× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Chuyện tâm linh huyền bí » Con đường Thiêng Liêng hằng sống

Bài 32
Hôm nay Bần-Đạo giảng dục-tấn trên con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống, trước Bần-Đạo đã dìu-dắt toàn cả con cái của Đức Chí-Tôn vào cảnh Niết-Bàn.

Bần-Đạo đã tỏa hằng-hà sa-số Chư Phật và Bần-Đạo có chỉ giữa Kim-Tự-Tháp có cây Dương-Liễu tối cổ, tàn của nó bao phủ cả Kim-Tự-Tháp hết, che trọn vẹn Kim-Tự-Tháp ấy chẳng khác nào như cái "Thiên-La" bao phủ vậy. Lá của nó chúng ta ngó thấy trạng thái của nhành dương nơi mặt thế gian này thế nào, thì nó thế ấy, lá của nó chỉ lớn hơn sợi tóc chút đỉnh vậy thôi mà mỗi đầu lá đều có giọt nước Cam-Lồ. Giọt nước Cam-Lồ ấy là gì? Là hóa-sanh các chơn-hồn trong Càn-Khôn Vũ-Trụ.

Bần-Đạo có tỏa cả Chư Phật, Bần-Đạo có nói hình-trạng chẳng khác chi hồi trong Kim-Bàn xuất hiện buổi trước, hình ảnh nó còn lờ-mờ tới chừng về ngự trên Liên-Đài Kim-Tự-Tháp thì hình ảnh trong-trẻo hiển hiện hết Pháp-Thân huyền-bí vô biên vô tận. Tại sao? Chúng ta tìm hiểu cái triết-lý nguyên do Pháp-Thân ấy, buổi trong Kim-Bàn xuất hiện bất quá bóng dáng mà thôi. Nhờ sanh sanh tử tử thâu đoạt Ngươn-Khí tạo đặng Pháp-Thân của mình với cả muôn muôn triệu triệu kiếp sanh của chúng ta, đặng đoạt cả huyền-vi bí-mật quyền phép tạo-đoan, cho nên cái lúc đoạt được Pháp-Thân rồi, tức nhiên đoạt được Phật-Vị vậy. Lúc đó cả huyền-bí Thiêng-Liêng kia, cả Tạo-Đoan kia mình đã thấu đáo.

Bần-Đạo đã có nói "Tử-Khí" của chúng ta, tức nhiên xác của chúng ta mang nơi cảnh trần này, đặng làm bạn với Vạn-Linh. Xác ấy tới chừng chết tức nhiên trở lại Tử-Khí, thiên hạ tưởng thúi hoại không còn gì hết, nhưng thật ra nhờ Tử-Khí nó tạo Liên-Đài của chúng ta vậy đó. Bần-Đạo nói rõ hơn nữa, Pháp-Thân của các Vị-Phật ngự trên Liên-Đài Kim-Tự-Tháp tổng-số lụng lại vạn kiếp sanh của họ, vạn Pháp-Thân của họ tổng-số lại nên biến tướng nên hình ảnh vô biên vô tận của họ. Bần-Đạo nói: Tuy vậy, nếu chúng ta thấy Tử-Khí sợ sệt mà thật sự ra ta thèm thuồng biết bao nhiêu. Giờ phút này dưới cội cây Dương-Liễu ấy chúng ta vẫn thấy một Liên-Đài rực rỡ quí báu vô biên vô giới chiếu diệu cả muôn muôn vạn vạn linh-quang trong Càn-Khôn Vũ-Trụ bao phủ Càn-Khôn Vũ-Trụ. Trên Liên-Đài ấy giờ phút này vị Chưởng-Giáo ở Niết-Bàn là Đức Di-Lạc Vương-Phật đó vậy. Buổi trước Ngai đó thuộc quyền của Đức Di-Đà. Ngày giờ mở Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ tức nhiên mở Đạo Cao-Đài, Đức Chí-Tôn đã giao quyền lại cho Đức Di-Lạc, ngày giờ này giờ phút Thiêng-Liêng này, Đức Chí-Tôn ban cho nhơn-loại nguyên-tử-lực, cũng do nơi Liên-Đài đó vậy.

Nếu chúng ta đến cảnh Niết-Bàn thấy cái bí-mật là "chữ Khí", chúng ta thấy Đức Chí-Tôn đã để tại nơi sau lưng Hộ-Pháp là nó đó chẳng khác gì. Nếu đoạt nguyên-tử-lực nó là Khí-Sanh-Quang, còn tinh ba của nó là khí sanh của họ là Nguyên-Tử. Đức Di-Lạc ngự trên khối Nguyên-Tử là ngôi của Ngài, là Liên-Đài của Ngài đó vậy.

