× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Giáo Lý

Giảng Đạo Chơn Ngôn


10. Tân-luật Pháp-Chánh-Truyền

 

Tân-Luật là do theo Thánh-giáo mà lập thành, mọi sự hành trình của Chức-Sắc, Chức-việc và Ðạo-Hữu nam nữ đều tuân y theo Tân-Luật mà thi-hành phận sự. Bởi Tân-Luật là thế cho Thiên-Ðiều, hễ phạm Tân-Luật thì tức nhiên là phạm Thiên-Ðiều ắt phải chịu tội lỗi do Thập-Hình của Ðức LÝ GIÁO-TÔNG trừng trị.

Vậy những người nhập-môn tùng giáo, vào Ðạo Cao-Ðài thì phải thật hành theo Tân-Luật, là trau-giồi đức-hạnh, cần phải học thuộc lòng Ngũ-Giới Cấm và Tứ-Ðại Ðiều-Qui, giữ theo đó mà tu-hành cho tròn bổn phận của một vị tín-đồ trong nền Tôn-giáo Ðại-Ðạo Tam-Kỳ Phổ-Ðộ. Mỗi người nhập-môn rồi phải thỉnh một quyển Tân-Luật, để học hỏi cho hiểu rõ mọi điều, và do theo đó mà làm mực thước để độ lượng bước đường hành đạo của mình, mới có thể tiến-triển cao thăng đạt thành phẩm vị.

Trái lại, người vào Ðạo mà không thiệt hành theo Tân-Luật chẳng giữ trọn lời minh-thệ buổi ban sơ, thì không thế nào thành công đắc Ðạo.

PHÁP-CHÁNH-TRUYỀN

Pháp-Chánh-Truyền chú-giải, cũng do theo Thánh-giáo của Ðức CHÍ-TÔN đã định phẩm tước quyền hành của Chức-Sắc Hiệp-Thiên, Cửu-Trùng và Chức-việc nam nữ, lớn nhỏ đều có trật-tự phân minh. Ðức HỘ-PHÁP chú-giải thêm sáng tỏ từ chi tiết, để cho Chức-Sắc từ Ðại Thiên-Phong đổ xuống tới Chức-việc Bàn-Trị-Sự, do theo đó mà thi-hành cho được vuông tròn trách-nhiệm, không ai có phép canh cải chơn-truyền của Ðạo. Nếu vị nào phạm vào Pháp-Chánh, thì bị đưa ra Tòa Tam-Giáo.

Cũng như phần Ðời có gia-pháp, hay là quốc-pháp. Bổn phận làm con mà chẳng tùng mạng lịnh của cha mẹ trong gia đình, thì tức nhiên là con ngổ-nghịch bất hiếu.

Bổn-phận làm dân mà không tuân lịnh của Triều-đình Chánh-Phủ trong nước, ấy là kẻ phản loạn quốc-gia thì phải chịu tội tình hành phạt.

Còn người giữ Ðạo mà bất tùng Luật-Pháp chơn-truyền của Ðức CHÍ-TÔN thì trái với lời minh-thệ khi nhập-môn đã không được chung hưởng ân-huệ của Ðức CHÍ-TÔN ban cho mà còn bị quyền Thiêng-Liêng trừng-trị là khác.



Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 1101