× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Giáo Lý

Giảng Đạo Chơn Ngôn


29. Yếu-điểm trong Ngũ-Kinh

 

Ngũ-Kinh là: Kinh Thi, Kinh Thơ, Kinh Diệc, Kinh Lễ, Kinh Xuân-Thu.

Mỗi một bộ kinh Ðức Thánh dạy, cốt yếu trong một câu hay là một chữ, ta có thể do theo đó mà làm phương-pháp thật hành, thì cũng như học suốt thông một bộ sách vậy.

1- Kinh Thi cốt yếu có một câu: "Thi, Tam bá thiên nhứt ngôn dĩ tế chi, viết tư vô tà". Nghĩa là trong Kinh Thi có ba trăm bài, gồm lại một điều chủ tâm đừng suy nghĩ những sự vạy tà sái quấy....

2- Kinh Thơ có 58 thiên cốt yếu là tại hai chữ chấp-trung, nghĩa là ta làm việc chi từ lúc khởi đầu cho đến khi kết cuộc, phải giữ một mực thường, thỉ chung như nhứt chẳng vì sự khó khăn mà thối chí ngã lòng, bán đồ nhi phế mọi việc làm cần phải giữ bậc trung-dung, không thái quá mà cũng không bất cập, thì sớm muộn sẽ được thành công.

Ðức Khổng-Tử: "Ngô Ðạo nhứt dĩ quán chi". Ðạo của ta từ đầu suốt đến đuôi chỉ có một là thuận thiên-lý.

3- Kinh Diệc có 348 hào cần yếu là một chữ thời, thời là tùy thời mà thuận theo, hay là chống lại.... và do theo thời thế biến đổi cho phù-hạp thiên-lý, cùng thuận nhân tâm.

4- Kinh Lễ có 48 thiên chỉ dùng ba chữ: "Vô Bất Kỉnh". Bởi lễ là chủ ư kỉnh, dầu ngồi trong nhà kín hay là ở dưới hang sâu, lúc nào cũng xem như có các Ðấng Thiêng-Liêng ở trên đầu, đã thấy rõ mọi sự hành-động của mỗi người lành hay dữ. Cho nên ta phải thành kỉnh luôn luôn, ấy là người biết giữ Lễ.

Ðức Khổng-Tử nói: Lễ giả thiên địa chi tự giả, nhạc giả thiên địa chi hòa giả. Lễ là trật-tự của Trời Ðất, còn nhạc là sự điều hòa của Trời Ðất....

5- Kinh Xuân-Thu chép việc 242 năm, tóm lại là: khuyến thiện, răn ác.

Ðức Khổng-Tử tác thành Kinh Xuân-Thu biên chép việc đời hai trăm bốn mươi hai năm để lưu-truyền hậu thế.

Những điều lành sự dữ của các nhà vua, cùng các bậc chư-hầu, khanh-tể, chỉ rõ hai điều: thưởng phạt, khen chê.

"Nhứt tự chi bao vinh ư hoa cổn,
Nhứt tự chi biếm nhục ư phủ việt".

Một lời khen thì vinh hơn cái áo hoa cổn của vua ban cho, còn một tiếng chê nhục hơn bị tội xử bằng rìu búa.

Kinh Xuân-Thu, cốt-yếu là để dạy đời, khen đời và chê đời.

Ðạo Cao-Ðài gọi là Nho-Tông chuyển thế, thì cần phải thật hành theo giáo-lý của Ðức Khổng-Tử trong Ngũ-Kinh. Nếu mỗi người mà giữ đặng các điều cần-thiết kể trên cho được vẹn toàn, thì danh-thể giá-trị sẽ tiến lên cao thượng, để làm gương soi-sáng cho bước đường của đàn hậu-tấn noi theo.

Ðạo Cao-Ðài hoằng khai từ năm Bính-Dần cho đến ngày nay, trong hàng Chức-Sắc, Chức-việc và Ðạo-hữu nam nữ, cũng có nhiều người trọn tâm trung thành với Hội-Thánh, dám chịu khổ-hạnh hy-sinh vì Ðạo. Mà cũng có kẻ lợi dụng danh Ðạo, tạo gia-nghiệp riêng về phần cá-nhân, bất tùng luật-pháp, phản loạn chơn-truyền, thất thệ nghịch Thầy phá Ðạo.

Hai lẽ chánh tà, trung nịnh, vẫn còn chép ghi vào Sử-Ðạo để lưu-truyền thất ức dư niên. Cũng như bộ sách Xuân-Thu của Ðức Khổng-Tử lưu-truyền từ cổ chí kim.

Thì những người đạo-đức nhơn-nghĩa, chánh-trực công-bình, vì nước vì dân, vì Ðạo làm hữu-ích chung cho nhơn-loại được hưởng nhờ, để làm gương cho đời hậu tấn, noi bước hành trình, và tránh những thói mị tà gian tham xảo-trá đặng khỏi mang tại họa tội tình hành-phạt vi xủ vạn niên.

Trong Kinh Xuân-Thu phân biệt trắng đen, chánh tà, phước họa đều rõ lý, để cho con người chọn lựa mà thật hành, làm thế nào cho được danh thơm tiếng tốt lưu truyền, vạn đại thiên-thu mới xứng đáng một kiếp sanh hữu duyên gặp Ðại-Ðạo Tam-Kỳ Phổ-Ðộ. 

 

 



Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 778