× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Giáo Lý

Giảng Đạo Chơn Ngôn


22. Giải-thích Tam-cang Ngũ-thường

Tam-Cang Ngũ-Thường tức là điều-mục của Nho-giáo, lại là một vai tuồng đặc biệt của nam nhân, cần phải thật hành cho vẹn toàn bổn-phận.

Tam-Cang là: Quân-thần, Phụ-tử, Phu-phụ. Vua tôi, cha con, chồng vợ; Chúa ở với tôi có đạo-đức, thì tôi thờ chúa mới tận kỳ trung; Cha ở với con từ-thiện, thì con thờ cha chí hiếu; Chồng giữ trọn nghĩa với vợ, thì vợ phải thủ tiết thờ chồng ấy là Tam-cang tức là đời có Ðạo.

Còn đời thất chánh vô nhơn đạo, thì phong-hóa suy tồi nhân tâm bất cổ, đạo-đức sai dời lòng người chẳng giống xưa. Luật Tam-cang chẳng giữ, phép Ngũ-thường không noi, Vua vô đạo, tôi bất trung, cha chẳng lành con chẳng thảo, chồng không giữ nghĩa với vợ, vợ lại thất tiết với chồng. Anh em không thuận hòa, xóm riềng chẳng có tình thương-yêu liên-lạc cùng nhau, luân-lý cang thường đều nghiêng đổ, tức là đời Hạ-nguơn cuối cùng mạt kiếp.

Ngũ-thường là: Nhơn, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.

1- NHƠNtrắc ẩn chi tâm, ái vật chi lý, bất sát bất hại thể háo sanh chi đại-đức. Lấy lòng nhơn phóng xá cho loài vật, đặng phần sống sanh hóa như loài người, mới có lòng từ-bi bác-ái gọi là nhơn....

Chữ nhơn là nhân đứng bằng chữ nhị, nhân là người, nhị là hai. Làm người phải giữ cho đặng trọn hai phần, một là đối với Trời Ðất, thì phải noi theo phép công-bình thiêng-liêng của Tạo-hóa, thuận tùng Thiên-lý. Hai là đối với người, vật, thì phải giữ lòng đạo-đức, thương người mến vật, trợ cấp phò nguy mới trọn lòng nhơn ...

Theo Thánh-giáo của Ðức CHÍ-TÔN:

Nhơn là đầu hết các hành tàng,
Cũng bởi vì nhơn dân hóa quan.
Dân trí có nhơn nhà nước trị,
Nước nhà nhơn thiệt một cơ-quan.

Tu nhơn thì thành Thần; niệm nhơn thì thành Thánh; hành nhơn thì thành Tiên; đắc nhơn thành Phật

2- NGHĨANhứt thảo nhứt mộc, các hữu kỳ chủ, cả thảy mọi vật đều có chủ, cấm chẳng đặng gian tham ham muốn của người, mà làm cho thất nghĩa.

Chữ nghĩa là toàn ngã hiệp thành, chữ toàn là trọn, chữ ngã là ta, hiệp lại thành chữ nghĩa, làm người giữ trọn cùng ta thì nên nghĩa, còn chẳng trọn cùng ta là thất nghĩa. Muốn thật hành chữ nghĩa, thì phải noi theo câu: "Kỷ sở bất dục vật thi ư nhơn". Những việc gì ta chẳng muốn ai làm cho ta chịu đau khổ thảm sầu thì ta không nên đem các điều ấy mà làm cho người khác, mới là trọn nghĩa.

Chữ nghĩa bao hàm rất lớn thay. Như là nghĩa cha con, nghĩa thầy trò, nghĩa chồng vợ, nghĩa anh em cốt nhục đồng-bào, nghĩa bằng hữu chi giao, ấy là ngũ-luân chi đạo. Mọi sự đều phải có nghĩa, thì mới đủ tư-cách làm người cao trọng.

Chữ nhơn và chữ nghĩa thường đi đôi với nhau, cho nên trong Kinh Sám Hối có hai câu dạy rằng:

Làm người nhơn-nghĩa xử xong,
Rủi cho gặp lúc long-đong chẳng sờn.
Làm người nhơn-nghĩa giữ tròn,
Muôn năm bóng khuất tiếng còn bay xa.

Xem trong truyện sử đời nhà Châu, vua Võ điếu dân phạt Trụ, dĩ danh Nhơn-Nghĩa, mà thâu phục cả tâm-lý của tám trăm chư-hầu qui thuận nhà Châu cho đến các bậc Tiên-gia Xiển-giáo, cũng đồng ủng hộ Võ-Vương, thuận thọ thiên-mạng diệt giả phò chơn, thì rõ biết cái năng lực danh-từ nhơn-nghĩa tinh-vi hiệu quả là thế nào.

