau ví như khách quí, thường bữa ông đi cày bà vợ đem cơm phải quì mà dâng cho ông, rồi chấp tay đứng hầu đến trọn bữa.
Ngày kia có quan Đại-Phu, đi ngang qua xem thấy cách cung kỉnh của vợ chồng ông như vậy, bèn về tâu lại với Vua nước Tấn, Vua liền mời ông Khước-Khuyết phong làm quan Hạ Ðại-Phu, ấy là vợ ngoan làm quan cho chồng.
Người tu-hành mà biết cung-kỉnh, thì tinh-thần đạo-đức mới được tăng tiến lên cao. Trong xã-hội từ lớn chí nhỏ đều biết cung kỉnh lễ phép thì xã-hội mới có vẻ điều-hòa thuần phong mỹ-tục.
Toàn thể nhân-loại mà biết giữ lễ-nghĩa cung kỉnh với nhau, thì thế-giới sẽ được hòa-bình phục hồi thượng-cổ.
THI CHỮ CUNG
Cung kỉnh là đầu của thế gian,
Lễ nghi biết giữ đặng trang-hoàng.
Tài sơ bác-học đều lưu-ý,
Nghiêu-Thuấn thường dùng đối bá quan.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
|