I/- HIỆN TƯỢNG NHẬP THẦN :
Trên con đường trở về cựu vị nơi cõi thiêng
liêng sau khi rời khỏi thân xác, linh hồn thăng dần đến những cõi giới thanh
cao, trải qua nhiều sinh hoạt đổi mới, làm sống lại ký ức và tùy theo quả kiếp.
Cho đến một ngày kia linh hồn được quyền năng của Ngọc Hư Cung và Cực Lạc Thế
Giới làm cho tự mình biết được phải đi đầu kiếp, vừa khi có ý thức phải chuyển
kiếp như một tia chớp điện, linh hồn rơi vào một cõi pháp giới, nơi đó thấy được
trong linh thức những hình ảnh sinh hoạt rộn rịp của thế giới loài người.
Dừng lại và sống trong cõi giới nầy một thời gian như để làm quen và trong
hoạt cảnh của toàn thế giới loài người hiện ra mênh mông đại hải, linh hồn bỗng
nhiên như bị thôi thúc phải chú ý đến một điểm nào đó. Càng chú ý càng đến gần
và thấy những sinh hoạt của một nhóm người trong gia đình nào đó, linh hồn sống
lảng vảng với họ và đặc biệt chú ý đến một người đàn bà trong nhóm nầy.
Rồi một ngày kia, khi tinh cha huyết mẹ giao phối nên hình bào thai, linh hồn
càng bị thôi thúc đến gần bên người mẹ tương lai hơn là những người khác trong
gia đình. Cho đến giờ phút nầy, linh hồn cũng chỉ là một điểm sáng tâm linh, còn
khí thể của bào thai vẫn là một phần khí thể của cha mẹ.
Đến giai đoạn lâm bồn, vừa khi khối nhục thể hài nhi lọt ra khỏi lòng mẹ, lập
tức linh hồn nhập thần vào trong hình hài mới nầy và quên hết mọi sự lảng vảng
biến hiện dễ dàng của giai đoạn trước không có hình xác. Linh hồn quên đi như
ngủ mê, chỉ còn lại một chút khôn ngoan tự biết phản ứng trên thân xác để sinh
tồn với môi trường mà mình phải chấp nhận.
Từ đây khởi sự một kiếp sống mới, tất cả mọi hiện tượng diễn biến qua các cõi
pháp giới trên con đường đi đầu kiếp, dường như linh hồn được phép lựa chọn nơi
sắp đến của mình, nhưng kỳ thật mọi việc đều đươc an bày theo quả kiếp trong
quyền năng tối thượng : " Nhứt toán họa phước lập phân ." của
Thượng đế.
II/- NGUYÊN KHÍ CỦA THAI BÀO :
Chất liệu đầu tiên cấu tạo nên hình nhục
thể của bào thai là tinh trùng của cha và trứng của mẹ. Ấy là một phần hình chất
của thân thể cha mẹ, và dĩ nhiên có cùng khí thể của hai đấng ấy, thanh trược ở
mức độ nào là do sự sống của hai cơ thể nầy quyết định.
Khi tinh trùng rời khỏi thân cha, nó mang nguyên khí có nguồn gốc của cha hòa
nhập vào trong khối nguyên khí của trứng có nguồn gốc của mẹ.
Hiện tượng thụ tinh là sự hòa nhập tuyệt đỉnh của khí huyết mẹ cha để tạo
thành một con người mới, sẽ có đủ ba yếu tố Tinh, Khí, Thần khi bào thai rời
khỏi mình mẹ. Vì vậy khi nhập thần vào hài nhi, linh hồn đã vay mượn khối khí
huyết của mẹ cha và dĩ nhiên phải chịu mang khối nợ nần oan trái của cha mẹ, ông
bà, tổ phụ thuộc dòng họ ấy lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Khi đứa bé chào đời, có hai dòng nghiệp lực hội tụ lại, một là từ khối tiền
khiên nghiệp chướng của cá nhân linh hồn phải mang theo khi đi đầu kiếp; hai là
từ khối khí huyết vay mượn của mẹ cha để làm hình thể của mình, tức là nghiệp
lực của gia đình, học đường, xã hội, phong tục tập quán, nếp sinh hoạt văn hóa
của một cộng đồng dân tộc nào đó. Tinh thần của dân tộc như một sức mạnh vô hình
thẩm nhập từ từ vào trong tinh thần của đứa bé, là dòng nghiệp lực thứ ba tác
động trên đời sống của nó. Đây là nghiệp quả của chủng tộc, dù ít dù nhiều vẫn
phải gánh chịu.
Tóm lại, trong tiến trình phát triển cả hình chất lẫn tâm linh để trưởng
thành, yếu tố nguyên khí của thai bào cũng giữ một vai trò quan trọng trong sự
hình thành những điều mà người ta gọi là định mệnh của con người. Vì vậy vấn đề
được đặt ra đối với bậc làm cha mẹ trong đạo lý của Đức Chí Tôn truyền dạy vẫn
là sự tu thân để khí thể được thanh và nhờ đó bào thai có được nguyên khí tốt là
một trong những yếu tố cần thtiết cho sự tấn hóa của con người theo chiều hướng
thánh thiện. Vai trò của ngươí mẹ vì vậy được ví như : " Bụng mang đầy quyền
phép nắn đời.", là do ở khía cạnh nầy.
