× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Giáo Lý

Giảng Đạo Chơn Ngôn


6. Giải-thích Kinh Lễ

Lễ là khuôn viên trọng thể của con người, con người sở dĩ linh hơn muôn vật, tưởng cũng nhờ có lễ nghĩa mà đặng phần hơn. Nên có câu: Nhơn-sanh vạn vật tối linh, Lễ giả Thiên-Ðịa chi tự dã. Nghĩa là người đời có tánh linh hơn muôn vật là nhờ biết Lễ, Lễ vốn là Trời Ðất phân ra trật-tự khác nhau, cho vạn-vật có thứ tự phân-minh, nhưng cũng đồng một thể, cũng do theo điều hòa mà tạo thành cơ sanh hóa. Có câu: Thiên cao địa hạ vạn-vật tán thù, nhi lễ chế hành hĩ, Lưu nhi bất tức, hiệp đồng nhi hóa chi nhạc hưng yên. Trời cao đất thấp muôn vật khác nhau, cho nên Thánh-Hiền mới định ra Lễ Nghĩa, phân tôn-ti trật-tự. Trời Ðất và vạn-vật lưu hành, hội họp tánh-chất cho điều hòa để gầy tạo thành cơ sanh hóa.

Căn nguyên của Lễ cao xa như thế, cho nên mới có giá-trị tôn quý, Thánh Hiền đời trước lấy lễ làm căn bản, để dạy người và trị thiên hạ. Có câu: Tiên Vương chế lễ nhạc giả, phi dĩ cực khẩu, Phúc nhĩ mục chi dục giả, tương dĩ giáo dân binh hảo ố, nhi phản nhơn-đạo chi chánh dã. Tiên Vương chế ra Lễ Nhạc, chẳng phải để làm cho cùng cực cái sở dục của miệng, bụng, tai, mắt, nhưng để dạy dân giữ lòng hảo ố cho vừa phải mà sửa lại cái nhơn-đạo cho chánh vậy.

Quy củ chữ Lễ là để chế sửa phong-tục, nhơn quần xã-hội, Quan-Hôn Tang-Tế, triều-đình hương-đảng, cả thảy đều dùng lễ mà làm cho tận thiện tận mỹ vậy.

Lễ là thuộc việc tế-tự có thể trạng-thái tình cảm rất hậu, tế là do tâm thành kỉnh Trời, Phật, Tiên, Thánh hay là Tổ-Tông.

Có câu: "Phù tế giả phi vật tự ngoại, tự trung xuất sanh ư tâm dã". Trong việc cúng tế chẳng phải tại lễ vật ở ngoài, chỉ tại lòng thành kỉnh mà sanh ra vậy.

Lễ là cốt để giữ sự chừng mực cho sự hành-vi của con người. Ðức Khổng-Tử nói: "Ðạo-đức nhơn nghĩa phi lễ bất thành, giáo hóa chánh tục phi lễ bất bị, phân tranh kiện tụng phi lễ bất quyết, quân-thần thượng hạ phụ-tử huynh-đệ phi lễ bất định, hoạn học sự sư phi lễ bất thân, ban triều trị quân tỵ quan hành pháp phi lễ oai-nghiêm bất thành. Ðảo từ tế-tự cung cấp Thánh-Thần, phi lễ bất thành bất trang, thị dĩ quân-tử cung kỉnh tôn tiết thái nhượng dĩ minh lễ". Lời của Ðức Khổng-Tử dạy, những người đã làm đạo-đức nhơn-nghĩa, mà thiếu lễ cũng chẳng nên, dạy bảo sửa đổi phong-tục mà thiếu lễ thì cũng chẳng đủ. Xử việc phân tranh kiện tụng mà thiếu lễ thì không quyết đoán, Vua tôi trên dưới cha con anh em, mà không có lễ thì chẳng định, học làm quan thờ Thầy mà không có lễ thì chẳng thân mật, sắp đặt thứ vị trong triều, cai-trị quân lính, đi làm quan thi-hành pháp lịnh, mà không có lễ thì chẳng oai nghiêm, cầu khẩn, cung cấp, tế-tự Thánh Thần mà chẳng có lễ thì không trang-nghiêm thành kỉnh.

Bởi thế cho nên người quân-tử dung mạo phải đoan trang trong tâm phải thành kỉnh, giữ-gìn pháp-độ để làm cho lễ ra sáng tỏ vậy.

Ðức Khổng-Tử, thỉ chung làm những việc gì, cũng cần giữ bực trung-dung, nếu không dùng lễ để làm tiêu-chuẩn cho sự hành-vi thì biết thế nào là trung được, nên Ngài nói rằng: "Lễ hồ sở dĩ chế trung dã". Lễ vậy ôi!... để đặng chế cho vừa bực trung vậy.

Lễ là dùng phương diện phân tôn ty trật-tự, tức là cái phép để tạo nên luân-lý trong gia-đình và xã-hội quốc-dân vậy.

