Chơn Thần hay là nhị xác thân, là xác thân thiêng liêng của con người do nơi
Tinh Khí Thần luyện thành. Chơn thần ấy của bậc chơn tu đắc đạo thật huyền diệu
vô cùng, bất tiêu bất diệt.
Thuật rèn luyện cho Tinh- Khí- Thần hợp nhứt có thể tóm tắt như sau :
" Thân thể cho mạnh mẽ tinh vi, đừng để sa đọa vào lục dục thì thuận cùng
trí lự khôn ngoan.
Khí lực cho cường thạnh, thanh bai, đừng để đến đỗi mê muội bởi thất tình,
thì trí lự khôn ngoan thuận theo linh tâm mà nảy nở.
Linh tâm phải định tĩnh từ hòa, đừng đến đỗi mờ ám bởi tội tình, thì thuận
với lòng Trời, hiển linh tại thế đặng đoạt phép huyền vi." ( Trích diễn văn
của Đức Hộ Pháp, PCT. CG trang 109 )
Nói rõ ra, cơ thể con người phải ăn uống, hít thở khí Trời, vận động đặng thu
nhập sinh lực từ môi trường sống tạo thành khí lực của mình. Ấy là một khối năng
lượng luân chuyển hóa sanh, có thu nhập và đào thải một cách tự nhiên trong nội
thân con người. Phải biết gìn giữ khối năng lượng ấy, đừng để tiêu hao một cách
thái quá vì lối sống sa đọa của thân xác đắm đuối trong lục dục thì thân xác mới
lớn mạnh được.
Hình thể con người có lớn mạnh thì khí lực mới cường thạnh. Lực của một đứa
bé sơ sinh chỉ nâng nổi một bình sữa đưa lên miệng, nhưng khi nó trưởng thành,
lực của một thanh niên có thể khuân nổi một tảng đá.
Thân là Tinh, nếu bịnh hoạn tật nguyền thì lực là Khí phải suy giảm yếu đuối.
Thân cho vẹn toàn, đầy đủ hình chất trong ngoài to lớn thì khí sẽ cường thạnh
Vậy tinh là nền tảng để khí phát triển, ấy là phép biến hóa tự nhiên trong
nội thân con người. Tùng theo khuôn luật tự nhiên nầy của Đấng Hóa Công đã an
bày, người tu biết gia công gìn giữ khối sinh lực của mình bằng phương pháp
dưỡng sinh đặc biệt gọi là khắc kỷ tu thân, hay tu tâm dưỡng tánh, thiền, tịnh,
luyện đạo, tuy khác nhau ở danh gọi và hình thức sinh hoạt nhưng có cùng tác
dụng là làm cho Tinh hóa Khí.
Chẳng những gìn giữ khối sanh lực cho cường thạnh mà còn phải biết làm thay
đổi tính chất của nó trở nên thanh bai, nghĩa là điều chỉnh tầng số rung động
của điển lực con người theo chiều hướng chế ngự các rung động của khí nộ, ố, ai,
dục và kích thích các rung động của khí ái, hỷ, lạc.
Nếu để khối điển lực rung động nhiều thường xuyên theo nhóm nộ, ố, ai, dục
thì khí bị ô trược và ngược lại rung động nhiều thường xuyên theo nhóm ái, hỷ,
lạc thì khí sẽ thanh.
Biểu hiện của khí trược là đời sống tình cảm thấp hèn, vị kỷ. Biểu hiện của
khí thanh là đời sống tình cảm cao thượng, vị tha.
Việc điều chỉnh tần số rung động của điển lực con người rất khó vì nó có liên
hệ trực tiếp đến nghiệp quả tiền khiên. Khi đi đầu kiếp để chọn một hình hài
mới, linh hồn phải mang theo khối nghiệp chướng tiền khiên của mình như một bản
án gọi là Định Mệnh.
Luật công bình thiêng liêng buộc chơn linh phải lựa chọn nơi đầu kiếp và tác
động theo sự an bày của luật nhơn quả để có chơn thần hay khí thể của bào thai
được cấu tạo từ căn bản có những ưu khuyết điểm sẽ hiện lên sau nầy thành những
đặc tính bẩm sinh của đứa bé, hoặc tốt hoặc xấu về cả ba phương diện : Hình hài
nhục thể, Tình cảm và Trí tuệ.
