"Khai Thiên Địa vốn Thầy, sanh Tiên Phật cũng Thầy, Thầy đã nói một Chơn Thần
mà biến Càn Khôn Thế giới và cả nhơn loại." (TNHT.TG 26-1-1926)
" Một Chơn Thần Thầy mà hóa sanh thêm chư Phật, chư Tiên, chư Thánh, chư
Thần và toàn cả nhơn loại trong Càn Khôn thế giới." (TNHT.TG 22-7-1926 ).
" Chi chi hữu sanh cũng do bởi Chơn Linh Thầy mà ra, hễ có sống ắt có
Thầy, Thầy là Cha của sự sống, vì vậy mà lòng háo sanh của Thầy không cùng tận."
(TNHT. TG 1928 ).
Nói khác đi, một thực thể Hư Vô chi khí nhìn từ các mặt :
· Nguồn gốc của sự sống đầu tiên trong vũ trụ gọi là Thầy, Chí Tôn.
· Pháp biến thân của Chí Tôn để hóa sanh gọi là Phật Mẫu.
· Sự linh hiển của Chí Tôn tự mình biết sáng tạo từ không ra có gọi là chơn
linh của Thầy.
· Khí chất hỗn độn sơ khai khi chưa tạo hóa gọi là chơn thần của
Thầy.
Đó là tiếng nói của con người mượn tạm để diễn tả mặt nầy, mặt kia của sự
sống vũ trụ vốn là một thực thể vẹn toàn, bao gồm từ tinh vân đẩu tú đến con vi
trùng bé nhỏ trong không gian hay hạt điện tử trong cơ cấu vật chất.
Vạn vật đồng nhất thể vì xét từ nguyên do sản xuất, mọi thứ hậu thiên đều từ
Hư Vô khí mà biến hóa ra, cho nên thể gốc của nó vẫn là một.
Chúng sanh giai hữu Phật tính vì chúng sanh do bởi chơn linh Thầy mà ra,
nghĩa là trong sự sống của chúng sanh có cái linh của Thầy, cái linh ấy gọi là
Phật tính, cũng đồng một gốc mà ra.
Ấy là phép phân tánh giáng sanh của Thượng Đế để tạo dựng muôn loài vạn vật.
Con người là tạo vật sản xuất từ nguồn gốc ấy nên có đồng bản thể và cấu tạo
của một tiểu vũ trụ.
Ba phần chính cấu tạo nên một con người là : Chơn linh, Chơn thần và xác
thân.