Chúng ta rủ nhau dục-tấn trên con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống. Kỳ trước Bần-Đạo có hứa dìu-dẫn cả thảy con cái Đức Chí-Tôn vào Cực-Lạc Thế-Giái, hôm nay Bần-Đạo giữ lời hứa. Chúng ta rủ nhau đi từ nơi Cửu-Thiên Khai-Hóa, tinh-thần chúng ta quan-sát, nếu chúng ta đoạt-vị đặng thì sự đi, rủ nhau trên con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống, đi trong một kiếp sanh mà chúng ta đã đào tạo thì sự ấy vinh-hiển không thể nói. Ra đi về nơi Tiểu-Thiên-Cung tức là gia-tộc của chúng ta lập thành trong các kiếp sanh, ta đi từ Tiểu-Thiên-Cung chúng ta cho đến đại gia-tộc của chúng ta. Sự vinh-hiển không cùng tỏa là về đến nơi gọi là Cực-Lạc Thế-Giới.
Từ thử đến giờ Cực-Lạc Thế-Giới trong Phật-Giáo đã truyền bá tỏa hình-trạng đã nhiều cả thảy đều định, nếu mình tu theo Phật-Giáo, hễ đoạt vị đặng thì về Cực-Lạc Thế-Giới. Bần-Đạo nói Cực-Lạc Thế-Giới là cảnh của chúng ta tạm giải-thoát tức là cảnh của chúng ta định-nghiệp của chúng ta vậy, chớ chưa phải là cảnh tối cao tối thượng của các chơn linh.
Thỉnh-thoảng Bần-Đạo sẽ tỏa và sẽ dắt con cái của Đức Chí-Tôn đi đến đặc-điểm của mình rồi mới thấy Cực-Lạc Thế-Giái do các Đạo-Giáo truyền bá lại chỉ có giá trị thường thức, không mấy trọng-hệ, dịch ra Pháp-văn là: Nirvana, Quater-Naire, thì nó không có nghĩa gì hết, còn có địa-giới cao trọng quí báu hơn nữa. Ấy là nơi định-nghiệp, nơi định vị của chúng ta cũng dường như chúng ta định-nghiệp của mình nơi thế-gian, tức nhiên đại-nghiệp của mình đối với toàn-thể gia-nghiệp của quần chúng tức là đại chúng tạo trong kiếp sanh.
Cực-Lạc Thế-Giới hay Niết-Bàn không có lạ chi cả, chỉ là nơi cho các chơn-linh đoạt Đạo đến đây đặng nhập vào đại-nghiệp của họ nên Phật-Giáo coi là trọng-hệ, bởi không đoạt đặng tức là đại gia-nghiệp của mình tạo chưa thành. Trước khi đến đó chúng ta cũng nên hiểu sơ-lược cảnh Cực-Lạc Thế-Giới. Bần-Đạo căn dặn khi mình bước tới cửa Cực-Lạc Thế-Giới thấy các Tăng-Đồ ngồi ngoài mà tụng niệm, có kẻ gặp mình thì tỏ vẻ đau-đớn thương tâm, khổ não tâm hồn lung lắm. Những kẻ ấy sau Bần-Đạo sẽ nói rõ họ là người gì? Có một điều ta thấy họ đông đảo kẻ lại người qua, mà người gì thôi đủ thứ; có kẻ đầu cạo trọc, có kẻ râu dài thậm-thượt, lại cũng có kẻ tướng-tá dị hợm lắm. Nơi đó là ta mới tới ranh giới ngoại-môn Cực-Lạc Thế-Giới, cũng như về tới ngoại-ô Tòa-Thánh vậy, thỉnh-thoảng Bần-Đạo sẽ có dịp nói đến những người ấy.
Cực-Lạc Thế-Giới là gì? Các Chơn-Linh dục-tấn trên con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống họ tự-do định-vị, tự-do lập nghiệp trên cảnh Thiêng-Liêng, không có quyền nào trọng-hệ hơn, dầu lớn thế nào, định-vị cho họ, phải chăng vì là quyền tự-chủ, tự-do của họ. Hai cảnh ấy:
1- Cửu-Thiên Khai-Hóa: tức là tấn-hóa; một mé bên Ngọc-Hư-Cung, một mé bên Linh-Tiêu-Điện.
2- Hư-Vô Tịch-Diệt: tức là Niết-Bàn, Cực-Lạc Thế-Giới.
Hai cảnh ấy ta thấy tướng diện đương nhiên giờ phút này, mỗi cá-nhân đều chịu hai ảnh-hưởng ấy. Ví như thức thì khổ cực, ngủ thì sung-sướng. Vì cớ nhiều người ham ngủ hơn thức, ngủ đê-mê, bởi thức thì khổ cực.
1- Thức thuộc về quyền-lực Cửu-Thiên Khai-Hóa.
2- Ngủ thuộc về quyền-lực Cực-Lạc Thế-Giới.
Chỉ có sướng với khổ, sống là cực khổ, chết là sướng và hạnh-phúc, sống thuộc về quyền Cửu-Thiên Khai-Hóa, chết thuộc về quyền Cực-Lạc Thế-Giới.
Cầm Vạn-Pháp Chuyển-Luân tức là Pháp-Luân Thường-Chuyển trong Bí-Pháp dục-tấn của các Chơn-Linh trong Càn-Khôn Vũ-Trụ, toàn-thể thuộc quyền Cực-Lạc Thế-Giới, mà nơi Hư-Vô Tịch-Diệt, đoạt Bí-Pháp chơn-truyền cũng thuộc về Cực-Lạc, bên kia trị thế, bên nây định-vị, hai quyền hạn đều có tương liên.