Phép luyện khí cho cường thạnh thanh bai của kẻ tu hành bằng công phu, dầu
hình thức nào đi nữa cũng chỉ là chữa bệnh ở ngọn. Nó sẽ có kết quả tốt khi nào
cái gốc của vấn đề là tiền khiên nghiệp chướng đã được đền bù trang trải xong.
Vì vậy khi lập Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Chí Tôn đã phán định tối hậu rằng :
"Do công đức mà đặng đắc đạo cùng chẳng đặng".
(TNHT.TG21/8/1926)
Bởi vì công đức biểu hiện cho điều thiện và chỉ có thiện mới trừ được ác. Ác
nghiệp còn mang trong chơn thần nếu chưa được giải trừ, dầu có công phu luyện
đạo tham thiền đến đâu cũng sẽ dẫn đến tình trạng "đốn củi ba năm đốt một
giờ" hoặc là sống trong trạng thái ảo giác tâm linh mà ngỡ là cõi chơn thật.
Tóm lại, đi tìm phương pháp công phu tịnh luyện không khó, mà khó chăng là ở
chỗ công đứùc của mình tạo được bao nhiêu để xây dựng một nền tảng vững chắc cho
đời tu đến nơi đến chốn.
Tinh hóa Khí là một tiến trình thăng hoa tự nhiên trong sự biến dưỡng nguồn
năng lượng của thức ăn, nước uống và khí trời do cơ thể thu nhập được từ môi
trường sống. Nguồn năng lượng ấy luân chuyển điều hòa trong nội thân sẽ tạo cho
con người một sức khỏe tốt, nghĩa là khí lực được cường thạnh.
Giữ gìn giới luật của kẻ tu hành, dầu tuân theo một pháp môn nào đi nữa cũng
có cùng tác dụng là làm giảm thiểu tối đa, tránh tiêu hao sinh lực của mình vào
những chuyện không cần thiết. Những cơn loạn động của thất tình lục dục đưa đến
tình trạng mất sinh lực một cách hoang phí, làm mờ ám lương tri, lương năng con
người là một việc tối kỵ của người tu.
Khi đã tự đặt mình trong nguyên tắc sống tăng thu nhập, giảm tiêu hao sinh
lực thì phần tồn đọng sinh lực sẽ vượng lên là lẽ đương nhiên. Luyện tánh cho
thuần đạo đức hiền lương chế ngự các tình thấp kém, nuôi dưỡng các tình cao
thượng, sẽ làm cho khí thanh.
Khi cơ thể được nuôi dưỡng bằng khối thanh khí luân chuyển điều hòa thì ngũ
quan con người sẽ sống theo thiên lý, thần trí được an tĩnh sáng suốt. Vậy khí
lực cường thạnh thanh bai là nền tảng để thần trí phát triển.
Ấy là phép Khí hóa Thần, xảy ra một cách tự nhiên trong sự sống của bất kỳ
con người nào. Những kẻ mà đời sống thân xác đầy dẫy những thói hư tật xấu của
dục vọng thấp hèn, tình cảm loạn động thường xuyên, thường thì tư tưởng của họ
chẳng bao giờ thanh cao được, nghĩa là thiếu hẳn ánh sáng tâm linh trong kiếp
sống.
Phép tu hành đúng theo chơn pháp của Đức Chí Tôn là phải rèn luyện cho khí
thanh, nghĩa là tần số rung động của khối điển quang con người thay đổi dần dần,
tương ứng với rung động của điển quang Thần Thánh trong Trời Đất thì luật :
" Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu." Sẽ đưa đến trạng thái
giao cảm tinh thần giữa người sống và thế giới Thần linh.
Thức ăn vào tỳ vị biến thành khí huyết, khí huyết luân chuyển điều hòa làm
cho trí não hoạt động sâu sắc, con người trở nên khôn ngoan sáng suốt, đó là
chuyện thường tình của kiếp người. Nhưng rèn luyện cho khí thể tinh anh, ngũ
quan cảm ứng được với những làn sóng rung động của thế giới Thần Thánh thanh cao
là bước đầu chuyển hóa thần trí thuận theo linh tâm mà nảy nở.
Đây là giai đoạn rất khó khăn vì vấn đề điển quang trong không gian và trong
nội thân con người rất phức tạp, trừu tượng, tế vi, mầu nhiệm.
