× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Biên khảo - Luận giải

Con Đường Của Người Đệ Tử Cao Đài


Chương IV : Vài tư tưởng đại đồng

I/- TRƯỜNG HỌC NĂM LỚP :

Đạo Cao-Đài là một trường học có năm lớp ai thích học lớp nào cũng được. Đó là năm lãnh vực hoạt động mà đối tượng là :
    - Đời sống cá nhân và gia-đình đối với xã hội .
    - Đời sống quốc-gia đối với cộng-đồng quốc-tế .
    - Sự thánh-thiện hóa loài người .
    - Con người và những hoạt-động trong cõi hư linh .
    - Sự giác ngộ chúng sanh

Con người không phải là một cá thể biệt lập, mà là một phần tử của gia- đình, của quốc-gia, của xã-hội, của loài người, của vạn linh và của vũ-trụ. Vì vậy, năm lớp học không phải là năm lớp học riêng rẽ do năm ông Thầy điều khiển bằng phương pháp riêng của mỗi ông mà phải đứng bên cạnh nhau vì một sự bắt buộc nào đó. Năm lớp học do một ông Thầy điều khiển, ông Thầy lựa chọn môn sinh nào có cùng ý hướng nổi bật về một trong năm đối tượng nầy thì cho học chung một lớp, làm lớp học đầu tiên. Khi người đệ-tử bắt đầu thấy thích học trong trường học nầy ông Thầy sẽ hướng dẫn họ điqua các lãnh-vực còn lại trong bốn lớp kia, sau cùng người đệ-tử chỉ thấy mình học một trường không phân chia lớp.

Có lẽ chư-huynh thấy đạo Cao-Đài khác với một hội dung hòa các tôn-giáo. Phật-Giáo không còn là một tôn-giáo đứng cạnh bên Khổng-Giáo hay Thiên-Chúa-Giáo với những sắc thái đặc biệt của nó trong cái nhà Cao-Đài. Các bài vở giảng dạy trong năm lớp học mà tôi vừa nêu trên đều cùng đi theo một chiều hướng duy nhất và vì vậy chỉ có một trường đối với môn sinh đã đỗ đạt và dường như có năm lớp đối với học trò mới ghi tên. Xin chư huynh đừng thắc mắc tại sao ngay những dòng giới thiệu của chương nầy đã viết " Đạo Cao-Đài là trường học có năm lớp ai thích học lớp nào cũng được" rồi bây giờ lại kết luận không có năm lớp. Năm ấy là một mà một ấy là năm và dĩ nhiên cũng không phải bất cứ người đệ tử Cao-Đài nào đều thấu triệt được cái tinh hoa giáo lý nầy.

Thường thường khi tiếp xúc với họ chư-huynh có thể nhận thấy sự nổi bật của một vài đối tượng trong tư tưởng họ hoặc vì họ cho rằng cần phải bàn với chư huynh về đề tài nào đó thôi hoặc vì chính họ chỉ thấy một đối tượng nào đólà quan trọng hơn hết.

Có người chỉ chú tâm đến việc giáo-dục con cái trong gia đình và dường như họ theo Đạo Cao-Đài chỉ vì mục đích ấy.