Ấy vậy khi vô Cực-Lạc Thế-Giới rồi, ta thấy còn hạnh-phúc gấp mấy lần ta ở Diêu-Trì-Cung hưởng gần Bà Mẹ ta, bởi hưởng gần Mẹ sự vui sướng không phải của riêng của mình, nó là của chung trong đại-nghiệp của Đại-Từ-Mẫu chúng ta, ấy là đại-nghiệp chung.
Ví như, dầu mình về nơi ngôi nhà chung của Cha Mẹ mình tại thế này, dầu sang trọng hưởng được đặc ân của Cha Mẹ bao nhiêu sự vui hưởng cũng không bằng ta hưởng chính cái đại-nghiệp của chính tay chúng ta đào tạo.
Cái nghiệp của chúng ta tức là cái đặc tướng do chúng ta đào tạo mà vui hưởng nơi Cực-Lạc ấy là trọng-hệ hơn ta hưởng nơi của Cha Mẹ ta.
Sự vui hưởng nơi Ngọc-Hư-Cung không bằng vui hưởng nơi Cực-Lạc Thế-Giới, ta tạo nghiệp ấy, là Tiểu-Thiên-Địa của ta cũng như Đức Chí-Tôn tạo Đại-Thiên-Địa của Ngài. Trong Tiểu-Thiên-Địa của chúng ta cũng có Ma, cũng có Phật.
Tại khôn khéo của ta trong mấy kiếp sanh, vì thù hận chẳng vì yêu ái, vì oán cừu chẳng vì bác-ái. Hễ oán cừu thì tạo nghiệp Quỉ-Ma, còn bác-ái từ-bi thì tạo nghiệp Phật, cũng như oán cừu của Đức Chí-Tôn tạo nghiệp là Quỉ-Vương, bác-ái từ-bi của Ngài tạo nghiệp là Trời.
Chúng ta dầu có quyền-năng trong kiếp sanh đoạt Tiểu-Thiên-Địa mà sửa đổi những điều gì giục ta cừu hận, oán ghét thì ta tuyệt bỏ lần nó đi, mỗi kiếp sanh mua chuộc sự thương yêu đặng sống hưởng nơi Cực-Lạc Thế-Giới, một ngàn hai trăm năm, hay là hai ngàn bốn trăm năm, hay là ba ngàn sáu trăm năm, hay mười hai ngàn năm, hay hai mươi bốn ngàn năm, hay ba mươi sáu ngàn năm, theo thời gian hữu-giới của nó. Ta có phương-pháp mỗi kiếp sanh các chơn-linh trừ bớt thù hận đoạt quyền-lực thương yêu y như trên hình-tượng trước Đền-Thánh Đức Chí-Tôn để Tam-Thánh ký hòa-ước với Ngài đó vậy.
Nhờ khi mới khai Đạo, Bát-Nương đến để một bài Thánh-Giáo về thương yêu rất chí thiết, cả thảy rán hiểu thấu thêm Bí-Pháp bà Bát-Nương đã cầm cây viết mà biên cho mình, ấy là Bí-Pháp trọng-hệ, đến nỗi Đức Chí-Tôn đến ký hòa-ước buộc chúng ta chỉ có Luật Thương-Yêu mà thôi. Bởi do Luật Thương-Yêu mà Ngài cầm-quyền cả Càn-Khôn Vũ-Trụ trong tay, mà chúng ta đã định-nghiệp được cao trọng cũng do nơi quyền-lực của luật ấy. Nói thật trong kiếp sanh của chúng ta rủi có kẻ trong thân ta oán thù ta, kẻ ấy tức là Ma nghiệt ta không nên sợ, mà nếu ta khôn ngoan thì ta lấy tình yêu ái đối lại đặng cho họ diệt tận oán cừu đi, ấy là cơ-quan Bí-Pháp mà Bần-Đạo vừa hé màn bí-mật cho con cái của Đức Chí-Tôn nhìn thấy để tìm cơ-quan giải-thoát.
Cực-Lạc Thế-Giới là nơi ta về cùng Tiểu-Thiên-Cung của ta, nhứt là bên cảnh Phật của ta, còn bên Ma cảnh ta đè nó xuống. Nơi ấy là nơi Cung chúng ta định-pháp. Trong Đạo-Giáo có nói là nói chỉ ngồi tự nhiên bất động, chủ định tinh-thần mà có quyền-lực của tinh-thần là linh-quang chiếu-diệu, không cảnh nào trong Càn-Khôn mà không thấu đáo, chỉ ngồi một chỗ mà dời non lấp bể, đảo hải di sơn, bất kỳ quyền-lực nào đều nên hình tại Cực-Lạc, bởi chúng ta đào tạo mỗi kiếp sanh đoạt thành chơn-pháp, nắm vững trong tay chơn-pháp, lấy hữu-hình mà đào tạo Bí-Pháp vô biên, nó có quyền năng vô tận. Có thể Đức Chí-Tôn ban đặc-ân cho ta chưởng-quản một thế-giới có vài ba chục trái địa-cầu, đặng ta làm Tổng-Trấn nó, ta chỉ thấy tại nơi Cực-Lạc Thế-Giới mà vận hành sanh-hóa trong khuôn-luật không cần đi đến đâu hết. Quyền-năng vô tận ấy chính ta cũng không hiểu, mà chính nó tấn triển mãi cho đến ngày giờ nó đủ quyền đoạt chơn pháp, đủ quyền tạo Càn-Khôn đặc-biệt cho nó như Đức Chí-Tôn tạo Càn-Khôn của Ngài, ngày giờ đó nó đi đến mức cuối cùng của nó./.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy
|