Bần-Đạo hôm nay giảng tiếp dục-tấn của chúng ta trên con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống.
Bần-Đạo xin cả thảy đều để ý buổi thuyết-giảng hôm nay cho lắm, vì nó có Bí-Pháp đoạt Đạo trong ấy, phải để tâm hạng nhứt là nghe và nhớ, trụ cả đức-tin mình nơi Đức Chí-Tôn đặng đoạt cơ giải-thoát. Chúng ta tu chỉ mong có bao nhiêu đó, cần yếu tu là chắc đoạt được cơ-quan giải-thoát mà thôi.
Kỳ rồi Bần-Đạo có dẫn toàn thể tinh-thần con cái của Đức Chí-Tôn được vào Cực-Lạc Thế-Giới nhứt là chúng ta được xem biết rõ Kim-Tự-Tháp.
Đêm nay Bần-Đạo rủ cả thảy vô Lôi-Âm-Tự cũng như Bần-Đạo đã đến trình diện với Đức Di-Đà.
Bởi Đức Di-Đà đã giao quyền lại cho Đức Di-Lạc, giao quyền Chưởng-Quản Càn-Khôn Vũ-Trụ, Đức Di-Lạc ngồi ngự nơi Kim-Tự-Tháp, còn Đức Di-Đà trở vào ngự nơi Lôi-Âm-Tự. Khi đến đó chỉ học các triết-lý Phật-Giáo từ tạo thiên lập địa đến giờ.
Cả triết lý ấy để tại mặt thế-gian này, duy nhơn-sanh không có tu nên không có đoạt-pháp, không có điều gì bí ẩn cả. Phật-Giáo cơ giải-thoát cũng để tại mặt thế-gian này, từ Thượng-Cổ đến giờ chỉ có nền Phật-Giáo tối cổ nhứt, một nền Tôn-Giáo mẹ của các nền Tôn-Giáo khác, vào đây Bần-Đạo được nghe thấy thuyết-pháp của Đức Di-Đà nơi đó là nền Tôn-Giáo tối cổ của nhà Phật.
Khi Bần-Đạo đến Lôi-Âm-Tự, liền khi đó Bần-Đạo nghe tiếng chuông kêu, trong tiếng chuông ngân ấy, lại có tiếng biểu Bần-Đạo phải lên Pháp-Xa tức nhiên Vân-Xa, đặng đi đến Bạch-Ngọc-Kinh, hai bên có hai Tiên-Nữ và Thần-Đồng điều khiển cái Pháp-Xa ấy thúc giục Bần-Đạo đi, Bần-Đạo dòm thấy dường như họ hối-hả thúc giục Bần-Đạo lên Pháp-Xa ấy đặng đi.
Ngày kia vào nhà tịnh có thì giờ Bần-Đạo sẽ tỏa cái Tướng và cái Hình của nó, khi Pháp-Xa ấy dung ruỗi trên con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống ấy. Bần-Đạo đi ngang Cung Hổn-Ngươn Thượng-Thiên là nơi Đức Di-Lạc đã thâu Pháp, đã định-vị nơi đấy.
Bần-Đạo có tỏa mà trong tâm còn mờ hồ không biết tại sao, vì lẽ gì Đức Phật-Mẫu là Mẹ phải chịu dưới quyền con là Đức Di-Lạc, trong bụng coi hơi bất mãn. Liền khi ấy Bần-Đạo ngó thấy cái Tướng Hình của Đức Phật-Mẫu đứng đàng trước, còn Đức Di-Lạc ở đàng sau lưng quì xuống đưa hai bàn tay lên, đặng tỏ cho Bần-Đạo hiểu dầu cho người con ấy mạnh-mẽ, quyền hành thế nào mà quyền Mẹ cũng vẫn là quyền Mẹ, không thể gì qua được. Ngài chỉ tuân theo mạng lịnh của Đức Phật-Mẫu đặng trị thế mà thôi. Bần-Đạo dung ruỗi luôn không có ngừng lại, cái Pháp-Xa ấy đi mãi mãi trên con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống, không thế gì luận cái thời-gian ấy đặng.