Có người thích ổn định tình thế quốc gia, tham gia vào các sinh-hoạt chính-trị những mong sẽ dùng ảnh hưởng của tập thể nầy mà chấn-chỉnh dần dần các cơ cấu quốc-gia hay ít ra một cá nhân cũng có thể đem cái tinh hoa của giáo-lý Cao-Đài áp dụng vào một lãnh vực giải quyết các công việc nhà nước sao cho thuận cùng Thiên-ý và hợp với nhơn-sanh. Hai quyền năng mà họ phải dung hợp luôn luôn là quyền của Thượng-Đế và quyền của con người khi giải quyết bất cứ việc gì dù nhỏ dù lớn thuộc về đời sống quốc-gia. Thường những người đệ tử tự lao mình vào lãnh vực nầy phải gánh chịu những hậu quả thê thảm cho xác thân gây ra bởi sự xung khắc về tư tưởng với những kẻ có quyền bính của thế gian muốn xu hướng về đường vật chất. Điều nầy cũng dễ hiểu vì trong các thế kỷ gần đây hầu hết những nhà cai trị không phải là những "Thái-Tử Sĩ-Đat-Ta mới" rời khỏi cung vàng điện ngọc đi tìm chơn lý để trở về lên ngai trị vì muôn dân với cái nhìn và nghĩ của kẻ đã giác ngộ. Về phương diện xã-hội những kẻ đầy lòng tham vọng thường chỉ thấy Đạo Cao-Đài như một lợi khí đấu tranh cần phải tiêu diệt hoặc cần phải lợi dụng trong một giai đoạn nào đó, và đây là một vấn đề thuộc khoa học chính trị nên trong quyển sách nầy không đề cập đến nhiều hơn.

Lại có những người đệ-tử luôn luôn tìm kiếm trong giáo lý Cao-Đài những lời chỉ dẫn về các phương pháp huấn luyện cho con người trở nên hoàn hảo hơn. Đối với họ, thiên đàng và địa ngục dường như là cái gì xa xôi lắm, con người mới là quan trọng, làm thế nào cho con người càng ngày càng tốt hơn thế cũng đủ lắm rồi.

Rồi cũng có những người Cao-Đài quanh năm suốt tháng chỉ chú trọng đến đời sống nội tâm. Dường như họ lạnh nhạt đối với thế giới bên ngoài. Đối với các nhà xã hội hay chính trị gia, họ có thể là những phần tử không đáng kể nhưng đối với các nhà thần học thì sự có mặt của họ cũng rất cần thiết đối với sự duy trì đời sống trên mặt địa cầu nầy, cũng cần thiết như bàn tay, khối óc sản xuất ra cơm gạo nuôi sống mảnh hình hài vậy.

Và sau cùng chư huynh cũng có thể tìm thấy, dù rất ít những người đệ-tử đã giác ngộ mà hành động của họ trải ra trên khắp các địa hạt, từ đời sống cá nhân, gia đình, đến xã hội, quốc gia, quốc tế, trong các cảnh giới siêu phàm từ lòng đất các loài khoáng chất, cỏ cây, thú cầm, loài người, các đẳng cấp chơn linh, ma quỷ, Thần Thánh, đâu đâu cũng đều có mặt họ. Hành động, tư tưởng, lời nói của họ sự bình an tỏa ra từ người họ thảy đều có tác dụng nâng đỡ cơ sanh hóa, tức là sự duy trì và phát triển đời sống của tất cả mọi sinh vật hậu thiên.

Năm hạng người vừa nêu trên đều cùng đi trên một con đường duy nhất đã được các vì giáo-chủ xưa nay vạch sẵn và bây giờ Đức Chí Tôn giáng trần, Ngài lọc lựa những dị biệt và lấy cái tinh hoa của tất cả giáo thuyết trên hoàn cầu truyền dạy cho chư đệ-tử cùng với một vài tiết lộ về thiên cơ bí ẩn mà loài người đã tiến bộ đến một mức có đủ khả năng hiểu biết và tiếp thu được. Những bức tường ngăn cách do các môn đồ của các vì Giáo-chủ xây dựng nên đã bị Đức-Chí-Tôn phá bỏ trong hệ thống tư tưởng của người đệ-tử Cao-Đài. Ngài đã dạy

    Vốn từ trước Thầy đã lập ra Ngũ Chi Đại-Đạo là :
      - Nhơn Đạo.
      - Thần Đạo.
      - Thánh Đạo.
      - Tiên Đạo.
      - Phật Đạo.

    " Tùy theo phong hóa của nhân loại mà gầy thành chánh giáo là vì khi trước càn vô đắc khán khôn vô đắc duyệt thì nhơn loại duy có hành đạo nội tư phương mình mà thôi.