" Ngũ khí thanh diệt trừ quả kiếp,
Linh quang đầy đặng tiếp hồng
ân.
Xác tại thế đã nên Thần,
Ba mươi sáu cõi đặng gần linh Thiên."
( Nữ Trung Tùng Phận - Đoàn Thị Điểm )
Là nguyên lý của hiện tượng thăng hoa Khí hóa Thần. Thuật làm gia tốc hiện
tượng thăng hoa nầy rất nguy hiểm nếu cơ thể chưa hội đủ những điều kiện cần
thiết. Nếu công đức chưa đầy đủ, khí còn ô trược mà lại giục tốc, ép mình luyện
tập, sẽ dễ dàng bị rơi vào tình trạng : "Thiên đình đánh tản Thần không cho
hiệp cùng Tinh Khí" ( TNHT.TG.25/2/1926) là những cơn khủng hoảng xáo trộn
thần kinh, có hại cho sức khỏe và tánh mạng.
Những trở lực ấy do nơi tiền khiên nghiệp chướng của mình chưa được giải trừ
đúng mức, nghĩa là ác nghiệp còn đọng trong chơn thần dưới dạng tiềm ẩn, khí thể
chưa đủ thanh, những rung động của khí nộ, ố, ai, dục tuy có được chế ngự nhưng
chưa lắng đọng nhiều nên khi gặp những chuyện trái ngang trong cuộc đời, nó sẽ
bùng lên một cách dữ dội vì bị dồn nén bấy lâu nay có dịp tung hoành như một hồi
lực. Âu đó cũng là phép công bình thiêng liêng của Đấng Hóa Công. Nếu chưa xứng
mặt Thần Thánh thì đừng làm ra vẻ.
Dẫu biết rằng bước đường tu càng lên cao càng gay trở, phép thăng hoa khí
thanh nuôi dưỡng Thần an theo thời gian sẽ làm cho thần trí định tĩnh từ hòa.
Khi tư tưởng đã quen hướng về chỗ thanh cao, thánh thiện, mức độ giao cảm tinh
thần giữa người và Thần Thánh càng thêm mật thiết, cánh cửa của thế giới vô hình
sẽ mở hoát ra, đi dần đến chỗ Trời người hiệp nhứt. Sự sống của con người lúc
bấy giờ thuận với lòng Trời, hiển linh tại thế.
Bước đường ấy chẳng phải do ước muốn mà được, trái lại vẫn phải do công đức
sáng chói phi thường, nghĩa là sức sống tâm linh phải mãnh liệt mới thu hút được
sự trợ thần cao độ của các chân sư và nhờ đó chơn thần dần dần trở nên linh
hiển, xuất nhập xác thân dễ dàng, tương liên cùng thế giới Thần Thánh. Thần đã
trở về cõi hư linh được nên gọi là huờn hư.
Chơn thần đã hòa nhập được vào trong khối ánh sáng tâm linh của Thần Thánh,
vẫn phải tiếp tục phụng sự vạn linh để thúc giục cơ tấn hóa của nhơn loại với
phương tiện xác phàm đã được rèn luyện tinh tấn và quyền năng của điển lực chơn
thần làm bửu pháp.
Cơ sanh hóa trong càn khôn vũ trụ tiếp nối không ngừng nghỉ, con đường phản
bổn huờn nguyên, tinh hóa khí, khí hóa thần, thần huờn hư cũng tiếp nối không
ngừng nghỉ. Sự sinh hoạt của linh hồn ngày càng đến những cõi giới thanh cao
trừu tượng.
Tóm lại phép vô vi phải có hữu hình làm nền tảng, nền có tốt thì thượng từng
mới vững. Đức Chí Tôn dạy : "Phải có một thân phàm tinh khiết, mới xuất chơn
thần tinh khiết. Nó phải có bổn nguyên chí Thánh, chí Tiên, chí Phật, mới xuất
Thánh, Tiên, Phật đặng." ( TNHT. TG. 17-7-1926)
Và do đó, chúng ta hiểu rằng những ai nong nả đi trên con đường huyền linh,
nếu còn để thân phàm ô uế, chơn thần có bổn nguyên không chí thánh, thì những
sinh hoạt thượng tầng vẫn còn đầy huyền ảo, nghĩa là kiếp đọa trần vẫn còn chưa
mãn.