Giờ phút này Liên-Đài của Ngài là khối Nguyên-Tử ai cũng muốn, ai cũng thèm có chỗ đó. Đức Chí-Tôn tạo cảnh đó, các Chơn-Linh không ai mà không muốn, không thèm thuồng vì vinh vang, huê hạ, phú quí, giàu sang, dầu cho làm Chúa cả mặt địa-cầu này, dầu nơi Cực-Lạc Thế-Giái cũng chưa bằng các cảnh giới ấy. Còn nói gì ngự được trên Kim-Tự-Tháp, ngồi trên Liên-Đài rực rỡ ai cũng thèm ai cũng ham mà không phải không có người được, được hay không là do nơi mình. Bần-Đạo nói Đức Phật Thích-Ca đã nói hằng hà sa số Phật, Ngài không phải nói dối với chúng sanh, có thật vậy, không có số đếm.

Cảnh tượng ấy Bần-Đạo nói quả quyết, cảnh tượng của Đức Chí-Tôn đào tạo dành để cho con cái của Ngài đó vậy. Ngôi vị ấy trước kia ai ngồi đặng thì bây giờ mình cũng ngồi đặng, trước kia ai đoạt đặng thì mình bây giờ cũng đoạt đặng, ngự đặng, ấy là Kim-Bàn mình cũng ngồi đặng, mà ngồi đặng cũng là do nơi căn đức của mình, không phải của cải vô biên ấy, quí báu ấy, để lựa chọn cho có người, của ấy không phải của người nào hết, ai cũng đặng.

Các Chơn-Linh định quyền lập vị của mình, định quyền như ở thế gian, định quyền bao giờ cũng có thật. Muốn làm cho đặng, muốn có Liên-Đài nơi Kim-Tự-Tháp thì cũng do nơi mình, chúng ta muốn mà được bền hay không bền cũng do chúng ta. Sự thật vậy. Chơn-Lý nó bao giờ cũng vậy.

Bần-Đạo nói trước khi vô Cực-Lạc Thế-Giới, chúng ta sẽ gặp một đám ở ngoại-ô Cực-Lạc, chúng ta thấy đủ thứ hết, đủ các sắc dân trong Càn-Khôn Vũ-Trụ, không phải trái địa cầu 68 này mà thôi đâu. Trọc cũng có, râu dài cũng có, đủ thứ người, mà họ đi đến Cực-Lạc Thế-Giới, rồi họ gặp một bức tường cao vọi vọi cản ngăn họ cũng như Vạn-Lý Trường-Thành, chúng ta cũng lấy làm bực tức cho họ. Khi chúng ta đi trên không trung vào Cực-Lạc Thế-Giới dòm xuống thấy họ lao-nhao lố-nhố chùm nhum lại, chòm ba, chòm bảy, tới giờ cũng tụng kinh vậy, không phải nói đặng kêu ngạo người ta, hay nhạo báng người ta, mà thấy tình trạng của họ thấy thương quá, thấy tội nghiệp quá. Các chơn-hồn ấy là gì? Nếu chúng ta thấy được triết-lý của Đức Chí-Tôn thì không sợ cho những kẻ ấy, những kẻ ấy là các Tăng-Đồ của các nền Tôn-Giáo, dầu cho Tả-Đạo Bàn-Môn nhưng mà tâm-linh của mỗi người bao giờ họ cũng hướng về Đạo-Giáo, nhiều hạng trí-thức, nhiều Chơn-Linh siêu thoát. Một nền Tả-Đạo nào biết Tả-Đạo Bàn-Môn đi nữa cũng có người chỉ dẫn hướng đạo về triết-lý vừa bụng họ, tinh-thần họ, thấu đáo thiên-hạ mới theo, vì đó mà họ theo có gì lạ đâu.