III/- THÁNH THỂ THIÊNG LIÊNG :
" Ôi ! Thầy sanh ra các con thì phải
yêu trọng các con chẳng cùng, mà Thầy cho các con đến thế giới nầy với một Thánh
thể thiêng liêng y như hình ảnh của Thầy, không ăn mà sống, không mặc mà lành,
các con lại không chịu, nghe điều cám dỗ, mê luyến hồng trần, ăn cho phải bị
đọa, dâm cho phải bị đày, nên chịu nạn áo cơm, dục quyền cầu lợi ". ( TNHT.
TG 1928 )
Trên đây là lời quở trách của Đại Từ Phụ, Đấng Tạo Hóa đã chiết chơn linh
mình gởi vào những hình hài nhục thể để tạo dựng giống người đầu tiên có đủ xác
hồn, tinh khôn hơn vạn vật gọi là nguyên nhân. Một số những linh hồn nầy vì mê
luyến hồng trần, sau kiếp sống mang xác phàm, thoát xác nhưng không trở về cựu
vị được, phải luân hồi chuyển kiếp triền miên, cho đến ngày nay, khi mở Tam Kỳ
Phổ Độ, Đại Từ Phụ dùng huyền diệu cơ bút, mượn tiếng nói của loài người quở
trách như vậy để thức tỉnh linh hồn những bậc nguyên nhân ấy.
Từ giống người nguyên thủy nầy, có nam có nữ, giao phối với nhau, sinh sản
những hình thể con người càng ngày càng gia tăng qua nhiều thế hệ. Những hình
thể con người của các thế hệ nối tiếp gọi là hóa nhân, khi họ đón nhận những
linh hồn tấn hóa cao trong hàng thú vật hồn nhập vào mang xác người, và trở
thành người.
" Cả kiếp luân hồi thay đổi từ trong nơi vật chất mà ra thảo mộc, từ thảo
mộc đếân thú cầm, loài người phải chịu chuyển kiếp ngàn năm, muôn muôn lần mới
đến địa vị nhơn phẩm ". ( TNHT. TG. 19-2-1926 )
Bởi linh hồn con người là một phần nhỏ của khối đại hồn vũ trụ là chơn linh
của Thầy nên Đại Từ Phụ nói rằng : " Thầy cho các con đến thế giới nầy với
một Thánh thể thiêng liêng y như hình ảnh của Thầy."
Thánh thể thiêng liêng ấy là linh hồn ngự nơi phàm thể xương thịt khí huyết
là khối vật chất biến hình ra là thân xác con người.
IV/-CHƠN LINH NHẬP THỂ :
Khi nhập Thần vào hài nhi, linh hồn đã ngự nơi
phàm thể con người rồi. Thánh thể thiêng liêng ấy giờ đây bị lằn trược khí của
chơn thần bao phủ che mờ đi, sự linh diệu sáng suốt chỉ còn đủ để biết điều
khiển các phản ứng thân xác làm cho toàn thể các cơ phận hài nhi hoạt động.
Hình hài nhục thể của hài nhi là một khối tinh khí vay mượn của mẹ cha, khi
còn trong bụng mẹ thì nương nhờ nơi thần của mẹ mà khôn lớn. Khi chơn linh nhập
thần được vào khối tinh khí ấy, sự sống của hài nhi trở nên độc lập với mình mẹ,
nghĩa là hài nhi có thể sống được dù mẹ chết. Trái lại, nếu vì lý do nào đó hiện
tượng nhập thần không xảy ra được, khối tinh khí vừa lọt khỏi mình mẹ phải chết
tức khắc.
Đức Chí Tôn dạy :
" Nơi thân phàm các con mỗi đứa Thầy đều cho một chơn linh gìn giữ cái
chơn mạng sanh tồn." ( TNHT. TG. 1928 )
Trong tiến trình phát triển để trưởng thành, sự khôn ngoan sáng suốt linh
diệu của chơn linh sẽ hiển lộ từ từ, nhịp nhàng với sự phát triển hình chất. Đến
tuổi đi học người ta cho đứa bé :
" Cầu khẩn Đấng chơn linh nhập thể,
" Đủ thông minh học lễ học văn."
Như là một phương pháp thúc giục sự hiển lộ của chức năng giáo hóa của chơn
linh đối với chơn thần và thân xác. Đức Chí Tôn dạy :
" Chơn linh ấy tánh Thánh nơi mình, đã chẳng phải gìn giữ các con mà
thôi, mà còn dạy dỗ các con." ( TNHT. TG. 1928 )
Bởi quan niệm rằng tinh thần của đứa bé như là một vùng bản ngã còn tối tăm,
nên khi sự sáng của chơn linh hiển lộ, người ta có cảm tưởng ánh sáng tâm linh
ấy là cái gì cao quí khác với bản ngã tối tăm của nó, từ bên ngoài bên trên tràn
vào nên mới gọi là nhập thể.
Đây chỉ là vấn đề ngôn ngữ con người dùng để diễn tả một hiện tượng siêu
hình. Thực ra chơn linh đã hiện hữu nơi xác phàm từ khi nhập thần vào hài nhi.
Khi trưởng thành, nếu con người sống đời sống tu hành đúng theo chơn pháp, tánh
thánh của chơn linh ngày càng hiển lộ, nghĩa là hiện tượng nhập thể được trọn
vẹn.
Vậy chơn linh nhập thể là một tiến trình tấn hóa tự nhiên trong sự sống của
con người. Trong giáo pháp cao Đài, học sinh sử dụng lời kinh nhập học :
" Cầu khẩn Đấng chơn linh nhập thể,
" Đủ thông minh học lễ học văn."
Là để thúc giục sự tấn hóa của mình cho được nhanh chóng và trọn vẹn cả xác
lẫn hồn theo chiều hướng thánh thiện.