    " Còn nay thì nhơn loại đã hiệp đồng càn khôn dĩ tận thức thì lại bị phần nhiều đạo ấy mà nhơn loại nghịch lẫn nhau nên Thầy mới nhứt định qui nguyên phục nhứt.

    " Thầy nhứt định đến chính mình Thầy độ rỗi các con chẳng chịu giao chánh giáo cho tay phàm nữa"

Chúng tabiết rằng có biết bao nhiêu người từ khắp các nơi trên thế giới đã cố gắng dung hòa tư-tưởng nhơn-loại, họ là những sứ giả của Thượng-Đế báo trước sự xuất hiện của Ngài trong Tam-Kỳ Phổ-Độ nầy, chính sự có mặt của Thượng-Đế là yếu tố quan trọng trong sự thành công của Đạo Cao-Đài. Ngày xưa Ngài Chưởng-Quản một trường học năm lớp, mỗi lớp trên một phần đất của địa cầu, bây giờ Ngài vẫn làm công việc đó, Ngài mang tất cả những người trên các vùng đất khác nhau đặt chung vào một trường, Ngài hủy bỏ những tấm vách tường phân chia phòng học, Ngài giảng chung cho tất cả đệ-tử những bài học thích hợp cho từng hạng người, tức là áp dụng chân lý vào từng lãnh vực. Trong khung cảnh như vậy tự nhiên Ngài không còn là Thầy của riêng ai mà Ngài là Thầy của tất cả nhơn loại.

Nhơn loại sẽ biết rằng ngày xưa họ đã học với chính Ngài qua hình ảnh của những sứ giảNgài và bây giờ chính Ngài đến để xác nhận điều đó. Và đó cũng là điểm khác biệt quan trọng giữa Đạo Cao-Đài, một tôn giáo do chính Đức-Chí-Tôn sáng lập với một hội dung hòa các tôn giáo có cùng mục đích rất tốt đẹp nhưng do sự cố gắng của con người mà nên.


II/- TRẬT TỰ THIÊN NHIÊN CỦA XÃ-HỘI LOÀI NGƯỜI

Trên mặt địa cầu nầy không có chi là tuyệt đối. Mọi việc đều đã được an bày theo một trật tự thiên-nhiên bất di bất dịch gọi là Pháp. Một đứa bé sinh ra đời nó lớn lên, già rồi chết. Không một phép lạ nào có thể thổi cho đứa bé trong phút chốc trở thành một cụ già và giữ cho nó sống mãi mãi, không bao giờ chết. Cũng không có một quyền lực nào làm cho một hài nhi vừa lọt lòng mẹ biết suy nghĩ, khôn ngoan như một cụ già tám mươi. Nó phải có thời gian để học những kinh nghiệm khôn ngoan ở xã-hội nầy. Đó là trật tự của thiên nhiên.

Tổ chức xã-hội loài người cũng thế, Thượng-Đế đã ban cho mỗi cá nhân một linh-hồn hay tiểu linh quang và ban cho toàn thể nhân loại một đại hồn. Mỗi tiểu linh quang phải có thời gian để nó giác ngộ thì cái đại hồn của nhân loại cũng phải có thời gian mới trưởng thành, trật tự ấy dù ta có nhận hay không, nó vẫn hằng có, nó vẫn im lìm chi phối mọi hoạt động thế gian. Một đứa con ngỗ nghịch trong gia đình nói rằng nó không có cha, tự nhiên mà nó sinh ra, nó là chúa tể của gia đình, dù có nhận sự kiện đó hay không nó vẫn có cha và người vẫn phải lo lắng cho nó vì người là cha của nó.