Thoạt tiên chúng ta thấy phía xa xăm có ánh sáng chói dọi cũng như mặt trời mọc buổi sáng. Đàng xa xăm ngó thấy một ánh sáng chiếu diệu cũng như một vừng thoại khí, khi Pháp-Xa của Bần-Đạo đến thấy hào-quang chiếu diệu chói vào Pháp-Xa sáng rỡ, dường thể ánh sáng đèn pha ở thế-gian này vậy. Hào-quang ấy chiếu vào mình của Bần-Đạo, trong mình của Bần-Đạo xuất hiện một bóng hào-quang trở lụng lại lạ lùng lắm, Pháp-Xa đi đến chừng nào thì sự vui sướng trong mình càng tăng lên mãi. Ngồi trên Pháp-Xa ấy mà Bần-Đạo mê-man không biết mình ở nơi nào, sự vui sướng vô cùng tỏa, không thể nào tỏa bằng ngôn-ngữ cho hết đặng.
Lại gần tới còn thấy một vật khác thường quái lạ, nhưng nó là một Tòa Thiên-Các đẹp-đẽ lắm, màu sắc đổi thay sáng rỡ, mà cả thoại khí bao quanh làm như thể vận chuyển hình-trạng của nó vậy.
Lầu đài chớn-chở mà nó là con vật sống chớ không như gạch đá của chúng ta làm đây, nó vận hành như con vật sống vậy, thay đổi màu sắc vô cùng vô biên, Bí-Pháp ấy không thể gì tỏa đặng, ngó thấy đặc sắc lắm.
Nhà cửa ở thế-gian này là con vật chết, nơi Bạch-Ngọc-Kinh là con vật sống, biến hóa thay đổi như thể vận hành, xung quanh thoại khí bao trùm từ Nam chí Bắc, từ Đông qua Tây. Khối lửa ánh sáng ấy chúng ta ngó thấy như mặt trời vậy, mà ánh sáng mặt trời thì nóng nực, bực bội, còn ánh sáng nơi Tòa Bạch-Ngọc-Kinh lại dịu-dàng và huyền-bí lắm, sung sướng khoái lạc lắm.
Tại sao đài-các nó là con tử vật mà nó sống? Sống là do nơi đâu? Nếu biết được thì không có lạ gì.
Nơi Bạch-Ngọc-Kinh nó là Hổn-Ngươn-Khí, biến hình Hổn-Ngươn-Khí ra là Khí Sanh-Quang của chúng ta đã thở, đã hô hấp, khí để nuôi cả sanh vật sống, ta sống cũng do nơi nó xuất hiện, mà biểu làm sao không sống?
Khi Bần-Đạo ngồi trên Pháp Xa đến thấy các chơn-linh hằng-hà sa số, bao vây trước cửa la-liệt không thể đếm. Pháp Xa vừa ngừng Bần-Đạo bước xuống thấy ba cửa nơi Bạch-Ngọc-Kinh có 12 vị Thời-Quân mặc khôi giáp tay cầm Bửu-Pháp đứng cản đường không cho thiên-hạ vô, Bần-Đạo giận quá chừng quá đổi, ba cửa ấy xa nhau, mỗi cửa có bốn người giữ.
Bần-Đạo muốn nói chuyện thì ba cửa ấy gom lại, mười hai người họp lại đứng trước mặt Bần-Đạo, Bần-Đạo hỏi vì cớ nào không cho người ta vô? Vừa hỏi thì họ bở-ngở nói Người ta biểu đừng cho vô. Nói người ta biểu thì Bần-Đạo liền biết là Kim-Quan-Sứ biểu nó xúi nó, đừng cho các Chơn-Linh vào Bạch-Ngọc-Kinh. Giận qua day mặt ra ngoài biểu các Chơn-Linh vô, họ tràn vô nghe một cái ào, dường như nước bể bờ chảy vào Bạch-Ngọc-Kinh vậy. Tới chừng các Chơn-Linh vô hết, liền biểu mười hai vị Thời-Quân vô, biểu họ đi rồi đứng dòm cùng hết thảy coi còn ai ở ngoài nữa không.