Tội nghiệp cho người ta, không phải người ta duy-chủ, mà là người ta lầm-lạc đó, do nơi đâu có nền Tôn-Giáo thì người ta cứ theo không biết chơn-truyền là gì hết. Cũng như bây giờ chúng ta thấy cạo đầu vô chùa tu đặng thành Phật thôi, chớ không biết gì hết, lầm lạc đó do nơi chỗ nào? Chớ không phải do nơi họ. Điều hại bất ngờ cho họ, là họ không thấu đáo chơn-truyền, họ không biết cảnh Niết-Bàn thiệt-tướng của nó, Cực-Lạc thiệt-tướng thế nào? Biểu sao vô Cực-Lạc cho đặng? Họ thật tâm tu mà họ không vào được là tại nền Tôn-Giáo nơi mặt thế gian này thất chơn-truyền, rồi họ vì nghe, vì tin mà theo. Theo, họ cũng đến Cực-Lạc được, duy có một điều là họ không hưởng thiệt cảnh, họ hưởng giả cảnh mà thôi. Họ phải ở ngoại-ô Cực-Lạc một thời gian đặng họ biết, họ đào luyện tinh-thần họ, họ không có tội tình gì hết, họ chỉ đi lạc lối mà thôi, nên họ hưởng không phải thiệt cảnh nơi Cực-Lạc Thế-Giới hay Niết-Bàn. Họ chỉ ở đó ẩn thân tu luyện một thời gian năm bảy trăm năm, rồi đầu kiếp lại tu nữa. Nếu tái kiếp lại tu nữa, chừng đó mới tìm-tàng thấu đáo chơn-truyền, mới được nhập vào thiệt cảnh.

Bây giờ chúng ta thử hỏi gặp các bạn chúng ta nơi Cực-Lạc Thế-Giới rủ nhau ra khỏi Niết-Bàn cảnh, còn đi hội-hiệp nghị luận với họ, họ gặp ta, họ vấn nạn như mấy người Tây bên Pháp thấy mấy người bên thuộc-địa về, gặp họ hỏi thăm sự làm ăn ra sao? Anh em thế nào? Thì các Đấng Thiêng-Liêng kia cũng vậy, họ hỏi tình thế các chơn-hồn tội phước thế nào, họ có làm nên chuyện hay chăng? Họ có thấu đáo hay chăng? Các Chơn-Linh có biết mình hay không biết mình, chúng ta sẽ có một cuộc đàm luận rất hữu tình rất may duyên.

Nhơn-loại họ vì cớ nào họ lập vị họ khó khăn lắm vậy, chúng ta trả lời: Họ ngờ vực, họ tưởng đến mức đó là đủ rồi. Tại họ ngờ vực, họ không biết chơn-lý chỗ thiệt là chỗ nào. Họ nói dối đã nhiều rồi, họ nghi vì lẽ gì? Họ nghi về Niết-Bàn không có Cực-Lạc, họ nói không có cõi Thiên-Cung, chỉ mờ ám hình bóng chứ không có Phật, Tiên, Thánh, Thần gì hết, họ ngờ vực. Đến chừng mình trả lời thì họ chắc lưỡi họ than. Thấy ở thế-gian đủ kẻ ngu người dốt, dĩ chí tới bực thông-minh quyền phép thấu đáo cả cơ thể Tạo-Đoan, biết lợi dụng cơ thể Tạo-Đoan như chúng ta thấy ở thế-gian này vậy thì ở Tây-Phương Phật cũng có đẳng-cấp, do chơn-pháp tạo thành Thần, Thánh, Tiên, Phật. Nếu ở thế-gian chúng ta thấy có những bực cao siêu đến nước đó thì ở cảnh Thiêng-Liêng kia cũng vậy. Sự thật hiện đã có rồi, mà còn nghi hoặc gì nữa, tại mình không thấu đáo phẩm-vị cao siêu ấy, mờ ám là tại mình. Ở tại thế-gian này đã có những bậc cao siêu hơn, tinh-thần hoạt bát hơn, nhơn loại thường thấy như Đức Phật Thích-Ca, Đức Chúa Jésus Christ các vị Giáo-Chủ trên họ còn ai nữa, mà chính họ còn nói: Họ là Vị Phật tại thế, mà trên họ còn nữa. Mình chưa ngó thấy trên cửa Thiêng-Liêng Hằng-Sống nên chưa tin vậy. Chơn-Lý không tỏa được.

Ấy vậy, sự mờ ám ngờ vực của họ do nơi quả kiếp của họ, họ phải chịu thống khổ, phải chịu dưới quyền-lực của Tạo-Đoan, chịu tấn-triển mỗi kiếp sanh của họ, họ phải đi từ từ mà tấn-hóa trong khuôn luật quả kiếp của nhơn-loại. Đức Chí-Tôn có nói với con cái của Ngài: Nếu các con biết Đạo các con tu một kiếp thì đoạt đặng. Lời nói ấy của Đức Chí-Tôn nói không sai, đoạt đặng cùng chăng là do nơi mình ngó ngay Đức Chí-Tôn thì biết./.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy
Lượt xem: 1375