Đó là trật tự của thiên-nhiên.
Thượng-Đế đã sinh ra loài người nhưng từ ngàn xưa cũng như bây giờ vẫn có những người từ chối không nhìn nhận Ngài và Ngài vẫn tiếp tục ban sự sống thể hài và tâm linh cho họ theo một định luật công bình vì Ngài là cha, Ngài phải làm như vậy. Khối trí thức tinh thần nhân loại dù có ngạo nghễ đến đâu, dù có nói rằng nó là chúa tể của vũ-trụ, nó vẫn phải có nguồn cội về sự khôn ngoan.

May thay, chẳng phải toàn thể nhân loại đều ngạo nghễ như vậy, nếu viện lẽ rằng sự khôn ngoan mà con người đạt được hôm nay là do xã hội truyền lại qua nhiều thế hệ tiền nhân, thì đó chính là trật tự diễn tiến chớ không phải là nguồn cội nguyên thủy. Nếu nói rằng tinh thần tự vật chất mà sinh ra thì sự cấu tạo các nguyên tử vật chất cũng phải theo một trật tự nào đó mới lưu tồn, thử hỏi cái quyền năng nào đủ khôn ngoan để bày ra trật tự vận chuyển của các điện tử trong sự cấu tạo vật chất? Nói rằng xã hội loài người tiến bộ luôn luôn thì dĩ nhiên con người thời ăn lông ở lỗ chắc không khôn ngoan bằng bây giờ và làm sao có thể hiểu được rằng các thổ dân ở miền Bắc nước Nga, miền Nam nước Mỹ hay bất cứ một nơi nào khác trên địa cầu vào thời tiền sử lại chính là người bày vẽ ra cái trật tự vận chuyển của các hành tinh, các hạt điện tử, sắp đặt vị trí các vì tinh tú. Chẳng lẽ một khối óc ngu muội của người tiền sử lại là tác giả của những công trình sáng tạo huyền bí mà cho đến bây giờ chính con người, khôn ngoan dường ấy cũng chưa hiểu hết?

Dù con người có thừa nhận hay không, trong vũ trụ vẫn có nguồn cội của sự khôn ngoan, và sự khôn ngoan đó biết cách sáng lập trật-tự vận-hành tất cả mọi vật mà con người là một phần tử trong đó. Dù những đứa con thân yêu của Thượng-Đế có cố gắng quay mặt đi chỗ khác, dù nó muốn nhắm mắt lại để không nhìn thấy, dù nó muốn bịt tai lại để không còn nghe ai nói gì về nguồn cội ấy, dù nó tìm đủ mọi cách để bắt trí óc đừøng suy tưởng về nguồn cội của trật tự an bày trong vũ trụ, dù nó có muốn làm gì đi nữa...thì nó vẫn từ đó mà sinh ra. Dù một đứa bé nói rằng nó từ đất nẻ chun lên, nó không có cha, không có mẹ và không thích nghe ai nói gì về cha mẹ nó, người ta biết rằng nó vẫn phải có cha có mẹ. Dù con người có chấp nhận hay không cái trật tự an bày trong thiên nhiên thì sự sống chết của nó vẫn nằm trong định -luật ấy.

Người đệ-tử Cao Đài gọi nguồn cội của trật tự thiên nhiên ấy là Chí-Tôn, và sự hiểu biết về Ngài cũng phải theo một trật tự mà rõ ràng hơn với thời gian. Đó là lý do khiến có một vài khác biệt cần thiết trong lời giảng dạy của các vì Giáo-Chủ áp dụng cho một số môn đồ nào đó, trong một hòan cảnh xã-hội nào đó, vào một thời gian nào đó. Các Ngài vẫn đồng nhất trong tâm linh nhưng môn sinh thì khác nhau về trình độ tấn hóa, trật tự ấy đòi hỏi phải có sự khác biệt trong lời giảng dạy. Những đứa con của Thượng-Đế không muốn nhìn Ngài bèn vịn vào đó mà đánh đỗ các giáo thuyết và người đệ-tử Cao-Đài hiểu rằng sự tấn hóa của loài người phải trải qua những thời kỳ như vậy.



Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 931 | Tác giả: Nguyễn Long Thành