Bần-Đạo vác cây Giáng-Ma-Xử đi vô Bạch-Ngọc-Kinh sau hết. Bạch-Ngọc-Kinh chia ra làm ba căn, cửa chính giữa các vị Phật cao siêu ngự, mình đứng day vô, phía bên tả là phái Nữ, phía bên hữu là phái Nam. Bần-Đạo nghe đi rần rần rộ rộ bên kia, thì thấy hình bóng chiếu qua vách mà thôi, tấm vách thật lạ lùng trong trắng giống như sương sa vậy.
Buổi đầu Bần-Đạo không để ý đi tới nữa thấy cả thảy đều có ngôi-vị của họ sẵn, Bần-Đạo được vô cửa thấy họ ngồi có chỗ hết, còn mình bơ thờ vác cây Giáng-Ma-Xử đi vô không biết đi đâu. Nói sao người ta có chỗ ngồi còn mình không có? Vừa nói rồi thì thấy có người đứng gần bên mình mà không hay, họ trả lời: Cái Ngai của Ngài kia. Bần-Đạo dòm lên thấy cái Ngai tốt lắm, thấy rồi mà trong bụng hồ nghi nói không biết họ có gạt mình hay không? Bần-Đạo sợ, vừa sợ thì có người nói: "Chính cái Ngai đó là của Ngài".
Từ thử đến giờ dầu vạn kiếp sanh chịu khổ để tạo vị nơi mặt thế-gian này cũng không bằng ngồi được trên đó, nơi đó sung-sướng lắm, sung-sướng làm sao đâu. Trong bụng nói làm sao lên được trên đó, vừa tính rồi thì dường như có nấc thang. Bần-Đạo lên ngồi rồi thì thấy trước mặt của mỗi người đều có vật ăn và rượu để uống, Bần-Đạo nói: Sao họ có ăn còn mình không có? Vừa nói rồi thì có một trái Đào Tiên và một chung Tiên Tửu. Ở đó tưởng, muốn cái gì đều có hết, nhứt nhứt không có món gì mình tưởng muốn mà không có, tôi tưởng ở thế-gian dầu muôn triệu kiếp sanh cũng chưa có cái sang trọng sung-sướng dường đó.
Long-Hoa-Hội đó; Long-Hoa-Hội chúng ta đang ngự tại Bạch-Ngọc-Kinh đó vậy. Đức Chí-Tôn cho Bần-Đạo thấy trước và ngó thấy các Chơn-Linh ngự trước đó đặng ngày kia con cái của Ngài cũng ngự như vậy. Bần-Đạo làm chứng đặng nói lại với con cái của Ngài. Tôi tưởng nếu chúng ta đoạt được cơ giải-thoát về hiệp một cùng Đức Chí-Tôn được ngồi hưởng ngôi-vị nơi đó. Chúng ta đã đầu thai chịu cái khổ của đời mà lập-vị mình, đối với cái khổ hạnh muôn kiếp của mình nó trả lụng lại một cách vô đối. Nếu có thấy mới tưởng-tượng rằng Đức Chí-Tôn chẳng hề khi nào chịu thiếu nợ ai cả.
Rất hạnh-phúc cho kẻ nào dám cả gan cho Ngài vay, rất hạnh-phúc cho những kẻ nào biết yêu ái, biết làm tôi tớ cho Ngài, Ngài sẽ đáp lại cái ơn ấy cho mình. Tới chừng Đấng ấy làm tôi tớ lại cho mình thì không có cái hạnh-phúc hay giá-trị gì ở mặt thế-gian này bằng đặng.