Có câu: "Phù lễ Tiên-Vương dĩ thừa thiên chi đạo, dĩ trị nhân chi tình". Lễ là các vì Tiên-Vương vâng theo cái Ðạo của Trời, để trị tình dục của con người, tình dục của người vừa biến sanh, chỉ có dùng lễ mà ngăn cản lại được.

Khổng-Tử viết: "Ẩm thực nam nữ nhân chi đại dục, tồn yên tử vong bần khổ nhơn chi đại ố, tồn yên cố dục ố giả tâm chi đại đoan dã, nhân tàn kỳ tâm bất khả trắc độ giả, mỹ ác giai tại kỳ tâm bất kiến kỳ sắc dã, dục nhứt dĩ cùng chi xá lễ hà dĩ tai".

Ðức Khổng-Tử nói: Các việc tội lỗi của con người là do nơi sự ăn uống quá độ mà sanh ra, nhứt là trai và gái ăn chung với nhau, thì cái sở dục bao giờ cũng có.... Còn cái giận cái ghét của con người, là do sự nghèo khổ bịnh hoạn chết mất mà nảy sanh, cái ố-dục là mối lớn của tâm vậy, cái tâm của con người thường giấu kín, chẳng khá độ lường đặng, tóm lại nếu muốn biết cho cùng mà không dùng lễ thì chẳng thế nào biết được.

Các bậc Ðế-Vương đời trước, sở dĩ trị được thiên hạ, là nhờ hiểu rõ cái tình dục của con người, nên mới chế ra Lễ Nghĩa, để phân tôn-ty trật-tự chuyên trị thất tình là: Hỉ, Nộ, Ai, Lạc, Ái, Ố, Dục, sửa thập nghĩa là: Phụ-từ tử-hiếu, huynh-để đệ-cung, phu-nghĩa phụ-tiết, trưởng-huệ, ấu thuận, quân nhân, thần trung. Giảng giáo điều tín nghĩa chuộng sự hòa thuận, bỏ sự cạnh tranh trộm cướp.

Sự giáo-hóa của Ðức Khổng-Tử, là tinh-vi hiệu quả rất sâu xa.

Có câu: "Lễ chi giáo hóa giả vi kỳ chỉ tà dã ư dị hình sử nhân nhựt tỹ thiện viễn ác như bất tự tri dã". Sự giáo-hóa của Ðức Khổng-Tử mà dùng lễ là cao-sâu mầu nhiệm, có thể ngăn ngừa các điều tội lỗi trong lúc chưa bày ra, khiến cho người ngày ngày đến gần chỗ lành, lánh xa điều dữ là người biết lễ vậy.

Ðức Khổng-Tử rất trọng lễ vậy, nên Ngài nói: Phù lễ cấm loạn chi sở do sanh, do phường chỉ thủy tự lai dã. Lễ là ngăn cấm các điều rối loạn lúc chưa sanh ra, cũng như con đường đấp để ngăn cho nước đừng tràn vào vậy.

Người giàu sang mà biết lễ thì không dâm tàn, không kiêu căng, người bần tiện mà biết lễ thì không nản chí, không làm quấy, người làm Vua mà biết lễ thì mới biết phép sửa nước trị dân. Tóm lại: Lễ chi ư chánh quốc giã, do hành chi ư khinh trọng giã, thằng mạc chi ư khúc trực giã, qui củ chi ư phương viên dã. Lễ đối với việc sửa nước trị dân, chẳng khác nào như cây cân để đối với vật nặng vật nhẹ, cũng như sợi dây để đối với vật thẳng vật cong, cũng như cái quy cái củ để đối với vật tròn vật vuông vậy.

Nếu con người từ ấu chí trưởng mà biết trọng lễ nghĩa khiêm cung, thì khỏi chịu dưới luật hình trừng trị, mà đời sẽ trở nên thái-bình an-cư lạc-nghiệp. Sánh với đời Nghiêu-Thuấn, Võ-Thang, Văn-Võ, Châu-Công, Khổng-Tử, Mạnh-Tử, Nghiêu-Thuấn không lập luật hình, Võ-Thang không tạo khám đường ngục thất, đời vô-vi nhi trị thiên-hạ thái-bình là nhờ dân-tộc thời kỳ ấy biết giữ lễ.

Thánh-Giáo của Ðức TÔN-SƠN dạy:

Lễ nơi mình là khuôn viên trọng thể,
Lễ nơi nước là phép trị an,
Lễ nơi toàn cầu là đại-đồng thế-giới.

Nếu không có lễ thì chẳng làm việc gì mà nên đặng.

         THI CHỮ LỄ

LỄ là trật-tự của Thần-Tiên,
LỄ dạy nhơn-sanh giữ tánh hiền.
LỄ đối toàn cầu điều yếu trọng,
LỄ qui Tam-Giáo thuận cơ Thiên.



Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 1082