× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Giáo Lý

Giảng Đạo Chơn Ngôn


15. Tinh-thần đoàn-kết

Từ xưa đến nay dân-tộc trong nước, hay là một xã-hội nào có tình đoàn-kết với nhau, thì thấy đủ năng lực tinh thần mạnh-mẽ.

Theo lời của Bà Ðoàn-Thị-Ðiểm nói:

Trong vũ-trụ hiệp hòa là mạnh,
Phận đồ thơ phải gánh non sông.
Anh em bạn tác vầy đông,
Xô thành cũng ngã lấp sông cũng bằng.

Ðức Thanh-Sơn Ðạo-Sĩ dạy hai câu:

Vầy thuyền chi sợ cơn giông tố,
Hiệp chủng còn hơn cuộc chiến tranh.

Xem như thế thì sự đoàn-kết là một khối năng-lực dõng mãnh phi thường.

Trải qua mấy năm trên mặt báo chương hằng thấy nêu lên những câu: Ðoàn-kết là sống, chia rẽ thì chết.

Vậy anh em đồng đạo và đồng-bào của chúng ta, nên để tâm chiêm nghiệm cho đáo để thì thấy rõ trong một đoàn thể nào, mà có cảm tình thương yêu liên-lạc với nhau, đồng tâm hiệp lực, kết dây thân ái cho được vững bền thì mọi hành trình sẽ kết-quả trăm phần thắng lợi. Còn một việc dở tệ hơn hết là: Người chung thờ một nền Tôn-giáo, một chủ-nghĩa với nhau mà chẳng biết đoàn-kết thuận-hòa cùng nhau, lại cố tâm chia rẽ phân phe lập phái thù nghịch kích-bác lẫn nhau để cho thiên-hạ trông vào cười chê khinh bỉ, trong Tôn-giáo hay một đoàn thể nào, có những hành động trái ngược như vậy thì kết-cuộc sẽ thấy tai hại chẳng nhỏ.

Xem gương trước như ba vị anh hùng Lưu, Quang, Trương hay Sài, Triệu, Trịnh, chỉ có ba người hiệp đồng tâm đoàn kết với nhau, mà tạo thành giang-san Hớn-thất cơ nghiệp Tống Triều ấy là gương hiệp-hào để nêu cao cho đoàn hậu tấn.

Riêng về Ðạo Cao-Ðài, thì Ðức CHÍ-TÔN cùng các Ðấng Thiêng-Liêng, đã chỉ giáo sự thương yêu liên-lạc đoàn-kết cùng nhau, thì sự lợi ích thế nào? Còn chia rẽ thù nghịch lẫn nhau thì tội-lỗi ra sao đều có dạy rõ.

Vậy anh em chúng ta cần phải sưu-tầm những lời Thánh-Giáo để làm phương-pháp thiệt hành cho đặng vẹn toàn phận sự môn-đệ của Ðức CHÍ-TÔN.

BÁT-NƯƠNG DIÊU-TRÌ-CUNG chỉ giáo bốn câu thật là chí lý:

Ong kiến là loài rất tế vi,
Nó còn ưu-ái chẳng quên nghì.
Người đời ví biết hai điều ấy,
Thử hỏi ai mà lại dám khi.

Xét ra loài ong kiến là vật tế vi, còn biết đoàn-kết với nhau mà tạo thành hang ổ có trật-tự phân minh và đủ năng lực đáng kiêng nể....

Làm người có tánh linh hơn vạn-vật, nếu chẳng biết thương yêu đoàn-kết với nhau, lại còn tranh đua cừu hận giết hại lẫn nhau thì cũng lấy làm tủi hổ.

Than ôi, phong-hóa suy tồi, nhơn-luân điên đảo, lòng người quỉ quái ngậm xương nòi giống, xé thịt lẫn nhau, hằng ngày xảy ra những tấn tuồng thảm thương bi kịch xem thôi mỏi mắt, nghe đã nhàm tai, những người có tấm lòng bác-ái từ-bi, cũng phải ngậm-ngùi khổ tâm than trách.

Ðến như cuộc thế-giới chiến-tranh, nhơn-sanh điêu linh đồ thán, ấy là tại mất sự thương-yêu đoàn-kết với nhau, nên mới xảy ra tai nạn tương-tàn tương-sát.

Ngày nào toàn thể nhơn-loại trên mặt địa-cầu nầy, mà biết đồng tâm hiệp lực đoàn-kết với nhau thì thiên-hạ mới được hòa-bình an-cư lạc-nghiệp.



Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 703