À bây giờ, nói đến mấy Bà, ở bên kia. Bên nây chỉ thấy cái bóng của họ đi mà thôi, không biết tại sao dựng tấm vách cản ngăn không cho thấy? Không biết tại sao vậy? Giận tấm vách ấy quá chừng, lại gần coi như sương sa vậy; thò tay vào thì nó lủng, rút tay ra thì nó nhiếp lại, bằng cái gì không biết. Bần-Đạo lại có tánh tọc mạch, giận quá, muốn làm sao cho ngó thấy bên kia. Trong bụng vừa tính như vậy, thinh không nó chạy vẹt ra một bên, chừa một chỗ trống, ngó thấy bên kia toàn Nữ phái không, thấy sung-sướng làm sao đâu, sung-sướng lắm mấy Bà ơi! Bên Nam thế nào thì bên Nữ cũng vậy.
Trên cảnh đó họ lịch-sự lắm, vì cái pháp-thân của họ thiên biến vạn hóa, nơi Bạch-Ngọc-Kinh nên họ lịch-sự lắm, không biết thế nào mà họ lịch-sự quá vậy. Mấy Bà muốn lịch-sự thì rán tu đặng về cảnh ấy sẽ lịch-sự chớ ở thế-gian này không có gì lịch-sự đâu.
Kể từ ngày Bần-Đạo hội được Long-Hoa-Hội Thiêng-Liêng rồi thì không còn muốn sống nữa, muốn chết đặng có về cảnh ấy, ham chết làm sao đâu, ở càng thấy thêm bực bội, trông cho nó chết, chết đặng có về cảnh ấy mà thôi, mà chết không đặng.
Nếu ai không phải tinh-thần cao siêu, thì Đức Chí-Tôn không dám cho họ ngó thấy, nếu bất tử người nào được ngó thấy tôi tưởng họ điên đi mà chớ, hay họ tự vận đặng về cảnh ấy, đặng hưởng sung-sướng. Tự vận về cảnh ấy không đặng, trái lại còn phải xuống Uổng-Tử-Thành ở một thời gian để đền tội, rồi đầu thai trở lại nữa, rán tu rồi về đừng có nóng nảy hạng nhứt là mấy người ở trên núi kia (mấy Ông Đạo núi) cạo đầu tròn vo, không phải làm như thế mà đặng đâu, đừng có lật đật.
Khi Bần-Đạo vô trong Từ Phụ muốn biết Ổng là ai? Ông này có phải là Đức Ngọc-Hoàng Thượng-Đế? Mà Ổng có phải là một người không? Làm sao cho tôi được biết Ổng với? Tôi vừa tưởng thì xa lắm, thấy cái gì bao phủ như tấm màn che vậy, vô gặp rồi biết Ổng ở trỏng. Có tấm màn che ý muốn cái màn này vạch ra đặng thấy Ổng, vừa muốn thì cái màn ấy hé vạch ra, dường như có từng có nấc xa lắm, không thể gì tỏa đặng. Kế đó ngó thấy Ổng bước ra mặc áo trắng, bịt khăn trắng giống như bộ đồ Tiểu-Phục của Giáo-Hữu mặc vậy, cũng có một hai miếng vải lòng thòng sau lưng, râu bạc trắng coi đẹp lắm, thấy thương làm sao đâu.
Trong bụng nói Ổng ngồi tại Linh-Tiêu-Điện mình ngó thấy Ổng mặc bộ đồ khác, không lẽ hai người, chắc không phải Ổng. Vừa nói rồi thì thấy Ổng bước ra đứng ngay chính giữa ngó ngay Bần-Đạo, dường như thể biểu Con coi đây. Ngó ngay lên Ổng thấy Đạo hào-quang chiếu diệu ra, tay cầm cây gậy coi đẹp lắm. Cây gậy của Ổng quảy cái bầu, bên mình Ổng mang một cái bị, mặc bộ đồ Ngọc-Hoàng Thượng-Đế, nắm ngang cây gậy trên tay thành cây đòn cân, Ổng kéo cái bầu ra thành cái giá cân, Ổng kéo cái bị ra thành trái cân. Ba món báu ấy hiệp lại thành Cây Cân-Thiêng-Liêng mà chính mình đã thấy Ổng nơi Linh-Tiêu-Điện, không còn ai xa lạ nữa, cũng Đại-Từ-Phụ nhưng thiên biến, vạn hóa của Ổng mà tạo ra Càn-Khôn Vũ-Trụ vậy.
