× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Giáo Lý

Đời người


Linh Hồn Con Người

    I/- CHƠN LINH :

    Mỗi con người đều có một chơn linh. Chơn linh ấy là một phần nhỏ của khối chơn linh Thượng Đế, một điểm sáng nhỏ trong khối Đại linh quang của vũ trụ, một Tiểu hồn trong Đại hồn của vũ trụ.

    Chơn linh ấy còn được gọi là Linh hồn hay Lương tââm, có nhiệm vụ gìn giữ sanh mạng con người, phán xét từ lời nói, tư tưởng, hành động, thưởng phạt, dạy dỗ cho nên Hiền nên Thánh.

    Chơn linh không hình ảnh nhưng vẫn có như nguồn sống đầu tiên của vũ trụ tự hữu vậy. Chơn linh ấy vốn là một phần nhỏ của khối Đại limh quang vũ trụ nên thông công được với Đức Chí Tôn, các Đấng trọn lành, các linh hồn đã thoát xác.

    Nơi xác phàm con người, chơn linh hiện thực trong yếu tố Thần của Tam bửu ( Tinh-Khí-Thần ). Thần là sự sáng suốt, khôn ngoan, linh hiển. Thần im lìm, phẳng lặng. Khi hoạt động, Thần tạo ra nơi con người cái thức là biết qua ý nghĩ tư tưởng. Sự hiện thực ấy chẳng khác nào như gió thổi làm ngọn cây lay động. Nhìn ngọn cây lay động mà biết là có gió, chớ nào ai thấy gió bao giờ .

    Nhìn trí khôn của con người hiện ra trong sinh hoạt thường nhật mà biết cái gốc của nó là chơn linh vẫn hằng hữu.

    Tóm lại, từ Thượng Đế đến con người là một mạch sống qua nhiều trạm biến thiên, càng đến gần thân xác càng mất dần tính trọn lành thánh thiện và vương mang thêm những nét phàm tục. Bởi vậy, sự khôn ngoan của cái trí con người có thể rất nên quỉ quyệt dù nguồn gốc sâu xa của nó vẫn là khối Đại Linh Quang của vũ trụ.

    Ấy là bước đọa trần của những linh hồn đắm tục triền miên từ thân xác nầy qua thân xác khác mà không trở về cựu vị được. Con đường phản bổn huờn nguyên là con đường hướng sự sống của con người trở về cội nguồn thiêng liêng của nó là Chí Linh.Tất cả các giải pháp chủ trương để giải quyết cuộc đời của các vị Giáo Chủ xưa nay đều đặt trên nền tảng ấy, cho dù khác nhau ở mặt nầy hay mặt kia là do nơi tâm lý của nhơn sanh tùy thời, tùy chỗ, phải biến thiên cho dễ nạp dụng mà thôi.

    II/- CHƠN THẦN :

    "Chơn thần là nhị xác thân, là xác thân thiêng liêng, khi còn ở nơi xác phàm thì rất khó xuất riêng ra đặng, bị xác phàm kéo níu."

    " Cái chơn thần ấy của các Thánh, Tiên, Phật là huyền diệu vô cùng, bất tiêu bất diệt. Bậc chơn tu khi còn xác phàm nơi mình, như đắc đạo có thể xuất ra trước buổi chết mà vân du thiên ngoại." ( TNHT. TG 3-1-1926 )

    "Cái xác vô hình huyền diệu thiêng liêng ấy do nơi Tinh, Khí, Thần mà luyện thành. Nó nhẹ nhàng hơn không khí. Khi nơi xác phàm xuất ra thì lấy hình ảnh của xác phàm như khuôn in rập." ( TNHT. TG 17-7-1926 )

    Nó thuộc về bán hữu hình, vì có thể thấy đặng mà cũng có thể không thấy đặng. Nó có khả năng tụ và tan được, hiện ra hình ảnh rồi biến mất. Nó là khí chất, lồng trong xác phàm con người từ trong ngũ tạng lục phủ, xương tủy đến ngoài da, trung tâm của nó là óc, nơi cửa xuất nhập là mỏ ác. Ấy là một khối sanh lực, điển quang, nơi xuất phát mọi tình cảm và xúc cảm của con người, chịu sự điều khiển của chơn linh và nghiệp quả của xác phàm gây ra. Vị trí của nó là kẻ trung gian giữa chơn linh và xác phàm.

    Chơn linh hay linh hồn con người là sự sáng suốt không hình ảnh.

    Chơn thần là xác thân thiêng liêng, bán hữu hình, có hình ảnh giống y như xác phàm. Chơn thần hiện ra trong yếu tố Khí của Tam Bửu. Chết là hiện tượng Chơn Thần và Chơn Linh rời khỏi xác thân vĩnh viễn.

    Trong ngôn ngữ dân gian, người ta vẫn quen gọi lẫn lộn giữa Chơn Linh và Chơn Thần, và thường hay gồm chung hai phần nầy làm một, chẳng hạn nói chơn linh người chết hay linh hồn người chết hiện về, có nghĩa là phần chơn thần đã thoát xác có linh hồn hay chơn linh ngự trị bên trong hiện ra hình ảnh hoặc tạo ra tiếng động, hay di chuyển đồ vật để chứng tỏ sự hiện diện của họ.

    Những tiếng khác như vong linh, vong hồn, chơn hồn , hồn ma, có cùng ý nghĩa để chỉ tất cả những gì cấu tạo nên con người còn lại trong cõi vô hình sau khi thân xác chết.

    Đặc biệt trong câu kinh "Kêu chơn hồn vịn níu chơn linh" có sự phân biệt về từ ngữ giữa chơn hồn và chơn linh, ý nghĩa tương tự như lời khuyên đối với người sống đang đứng trước một việc khó khăn trong cuộc đời rằng : "Bạn hãy hành động theo lương tâm của mình, đừng theo dục vọng nhứt thời."

    Trong cảnh giới thiêng liêng, chơn thần hãy hướng sự sống của mình theo ánh sáng chơn linh, đừng nhớ chuyện trần tục nữa. Thực ra, sau khi thân xác chết, còn lại một thực thể sống có hai tên gọi : Chơn Thần và Chơn Linh, là vì được nhìn từ hai mặt khối điễn quang và cái linh của Thượng Đế ngự trị nơi đó.

    Kêu Chơn Hồn vịn níu Chơn Linh là kêu gọi giục thúc khối điển quang sống theo cái linh của Thượng Đế. 



Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 1382 | Tác giả: Nguyễn Long Thành