Tâm là vi chủ tất cả châu thân của con người, nên hư phải trái đều do nơi tâm chủ trương sở định.
Làm người biết chú trọng lương-tâm, tức là biết kỉnh thờ Trời. Có câu: "Tồn tâm dưỡng tánh sở dĩ chi sự Thiên", gìn-giữ bổn tâm chơn tánh cho chẳng phóng túng mà làm các điều sái quấy, mới gọi là biết thờ Trời vậy.
Trời chẳng phải cao, mà cũng chẳng phải xa, chính thiệt ở nơi lòng người, lòng người có tín-ngưỡng thì Trời Ðất ắt biết đó.
"Phi cao diệc phi viễn đô chỉ tại nhơn tâm, nhơn tâm sanh nhứt niệm Thiên Ðịa tất giai tri".
Vậy con người chẳng nên khinh dễ bản tâm, mà phải đắc tội với Trời.
Có câu: "Khi kỳ tâm tất tự khi kỳ Thiên, Thiên bất khả khi hồ".
Người tu-hành đắc đạo cùng chăng, là do nơi tâm biết giác ngộ thì được siêu-thoát, con tâm mờ-hồ si-mê thì phải chịu luân-hồi chuyển kiếp.
Có câu: "Vạn sự do tâm tạo". Muốn việc chi thảy đều có kết-quả, là tại sự tư-tưởng của lương-tâm. Hễ tâm tư-tưởng việc chánh đáng công-bình, thì thân thể đặng thung-dung nhàn lạc, tức là Bồng-Ðảo Niết-Bàn tại thế. Còn tâm vọng động những điều vô-nghĩa vô-nhân gian ác bạo tàn, thì thân thể phải chịu mọi điều thảm khổ. Cho nên con người cần phải biết kỉnh trọng linh-tâm, nhứt là làm những việc gì, trước khi khởi sự thực-hành ta nên trầm tỉnh xét suy cho đáo để và phải nhớ hỏi lại chủ-nhơn Ông (tức là linh-tâm) thì mọi sự phải trái thiệt hư tâm đều chỉ rõ....
Trong Tam-giáo: Nho, Thích, Ðạo dạy phép tịnh luyện cũng dùng chữ Tâm.
Ðức Khổng-Tử dạy tồn tâm, yếu-dụng hai chữ trung-thứ. Ðức Thích-Ca dạy minh tâm, thiệt hành hai chữ từ-bi. Ðức Thái-Thượng dạy tu tâm, chú trọng hai chữ cảm-ứng. Bởi sáu chữ: Trung-thứ, Từ-bi, Cảm-Ứng đều có trùng tâm. Chữ tâm là: "Tam điểm như tinh tượng, hoành câu tợ nguyệt tà, phi mao tùng thủ đắc tố Phật giã do tha". Ba chấm như tượng hình sao, giòng ngang giống như trăng xiên, dỡ lông theo ấy đặng thành Phật cũng bởi tâm mà nên.
"Dục tu kỳ thân giả, tiên chánh kỳ tâm". Muốn tu thân cho nên người hiền-lương đạo-đức, thì trước phải sửa lòng cho được ngay thẳng "Tương tâm tỉ tâm tiện thị Phật tâm". Ðem cái lòng của mình mà sánh với cái lòng của người ấy là cái lòng nhơn từ, cũng như lòng Phật vậy.
Làm người mà biết bảo thủ lương-tâm, thì mới đủ tư-cách làm người cao thượng, đời trở nên tận thiện.
Còn người tu-hành mà biết trau-giồi tâm đức cho được kiên cố vững bền, thì mới đặng thành-công đắc đạo.
THÁNH-GIÁO
ÐỨC CHÍ-TÔN
Bạch-Ngọc từ xưa đã ngự rồi,
Chẳng cần hạ giới vọng cao ngôi.
Sang hèn trối kệ tâm là quí,
Tâm ấy tòa sen của Lão ngồi.
Tâm ấy là Trời chớ dễ tâm,
Phải trau cho sạch điểm lương-tâm.
Ngôi Trời tâm ấy là nơi dựa,
Mình biết tâm, tâm mới biết tâm.
Ðạo cao thâm, Ðạo cao thâm,
Cao bất cao, thâm bất thâm.
Cao khả xạ hề thâm khả điếu,
Cao thâm vạn sự tại nhơn tâm.
Tâm an mao ốc ổn,
Tánh định thể căng hương.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
|