Vì cớ cho nên dầu cho một cái bông chúng ta chưa chắc là một vật, nếu chúng ta bẻ nó một cách vô lối, rủi phải nhầm sanh mạng của Phật thì khó mà tu lắm.
Con thú, nếu chúng ta nói nó là một vật mà biết đâu trong nó là một Vị Phật Bồ-Tát đương chuyển kiếp, nếu mình ăn thịt nhằm nó ngày kia nó về trển nó ngồi ngang mình, nó nhắc: Kiếp trước Phật có ăn thịt tôi, nhắc nội bao nhiêu đó cũng đủ mang bầu, quảy gậy mà tái kiếp nữa. Chúng ta ngó thấy nơi thế-gian này, hằng-hà sa-số con vật, mà biết đâu trong con vật lại có một Vị Phật Bồ-Tát đương tái kiếp để tạo Liên-Đài, rủi thay ta ăn nhằm thì khó đoạt-vị lắm. Vì cớ cho nên Đức Chí-Tôn biểu chúng ta trường chay là phải vậy.
Chừng ngó thấy rồi còn tọc mạch nữa, muốn biết hết Bạch-Ngọc-Kinh vì thấy Bạch-Ngọc-Kinh lớn lắm, đi biết chừng nào cho cùng, coi biết chừng nào cho hết. Liền vô thưa Thầy, cho con coi toàn-thể trong Bạch-Ngọc-Kinh. Vừa nghĩ rồi dường như Ổng đã biết, Ổng bước lại gần cái Đôn, cái Đôn này để gần Bần Đạo mà Bần Đạo không hay. Đến chừng Đức Chí Tôn cầm cây gậy gõ vào cái Đôn, cái Đôn ấy biến ra một Ông Già, nhưng Bần-Đạo không biết tên gì, từ đó đến giờ Bần-Đạo chỉ gọi là Ông Đôn mà thôi, chớ không biết Ổng gì cả, nhờ Ổng dắt Bần-Đạo đi cùng khắp nơi này qua nơi khác, mỗi cảnh các chơn-linh đều thu nhỏ lụng lại như hòn non bộ vậy. Bần-Đạo đi cùng Bạch-Ngọc-Kinh mà sợ có chỗ còn sót nữa. Đi mệt quá, đi bằng Chơn-Linh mà cũng biết mệt. Càn-Khôn Vũ-Trụ minh-mông đại-hải, không có bờ bến mà thâu hẹp lại vô trong Bạch-Ngọc-Kinh. Cảnh giới ấy Nam cũng vậy, Nữ cũng vậy, về đến cảnh giới ấy rồi đừng sợ thiếu chỗ ngồi, không có thiếu đâu, nếu có thiếu kêu Bần-Đạo, Bần-Đạo thường cho.
Bần-Đạo dám chắc con cái của Đức Chí-Tôn, không thể gì thiếu chỗ, hay bị sa thảy đâu, còn dư chỗ ngồi nhiều lắm.
Ở thế-gian này rán tu, tu xin cho được về cảnh ấy mà thôi. Còn về chỗ ở mướn phố, mướn nhà để Bần-Đạo lo cho hết thảy.
Bần-Đạo cho hiểu đó cho ngó thấy đó, đặng cho mấy người tu, mà không tu là tại mình, đừng để sau này nói Hộ-Pháp không nói gì hết, nên tôi không biết, đừng có ăn gian ăn lận, nói ngược nói ngạo gì hết thảy, Bần-Đạo nói có chứng thiên-hạ hết thảy.
Từ đây đến sau con đường dục-tấn trên cảnh Thiêng-Liêng hằng sống đã chấm dứt.
Kỳ tới Bần-Đạo sẽ khởi thuyết Bí-Pháp./.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy
|