Hiện nay ta muốn biết trước những người cầm quyền bĩnh cán trong một nước nào, có thể lập thành sự-nghiệp phục hưng quốc-thể được trường tồn, hay là làm cho dân tâm ly tán, vận nước khuynh nguy, thì chỉ xem sở hành của vị ấy có nhơn-nghĩa hay không mà quyết đoán ...

3- LỄyết dục dưỡng tinh, cấm không đặng tà tình hoa nguyệt, làm cho hao tổn nguơn-tinh biến ra thất lễ. Lễ là khuôn viên trọng thể của con người, làm người sở dĩ linh hơn muôn vật, chỉ nhờ biết giữ lễ mà đặng phần tôn quí hơn. Nhơn sanh vạn-vật tối linh, lễ giả Thiên Ðịa chi tự giả.

Qui cũ chữ lễ là để chế sửa phong-tục, nhân quần xã-hội, quan hôn, tang tế, Triều-đình Hương-đảng, cả thảy đều dùng lễ mà làm cho đời được tận thiện tận mỹ.

Lễ là thiết yếu để giữ chừng mực cho mọi sự hành-vi của con người.... Con người có thể sống cao thượng, phẩm giá được tôn quí là do nơi biết giữ lễ, còn bị tội lỗi làm mất tư-cách con người, thiên-hạ chê bai khinh bỉ nhục-nhã, là do nơi thất lễ.

Chữ lễ rộng lớn bao la, xem bài giải-thích về Kinh Lễ mới rõ biết.

4- TRÍ là tồn tâm dưỡng tánh, chẳng nên dùng tửu nhục ẩm thực quá độ, rối loạn trí não tâm thần, hoại hư tạng-phủ biến ra người mất trí.

Chữ trí là tri trên bạch dưới, chữ tri là biết, chữ bạch là trắng, làm người phải biết giữ lòng thanh bạch, chẳng cho nhiễm vào một điểm nhơ ố vạy tà, mới gọi là hạng người trí-thức....

"Trí giã nhạo thủy". Bậc trí-thức tánh lưu thông như nước, mọi sự đều rõ biết, cư xử việc gì cũng được phân-minh, chẳng khi nào phạm vào luật-pháp.

5- Chữ TÍN là bằng hữu chỉ ư tín, thỉ chung như nhứt trước sau như một, không thay lòng đổi dạ, dầu hứa hẹn một việc nhỏ cũng chẳng sai lời, mới gọi là người chơn-chất biết thủ tín.

Chữ TÍN là nhơn bằng chữ ngôn, nhơn là người ngôn là lời nói. Làm người mọi điều thốt ra, phải giữ sự chơn thật thì mới đủ lòng tín-nhiệm của quần chúng, nếu việc không mà nói có, việc có lại nói không, thì chẳng còn ai tín-dụng. Người ở đời mà thất tín thì chẳng làm gì nên danh phận. Nên có câu: "Nhơn vô tín như xa vô luân". Người mà không thành tín thì cũng như chiếc xe không có bánh, chẳng hề cử-động được nữa.

Lại có câu: "Nhơn vô tín bất lập". Người không giữ tròn câu tín nghĩa thì chẳng lập nên danh-thể trường tồn, mà cũng không đứng vững trên mặt thế.

Vấn-đề Tam-cang Ngũ-thường, tức là nền tảng của Nho-Tông, thuộc về phần Nhơn-đạo để giáo-hóa nhơn sanh cho đủ tư-cách làm người cao thượng, nếu mỗi người thật hành y theo qui-điều kể trên cho châu đáo, thì đời sẽ được mỹ-tục thuần-phong, tức là đời thái-bình an-cư lạc-nghiệp.

Ðiều-mục của Khổng-giáo cũng như qui-giới của Phật-giáo, Tiên-giáo. Ngũ-thường, ngũ-giới, ngũ-hành kỳ trung hiệp đồng nhứt lý....

Ðệ-tử nhà Phật, nhà Tiên muốn đi tới Bồng-Ðảo, Niết-Bàn thì tức nhiên phải đi qua đò nhà Nho trước.

Phật, Ðạo cũng như hành bộ khách, nền Nho ví tợ chiếc đò qua.... Ấy là: "Dục tu Tiên-đạo, tiên tu Nhơn-đạo, Nhơn-đạo bất tu, Tiên-đạo viễn hỉ"....

Luận về đạo-lý rất quảng đại bao la, không thể giải cho cùng tận, chỉ do theo trình-độ của mọi người, hiểu biết đặng bao nhiêu lược biến ra để làm phương-châm thật-hành cho được vẹn toàn, cũng là điều bổ ích.



Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 2721